Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 27/11/2012

Điểm báo ngày 27/11/2012

Thủ tướng chỉ thị triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước

Ngày 26-11, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân. Chỉ thị nêu rõ, thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân (Phong trào) là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, mỗi đơn vị, mỗi người dân. Phong trào cần được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của mọi người dân nhất là trên địa bàn xã, phường, thị trấn, quận, huyện. Việc triển khai Phong trào là hoạt động thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Phong trào trên toàn địa phương.

Trước đó, hưởng ứng lời kêu gọi "Vệ sinh yêu nước" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-6-2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 730/QĐ-TTg về việc lấy ngày 2-7 hằng năm là Ngày vệ sinh yêu nước. Ngày 1-7-2012, Chủ tịch nước đã chính thức phát động Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân trên phạm vi cả nước. (Hà Nội mới 27/11- trang 1, Tiền phong 27/11- trang 2, Lao động 27/11- trang 1)

Nhân rộng các sáng kiến, mô hình tiêu biểu để ngăn chặn đại dịch  HIV/AIDS

Ngày 26-11, tại TP Ðà Nẵng, Ủy ban Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm tổ chức Hội nghị Tổng kết năm năm phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư giai đoạn 2008-2012; triển khai Chiến lược quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và ký kết chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư giai đoạn 2012-2020. 

Ðồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm dự và chủ trì hội nghị. Dự hội nghị, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế; Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội; Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng, cùng đại diện 63 tỉnh, thành phố, các bộ, ban, ngành và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

 Theo báo cáo, sau gần năm năm, phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư được triển khai đến từng xã, phường, khu dân cư với nhiều cách làm thiết thực. Ðến tháng 6-2012, cả nước có gần 70% số huyện, thị xã với 5.023 xã, phường triển khai phong trào (đạt 48%). Tại các địa phương đã thành lập 17.386 nhóm nòng cốt với gần 100 nghìn thành viên. Các nhóm này đã nắm được thực trạng tình hình trên địa bàn dân cư, huy động thành công nhiều người dân tham gia vào phong trào.

 Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong việc thực hiện phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư. Phó Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao 58 tỉnh, thành phố trong cả nước làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời phê bình, nhắc nhở ba địa phương chưa thật sự làm tốt là Hậu Giang, Bến Tre, Thái Nguyên.

 Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cần nhân rộng các sáng kiến, mô hình tiêu biểu để ngăn chặn đại dịch  HIV/AIDS; huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân vào việc phòng, chống là điều kiện tiên quyết tạo nên sự thành công của công tác phòng, chống HIV/AIDS.

 Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng cảm ơn các tổ chức quốc tế đã giúp đỡ, tài trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS.

 Tại Hội nghị, đại diện Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các Bộ: Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng ký kết Chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư giai đoạn 2012-2020. Cũng trong Hội nghị, đã có 69 tổ chức, cá nhân, tập thể tiêu biểu được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Bộ Y tế về việc thực hiện tốt phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư.

Chiều cùng ngày, tại TP Ðà Nẵng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc họp với Nhóm đại sứ và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế điều phối chương trình phòng, chống HIV/AIDS để tiếp tục tìm ra những giải pháp thích hợp nhằm thực hiện đạt mục tiêu chương trình tại Việt Nam. Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua, nhất là dịch HIV/AIDS từng bước được ngăn chặn và có xu hướng giảm, nhưng chưa bền vững, nguy cơ bùng phát cao. Tuy nhiên, việc giảm nhanh các nguồn hỗ trợ quốc tế ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Vì vậy, Phó Thủ tướng kêu gọi các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác này, đồng thời giúp Việt Nam kết nối với các quốc gia ASEAN trong phòng, chống HIV/AIDS.

 Tại cuộc họp này, Nhóm đại sứ và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế điều phối chương trình phòng, chống HIV/AIDS cam kết sẽ tiếp tục giúp Việt Nam trong mục tiêu đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS. Ðồng thời kiến nghị, Việt Nam thực hiện các biện pháp để sớm hoàn thành mục tiêu, như đã cam kết với thế giới về các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. (Nhân dân 27/11- trang 1+3, Tiền phong 27/11- trang 3, trang 6)

Cứu sống ca vỡ động mạch hiếm gặp

Ngày 27-11, bệnh nhân Đồng Đức Lợi (Quảng Trạch, Quảng Bình) đã bình phục và được Bệnh viện trung ương Huế cho xuất viện sau một cuộc mổ kéo dài suốt năm giờ.

Bệnh nhân Đồng Đức Lợi cho biết nửa đầu tháng 10, ông nhập viện ở Quảng Bình do cơn đau ở vùng hố chậu phải. Với chẩn đoán bị dính ruột, bệnh viện này chữa trị theo hướng tắc ruột, rồi cho xuất viện sau một tuần chữa trị. Ông Lợi vẫn còn đau lâm râm ở vùng hông phải và hố chậu phải nên đã tự vào khoa ngoại cấp cứu bụng Bệnh viện trung ương Huế. Tại đây bệnh nhân được hội chẩn và chuyển về khoa ngoại lồng ngực – tim mạch. Các bác sĩ chẩn đoán phình động mạch chủ chậu và được lên kế hoạch mổ ngày 1-11.

Nhưng tối 30-10, bệnh nhân bị rơi vào tình trạng sốc mất máu, mất ý thức. Các bác sĩ trực quyết định mổ tối cấp cứu ngay lập tức với chẩn đoán phình động mạch chủ – chậu vỡ. Trước cuộc mổ, các phẫu thuật viên đánh giá nguy cơ tử vong rất cao, nhưng vẫn quyết tâm cứu người dù tỉ lệ thành công là mong manh.

Cuộc mổ được tiến hành khẩn trương tính theo từng phút. Ở ca này, khối phình động mạch chủ chậu vỡ vào ruột non. Các bác sĩ phải thực hiện cắt đoạn hồi tràng, lấy sạch huyết khối trong ruột, tái lập lưu thông tiêu hóa. Các phẫu thuật viên tim mạch cắt đoạn động mạch chủ chậu phình vỡ rồi ghép prothèse (mạch máu nhân tạo) động mạch chủ đùi…

Bác sĩ Trần Thúc Khang – người chỉ huy phần tim mạch – giải thích ca mổ không khó về mặt kỹ thuật, ở trường hợp này vấn đề chính là tính tối cấp cứu của bệnh, bệnh tập hợp đầy đủ các yếu tố nguy cơ tử vong cao. Kể cả sau mổ tỉ lệ tử vong cũng lên đến 50% do nhiều biến chứng. Trường hợp phình động mạch chủ chậu vỡ vào đường tiêu hóa như của bệnh nhân Đồng Đức Lợi rất hiếm gặp. Theo bác sĩ Khang, trong 15 năm công tác ở Bệnh viện trung ương Huế cùng hai năm tu nghiệp ở Pháp, ông chưa hề gặp trường hợp tương tự. Y văn thế giới cũng chỉ ghi nhận từng trường hợp riêng lẻ chứ không có con số thống kê cụ thể. (Tuổi trẻ 27/11- trang 12)

Áp dụng thành công phẫu thuật không kháng sinh

Viện Tim mạch Quốc gia vừa chính thức ra mắt đơn vị “Phẫu thuật không kháng sinh” ở Khoa C8 của Viện. 

Theo ông Dương Đức Hùng – Trưởng khoa C8, hoạt động này được bắt đầu triển khai tại khoa từ tháng 4-2012 đến nay, đã áp dụng thành công với trên 95% bệnh nhân vào khoa điều trị, không có nhiễm trùng kèm theo. Để thực hiện được mô hình này phải đảm bảo được vệ sinh khoa phòng, giày dép, quần áo, nước và không khí trong buồng bệnh. Mỗi bệnh nhân chỉ phải dùng 3g kháng sinh dự phòng, không phải sử dụng kháng sinh sau phẫu thuật mà kết quả phẫu thuật vẫn đạt tốt. Nhờ đó, chi phí cho kháng sinh giảm mạnh, trong khi với phương pháp thông thường chi phí có thể lên đến 1-4 triệu đồng/ngày. (An ninh Thủ đô 27/11- trang 2)

Thu hẹp khoảng cách tiếp cận dịch vụ y tế giữa các vùng, miền

Ngày 26-11 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc gia đánh giá thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về y tế và đáp ứng của Việt Nam đối với chiến lược toàn cầu về sức khỏe phụ nữ và trẻ em. Sau hơn mười năm thực hiện, Việt Nam đã đạt được một số kết quả như: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới năm tuổi thể nhẹ cân là 16,8%; giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới một tuổi xuống còn 23,3 phần nghìn; giảm tỷ suất tử vong mẹ xuống còn 68/100 nghìn ca đẻ sống… Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều sự khác biệt giữa các vùng, miền, nhóm dân tộc thiểu số như tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tỷ suất chết mẹ…, còn cao so với bình quân chung của cả nước.

 Ðể tiếp tục thực hiện và đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015, các chuyên gia khuyến cáo cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách; tăng cường sự phối hợp liên ngành; phát huy vai trò của các cấp chính quyền; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế…, nhất là chú trọng đến việc thu hẹp khoảng cách tiếp cận các dịch vụ y tế giữa các vùng, miền. (Nhân dân 27/11- trang 5)

Mục tiêu thiên niên kỷ về y tế sẽ tập trung vào nhóm người nghèo

Ngày 26-11, Bộ Y tế và Liên hợp quốc tại Việt Nam đã tổ chức hội nghị quốc gia: "Đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MTPTTNK) liên quan đến y tế và đáp ứng của Việt Nam đối với chiến lược toàn cầu sức khỏe phụ nữ và trẻ em". Trong 8 MTPTTNK mà Việt Nam cùng 188 quốc gia thành viên LHQ khác nhất trí phấn đấu đạt được vào năm 2015, có 5 mục tiêu liên quan đến y tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, vẫn còn nhiều khác biệt và không cân bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế giữa các vùng, miền và các nhóm dân số. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi vẫn chiếm tỷ lệ cao: 32%. Tỷ suất chết mẹ ở 62 huyện nghèo nhất của cả nước cao gấp 5 lần tỷ suất trung bình của cả nước. Tỷ suất chết trẻ em ở một số tỉnh cao gấp 5-6 lần so với một số tỉnh, thành phát triển… Các giải pháp được đưa ra tại hội nghị nhấn mạnh tới việc tập trung vào người nghèo, người dân tộc thiểu số và các nhóm dân số dễ tổn thương khác; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế cộng đồng để có thể cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản, phát triển hệ thống bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người. (Hà Nội mới 27/11- trang 5)

Phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học

Dự án “Tổ chức và phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học (CĐHH)” được triển khai tại 3 tỉnh Đồng Nai, Quảng Ngãi và Thái Bình từ năm 2008. Đến nay, dự án đã xây dựng được đội ngũ tình nguyện viên gần 650 người, tự nguyện chăm sóc, giúp đỡ hơn 7.000 nạn nhân CĐHH. Nhiều nạn nhân bi quan, chán nản, thậm chí không muốn sống đã lấy lại được niềm tin vào cuộc sống… (Hà Nội mới 27/11 (trang 6)

Theo dõi diễn biến sức khỏe ca “bệnh lạ”

Ngày 26.11, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết về trường hợp cháu Phạm Văn Xí (4 tuổi, ở xã Ba Vinh, H.Ba Tơ, Quảng Ngãi) nghi mắc “bệnh lạ” (hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân) cho biết, bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).

Các xét nghiệm ban đầu cho thấy, bệnh nhi có chỉ số men gan tăng cao nhưng chưa đủ các yếu tố khẳng định mắc hội chứng viêm da dày sừng.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nếu trước đây số ca mắc “bệnh lạ” xuất hiện rải rác từ trong khoảng tháng 8, 9 thì từ tháng 6.2012 đến nay tại Quảng Ngãi không ghi nhận thêm trường hợp mới. Cục Y tế dự phòng cho biết, các chuyên gia vẫn duy trì nghiên cứu các nguyên nhân gây hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân, tiếp tục có các biện pháp can thiệp tổng thể đánh giá sức khỏe người dân trong vùng xảy ra “bệnh lạ”. (Thanh niên 27/11- trang 2), Nông thôn ngày nay 27/11- trang 14)

Xuất hiện vi khuẩn siêu kháng thuốc

Ngày 26-11, bác sĩ Hà Anh Tuấn – trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ – cho biết qua một số khảo sát tại bệnh viện cho thấy có thể đã xuất hiện vi khuẩn siêu kháng thuốc New Delhi metallo-beta- lactamase (NDM 1) mà thế giới cảnh báo là bất trị tại Cần Thơ.

Dựa trên kết quả điều trị 157 bệnh nhi bị tiêu chảy, bệnh viện đã cảnh báo việc xuất hiện vi khuẩn đa kháng thuốc trong điều trị tiêu chảy. Qua đó phát hiện tỉ lệ kháng thuốc rất cao đối với một số loại kháng sinh vốn được WHO khuyến khích dùng cho các trường hợp tiêu chảy, lỵ rất hiệu quả. Cụ thể như: Nalidixic acid bị kháng tới 85%, Cefotaxime và Ceftriaxone bị kháng 87,6-88,7% và Ampicilline bị kháng cao nhất đến 94,5%. Trong kiểu đa kháng kháng sinh có loại đã kháng đến tám loại kháng sinh.

Đối với bệnh lý viêm phổi, theo ghi nhận gần đây đã có nhiều ca viêm phổi ở trẻ nhỏ do phế cầu, kháng nhiều loại kháng sinh, viêm phổi dai dẳng và xẹp phổi phải thở máy liên tục. Lấy dịch trong phổi bệnh nhân thấy xuất hiện loại vi khuẩn Step.pneumoniae. Từ những phát hiện trong thực tế điều trị, cần phải có những nghiên cứu sâu hơn để khẳng định. (Tuổi trẻ 27/11- trang 2)

Phát hiện bé trai chỉ có 1 quả thận

Các bác sĩ BV Nhi đồng 2 TPHCM vừa phát hiện bệnh nhi Phạm Hoàng Việt, 8 tuổi, ngụ ở Bình Dương chỉ có một quả thận sau khi bé này nhập viện do tai nạn giao thông.

Cách đây 1 tuần, Việt đạp xe đi chơi thì bị xe máy tông vào người khiến vùng hông phải bị đau kèm tiểu ra máu. Sau đó bé được Nhập viện BV Nhi đồng 2, tại đây, các bác sĩ đã siêu âm bụng và chụp MSCT, kết quả cho thấy Việt chỉ có một quả thận trái.

Ngoài ra, quả thận này lại bị chấn thương do tai nạn nên nứt làm 3 mảnh. Sau một tuần điều trị hiện huyết động học của bệnh nhi này đã ổn định và đang được điều trị tích cực. (Tiền phong 27/11- trang 2)

Trộm tại bệnh viện

3h ngày 25-11, bà Nguyễn Thị Vân (ở Mỹ Đình 2, huyện Từ Liêm) đến trông con gái tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bị kẻ gian lợi dụng sơ hở lấy cắp 1 điện thoại di động. Sau khi nhận được đơn trình báo, CAP Ngọc Khánh tổ chức điều tra, bắt Đỗ Xuân Nguyên (SN 1987, ở Thanh Vân, Thanh Oai). Tang vật thu 1 điện thoại di động Iphone 4S, trị giá 12 triệu đồng. (An ninh Thủ đô 27/11- trang 2)

Phát hiện 1.000 ca nhiễm HIV mới/tháng

Đó là thông tin tại Hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư giai đoạn 2008-2012 và triển khai chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030” diễn ra tại Đà Nẵng ngày 26.11. Theo hội nghị, đến nay, cả nước có 204.000 người nhiễm HIV, trong đó có 58.500 người ở giai đoạn AIDS và 61.800 người tử vong do AIDS.

Dịp này, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng bằng khen cho 44 tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng. (Nông thôn ngày nay 27/11- trang 2)

Giật mình… thịt hổ khô trước cổng trường

Thời gian gần đây, tại các hàng quán bán quà vặt trước cổng một số trường học trên địa bàn Hà Nội rộ lên một thứ quà lạ có nhãn mác bắt mắt, được giới thiệu là "thịt hổ khô" giá chỉ khoảng 3.000 đồng/gói. Qua điều tra tìm hiểu, PV đã trực tiếp nhìn thấy gói thịt hổ khô này và kèm theo đó là tâm lý "hoang mang" của phụ huynh học sinh.

Thịt hổ bổ giá… bèo?

Thông tin đầu tiên mà PV có được liên quan đến gói "thịt hổ khô" này từ phản ánh của chị Nguyễn Kiều T. (Khu đô thị Xala, Hà Đông – Hà Nội). Chị T. cho biết, cách đây vài hôm, khi chuẩn bị sách vở cho con gái đang học lớp 4 tại một trường tiểu học trên địa bàn Hà Đông, thấy trong cặp cháu có một gói lạ.

Trên bao bì có in hình con hổ, nhãn mác đều ghi bằng chữ Trung Quốc, có logo (biểu tượng), nhãn ISO, IAP và một biểu tượng lồng chữ IQ… nhưng lại không đề ngày sản xuất và hạn sử dụng. Chị T. gặng hỏi con gái thì được biết, con gái chị cùng nhiều bạn trong lớp mua ở quán hàng rong trước cổng trường. Những người bán hàng này nói gói thịt khô hổ sẽ chống được buồn ngủ trong lớp, lại có sức khỏe!? Cùng với đó mỗi lần mua lại được thưởng một nhãn thẻ "chiến cơ siêu hạng" nên các cháu rất thích. Giá bán mỗi gói "thịt hổ khô" này là 3.000 đồng.

Nhận được thông tin đó, PV trực tiếp tìm đến nhà chị T. và được chị cho xem gói "thịt hổ khô" nói trên. Quan sát ban đầu thì gói "thịt hổ khô" được đóng trong túi nhựa kín, to bằng bàn tay. Màu sắc trang trí bắt mắt với biểu tượng nổi bật là hình con hổ. Ba chữ Trung Quốc in đậm trên bao bì tạm dịch là "Khô hổ thịt"… Bên trong mỗi túi có khoảng hơn chục miếng "dạng thịt" màu đỏ hồng, được thái lát nhỏ như miếng khoai tây chiên. Nhấm có vị cay cay, chua chua, ngọt ngọt, nhai thấy dai như bóng bì khô. Chị T. cho hay, sau khi phát hiện gói kẹo lạ này, chị đã cấm con không được mua nữa. Và cũng rất lo liệu loại thịt đó có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của con mình không?

Qua khảo sát của PV tại các cổng Trường Tiểu học Mai Dịch (Cầu Giấy – Hà Nội), Tiểu học Định Công (Hoàng Mai – Hà Nội), Tiểu học Thành Công (Đống Đa – Hà Nội), nhiều sạp hàng bày bán nhiều loại thịt khô như: thịt trâu khô, thịt bò khô, thịt đà điểu khô và tất nhiên có cả gói "thịt hổ khô". Tất cả đều mang nhãn mác Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt. Các sản phẩm này có cả dạng khô, dạng cô đặc, dạng nước. Em Trần Trọng Việt – học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Thành Công (Đống Đa – Hà Nội) cho biết, em và các bạn đều mua gói "thịt hổ khô" vì nó rẻ, ăn thấy dai dai, chua, cay, ngọt nên các bạn rất thích!

Sẽ cho kiểm tra thông tin và sản phẩm

Trước thông tin nói trên, PV đã trực tiếp liên hệ với một lãnh đạo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, được biết: Chi cục sẽ lập tức tiến hành kiểm tra thông tin trên. Đồng thời cũng khuyến cáo: người tiêu dùng nói chung và các bậc phu huynh nên thận trọng khi mua những sản phẩm không rõ xuất xứ, không có hạn dùng cho con em mình. Đặc biệt những mặt hàng bánh kẹo được bày bán rong, màu sắc lòe loẹt.

Khi hỏi một người bán hàng rong trước cổng Trường Tiểu học Định Công (Hoàng Mai) được biết, các "đại lý" vẫn mang hàng đến tận nơi giao với giá bán buôn nên chẳng biết nguồn gốc xuất xứ từ đâu! Theo một "đầu nậu" từng sản xuất thịt bò khô "giả" thì hoàn toàn có thể chế "thịt hổ khô" từ bột mì, thịt lợn, hàn the và hóa chất tạo hương liệu. Cụ thể, sau khi mua thịt lợn nạc, người ta sẽ phân loại thịt để làm thịt bò khô dạng sợi, hay "thịt hổ khô" dạng miếng theo độ lớn nhỏ và dày mỏng của miếng thịt. Công đoạn tiếp theo là ướp hàn the để thịt có độ tươi và săn. Cho nhiều hàn the thì thịt heo sẽ săn chắc gần như thịt bò. Rồi công nghệ làm màu, làm dai, tạo bột… được các chủ cơ sở trộn với hóa chất.

Như vậy có thể nói, việc trên thị trường xuất hiện loại "thịt hổ khô" không rõ nguồn gốc xuất xứ là có thật. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải sớm vào cuộc và tăng cường công tác thanh, kiểm tra để sớm loại những mặt hàng thực phẩm không đảm bảo chất lượng ra khỏi cộng đồng. (Sức khỏe & Đời sống 27/11- trang 3)

Gửi thảo luận