Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 15/11/2012

Điểm báo ngày 15/11/2012

Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi không đưa phong bì
Tuy cuộc vận động "nói không với phong bì" hầu như chưa mang lại nhiều kết quả nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn kêu gọi cử tri "không đưa phong bì" tại diễn đàn QH sáng qua.
Không phổ biến, nhưng "con sâu làm rầu…"
Trước chất vấn của ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) về kết quả cuộc vận động “nói không với phong bì” do Bộ trưởng phát động, bà Tiến khẳng định: “Tôi không phát động vấn đề đó” và cho biết trong thời gian bà đi công tác thì công đoàn của ngành phát động phong trào đó. “Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng không nên cản trở, dù là đau lòng, dù là phũ phàng, nhưng điều đó cũng là sự thật tồn tại để cho dân chúng và mọi người mổ xẻ và chúng ta sẽ tìm cách giải quyết”, bà Tiến bộc bạch.
Về kết quả của cuộc vận động đó như thế nào, bà Tiến nói: “Chắc các cử tri có lúc là bệnh nhân thì sẽ hiểu”, và tiết lộ rằng mình đã từng đóng vai người xếp hàng để khám bệnh ở những chỗ có người dân phản ánh phải có phong bì thì việc xếp hàng khám bệnh mới nhanh chóng, vui vẻ. “Chúng tôi cũng cảm nhận được điều đó”, bà Tiến thừa nhận. “Đấy là những việc đập vào mắt tương đối rõ, dù không phải phổ biến, nhưng những hình ảnh đó "con sâu làm rầu nồi canh" và làm mất uy tín danh dự của ngành”, bà Tiến nói.
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) không hài lòng khi Bộ trưởng Y tế cho rằng 3 nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng nhận thức về đạo đức nghề nghiệp yếu kém của cán bộ y tế đều chủ yếu do yếu tố khách quan, do xã hội. Ông yêu cầu Bộ trưởng Y tế cho biết giải pháp nào để giải quyết tình trạng đó, để người dân yên tâm điều trị mỗi khi vào viện. Bộ trưởng Y tế xác nhận, y đức đòi hỏi cao hơn đạo đức nghề nghiệp của nhiều ngành khác vì liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Vấn đề y đức được nhiều đại biểu, cử tri quan tâm. Bà Tiến khẳng định, ngành y tế cũng rất quan tâm và đang tìm giải pháp. Một trong những giải pháp lâu dài, bà Tiến kêu gọi: "Chúng tôi nghĩ cần có sự ủng hộ tham gia của đồng bào, cử tri cả nước, của ĐBQH. Về phía cán bộ y tế, chúng tôi đã nói là thái độ không nhận phong bì. Nhưng về phía người nhà bệnh nhân và thân nhân thì chúng tôi cũng mong rằng dứt khoát không đưa phong bì và giám sát, nếu nơi nào chứng kiến cảnh đưa phong bì đó thì chụp ảnh lại và ghi lại tên người điều dưỡng, bác sĩ, cán bộ y tế đó gửi cho giám đốc bệnh viện và gửi cho chúng tôi".
Trả lời ĐB Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) về những người trong ngành trình độ chuyên môn còn hạn chế dẫn đến những sai sót không đáng có, Bộ trưởng thừa nhận sự thật đau lòng là thời gian qua có nhiều trường hợp sản phụ tử vong. Trước diễn biến này, ngành y tế đã họp rất nhiều và nhận thấy, nguyên nhân số ca tai biến sản khoa nhiều hơn những năm trước là do số lượng sinh năm nay nhiều hơn các năm 15% dẫn đến quá tải nhiều cơ sở y tế. "Có phần sai sót chuyên môn, năng lực hạn chế của cán bộ y tế", bà Tiến thừa nhận. Tuy nhiên, bà Tiến cũng cho rằng, tỷ lệ tai biến sản khoa ở Việt Nam chỉ đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á, dù vẫn cao hơn nhiều ở khu vực khác (Thanh niên, Tiền phong, An ninh Thủ đô, Hà Nội mới, Sức khỏe & Đời sống 15/11).
 
Đại học Y Hà Nội có lời thề y đức mới
Nhân kỷ niệm 110 năm thành lập (1902-2012), Trường ĐH Y Hà Nội đã chính thức thông qua lời thề y đức mới. Được tuyên thệ trang trọng dưới cờ Tổ quốc tại lễ tốt nghiệp, các bác sĩ sẽ ghi nhớ 5 điều, trong đó trước tiên là “đặt lợi ích sức khỏe của người dân trên lợi ích riêng mình, không phân biệt giàu nghèo, địa vị, dân tộc, tôn giáo; tôn trọng quyền và giữ bí mật của người bệnh”. Lời thề còn là cam kết học tập nâng cao kiến thức, trung thực, kính trọng các bậc thầy, hỗ trợ đồng nghiệp; sẵn sàng tham gia các hoạt động xã hội góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Lời thề y đức mới (thay thế cho lời thề cũ được viết từ năm 1987), được chắt lọc từ cuộc thi viết về lời thề y đức với sự tham gia của đông đảo sinh viên nhà trường. Theo PGS-TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, lời thề mới có nội dung phù hợp hơn với nhiệm vụ của các thầy thuốc trong giai đoạn hiện nay, nhắc nhở các thầy thuốc không ngừng trau dồi y đức, phục vụ người bệnh (Thanh niên 15/11).
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Giá thuốc VN thấp
Sáng 14-11, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục với các câu hỏi về y đức, giá thuốc… Trả lời đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) về kết quả đợt phát động nói không với phong bì, bà Tiến cho rằng đối với nhân viên y tế, dù ở vị trí hành chính mà nhận phong bì cũng là điều khó chấp nhận. Bà Tiến kêu gọi: “Chúng tôi mong cử tri ủng hộ chúng tôi bằng cách phát hiện và cương quyết không đưa phong bì cho cán bộ y tế khi đến khám bệnh ở cơ sở y tế”.
Dẫn kết quả khảo sát 36 thuốc tương đương ở Trung Quốc và Thái Lan có giá bán cao hơn VN, bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng giá thuốc ở VN không cao hơn, thậm chí thấp hơn các nước trong khu vực. Tuy nhiên, đây chỉ là một khảo sát diện hẹp, mới so sánh vỏn vẹn 18 loại thuốc/quốc gia và thu nhập bình quân đầu người ở VN lại thấp hơn (bằng 1/4 so với Thái Lan).
Thời gian buổi chất vấn chỉ vỏn vẹn 50 phút nên rất nhiều câu hỏi của đại biểu chưa được bộ trưởng Bộ Y tế trả lời. Đặc biệt trong số này là chất vấn về quản lý tiền chất PSE có phần lơi lỏng và vụ việc đã “gần như một vụ án” như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ông Hùng đề nghị bộ trưởng trả lời các đại biểu bằng văn bản (Tuổi trẻ 15/11).
 
Tiền Giang: một ca nghi nhiễm não mô cầu
Bác sĩ Trần Thanh Thảo, phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, cho biết kết quả xét nghiệm bước đầu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM xác định bệnh nhân Thái Hoàng T. (54 tuổi, ngụ xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo) bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh não mô cầu. Hiện còn chờ kết quả cấy máu để xác định chính xác hơn. Ngành y tế Tiền Giang đã triển khai các biện pháp xử lý dập dịch tại địa phương, hướng dẫn những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân T. và người tiếp xúc gần uống thuốc phòng bệnh…
Theo bác sĩ Thảo, bệnh nhân T. khởi phát bệnh lúc 23g ngày 10-11 với các triệu chứng: sốt, tiêu chảy, buồn nôn. Bệnh nhân tự uống thuốc nhưng không khỏi nên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang trưa 11-11. Sau đó bệnh nhân có biểu hiện thở nhanh, nông, mạch nhẹ, huyết áp kẹp, xuất hiện dấu xuất huyết dạng mảng quanh rốn, ngực, bụng nên được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Kết quả soi ngày 12-11 cho thấy có sự hiện diện của song cầu gram (-), hình ảnh của vi khuẩn gây bệnh não mô cầu (Tuổi trẻ 15/11).
 
In cảnh báo sức khoẻ trên bao thuốc lá: Phải thực hiện nghiêm luật
Trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (có hiệu lực từ 1.5.2013) có quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện đảm bảo để phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Hiệp hội Thuốc lá VN đã họp các DN để bàn việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Các ý kiến tại đây cho thấy các DN ngành thuốc lá đánh giá cao việc ban hành luật, đã góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và thể hiện quyết tâm của VN trong việc triển khai Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Các DN thuộc lĩnh vực này cũng thể hiện rõ nhận thức phải thực hiện nghiêm túc và đúng đắn quy định của luật về ghi nhãn và cảnh báo sức khoẻ trên bao bì sản phẩm thuốc lá.
Theo quy định, từ 1.5.2013 nội dung ghi nhãn và cảnh báo sức khoẻ trên bao bì thuốc lá phải đáp ứng được các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và sau 6 tháng (1.11.2013), các loại nhãn cũ sẽ không được sử dụng. Tuy nhiên, theo những người trong nghề, để thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất cũng như mẫu mã bao bì mới cho sản phẩm thuốc lá cần có thời gian ít nhất 12 tháng. Điều này cũng có nghĩa ngay từ bây giờ, Bộ Công Thương và Bộ Y tế phải có hướng dẫn cụ thể về ghi nhãn, in cảnh báo sức khoẻ trên bao bì mới để các doanh nghiệp sản xuất kịp thời triển khai.
Đối với vấn đề chọn mẫu in trên sản phẩm, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra ít nhất 14-15 mẫu để các DN lựa chọn cho phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta. Bên cạnh đó, số lượng màu in cũng cần được cân nhắc sao cho phù hợp. Được biết hiện VN có 17 đơn vị sản xuất thuốc lá điếu với sản lượng tiêu thụ nội địa hằng năm trên 4 tỉ bao với trên 400 nhãn hiệu có kiểu dáng, kỹ thuật in, dập khác nhau, trong đó nhiều loại phải đặt in ở nước ngoài… Trong khi đó cả nước mới chỉ có 4 Cty có máy in chuyên dụng cho bao bì thuốc lá, khi chuyển sang in cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh thì chỉ có 2 Cty đáp ứng được yêu cầu này.
Ông Nguyễn Huy Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế – ghi nhận những kiến nghị của các DN sản xuất thuốc lá, trên cơ sở căn cứ vào thực tế, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ nghiên cứu quyết định thời gian thực hiện thay đổi bao bì, lưu thông sản phẩm cũ cũng như mẫu các bao bì sao cho phù hợp với thực tế “làm thế nào để không thiệt hại cho DN nhưng vẫn thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá” – ông Quang nhấn mạnh (Lao động 15/11).  
 
Đồng Nai: Cắt u xơ tử cung nặng 3,2kg, cứu sống sản phụ và 2 bé trai sinh đôi
Ngày 14.11, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai xác nhận, đã cứu sống 3 mẹ con sản phụ Trần Thị Nhàn (SN 1979, ngụ tại TP.Biên Hòa) mang song thai cùng khối u xơ tử cung nặng 3,2kg. Trước đó, đêm 13.11, bệnh viện đã tiến hành ca phẫu thuật lấy thai kéo dài nhiều giờ đồng hồ đối với chị Nhàn. Êkíp phẫu thuật đã lấy được 2 bé trai (một bé nặng 2,7kg, một bé 2,8kg), cắt bỏ được khối u xơ tử cung, giữ ổn định sức khỏe cho sản phụ. Hiện tình trạng của 3 mẹ con sản phụ tiến triển rất tốt. Theo các bác sĩ, do khối u của sản phụ nằm ở phần eo tử cung đã thoái hóa bắt buộc phải cắt bỏ. Nguy hiểm hơn, do các mạch máu tăng sinh để nuôi khối u nên ca phẫu thuật có thể gây ra nhiều tai biến, thậm chí dẫn đến tử vong (Lao động 15/11).
    
17 phút lại có người chết vì bệnh lao
Tại Việt Nam cứ 17 phút lại có một người chết vì bệnh lao. Mỗi năm có hơn 30.000 bệnh nhân lao tử vong, cao hơn hẳn so với số ca chết do tai nạn giao thông. Đáng lo ngại hơn là tình trạng bệnh lao đang ngày càng trẻ hoá về độ tuổi mắc bệnh. Còn đội ngũ bác sĩ phòng chống lao đang già cỗi, vừa thiếu lại vừa yếu.
Trẻ hóa bệnh nhân
Dáng người gày gò, gương mặt khắc khổ, nước da mai mái vì trải qua những ngày chống chọi với bệnh tật, Đặng Văn Hiểu (Trà Đoài, Quang Trung, Kiến Xương, Thái Bình) nhìn già hơn nhiều so với tuổi 29.
Bốn tháng trước, khi đang làm công nhân đóng tàu tại Cty Than Đông Bắc (Quảng Ninh), Hiểu thấy mệt mỏi, chán ăn và bắt đầu sụt cân, chỉ trong 20 ngày đã sụt 5kg, nhiều lúc không ngồi được vì khó thở. Kết quả xét nghiệm cho thấy Hiểu mắc bệnh lao phổi. Hiểu là một trong những bệnh nhân lao đang được điều trị bằng liệu trình tốt nhất để đẩy lùi căn bệnh mà dân gian ví là “tứ chứng nan y”.
Mặc dù không xác định chính xác được nguồn lây bệnh của bệnh nhân Hiểu nhưng theo bác sĩ Nguyễn Văn Toán, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quang Trung, nhiều khả năng môi trường sống đông đúc, ô nhiễm là nguyên nhân gây bệnh.
Chị Nguyễn Thị Mỵ (27 tuổi, ở xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) ho thường xuyên khi đang mang thai nhưng chủ quan không đi khám. Khi thấy ho xuất hiện nhiều hơn, tức ngực, chị đến khám tại Bệnh viện đa khoa tư nhân trên huyện nhưng không được chẩn đoán đúng bệnh.
Đến nay, chị Mỵ đã điều trị tại bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Thái Bình được một thời gian, bệnh tiến triển tốt lên nhưng người gầy sút gần chục cân, phải cai sữa sớm cho con mới được 7 tháng tuổi. Đây là hai trong số rất nhiều trường hợp mắc bệnh lao phổi khi còn trẻ. PGS.TS. Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết, tình hình dịch tễ bệnh lao ở Việt Nam không suy giảm. Theo điều tra, tỷ lệ người bị lao phổi tăng ở nhóm tuổi trẻ và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân khiến xuất hiện tình trạng trẻ hóa bệnh nhân lao được các chuyên gia nhận định là do liên quan đến lối sống hoặc nhiễm HIV của một bộ phận thanh thiếu niên.
Bác sĩ thiếu và yếu
Thống kê của ngành y tế cho thấy, mỗi năm cả nước đã phát hiện 100.000 bệnh nhân lao và chữa khỏi cho 92% số bệnh nhân này. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 12/ 22 nước có số lượng bệnh nhân lao cao và đứng thứ 14/22 nước có nhiều bệnh nhân lao kháng thuốc điển hình với 6.000 người mắc thể lao đa kháng thuốc. Những con số nói trên cho thấy, nhiệm vụ phòng chống bệnh lao còn rất nặng nề với nhiều khó khăn, thách thức.
Ngoài nguyên nhân người dân giấu bệnh, các ca lao mới khó kiểm soát hết cũng là do lực lượng làm công tác phòng chống lao quá mỏng, chưa thể sâu sát tới cơ sở. PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ cho biết, tỷ lệ bác sĩ làm việc trong lĩnh vực chống lao hiện nay là 1,58/100.000 dân, tính chung cả lực lượng cán bộ chuyên trách là 12/100.000 dân.
Nhiều địa phương đang thiếu nghiêm trọng bác sĩ phục vụ công tác phòng chống lao. Hiện có khoảng 50% cán bộ làm công tác chống lao tuyến huyện chưa được đào tạo, còn ở tuyến xã/phường thì 100% là kiêm nhiệm và rất nhiều nơi không có cán bộ phòng chống lao. Hiện nay, bác sĩ Lao ở Thái Bình chỉ có 18 người, thiếu khoảng 50% bác sĩ, một nửa trong số đó vài năm nữa sẽ về hưu. Nhiều bệnh nhân giấu bệnh, bác sĩ già, thiếu sẽ khiến công tác phòng chống lao của Việt Nam tiếp tục khó khăn trong những năm tới (Tiền phong 15/11).
 
Năm 2015 cả nước sẽ cần thêm hơn 14.000 nhân lực y tế
Phát triển nguồn nhân lực y tế đủ số lượng, chất lượng, cơ cấu và phân bố hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng công tác y tế, đáp ứng nhu cầu bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe của nhân dân là một trong những nội dung chính được đưa ra tại Hội thảo Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012 – 2020 do Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế tổ chức ngày 14/11 tại Hà Nội. Theo GS.TS. Nguyễn Công Khẩn – Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, nhân lực y tế là một trong những nguồn lực quan trọng nhất của hệ thống y tế, nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện đang phải đối mặt với thách thức về nhân lực y tế như thiếu hụt, mất cân đối về cơ cấu và phân bố vùng miền. Ước tính, đến năm 2015 cả nước sẽ cần thêm hơn 14.000 nhân lực y tế. Do đó, ngành y tế cho rằng, cần phải có những chính sách cụ thể để đào tạo phát triển nhân lực y tế đủ về số lượng, chất lượng và đặc biệt là cần phải có sự phân bố hợp lý tại các vùng miền (Sức khỏe & Đời sống, Tiền phong 15/11).

Gửi thảo luận