Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 20/11/2012

Điểm báo ngày 20/11/2012

Liên Bộ Y tế, Giáo dục & Đào tạo ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ, chăm sóc trẻ em
 
Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tổ chức lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT về bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục. Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, lễ ký kết thể hiện trách nhiệm của các bộ, ngành chức năng trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đồng thời đề nghị các bộ, ngành chức năng quán triệt đầy đủ lộ trình, bước đi, tiếp tục rà soát và hoàn thiện văn bản pháp luật tại cơ sở giáo dục đặc biệt là văn bản chỉ đạo cơ chế, cách thức phối hợp liên ngành…
Cùng ngày, liên Bộ GD&ĐT, Y tế, LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 84/2009/QĐ-TTg của Chính phủ về phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2012 và tầm nhìn đến năm 2020”. Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 14 tập thể và 13 cá nhân trong ngành giáo dục có thành tích trong việc thực hiện QĐ 84/2009/QĐ-TTg và trao tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho 20 cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT (Sức khỏe & Đời sống (trang 1) 20/11).
 
Giải thưởng KOVA được trao cho 2 đơn vị của ngành y tế
 
Ngày 18/11, Ủy ban Giải thưởng KOVA đã tổ chức lễ trao Giải thưởng KOVA lần thứ 10 cho tập thể, cá nhân, các nhà khoa học có những đề tài đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đất nước. Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao giải đặc biệt cho 3 tập thể, đó là Trường Đại học Y Hà Nội với đề tài “Đánh giá kết quả phẫu thuật tạo hình xương con bằng gốm sinh học được sản xuất tại Việt Nam”; Tập thể cán bộ dược sĩ khoa học Công ty Traphaco Lào Cai với đề tài “Nghiên cứu khôi phục và phát triển cây dược liệu atiso” nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng Tây Bắc và tập thể cán bộ giáo viên Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội.
Đây là những đề tài, công trình khoa học được ứng dụng nhiều trong thực tiễn, đem lại nhiều hiệu quả kinh tế, xã hội. Cũng trong buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã được hội nghị đề cử làm Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA thay bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó Chủ tịch nước (Sức khỏe & Đời sống (trang 1) 20/11).
 
Nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học y
 
Bộ Y tế và Trường ĐH Y Hà Nội vừa tổ chức lễ tổng kết 19 năm hợp tác về đào tạo y khoa giữa Việt Nam và Hà Lan. Theo PGS.TS. Lưu Ngọc Hoạt – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, sau 19 năm thực hiện dự án hợp tác Việt Nam – Hà Lan về đào tạo y khoa đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại 8 trường ĐH y trong cả nước. Với 3 giai đoạn thực hiện, đến nay, dự án đã giúp cho các đơn vị phát triển và hoàn thiện các gói đào tạo, góp phần quan trọng và bền vững cho việc nâng cao chất lượng đào tạo chính quy, đào tạo theo nhu cầu của xã hội.
Các trường đã cùng xây dựng sản phẩm chung là Cuốn sách Xanh về các kiến thức, thái độ kỹ năng cần thiết cho bác sĩ mới tốt nghiệp từ các trường ĐH y trong cả nước. Tài liệu này đã trở thành cơ sở cho các trường trong việc điều chỉnh và thống nhất khung chương trình chung và chương trình chi tiết một cách hợp lý nhất… (Sức khỏe & Đời sống (trang 1) 20/11).
 
Khánh thành Bệnh viện Nội tiết TƯ Cơ sở Tứ Hiệp
 
Sáng nay, 17/11, Bệnh viện Nội tiết TƯ đã tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 Cơ sở Tứ Hiệp và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đến dự và cắt băng khánh thành có đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư BCH TƯ Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, lãnh đạo TP. Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì…
Bệnh viện Nội tiết TƯ Cơ sở Tứ Hiệp có quy mô 400 giường bệnh với tổng mức đầu tư kinh phí dự kiến trên 362 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ của Nhà nước 30% và 70% do BV vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Các hạng mục chính gồm: tòa nhà khám bệnh 5 tầng, nhà điều trị bệnh nhân nội trú 9 tầng cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: việc tòa nhà khám nghiệp vụ 5 tầng được nghiệm thu đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo được các hoạt động chủ yếu của bệnh viện, góp phần giảm quá tải bệnh viện. Việc mở rộng và xây mới nhiều cơ sở bệnh viện là một trong những nhóm giải pháp nằm trong Đề án “giảm tải bệnh viện” của Bộ Y tế, trong đó cách thức chủ động về tài chính của bệnh viện Nội tiết trung ương có sự hỗ trợ từ Bộ Y tế được Bộ trưởng đánh giá rất cao. Cũng nhân dịp này, tập thể cán bộ y bác sĩ của bệnh viện đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (Sức khỏe & Đời sống (trang 1) 20/11).
 
Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế: “Hút” người dân bằng chất lượng dịch vụ
 
Dù đã 3 năm đi vào cuộc sống, với nhiều tính ưu việt trong chia sẻ khó khăn về kinh phí khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là những người bệnh nghèo, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn khá nhiều người dân chưa thực sự mặn mà với chính sách bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là ý kiến của ThS. Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế tại Hội nghị nâng cao năng lực thực hiện và xây dựng chính sách BHYT do Bộ Y tế tổ chức ngày 19 và 20/11, tại Hà Nội.
Những rào cản khiến BHYT chưa hấp dẫn người tham gia
Theo Vụ trưởng Tống Thị Song Hương, cả nước hiện đã có trên 57 triệu người dân tham gia BHYT, tăng hơn 4 triệu người so với năm 2011. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 35% dân số chưa có BHYT, trong khi đó việc mở rộng các đối tượng tham gia BHYT vẫn gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, trong nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT như: người lao động và người sử dụng lao động mới chỉ có hơn 58%, tương đương 9 triệu người có BHYT. Bên cạnh đó, số người tự nguyện tham gia BHYT còn thấp, đa số người tham gia BHYT là những người mắc bệnh mạn tính, bệnh phải chi phí điều trị cao…
 Vụ trưởng Tống Thị Song Hương cho biết, đến nay cả nước có hơn 2.453 cơ sở KCB ký hợp đồng KCB cho người có thẻ BHYT. Tuy nhiên, người bệnh hiện vẫn phải chịu cảnh quá tải, chờ đợi lâu ở nhiều bệnh viện tuyến trên. Chất lượng thuốc chữa bệnh, dịch vụ kỹ thuật y tế còn nhiều hạn chế, nhất là ở các tuyến y tế cơ sở và vùng sâu, vùng xa… Việc đấu thầu thuốc, xây dựng danh mục thuốc ở các cơ sở KCB, rồi việc giám định chi phí KCB BHYT… vẫn còn nhiều bất cập. Đây chính là những “rào cản” trong lộ trình thực hiện chính sách BHYT toàn dân ở Việt Nam. Vậy vấn đề đặt ra cho cơ quan chức năng trong việc làm thế nào để chính sách BHYT ngày càng tạo sức hút đối với người dân, để khuyến khích họ tham gia BHYT ngày một nhiều nhằm đạt được lộ trình BHYT toàn dân như đã đề ra?
3 định hướng để đảm bảo lộ trình thực hiện BHYT toàn dân
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay, có ba định hướng để đạt được lộ trình BHYT toàn dân, đồng thời, tăng tỷ lệ bảo vệ người dân. Mục tiêu mà Bộ Y tế đưa ra là đến năm 2015 đạt được ít nhất 75% và năm 2020 đạt được tỷ lệ 80% người dân tham gia BHYT.
Để làm điều này, trước tiên phải tăng chất lượng gói dịch vụ BHYT để người dân được thụ hưởng nhiều dịch vụ, khi bị bệnh bớt phải bỏ thêm tiền túi chi trả viện phí, thuốc men, dịch vụ. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ y tế phải cải thiện nhiều hơn để người dân nhiều nơi kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh vẫn được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng rất thẳng thắn cho rằng, chính ngành y tế cũng cần đổi mới để giảm bớt thủ tục phiền toái cho người bệnh. Đặc biệt, đảm bảo cho người dân có đầy đủ quyền lợi về các dịch vụ y tế mà bảo hiểm chi trả để họ không phải tự đi tìm các dịch vụ ngoài phần bảo hiểm của mình. Để làm được điều này, về phía các bệnh viện, sẽ chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ từ đón tiếp, thủ tục đến khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh khi đến KCB bằng BHYT…   (Sức khỏe & Đời sống (trang 1), Tiền phong (trang 4) 20/11).
 
Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân có sỏi lớn hiếm gặp
 
Ngày 18/11, thông tin từ BV quận Bình Tân, TP.HCM cho biết, BV vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân 82 tuổi có sỏi lớn ở bàng quang rất hiếm gặp. Trước đó, ngày 12/11, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt… Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có sỏi bàng quang lớn với tình trạng bị suy thận, suy tim. Nếu không phẫu thuật sớm thì tình trạng nhiễm trùng và suy thận sẽ ngày càng trầm trọng, nguy hiểm đến tính mạng. Ngày 16/11, với sự hỗ trợ của bác sĩ BV Bình Dân, êkip mổ của BV quận Bình Tân đã phẫu thuật lấy sỏi cho bệnh nhân này. Viên sỏi được lấy có kích thước 10 x 9,8 x 10cm và nặng 0,8kg. Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định và dần hồi phục (Sức khỏe & Đời sống (trang 1) 20/11).
 
Cứu chữa bệnh nhân bị tắc ruột do ăn hồng ngâm
 
BS. Lê Xuân Thắng, Khoa Nội tiêu hóa, BV 103 cho biết, BV vừa cứu chữa cho một bệnh nhân 58 tuổi, ở Lào Cai, nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn và nôn nhiều ra dịch dạ dày. Kết quả chiếu chụp phát hiện bị khối dị vật gây tắc lòng hỗng tràng mà nguyên nhân chính từ quả hồng ngâm. Trước đó, bệnh nhân được điều trị ở một cơ sở y tế khác với chẩn đoán viêm miệng nối dạ dày nhưng không giải quyết được.
Tại BV 103, sau 2 ngày dùng các thuốc kháng sinh, giảm tiết, chống nôn và nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, bệnh nhân được chụp Xquang và CT ổ bụng 64 lớp. Kết quả trên phim chụp CT cho thấy có hình ảnh khối dị vật gây tắc lòng hỗng tràng. Bệnh nhân được chuyển Khoa Ngoại mổ cấp cứu và lấy ra bã thức ăn to bằng nắm tay nằm trong lòng hỗng tràng là bã hồng ngâm. Sau mổ 1 tuần, bệnh nhân đã ra viện và trở lại cuộc sống bình thường
BS. Thắng khuyến cáo, khi có tuổi, nhu động ruột giảm, dịch tiết tiêu hóa để phân hủy thức ăn kém hơn, vì vậy nên tránh ăn các thức ăn khó tiêu như măng, hồng… Đặc biệt, người có tiền sử bệnh dạ dày nên tránh ăn hồng vì quả hồng có lượng axit cao, khó tiêu hóa nên dễ gây ra tắc ruột (Sức khỏe & Đời sống (trang 1) 20/11).
 
Kỹ thuật mới điều trị lỗ tiểu đóng thấp ở trẻ em
 
ThS.BS. Phạm Ngọc Thạch, Khoa Niệu – BV Nhi đồng 2 TP. HCM cho biết: BV vừa điều trị thành công cho một bé trai 3 tuổi, bị lỗ tiểu đóng thấp bằng kỹ thuật mới là sử dụng bao tinh hoàn (tunica vaginalis) để làm vật liệu tăng cường niệu đạo.
Trước đó, bệnh nhi đã được phẫu thuật lỗ tiểu đóng thấp ở tuyến dưới nhưng không giải quyết được và được chuyển lên BV Nhi đồng 2 trong tình trạng lỗ tiểu vẫn ở gốc dương vật, da quy đầu không còn vì đã dùng làm niệu đạo ở lần mổ trước đó, mô tại chỗ xơ chai sần sùi. Sau khi được phẫu thuật lại tại BV Nhi đồng 2, hiện bé trong tình trạng tốt, vết mổ khô sạch và bé có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Theo BS. Thạch, lỗ tiểu đóng thấp là tình trạng lỗ tiểu mở ra ở mặt bụng dương vật thay vì ở đỉnh quy đầu, khiến việc đi tiểu của bé khó khăn, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản vì đường phóng tinh không thẳng. Tỉ lệ bệnh tương đối cao, khoảng 1/300 trẻ trai sinh ra. Vừa qua, mỗi tuần tại BV Nhi đồng 2 điều trị khoảng gần 10 ca lỗ tiểu thấp. Kỹ thuật mới dùng bao tinh hoàn làm niệu đạo tân tạo có ưu điểm là ít bị biến chứng như xì rò sau mổ, được sử dụng thay thế trong trường hợp không thể tạo hình niệu đạo bằng da quy đầu hoặc mô tại chỗ như trường hợp bệnh nhi nói trên (Sức khỏe & Đời sống (trang 1) 20/11).

Gửi thảo luận