Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 28/11/2012

Điểm báo ngày 28/11/2012

Cúm virus Corona gây suy thận
Tổ chức Y tế thế giới vừa thông báo vừa phát hiện thêm 4 trường hợp nhiễm virus Corona (COV – hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính có suy thận), trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Như vậy tới nay, tổng số người mắc bệnh này đã bị nâng lên 6 người.
Theo Giáo sư – tiến sĩ Lê Đăng Hà (nguyên Viện trưởng Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư) – người có công lớn trong việc ngăn chặn dịch SARS tại Việt Nam cho biết, COV đường hô hấp ở người gây nên bệnh cảm lạnh. Hầu hết COV đường hô hấp có các kháng nguyên khác nhau. Khi làm lây nhiễm cho người đều có các triệu chứng giống nhau. Những triệu chứng chủ yếu do COV đường hô hấp ở người gây bệnh cảm lạnh gồm: Sổ mũi, nhức đầu, mệt mỏi, sốt, rét run, đau họng và ho. Bệnh kéo dài trung bình từ 3- 7 ngày, một số người bệnh không sốt.
Tuy nhiên, virus gây dịch SARS năm 2003 là COV biến chủng. SARS gây viêm phổi cấp tính, tỷ lệ tử vong cao. SARS đã làm khoảng 8.000 người mắc và cướp đi mạng sống của gần 800 người khắp thế giới. SARS cũng gây lây lan rất nhanh chủ yếu qua đường hô hấp nên dịch đặc biệt nguy hiểm.
Chính vì thế, theo Giáo sư Hà, khi COV đã có biến chủng mới với các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp dẫn đến suy thận thì vô cùng nguy hiểm, cần phải cảnh giác. “Suy thận sẽ dẫn đến tử vong rất nhanh, vì thế người bệnh cần phải được cấp cứu kịp thời và điều trị đúng bệnh” – Giáo sư Hà cho biết. Đồng thời cần phải cảnh giác cao với việc lây truyền của bệnh cúm mới này.
Trước thông tin về bệnh cúm mới, Cục Y tế dự phòng đã có thông cáo chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới; giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng. Đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, phòng ngừa các bệnh cúm mùa đông, khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng thì phải đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo Giáo sư Lê Đăng Hà, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ thất thường, vệ sinh ăn uống không tốt, khí hậu ô nhiễm, điều kiện sống còn thấp, lười luyện tập sức khỏe, ít đầu tư vào y tế dự phòng chính là những nguy cơ khiến người Việt Nam ngày càng dễ nhiễm các bệnh nhiệt đới hơn.
“Ký sinh trùng, các virus, vi khuẩn sinh sôi trong các điều kiện thời tiết nóng ẩm, môi trường ô nhiễm, người dân lại có các thói quen ăn uống mất vệ sinh, ăn tiết canh, ăn sống, ăn thức ăn đường phố… chính là nguồn lây bệnh của vi khuẩn đường ruột, bệnh liên cầu lợn, cúm H1N1 hay H5N1, giun, sán…”- ông Hà cho biết.
Đây cũng là những lý do khiến cho các virus biến đổi thành các chủng mới, nguy hiểm hơn và xuất hiện các “bệnh lạ” mà y tế chưa thể tìm ra căn nguyên gây bệnh. (Nông thôn Ngày nay  28/11 (trang 14))
Gần 9 triệu người Việt bị rối loạn tâm trí
Số người bị tâm thần và rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam chiếm 10% dân số (khoảng 9 triệu người). Tỷ lệ này ở nước ta cũng ngang bằng với các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Số liệu trên do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cung cấp và được thông tin tại Hội triển khai đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020. Hội nghị do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEP) và Tổ chức Atlantic phối hợp tổ chức, vừa khai mạc tại Đà Nẵng sáng 27/11.
Trong số gần 9 triệu người dân ở nước ta bị rối loạn tâm trí nói trên, có 200 nghìn người bị tâm thần phân liệt và hơn 2,4 triệu người mắc các chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng; còn lại là những người mắc các chứng rối loạn thường gây hậu quả về sức khỏe tâm thần như chứng động kinh, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy…
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhìn nhận: Cho đến nay, chăm sóc sức khỏe tâm thần ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc. Ước tính trong gần 9 triệu người cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần, số người tâm thần nặng, có hành vi nguy hiểm cho gia đình (đập phá tài sản, đánh người, gây án mạng, đi lang thang gây rối, mất trật tự an toàn xã hội) vào khoảng 200.000 người. Số người bị rối nhiễu tâm trí cũng có xu hướng gia tăng.
Hiện nay ở nước ta chưa có cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí; các cơ sở bảo trợ xã hội làm nhiệm vụ trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho người tâm thần rất ít, chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần của cộng đồng.
Quy trình chăm sóc và phục hồi chức năng của các cơ sở xã hội chưa luân phiên, gần như nuôi dưỡng người tâm thần là chính; kỹ năng và phương pháp chăm sóc chưa khoa học; phần lớn các cơ sở bị xuống cấp về cơ sở vật chất, thiếu các trang thiết bị phục hồi chức năng. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ nhân viên công tác xã hội làm việc tại cộng đồng và trong các cơ sở chăm sóc người tâm thần còn hạn chế.
Do đó, cần đổi mới lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần theo hướng phát triển các dịch vụ xã hội, trợ giúp xã hội kết hợp với điều trị y tế để phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng. Đây cũng là tiền đề cho Đề án của Chính phủ về việc trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020.
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ Lao động- Thương binh và xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục- đào tạo các Bộ, ngành liên quan cùng các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần trong nước và quốc tế đã có nhiều ý kiến đóng góp cho Đề án.
Theo ông Jesper Moller, Phó trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu mới nhất và chưa đầy đủ thì có tới gần 12 triệu người Việt Nam cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần. Và theo kết quả của một số nghiên cứu thì ngày càng nhiều trẻ em ở Việt Nam cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần; nguyên nhân do căng thẳng và bị áp lực trong học tập dẫn tới trầm cảm. Một nhóm đối tượng khác cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần là những phụ nữ bị rối loạn tâm thần trong giai đoạn mang thai…
Để phục vụ tốt hơn cho cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng cần được lồng ghép trong 2 lĩnh vực chủ chốt là y tế và trợ giúp xã hội. Cần tăng cường hợp tác giữa 2 ngành này và các ngành liên quan để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam.
Hội nghị tiếp diễn dự kiến đến hết ngày 28/11. (Gia đình & Xã hội, Nông thôn Ngày nay  28/11 (trang 14))
Giảm tỷ lệ tự chi trả của người bệnh
Tại Hội nghị Tài chính y tế hướng đến chăm sóc sức khỏe toàn dân tổ chức hôm qua tại Hà Nội, ông Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho rằng: “Cơ chế” tự chủ tài chính, xã hội hóa y tế với việc ra đời các khoa khám bệnh theo yêu cầu, khám “dịch vụ”, “tự nguyện” giúp người bệnh có khả năng tiếp cận được với các dịch vụ tốt hơn, được lựa chọn bác sĩ, tránh phiền hà.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn: “Dịch vụ tự nguyện thực chất là dịch vụ tư nhân trong bệnh viện (BV) công. Do vậy, khu vực này trở thành sân sau của chính các  BV công, dẫn đến các tiêu cực: sử dụng cơ sở vật chất và nhân lực công cho các hoạt động tư. Khi các nguồn lực bị hút vào cung cấp dịch vụ theo yêu cầu cho người thu nhập khá giá dịch vụ sẽ bị đẩy lên cao kéo theo nguồn lực y tế giỏi cũng sẽ bị “hút” vào các dịch vụ này, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chăm sóc chung cho đại đa số người dân khả năng chi trả thấp ngay trong môi trường y tế công”.
GS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học VN cho biết, xã hội hóa với cơ chế tài chính hiện nay, chi trả cho dịch vụ y tế từ tiền túi của người dân vẫn chiếm đến 49%. Mức này cần giảm còn 20-30% là hợp lý.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tại VN, chi phí một ngày điều trị nội trú ngoại khoa ở mức cao, khoảng 101,72 USD. Một ngày điều  trị nội khoa là 20,08 USD. “Ước tính sau một đợt điều trị nội trú, ngoại khoa ở tuyến T.Ư hoặc tuyến tỉnh ngay lập tức sẽ đẩy hộ gia đình cận nghèo xuống bẫy thảm họa”, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh khuyến cáo.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: đổi mới cơ chế tài chính, BV thực hiện tự chủ toàn phần hoặc một phần. Tuy nhiên, cần có cơ chế hợp lý để giảm tỷ lệ tự chi trả từ tiền túi của người bệnh, mà giải pháp tốt nhất là bảo hiểm y tế toàn dân. (Thanh niên  28/11 (trang 5))
Điều trị các bệnh lý về máu ở ĐBSCL
Từ ngày 3-12-2012, Bệnh viện Huyết học – truyền máu Cần Thơ sẽ chính thức tiếp nhận khám, cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân có bệnh lý về máu tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, giám đốc bệnh viện – BS Nguyễn Ngọc Huỳnh – cho biết ngày 27-11.
Theo BS Huỳnh, hiện trong ngân hàng máu bệnh viện còn dự trữ hơn 1.000 đơn vị máu, riêng nhóm máu O đang thiếu trầm trọng (chỉ còn 286 đơn vị trong khi cần dự trữ tối thiểu 500 đơn vị). Bệnh viện đã báo động cho các bệnh viện chỉ ưu tiên sử dụng máu O cho bệnh nhân cấp cứu, và không chỉ định dùng máu O thay thế các nhóm máu khác. (Tuổi trẻ  28/11 (trang 12))
Nối thành công 4 ngón chân bị đứt lìa vì tấm chắn bô xe máy
Ngày 27-11, Bệnh viện Việt Đức cho biết đã nối thành công bàn chân bị đứt lìa của bệnh nhi N.T.N (4 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội). Trước đó bé N. được mẹ chở bằng xe máy đến trường, không may chân trái của bé va vào tấm chắn bô bằng inox của xe máy đi bên cạnh khiến 4 ngón chân bị cứa gần như đứt lìa hoàn toàn.
Đây được đánh giá là một ca nối chi phức tạp bởi lẽ bệnh nhân nhỏ tuổi nên các mạch máu vô cùng bé, chỉ bằng 1/5 so với người lớn. Ca ghép nối đã thành công sau 9 tiếng phẫu thuật liên tục. Hiện nay chân bé đã có biểu hiện hồng ấm, có dấu hiệu sống, khả năng phục hồi hoàn toàn. (Nông thôn Ngày nay, Tiền phong 28/11 (trang 2))
Người dân trả 52% tổng chi tiêu y tế
Ngày 27-11 tại hội nghị khoa học “Tài chính y tế hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân”, do Bộ Y tế tổ chức, TS Nguyễn Lê Tuấn- Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính – cho biết, độ bao phủ của bảo hiểm y tế (BHYT) tại Việt Nam đạt 63% dân số nhưng mức chi trả trực tiếp từ tiền túi người dân hiện nay quá cao, chiếm tới 52% tổng chi tiêu y tế.
Một khảo sát được thực hiện tại 33 quốc gia có mức thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam, cho thấy tỷ trọng chi phí từ tiền túi người dân Việt Nam là quá cao.
TS Nguyễn Hoàng Long, Phó Vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính cho hay, việc bảo vệ tài chính đối với đối tượng được BHYT còn rất thấp. Nguyên nhân là do mức đóng BHYT hiện nay còn thấp và các bệnh viện lạm dụng các xét nghiệm, khiến mức chi trả từ tiền túi người dân cũng tăng theo. Bộ Y tế cũng thừa nhận, việc cung cấp dịch vụ y tế tại Việt Nam theo kiểu bệnh viện có gì thì người dân chấp nhận cái đó, chưa có sự yêu cầu dịch vụ từ phía người dân. ( Tiền phong  28/11 (trang 2))
Mỗi trường học có ít nhất một cán bộ y tế
Đây là một trong những mục tiêu cụ thể trong Chương trình phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế nhằm bảo vệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe HS, SV trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2012-2020.
Chương trình tập trung triển khai 5 nội dung cơ bản, gồm kiện toàn cơ chế, chính sách về công tác y tế trường học (YTTH); nâng cao nhận thức của HS, SV trong việc tham gia BHYT; tăng cường các giải pháp hữu hiệu để chăm sóc tốt sức khỏe cho HS, SV; củng cố đội ngũ cán bộ YTTH; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác YTTH.
Chương trình đặt mục tiêu từ nay đến năm 2015 phấn đấu có trên 90% HS, SV tham gia BHYT bắt buộc; 70% các trường mầm non, phổ thông và 85% các trường ĐH, CĐ, TCCN tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho HS, SV; 100% các trường tại các TP lớn khống chế tỷ lệ thừa cân, béo phì của HS dưới 10%…(Hà Nội mới  28/11 (trang 5))
Mỗi ngày có thêm 30 người nhiễm HIV
Ngày 26/11, tại Đà Nẵng, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mãi dâm tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” giai đoạn 2008 – 2012 và triển khai chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030… (chi tiết trang 2, báo Sức khỏe & Đời sống). (Gia đình & Xã hội 28/11 (trang 2))
Các tổ chức quốc tế cam kết cùng Việt Nam phòng, chống HIV/AIDS
Tại Đà Nẵng, nhóm đại sứ và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế điều phối chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam cam kết sẵn sàng hỗ trợ kỹ̃ thuật, trao đổi chính sách về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. 
Chiều 26-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã có buổi tiếp nhóm đại sứ và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế điều phối chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.  Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam luôn dành nhiều thời gian và nguồn lực cho việc phòng chống HIV/AIDS, mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ kỹ thuật, phương tiện, nguồn lực để có thể ngăn chặn đại dịch này.

Ông Tony E.Lisle, Giám đốc Quốc gia của Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là điểm sáng trong các quốc gia khu vực trong việc phòng chống HIV/AIDS. Việt Nam đã tập trung nỗ lực làm giảm tác hại do chính các hành vi nguy cơ cao của nhóm đối tượng ma túy, mại dâm gây ra như hỗ trợ kim tiêm sạch cho người nghiện ma túy; hỗ trợ các biện pháp phòng chống lây nhiễm cũng như khám sức khỏe định kỳ cho nhóm đối tượng mại dâm, đồng tính; tổ chức thành công các trung tâm cai nghiện tự nguyện bằng Methadone. Các chính sách của Việt Nam đã tạo nên một môi trường an toàn đối với các nhóm đối tượng, đặc biệt có nguy cơ lây nhiễm cao để họ chủ động phòng bị lây nhiễm. (An ninh Thủ đô 28/11 (trang 2))

Gửi thảo luận