Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 9/11/2012

Điểm báo ngày 9/11/2012

Phát triển mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh
Cùng với sự lớn mạnh của mạng lưới y tế, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) của nước ta cũng phát triển rộng khắp, từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành đến các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Nhờ đó đã kịp thời đáp ứng nhu cầu KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việc phát triển các cơ sở KCB tại tuyến cơ sở, vùng sâu, vùng xa không chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân mà còn thể hiện sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, mạng lưới các cơ sở KCB hiện đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức; nhất là yêu cầu phục vụ ngày càng  cao của người dân. Một trong những bất cập của công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân là do việc phân bổ các bệnh viện chưa đồng đều giữa các vùng, nhất là các bệnh viện chuyên khoa sâu. Ðiều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các bệnh viện tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn khó khăn, thiếu thốn, nhiều bệnh viện xuống cấp, hết thời hạn sử dụng. Việc phát triển kỹ thuật chưa toàn diện, đồng đều giữa các chuyên khoa, chuyên ngành; chưa cân đối giữa các vùng, thiếu các bệnh viện hiện đại ngang tầm  khu vực và quốc tế. Tỷ lệ giường bệnh trên dân số nhìn chung còn thấp; tỷ lệ giường tuyến cuối thấp, trong khi đó người bệnh dồn về các bệnh viện ở thành phố, bệnh viện trung ương, dẫn đến hiện tượng quá tải ở nhiều bệnh viện.
Vì vậy, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao và đa dạng của nhân dân là một  yêu cầu tất yếu, đòi hỏi các ngành liên quan, trong đó ngành y tế là trọng tâm, cần có  kế hoạch, chiến lược phát triển phù hợp, không chỉ cho giai đoạn trước mắt mà  cả lâu dài. Ngành cần đầu tư xây mới, mở rộng những cơ sở hiện có; phát triển cân đối, hợp lý hệ thống các bệnh viện đa khoa và các chuyên khoa trong bệnh viện đa khoa; phát triển y tế phổ cập kết hợp y tế chuyên sâu, giữa y học hiện đại với y học cổ truyền. Ưu tiên phát triển kỹ thuật y học hiện đại đạt trình độ ngang tầm khu vực, đủ khả năng khám và điều trị phần lớn các bệnh khó, đòi hỏi kỹ thuật cao mà các nước trong khu vực đã triển khai. Chuẩn hóa chất lượng bệnh viện, từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Trước mắt cần mở rộng quy mô một số bệnh viện và chuyên khoa đang quá tải và hình thành mạng lưới bệnh viện vệ tinh của một số bệnh viện tuyến cuối nhằm chống quá tải một cách hiệu quả…
Ngoài ra, tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện hiện có, đồng thời phát triển kỹ thuật để các bệnh viện đa khoa tỉnh đạt trình độ chuyên sâu, nhằm giải quyết cơ bản các  loại bệnh tật ở địa phương. Nâng cao năng lực các bệnh viện y dược cổ truyền để phát huy  vai trò trong chăm sóc sức khỏe  nhân  dân. Nâng cấp các bệnh viện quân dân y hiện có, thành lập thêm một số bệnh viện quân dân y ở các địa bàn thật sự có nhu cầu; củng cố, phát triển các trạm y tế kết hợp quân dân y tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đủ điều kiện, thành lập các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, phòng khám đa khoa và chuyên khoa ngoài công lập.
Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế tuyến xã cả về chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ y tế để phát huy vai trò các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. (Nhân dân 9/11- trang 1+7)
 
Hà Nội công bố kết quả kiểm tra mẫu áo ngực phụ nữ
Ngày 8-11, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã công bố kết quả phân tích một số mẫu áo ngực mang nhãn hiệu Yalichun và Mengnaeroi, thu giữ trong đợt kiểm tra các gian hàng tại chợ Đồng Xuân và phố Hàng Đào.
Theo kết quả phân tích của Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an, các hạt tròn màu trắng trong túi dung dịch không màu, trong suốt trên 4 áo ngực nữ mang nhãn hiệu và chữ Trung Quốc đều là nhựa PS (Polystyrene Composit). Hạt nhựa PS trong các túi dung dịch không ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Dung dịch không màu, không mùi, trong suốt trong các túi polyme dẻo của các mẫu phân tích là dầu khoáng (Mineral seal Oil), có tỷ trọng 0,84, không tìm thấy chất độc và chất có hại với sức khỏe con người. Dầu khoáng có loại tinh chế được phép sử dụng công nghệ sản xuất bao túi nilon, bao bì chứa thực phẩm, dầu massage không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. (Hà Nội mới 9/11- trang 4, Tiền phong 9/11- trang 2, Lao động 9/11- trang 1+7, An ninh Thủ đô 9/11- trang 8)
 
Công bố kết quả phân tích áo ngực chứa chất lạ: Nguy cơ ung thư từ dầu khoáng
Chiều 8.11, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã công bố kết quả phân tích "chất lạ" trong một số mẫu áo ngực có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Dù khẳng định, hạt nhựa trong áo ngực không ảnh hưởng đến sức khỏe, song các nhà khoa học lại đưa ra cảnh báo trong dung dịch lỏng có chứa dầu khoáng còn nhiều tạp chất, nếu không được kiểm soát có thể gây ung thư.
Theo ông Vương Trí Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cơ quan này đã lấy 10 mẫu áo ngực nhãn hiệu Trung Quốc Yalichun và Mengnaeroi đưa đi kiểm nghiệm tại Viện Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an). Sau một tuần phân tích, Viện đã đưa ra kết luận: miếng dán trong áo ngực mang nhãn mác Mengnaeroi được xác định là silicon (polydimethylsiloxane). Miếng dính này dùng dán ngoài không độc với người, nhưng nếu lạm dụng thường xuyên trong thời gian dài, gây bí không thoát nước, có thể làm viêm lỗ chân lông, ngứa và viêm da. Còn trong các loại áo ngực có chứa dung dịch không màu, các hạt tròn màu trắng, trong suốt mang nhãn mác Trung Quốc đều là nhựa PS (Polystyrene Composit). Hạt nhựa PS trong các túi dung dịch trên các áo lót đều không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Dung dịch không màu, không mùi, trong suốt trong các túi polyme dẻo trong các mẫu phân tích là dầu khoáng (mineral seal oil), có tỷ trọng 0,84, không tìm thấy các chất độc và các chất có hại với sức khỏe con người.
Tuy nhiên, Viện Khoa học hình sự cũng đưa ra cảnh báo, các loại dược khoáng, dầu khoáng công nghiệp do các quá trình cất phân đoạn từ dầu mỏ còn nhiều tạp nhất là nhóm chất polycylic aromantic hydrocarbon (PAH) gồm các chất có thể gây ung thư như: Anthracene, Benzopyrene, Chrysene, Coronene, Tetracene, Phenantherene, Pyrene, Pentacene, Triphenylene, Ovalene.
Trao đổi với Thanh Niên chiều qua, TS Vũ Đức Lợi, Trưởng phòng Phân tích (Viện Hóa học) cho biết, kết quả trên hoàn toàn trùng khớp với kết quả của Viện Hóa học. Theo TS Lợi, PAH gồm 16 chất, trong các mẫu kiểm nghiệm đã phát hiện ra nhiều chất nằm trong danh sách này. Vì đặc tính độc hại của PAH trong dầu khoáng, các nhà khoa học của Viện Khoa học hình sự và Viện Hóa học đều khuyến cáo, dầu khoáng sử dụng trong y học và thực phẩm cần kiểm nghiệm chặt chẽ các thành phần này theo quy định quốc tế. “Để biết kết quả chính xác hàm lượng PAH có gây hại cho người sử dụng hay không, trong ngày hôm nay 9.11, Viện sẽ kiểm nghiệm thêm mẫu gửi từ Gia Lâm (Hà Nội) và Thái Nguyên. Tiếp đến, trong tuần tới, các nhà khoa học của Viện tiếp tục tập trung kiểm nghiệm, phân tích định lượng của chất PAH và xét nghiệm mẫu vải xem có tẩm hóa chất formaldehyde gây ung thư da hay không”, TS Vũ Đức Lợi cho biết.


Ngày 8.11, Sở Y tế TP.Đà Nẵng cũng cho biết, theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 2 (Quatest 2), “chất lạ” có trong áo ngực Trung Quốc là nhựa polystyrene và dầu khoáng – mineral oil. Sở này cho biết từ trước đến nay ngành y tế chưa có quy định kiểm tra, xử lý áo ngực bởi việc quản lý hàng hóa trên thị trường thuộc ngành công thương. Hơn nữa, Sở hiện cũng chưa biết thành phần nhựa polystyrene và dầu khoáng có được phép sử dụng trong túi đệm của áo ngực và có gây hại cho người sử dụng hay không nên đã gửi văn bản chờ Bộ Y tế hướng dẫn.
Đến chiều 8.11 Thanh tra Bộ Y tế cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo từ Sở Y tế Đà Nẵng về kết quả kiểm nghiệm các chất trong áo ngực. “Ngay khi nhận được báo cáo, chúng tôi sẽ tham khảo các nhà chuyên môn để có khuyến cáo các vấn đề liên quan đến sức khỏe người sử dụng”, ông Đặng Văn Chính, Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết. PGS-TS Đặng Cẩm Hà, Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học VN) cho biết PAH là chất thường thấy trong đồ chơi trẻ em, tuy nhiên ở hàm lượng cao quá mức cho phép có thể gây ung thư, nhiều nhất là ung thư da. Tuy nhiên VN chưa có giới hạn an toàn PAH. 

(Thanh niên 9/11- trang 3, Nông thôn ngày nay 9/11- trang 14)
 
Vụ trẻ sơ sinh bị bỏ vào thùng rác: Phải giám định ADN để xác định quyền nuôi con
Ngày 8-11, ông Phạm Văn Tứ – tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT Bệnh viện đa khoa Hoàn Hảo (Bình Dương) – cho biết trẻ sơ sinh bị bỏ vào thùng rác tại P.Bình Hòa, thị xã Thuận An (Tuổi Trẻ 1-11) đã được chuyển từ chi nhánh Bệnh viện Hoàn Hảo tại Thuận An về Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bình Dương.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương và Bệnh viện Hoàn Hảo vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc xác định sẽ trao đứa trẻ cho ai chăm sóc. Theo đó, các cơ quan chức năng và Sở Y tế tỉnh Bình Dương đề nghị Bệnh viện Hoàn Hảo bàn giao em bé để trả lại gia đình. Tuy nhiên, phía Bệnh viện Hoàn Hảo cho rằng muốn xác định ai là cha, mẹ bé phải thông qua xác định ADN rồi mới trao trả.
Theo ông Tứ, hiện sức khỏe bé rất tốt. Có khoảng 20 người đã liên lạc nhận nuôi bé. Cháu bé hiện đang được chăm sóc và bảo vệ rất nghiêm ngặt vì có một số thanh niên tự xưng là… cha ruột của bé tìm đến Bệnh viện Hoàn Hảo đòi nhận con. (Tuổi trẻ 9/11- trang 2)
 
Kiểm tra điểm chữa bệnh bằng nước lã
Ngày 8-11, Phòng Y tế huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) cho biết vừa phối hợp với các cơ quan hữu quan kiểm tra xác minh điểm chữa bệnh bằng nước lã và hoạt động mê tín dị đoan dưới hình thức lên đồng của bà Lê Thị Vĩnh (57 tuổi, thôn 11, xã Long Hà).
Tại thời điểm kiểm tra, nhà bà Vĩnh có một điện thờ với nhiều hình thù kỳ quái, khói nhang nghi ngút, bà Vĩnh lên đồng trước khoảng 15 người đang quỳ xung quanh. Trong gian nhà bên cạnh nhà bà Vĩnh có một số bệnh nhân mắc bệnh tâm thần và tai biến. Sau nhiều lần yêu cầu, bà Vĩnh mới chịu ra làm việc với đoàn kiểm tra. Đoàn yêu cầu bà Vĩnh chấm dứt ngay hoạt động lên đồng và hành vi chữa bệnh bằng nước lã phản khoa học. Tuy nhiên, bà Vĩnh không chấp hành mà còn kích động số phần tử tham gia hành lễ phản đối, gây áp lực với đoàn, kích động bệnh nhân gây náo loạn…
Ông Cao Văn Minh, trưởng Phòng Y tế huyện Bù Gia Mập, cho biết đã đề nghị UBND huyện chỉ đạo Công an huyện Bù Gia Mập có biện pháp khẩn trương xóa bỏ điểm chữa bệnh, xử lý theo quy định của pháp luật đối với bà Vĩnh và các đối tượng bảo kê, “cò mồi”. (Tuổi trẻ 9/11- trang 5)
 
Mời bác sĩ nước ngoài điều trị bé bị cắt nhầm bàng quang
Bác sĩ Nguyễn Hồng Quang – giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) – cho biết bệnh viện đang liên hệ với một số bác sĩ Anh, Úc, Mỹ để khám và tìm hướng điều trị cho bé T.A.Đ. (21 tháng tuổi, bị cắt nhầm bàng quang khi được phẫu thuật xử lý thoát vị bẹn hôm 25-10, Tuổi Trẻ 30-10 đưa tin).
Bé Đ. vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM). “Xác định hậu quả bé Đ. bị tổn thương nặng bàng quang là lỗi của Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh nên chúng tôi có trách nhiệm trong việc tìm phương án cứu chữa cho bé” – bác sĩ Quang nói.
Hôm nay 9-11, hội đồng kỷ luật Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh sẽ họp xem xét hình thức kỷ luật đối với kíp mổ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe bé Đ.. (Tuổi trẻ 9/11- trang 12)
 
Chuột cắn, phải nhập viện
Ngày 8-11, đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM xác nhận bệnh nhân N.V.T. (55 tuổi, Phú Nhuận, TP.HCM) dương tính với virút hanta, một loại virút ở chuột có khả năng gây suy gan, suy thận cấp.
Ông T. nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trong tình trạng sốt cao, ho, giảm tiểu cầu và nổi mẩn đỏ qua da. Lúc đầu các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị sốt xuất huyết, nhưng sau khi điều trị bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm nên nghi ngờ bệnh nhân nhiễm virút hanta và đã gửi mẫu qua Viện Pasteur kiểm nghiệm. Kết quả bệnh nhân dương tính với virút này. Sau 10 ngày điều trị các triệu chứng viêm phổi và suy thận, tình trạng sức khỏe của ông T. ổn định và xuất viện vào cuối tháng 10.
Đến ngày 5-11, con của ông T. là N.V.P. (16 tuổi) phải nhập Bệnh viện Q.Phú Nhuận trong tình trạng sốt cao, ho, xuất huyết. Tuy nhiên ngày 8-11, bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc Bệnh viện Q.Phú Nhuận, cho biết theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur, bệnh nhân P. âm tính với virút hanta. “Bệnh nhân P. chỉ bị sốt xuất huyết, tình trạng sức khỏe đã ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới”, bác sĩ Thanh Sơn cho biết.
Theo bác sĩ Võ Minh Quang, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, thỉnh thoảng bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virút hanta do tiếp xúc với chuột, nhưng do có triệu chứng giống bệnh sốt xuất huyết nên khó chẩn đoán. Hiện chưa có thuốc đặc trị cũng như văcxin phòng loại virút này. (Tuổi trẻ 9/11- trang 12)
 
80% bệnh tật do ô nhiễm nguồn nước
Theo ThS Hoàng Thị Ngọc Ngân – trưởng khoa sức khỏe cộng đồng (Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM), 80% bệnh tật phát sinh là do ô nhiễm nguồn nước và vệ sinh không sạch.
Các bệnh do tiếp xúc nước kênh rạch ô nhiễm rất khó lường, gồm nhiều bệnh về tiêu hóa như tả, lị, viêm gan A, bại liệt, bệnh da liễu, bệnh về mắt, các chứng ngộ độc do vi sinh vật, lao… Kênh rạch ô nhiễm là môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virút và hóa chất độc hại tấn công sức khỏe người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Nguy hiểm hơn, các bệnh do hóa chất không xuất hiện tức thời mà độc tính của chúng tích lũy lâu dần gây nên các bệnh mãn tính.
Đây là một số nội dung được báo cáo tại hội thảo “Sức khỏe phụ nữ, trẻ em và vấn đề ô nhiễm môi trường kênh rạch” do Chi cục Bảo vệ môi trường TP và Ủy ban MTTQ TP tổ chức sáng 8-11.
Báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường TP cho thấy mức độ ô nhiễm của hầu hết hệ thống kênh rạch trên địa bàn Q.5, Q.6, huyện Bình Tân, Bình Chánh tiếp tục gia tăng. Nạn xả rác bừa bãi của người dân đã vô hiệu hóa gần như toàn bộ hệ thống thoát nước của TP, gây ra tình trạng tù đọng nước gây ô nhiễm. (Tuổi trẻ 9/11- trang 12)
 
Quảng Ninh: 3 người cùng nhà ngộ độc cá nóc
Đến ngày 8.11, sức khỏe của 3 người trong gia đình ông Đỗ Đức Duyên (ngụ thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà) đã dần hồi phục sau hơn 1 ngày được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hà.
Ngày 7.11, sau khi ăn cơm với cá nóc, 3 người trong gia đình ông Duyên rơi vào tình trạng thân thể suy yếu, tê mỏi, liệt cơ hô hấp… nên được đưa đi cấp cứu. Các bác sĩ xác định những người này bị ngộ độc cá nóc. (Nông thôn ngày nay 9/11- trang 2)
 
Vắc xin cúm mùa bị tạm ngừng sử dụng chưa có mặt ở Việt Nam
Ngày 8-11, trước thông báo của Cơ quan Quản lý dược Châu Âu (EMA) về việc nhiều loại vắc xin cúm mùa của công ty Novartis Vaccines & Diagnostic Srl – Italy sản xuất bị tạm ngừng lưu hành ở nhiều nước Châu Âu, lãnh đạo Cục Quản lý dược Việt Nam cho biết, cho đến nay tất cả các vắc xin cúm mùa của Công ty Novartis chưa được nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam.
Các vắc xin cúm mùa ngừng sử dụng là: Fluad, Agrippal, Influpozzi Sub-Unity và Influpozzi Adjuvanted do quan sát thấy có hiện tượng kết tụ protein trong các sản phẩm này. Cục Quản lý dược cũng đã yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông tin tới các doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin, trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố để biết, tạm dừng các hoạt động liên quan đến kế hoạch nhập khẩu, sử dụng các vắc xin này. (Hà Nội mới 9/11- trang 5)
 
80 tỷ đồng hỗ trợ dinh dưỡng lâm sàng
Quỹ Abbott, Chương trình hợp tác sức khỏe toàn cầu của ĐH Y Boston, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Dinh dưỡng quốc gia và Trường ĐH Y Hà Nội vừa tổ chức đánh giá kết quả hai năm thực hiện dự án hỗ trợ dinh dưỡng lâm sàng. Đây là dự án đầu tiên quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng ở Việt Nam, với kinh phí hỗ trợ gần 80 tỷ đồng từ Quỹ Abbott.
Theo đánh giá của các bên, dự án đã đạt được những thành quả đáng kể trong việc tăng cường chăm sóc dinh dưỡng tại bệnh viện cho bệnh nhân nội trú bằng các hoạt động phối hợp toàn diện, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu là đào tạo cán bộ, lồng ghép dinh dưỡng lâm sàng vào công tác chăm sóc bệnh nhân nội trú, mở rộng các chương trình đào tạo về dinh dưỡng lâm sàng và thực hiện phổ biến kết quả nghiên cứu. Nhờ nguồn kinh phí này, Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng đầu tiên ở Việt Nam đã được thành lập tại BV Bạch Mai và hiện đã trở thành điển hình cho mô hình dinh dưỡng lâm sàng, thực hiện có hiệu quả chức năng đào tạo, chỉ đạo ngành về dinh dưỡng lâm sàng cho các cơ sở y tế ở khu vực phía bắc. Dự án cũng đã tổ chức tập huấn cho 1.200 cán bộ của các BV trên toàn quốc về dinh dưỡng lâm sàng; giúp ĐH Y Hà Nội triển khai chương trình đào tạo cấp chứng chỉ về dinh dưỡng lâm sàng cho điều dưỡng, đồng thời sẽ hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, cao học và chuyên khoa cấp 1 về dinh dưỡng lâm sàng và dinh dưỡng tiết chế trong thời gian tới. Một nghiên cứu quy mô lớn về vấn đề dinh dưỡng tại BV lần đầu tiên đã được triển khai, giúp ngành y tế có những đánh giá đầy đủ về vấn đề này để khẳng định dinh dưỡng là một yêu cầu quan trọng trong chăm sóc nội trú.
Dự án hỗ trợ dinh dưỡng lâm sàng đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện nước ta vẫn có khoảng 14% dân số và 50% bệnh nhân nội trú bị suy dinh dưỡng và vấn đề dinh dưỡng chưa được quan tâm đúng mức, nhất là trong môi trường BV, nơi tình trạng suy dinh dưỡng ở người lớn là một nguy cơ gây ra biến chứng nhiễm khuẩn, dẫn đến kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí y tế. (Hà Nội mới 9/11- trang 5)

Gửi thảo luận