Đã đến lúc thay đổi thái độ đối với việc ăn uống của trẻ", chuyên gia dinh dưỡng Rebecca Byrne, từ Đại học Công nghệ Queensland, Australia, cho biết. Bà đang thực hiện một nghiên cứu kéo dài 5 năm về thói quen ăn uống của trẻ, và đã được nửa đường.
"Trẻ bụ bẫm thường được xem là khỏe mạnh. Nhưng ở tuổi chập chững biết đi mà bé vẫn bụ bẫm thì có khả năng sẽ lớn lên thành một đứa trẻ bụ bẫm, lớn nữa thành người trưởng thành thừa cân, đối mặt với những trục trặc sức khỏe do số cân nặng thừa ra này", bà nói.
Các phát hiện ban đầu của Byrne cho thấy nhiều bà mẹ không thể nhận ra con mình có cân nặng hợp lý hay không. Byrne và cộng sự đã yêu cầu 276 bà mẹ mô tả lại cân nặng của những đứa trẻ từ 12 đến 16 tháng tuổi.
Trong khi 32% số trẻ này thực sự đã thừa cân, thì chỉ 4% các bà mẹ cho rằng chúng quá nặng. Ngược lại, các bà mẹ cho rằng 27% trong số những đứa trẻ mảnh mai nhất là quá gầy, thì thực tế chỉ có một bé trong đó là thiếu cân thật sự.
Byrne cho rằng phản ứng của các bà mẹ có thể bắt nguồn từ nền văn hóa yêu thích trẻ con bụ bẫm của chúng ta.
"Các bà mẹ ngày càng sợ rằng con mình ăn không đủ và lên cân không đủ, vì thế họ ép chúng ăn nhiều hơn, sử dụng các kiểu dụ dỗ như bánh ngọt, quà cáp. Thay vì ép trẻ ăn hết mọi thứ trên đĩa, chúng ta cần khen ngợi con khi chúng thử ăn các món mới, và lắng nghe chúng khi chúng nói rằng đã thấy no. Bản năng cho chúng biết khi nào đã ăn đủ", chuyên gia nhấn mạnh.
Các nghiên cứu tới nay đều cho thấy việc thừa cân hoặc béo phì khi còn nhỏ sẽ dẫn đến những hệ quả ngược tồi tệ trong tương lai. Một nghiên cứu của Đại học Oxford chứng minh rằng trẻ thừa cân và béo phì ở tuổi lên 5 thì có các dấu hiệu cho thấy chúng có thể bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ về sau.