Ông Ngô Kim Dũng, giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát (Thanh Hóa), cho biết: "Trong những ngày rét đậm, rét hại vừa qua, số bệnh nhân (chủ yếu người già, trẻ em bị bệnh đường hô hấp) nhập viện tăng hơn so với những ngày trước đó. Đặc biệt, số bệnh nhân ở hai huyện Xốp Hào, Xốp Pâu, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào (giáp huyện Mường Lát) sang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Mường Lát và trạm xá quân – dân y kết hợp của Đoàn kinh tế quốc phòng 5 cũng gia tăng đột biến. Mỗi ngày có gần chục bệnh nhân người Lào sang khám, chữa bệnh tại hai cơ sở y tế của huyện, với các bệnh liên quan đến đường hô hấp do thời tiết gây ra. Các bệnh nhân người Lào đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Mường Lát được miễn phí và hỗ trợ tiền ăn.
Hiện ngành y tế huyện Mường Lát đang tập trung tăng cường lực lượng đến cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa cách phòng chống các bệnh thường gặp trong mùa đông. Trong đó, đặc biệt hướng dẫn cách giữ ấm cho trẻ nhỏ tại nhà, học sinh khi đến trường".(Tuổi trẻ 8/1 (trang 4))
Dừng sử dụng toàn bộ lô vaccine nghi ngờ gây tử vong cho bé 3 tháng tuổi
Ngày 4.1, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng sử dụng trên toàn thành phố lô vaccine Quinvaxem có liên quan đến cháu bé tử vong.
Sau khi bé trai 3 tháng tuổi Nguyễn Thành Long (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem (5 trong 1- ảnh) vào ngày 4.1, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng sử dụng trên toàn thành phố lô vaccine Quinvaxem có liên quan đến cháu bé tử vong.
Ngày 7.1, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội xác nhận: 121 trẻ cùng tiêm vaccine Quinvaxem vào ngày 4.1 với cháu bé 3 tháng tuổi bị tử vong không có biểu hiện gì bất thường. Trên địa bàn Hà Nội chưa thấy báo cáo về trường hợp nào khác có phản ứng sau tiêm trong đợt tiêm chủng đó.
Theo thông tin điều tra ban đầu của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, quá trình tiêm chủng chưa phát hiện có sai sót. 9 cán bộ y tế (trong đó có 1 bác sĩ, 3 y sĩ, 1 dược sĩ) tại trạm y tế xã tham gia tiêm chủng cũng đã tuân thủ đúng quy trình tiêm chủng, chưa phát hiện sai sót.
Ông Nguyễn Hữu Ngoạn – y sĩ trạm y tế xã Yên Thường – người trực tiếp tiêm vaccine cho bé Nguyễn Thành Long (sáng 4.1) – khẳng định: Trước và trong quá trình tiêm vaccine cho bé Long cũng như nhiều bé khác đều làm đúng chu trình như khám, phân loại, tiêm. Bé Long lúc khám sàng lọc trước khi tiêm vẫn khỏe mạnh, do vậy nguyên nhân dẫn đến tử vong cho bé Long không phải do sai sót về mặt kỹ thuật tiêm.
Ông Nguyễn Trọng Oanh – Trạm trưởng trạm y tế xã Yên Thường – cho biết, toàn bộ số vaccine tiêm chủng cho khoảng 120 cháu bé tại Trạm y tế xã Yên Thường vào ngày 4.1 được lấy về từ Trung tâm Y tế dự phòng của huyện Gia Lâm 2 ngày trước đó, và được bảo quản đúng quy định.
Ông Nguyễn Nhật Cảm – Phó GĐ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội – còn cho biết, lô vaccine tiêm cho cháu bé bị tử vong hiện có tại 577 xã/phường/thị trấn trên toàn thành phố. Nhưng tính tới thời điểm này, vẫn chưa có báo cáo nào liên quan đến tai biến sau tiêm chủng loại vaccine 5 trong 1 này. Ngay trong sáng 7.1, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã yêu cầu tất cả trung tâm y tế dự phòng các quận/huyện phải có báo cáo đầy đủ, chi tiết liên quan đến việc tiêm chủng vaccine 5 trong 1 để giám sát kịp thời.
Hiện nay nguyên nhân tử vong của cháu bé chưa được xác định chính xác có phải do vaccine hay không. Ông Cảm cho biết, lô vaccine Quinvaxem mà cháu Long đã tiêm đã được dừng sử dụng trên toàn thành phố để chờ kiểm định. Hiện mẫu vaccine tiêm cho trẻ trong sáng 4.1 tại Trạm y tế xã Yên Thường đã được gửi đi kiểm định. Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá phản ứng sau tiêm vaccine của thành phố sẽ có buổi làm việc sớm nhất để xem xét trường hợp này.
Đây là trường hợp đầu tiên trong năm 2013 gặp sự cố sau tiêm chủng vaccine 5 trong 1. Năm 2012, cũng có một trẻ tại quận Đống Đa bị sốc sau tiêm loại vaccine này nhưng nhờ cấp cứu kịp thời nên bé đã qua khỏi. Được biết, loại vaccine tiêm cho cháu bé tại trạm y tế xã Yên Thường vào sáng 4.1 cùng loại vaccine đã dùng cho 3 trẻ tử vong sau tiêm phòng ở tỉnh Nghệ An vào tháng 12.2012, nhưng khác lô.
Trước đó, khi có thông tin 3 trẻ em ở Nghệ An tử vong sau khi tiêm vaccine 5 trong 1, Cục Quản lý dược đã có công văn tạm ngừng sử dụng trên toàn quốc lô vaccine do Hàn Quốc sản xuất liên quan đến 3 cháu bé tử vong, đợi kết quả kiểm định. Cục Quản lý dược đã yêu cầu nhà sản xuất (Cty Berna Biotech Korea Corporation – Hàn Quốc), nhà nhập khẩu cùng nhà phân phối loại vaccine này phải báo cáo về tình hình nhập khẩu và quá trình phân phối vaccine trên. (Lao động 8/1 (trang Hà Nội))
Tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem: Loại trừ nguyên nhân do chất lượng vaccine và lỗi tiêm chủng
Ngày 7.1, PGS-TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư – cho biết: Lô vaccine Quinvaxem tiêm cho 3 trẻ tử vong sau tiêm ở xã Châu Quang (Nghệ An) đã được Viện Kiểm định quốc gia vaccine dược phẩm y tế kiểm nghiệm.
Kết quả cho thấy: Chỉ tiêu sinh học thực hiện đạt độ an toàn chung và an toàn đặc hiệu bệnh ho gà trên động vật thí nghiệm, theo dược điển Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngoài ra, điều tra cũng cho thấy, vaccine được vận chuyển, bảo quản đúng quy trình tiêu chuẩn, cán bộ tiêm chủng cũng thực hiện đúng quy định. Vì thế, việc tử vong của 3 cháu bé có thể loại trừ nguyên nhân do vaccine và do lỗi tiêm chủng.
Được biết, Bộ Y tế đã có văn bản gửi WHO yêu cầu gửi mẫu vaccine này đến một tổ chức kiểm định độc lập của quốc tế, đồng thời yêu cầu nhà sản xuất Hàn Quốc thẩm định lại mức độ an toàn. Tuy nhiên, WHO chưa có trả lời. (Tiền phong, Lao động 8/1 (trang 2))
Thanh toán BHYT khi chuyển tuyến từ phòng khám
Sở Y tế Hà Nội vừa có Quyết định 3390/QĐ-SYT quy định quy chế chuyển tuyến trong Đề án xây dựng thí điểm phòng khám bác sĩ gia đình tại cộng đồng ở một số đơn vị của ngành.
Theo đó, bệnh nhân tại các cơ sở y tế tuyến dưới trong mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình của Hà Nội sẽ được chuyển lên tuyến trên điều trị và được thanh toán BHYT theo quy định. Phòng khám và khoa khám bệnh của các đơn vị tuyến trên có trách nhiệm tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến của tuyến dưới.(An ninh Thủ đô 8/1 (trang 7)
Rét đậm, rét hại kéo dài: Tăng cường phòng chống rét cho người bệnh
Tại Hà Nội, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội vừa đi kiểm tra một số bệnh viện, trạm y tế về công tác khám, chữa bệnh, phòng chống rét cho bệnh nhân. Qua kiểm tra BV Đa khoa Hà Đông, BV Đa khoa Thanh Oai và Trạm Y tế Cao Viên (huyện Thanh Oai), các đơn vị đã chủ động bố trí máy sưởi, điều hòa hai chiều làm ấm tại phòng hồi sức cấp cứu, phòng sơ sinh, phòng bệnh của trẻ em dưới 6 tuổi, phòng đẻ, mổ; bố trí đủ chăn, chiếu, đệm cho người bệnh. Giám đốc Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo các cơ sở y tế khác trên địa bàn thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của ngành, khẩn trương có biện pháp chấn chỉnh và xử lý một số khoa phòng chưa thực hiện tốt việc phòng chống rét cho bệnh nhân. Các đơn vị tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, bổ sung thêm máy sưởi, lắp điều hòa hai chiều, mua thêm chăn ấm, quần áo cho người bệnh, đặc biệt là nâng cao ý thức, tinh thần phục vụ người bệnh một cách tốt nhất. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang trải qua đợt rét đậm, rét hại nhất từ đầu mùa đông đến nay; khiến cho rất nhiều người bị nhiễm bệnh, nhất là trẻ em, người già, người mắc các bệnh mạn tính. Ngành y tế cũng đã và đang yêu cầu các bệnh viện tích cực triển khai công tác phòng chống rét cho bệnh nhân.
Trẻ em, người già dễ mắc bệnh
Bác sỹ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh (BV Nhi TƯ) cho biết, đợt rét này, bệnh nhi nhập viện mỗi ngày dao động từ 1.900 – 2.000 lượt khiến các phòng khám đều quá tải. Trẻ đến khám (chủ yếu dưới 6 tháng tuổi) với triệu chứng ho, sốt, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy… và bệnh thường diễn biến xấu rất nhanh, dễ gây biến chứng nặng.
Bác sỹ Cấn Phú Nhuận khuyến cáo, khi con bị sốt dịch, cha mẹ cần tránh dùng thuốc kháng sinh vì không có tác dụng mà còn hại người, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt để trẻ tránh bị sốt cao dẫn đến co giật. Cha mẹ cũng lưu ý trẻ bị tiêu chảy phải bổ sung nhiều nước, dinh dưỡng, tránh để mất nước. Khi trẻ sốt, đi ngoài phải đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời; mặc ấm, đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường; thường xuyên vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý…
Đối với người có tuổi, thời tiết lạnh, hanh khô cũng là nguyên nhân gia tăng gấp đôi số bệnh nhân nhập viện do bị viêm phổi, hen phế quản, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, tắc nghẽn mạch máu… Bác sỹ Nguyễn Đức Hiền, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nội (BV Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, người cao tuổi nhập khoa cấp cứu chủ yếu về tim mạch, đột quỵ não. Đây là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Để phòng cũng như phát hiện, xử lý sớm bệnh mạch vành, tránh biến chứng nhồi máu cơ tim dẫn đến đột tử, đối với người đã có tiền sử mắc bệnh về tim, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em không nên đứng hóng gió, không để nhiễm lạnh đột ngột ngay cả lúc tắm. Cơn đau xuất hiện thoáng qua ở giữa ngực, sau xương ức, cảm giác như bóp nghẹt… rất đáng phải lưu tâm, vì nếu bỏ qua những dấu hiệu này rất dễ gây đột tử. Mọi người vẫn nên duy trì tập thể dục hằng ngày nhưng nên tập trong nhà; không uống nước lạnh, uống đủ nước để nâng cao thể trạng (uống khoảng 1,5-2 lít nước/ngày) bằng nhiều loại khác nhau như nước lọc, nước canh, nước hoa quả, nước chè…
Bảo đảm cho người bệnh đủ ấm
Nhằm giảm thiểu tác hại do thời tiết diễn biến bất thường, Bộ Y tế vừa yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền đến người dân về các phương pháp phòng, chống rét như: nhà cửa phải được che chắn kỹ, phải mặc quần áo đủ ấm trước khi đi ra ngoài… Bộ Y tế cũng cảnh báo về các tai nạn như ngộ độc khí CO2 do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín, bỏng lửa hoặc tử vong trẻ em do chở bằng xe máy đi ngoài trời rét; ngạt thở trẻ em do mặc quá nhiều quần áo ấm; trẻ em tại các nhà trẻ không bảo đảm điều kiện chăm sóc, cách ly và dinh dưỡng kém có thể mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virút. Các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm đủ cơ. (Cùng chủ đề: Sức khỏe & Đời sống, trang 1: “Bệnh nhân nhập viện gia tăng do giá rét: Ngành y tế tích cực vào cuộc”). (Hà Nội mới 8/1 (trang 1))
Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiểm tra ATVSTP
Ngày 5.1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát dẫn đầu đoàn công tác liên nghành kiểm tra tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại TP. Hà Nội. Đây là đợt kiểm tra đầu tiên trong tháng cao điểm kiểm tra thực phẩm dịp Tết Nguyên đán. Trọng tâm của chuyển công tác kiểm tra nhằm vào các mặt hàng có sản lượng tiêu thụ lớn như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, rau củ quả, thịt tươi sống. Qua đó, tăng cường chỉ đạo, “siết” chặt việc thanh, kiểm tra chất lượng ATVSTP cuối năm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là trước và trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ.
Trong buổi sáng, đoàn công tác đã tới kiểm tra một cơ sở sản xuất thực phẩm lớn ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, đoàn kiểm tra tập trung kiểm tra những giấy tờ chứng nhận ATTP, hồ sơ công bố tiêu chuẩn, nhãn hàng hóa, nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; quy trình bảo quản thực phẩm, nguồn nước dùng cho chế biến thực phẩm.Hai Bộ trưởng cũng kiểm tra thực phẩm, bánh kẹo ở chợ đầu mối Đồng Xuân (Hà Nội) và một số cửa hàng giò, chả trên phố Hàng Bông. Kết quả kiểm tra nhanh trên các mẫu lấy đều đạt tiêu chuẩn. Đoàn cũng đã lấy mẫu để kiểm tra thành phần cụ thể của các loại thực phẩm này.
Chiều cùng ngày, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT có buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội về công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn, đặc biệt là trước, trong và sau dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ. Theo đó, toàn bộ các đơn vị thanh tra sẽ được huy động tối đa để tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn vệ sinh các sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán.
Bên cạnh 8 đoàn thanh tra của bộ, TP. Hà Nội cũng lập 6 đoàn liên ngành để đảm bảo người dân được tiêu dùng thực phẩm có chất lượng, an toàn. Điểm mới trong các đợt thanh tra năm nay là các đoàn thanh, kiểm tra sẽ đặc biệt chú ý kiểm tra việc những người trực tiếp sản xuất thực phẩm có đủ điều kiện sức khỏe tham gia sản xuất hay không. Những cơ sở sản xuất có người trực tiếp tham gia sản xuất thực phẩm mà không có giấy chứng nhận sức khỏe, không khám sức khỏe định kỳ sẽ bị xử lý. Với những đơn vị vi phạm, cơ quan chức năng sẽ công khai danh tính, mức độ để người tiêu dùng biết và phòng tránh. (Sức khỏe & Đời sống 8/1 (trang 1)).