Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 6/11/2012

Điểm báo ngày 6/11/2012

Cần 8.200 tỉ đồng để phát triển y tế biển đảo
Đây là tổng kinh phí được đưa ra trong đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” do Bộ Y tế chủ trì đang được lấy ý kiến trong các đơn vị y tế khu vực phía nam.
Theo Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), đến năm 2012, cả nước có 31,1% các trung tâm y tế thuộc các huyện đảo chưa có cơ sở riêng; 33,5% trạm y tế cần xây mới; trên 50% trạm y tế xã đảo không có bác sĩ; 80% tổng số hộ gia đình khu vực biển, đảo cần khám, chữa bệnh…
Nguồn vốn thực hiện sẽ được trích từ: Ngân sách sự nghiệp, trái phiếu chính phủ, đầu tư phát triển, ODA, xã hội hóa và các nguồn vốn huy động từ các nguồn lực khác. 151 quận, huyện, thị xã, TP của 28 tỉnh, TP ven biển trực thuộc trung ương sẽ được phân bổ nguồn vốn để xây dựng mới hoặc hoàn thiện các trung tâm y tế, trạm y tế với đầy đủ các trang thiết bị có thể đáp ứng cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, chữa bệnh tại chỗ cho người dân. Dự kiến đề án sẽ được trình Chính phủ vào quý IV/2012. (Lao động  6/11 (trang 2))

Nhân rộng mô hình môi trường không khói thuốc
Là trung tâm của khu vực miền núi phía bắc, có 9 đơn vị huyện, thành, thị và 180 xã, phường, thị trấn, địa hình đi lại khó khăn, năm 2009, theo điều tra, Thái Nguyên có tỉ lệ nam giới hút thuốc lá khá cao.
Để bảo vệ sức khoẻ của người dân nói chung, CB CNVCLĐ nói riêng, từ năm 2010 tỉnh Thái Nguyên đã triển khai xây dựng mô hình môi trường không khói thuốc, tổng số đơn vị tham gia xây dựng mô hình là 149 gồm 33 đơn vị khối y tế trực thuộc Sở Y tế; 50 đơn vị cơ quan hành chính cấp tỉnh và 9 UBND huyện, thành, thị; 66 đơn vị trường học (32 trường THPT, 19 thành viên ĐH Thái Nguyên, 15 trường cao đẳng và trung học dạy nghề).
Mục tiêu đặt ra là vận động, tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá cấp tỉnh; xây dựng mô hình môi trường không khói thuốc kiểu mẫu cấp tỉnh. Ở  mục tiêu sau, Thái Nguyên đã tập huấn về phương pháp lập kế hoạch và tác hại thuốc lá, kỹ năng tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc cho hàng trăm lượt bác sĩ, CB, giáo viên… Đặc biệt, Thái Nguyên xây dựng được nhóm nòng cốt tự giám sát để giám sát 100% các đơn vị tham gia mô hình. Năm 2011, các hoạt động giám sát tiếp tục được triển khai từ quý II đến quý IV, đạt 87% so với kế hoạch. Để hoạt động của nhóm nòng cốt đạt hiệu quả, định kỳ 1 lần/quý các hoạt động được rà soát và định hướng các hoạt động quý tiếp, đồng thời thu thập thông tin tồn tại vướng mắc của 3 khối trong quá trình triển khai mô hình môi trường không khói thuốc để xin ý kiến chỉ đạo kịp thời của ban chỉ đạo tỉnh cũng như Văn phòng Phòng, chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế (Vinacosh).
Đến nay, vì tính hiệu quả trong bảo vệ sức khoẻ cho CB CNVCLĐ và nhân dân, mô hình môi trường không khói thuốc được nhân rộng ở Thái Nguyên. Theo đó, ban chỉ đạo tỉnh chỉ đạo thống nhất từ tỉnh, phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, tổ chức đoàn thể để tuyên truyền về phòng, chống tác hại thuốc lá và tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Lãnh đạo các đơn vị, ban ngành, tổ chức đoàn thể chỉ đạo hoạt động duy trì mô hình môi trường không khói thuốc tại đơn vị và triển khai nhân rộng tới các đơn vị trực thuộc ngành. Tổ chức giới thiệu chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình với các cơ quan, ngành khác. Hằng năm, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch dành nguồn lực tài chính cần thiết cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá theo quy định.
Một trong những kiến nghị của Thái Nguyên trong quá trình nhân rộng mô hình môi trường không khói thuốc là Vinacosh cần hỗ trợ hoạt động tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá tại địa phương. (Lao động  6/11 (trang 4))

Giãn thời gian tăng học phí, viện phí trong dịp tết
Bộ Tài chính đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý giá những tháng cuối năm 2012 và Tết Quý Tỵ 2013. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các sở tài chính địa phương phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh, TP giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ như nước sạch sinh hoạt, cước xe buýt, viện phí, học phí…
Trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu Sở Tài chính phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định về niêm yết giá, kê khai giá… đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như:  nước sạch sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, phí trông giữ xe đạp, ôtô, xe máy và các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất như: xăng dầu, phân bón… (Tuổi trẻ  6/11 (trang 2))

Cứu chữa người bị đạn xuyên thủng hộp sọ
Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa ngày 5.11 cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân Cư A Dũng (41 tuổi, trú xã Cư Drăm, H.Krông Bông, Đắk Lắk) trong tình trạng bất tỉnh do bị một viên đạn xuyên thủng hộp sọ, vào trong não.
Sau khi được điều trị, bệnh nhân đã tỉnh nhưng còn rất yếu và liệt nửa người. Anh Cư A Tú (con trai ông Dũng) cho biết, gia đình anh có rẫy ngô ở xã Khánh Thượng, H.Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Ngày 31.10, ông Dũng mang theo súng kíp đi lên rẫy.
Sau vài ngày không thấy ông Dũng về lán, anh Tú cùng người thân lên rẫy tìm, đến chiều 3.11 thì thấy ông Dũng nằm tại rẫy trong tình trạng bị thương ở trán, rất nguy kịch, liền đưa đi cấp cứu. Theo các bác sĩ, do bệnh nhân được đưa đến bệnh viện muộn, đầu đạn đang nằm trong não, nên trước mắt phải điều trị bằng thuốc để tránh nhiễm trùng, sẽ mổ sau. (Thanh niên 6/11 (trang 2))

Dịch bệnh tay chân miệng tăng đột biến ở ĐBSCL
Mấy ngày qua, số ca bệnh tay chân miệng ở ĐBSCL gia tăng đột biến khiến các bệnh viện đều quá tải nghiêm trọng.
Lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng (TCM) nhập viện tăng quá nhanh nên mấy ngày qua Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ luôn trong tình trạng quá tải. 4 buồng bệnh của Khoa Nhiễm (dành riêng cho bệnh TCM), mỗi buồng chỉ rộng 12 m2 nhưng phải kê 7-8 giường bệnh. Tất cả bệnh nhi phải nằm ghép từ 2-3 bé/giường, có giường 4 cháu nằm chung. Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết: “Bình quân mỗi ngày có từ 70 đến 120 bệnh nhi bị TCM điều trị nội trú, trong khi số giường dành cho bệnh TCM chưa được 40, nên tình trạng nằm ghép là không thể tránh khỏi dù bệnh viện đã kê thêm giường hết mức”. Theo thống kê của bệnh viện, chỉ trong tháng 10, đã có 7.349 ca TCM đến khám, tăng trên 2.300 ca so với tháng 9; trong đó có 448 ca phải nhập viện điều trị, 5 ca tử vong. Ngoài TP.Cần Thơ, những nơi có nhiều bệnh nhi bị TCM đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ là Hậu Giang, Vĩnh Long và Sóc Trăng.
Hiện tại, An Giang vẫn là địa phương có số ca tử vong do TCM cao nhất nước, với 12 ca từ đầu năm đến nay, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Ông Võ Huy Danh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng An Giang cho biết: “Đã có trên 4.700 ca TCM phải nhập viện từ đầu năm đến nay. Ngành y tế đang làm tất cả những gì có thể để hạn chế số ca mắc, như phát xà bông cục, tổ chức đến tận những gia đình có trẻ nhỏ để hướng dẫn cách phòng tránh bệnh”. Đến nay, UBND tỉnh An Giang đã chi gần 11 tỉ đồng để mua máy lọc máu liên tục, máy thở, hóa chất cần thiết để đối phó với dịch bệnh.
Tại Tiền Giang, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã ghi nhận trên 2.800 ca TCM, 1 trường hợp tử vong. Đáng lo ngại là nhiều trường mầm non trong tỉnh đã xuất hiện bệnh TCM. Tương tự, ở các tỉnh khác như Vĩnh Long, Só c Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… số bệnh nhi mắc TCM phải nhập viện cũng đang gia tăng nhanh.
Theo dự báo của bác sĩ Lê Hoàng Sơn, từ nay đến cuối năm là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh TCM bởi thời tiết mát mẻ là điều kiện phát triển, lây lan của chủng vi rút EV71 gây bệnh TCM. Hầu hết các ca tử vong do bệnh TCM ở ĐBSCL qua xét nghiệm đều bị nhiễm vi rút EV71. (Thanh niên 6/11 (trang 3))

Nhiều loại tân dược bị đẩy tăng giá
Vài tuần trở lại đây, giá tân dược (thuốc tây) liên tục được các công ty dược và nhà thuốc "đẩy" lên cao khiến cho người có bệnh phải "oằn mình" hơn khi phải đồng thời chịu gánh nặng từ những dịch vụ trong khám, chữa bệnh vừa tăng và từ giá thuốc tăng.
Theo ghi nhận trên thị trường, hàng loạt mặt hàng thuốc tây đã tăng giá 10 – 15% so với trước đây, đặc biệt nhiều mặt hàng được đẩy lên cao hơn trước đến 30%. Cụ thể, một số mặt hàng thuốc tăng giá mạnh như: thuốc bổ sắt cho phụ nữ mang thai giá bán hiện tại là 868.000 đồng/hộp 100 viên, trong khi trước đây chỉ hơn 600.000 đồng/hộp; Motillium (Ấn Ðộ) tăng từ 1.000 lên 4.000 đồng/viên; thuốc kháng sinh Augmetin giá 175.000 tăng lên 192.000 đồng/hộp. Các chủ hiệu thuốc cho biết, các loại thực phẩm chức năng có giá tăng mạnh nhất: như viên sụn cá mập loại 60 viên sản xuất tại Mỹ từ 150.000 đồng/hộp tăng lên 200.000 đồng/hộp; Calcium Crobiere từ 86.000 đồng/hộp lên 100.000 đồng/hộp, nước xịt mũi Xisat từ 18.000 đồng/lọ lên 23.000 đồng/lọ. Bên cạnh đó, giá nhiều loại dịch truyền cũng tăng mạnh, như Vitaplex 500ml từ 35.000 đồng/chai tăng lên 40.000 đồng/chai; chai dịch Ringer 500 ml, tăng từ 8.200 đồng/chai, lên 10.920 đồng/chai. Tại khu vực chợ sỉ Tô Hiến Thành (quận 10), các đại lý bán thuốc  đều cho biết, các mặt hàng thuốc đều tăng trong tháng qua nhưng thuốc nội tăng nhiều nhất, trong đó các mặt hàng của hãng OPC có mức tăng giá khá cao.
Theo một chuyên gia y tế, trong tổng chi phí điều trị bệnh thì chi phí cho việc sử dụng thuốc ở Việt Nam chiếm khoảng 60-70%, trong khi đó ở nước ngoài chi phí này chiếm chưa tới 50%. Chi phí dùng thuốc trong điều trị bệnh tăng cao, cộng thêm đợt tăng giá các loại dịch vụ y tế vừa qua đã làm tăng thêm gánh nặng cho người bệnh. Chị Trịnh Thị Hoàng (ngụ Bình Thạnh) cho biết: "Bình thường tôi mua một hộp Hotamin Ginseng chỉ có 74.000 đồng/hộp nay lên 88.000 đồng/hộp. Còn một vài loại thuốc theo toa điều trị bệnh tim như Plavix 75mg (Pháp) từ 17.000 đồng/viên đã tăng lên hơn 22.000 đồng/viên, thuốc Procoralan 5mg (Pháp) từ 10.500 đồng/viên nay tăng lên gần 13.000 đồng/viên. Các loại mặt hàng khác mình còn trả giá được chứ thuốc thì nói sao mình mua vậy. Nhiều lúc không đủ tiền thay vì mua theo toa  dùng 5 ngày thì  mình mua dùng 3 ngày". Anh Nguyễn  Ðức Hoàng – một bệnh nhân vừa khám bệnh tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: "Cùng một toa thuốc nhưng tuần trước tôi mua chỉ có khoảng 18.000 đồng/toa nay mua lên đến 29.000 đồng/toa".
Theo các doanh nghiệp dược, lý do tăng giá được các doanh nghiệp lý giải do các yếu tố đầu vào tăng như: giá nguyên liệu, phụ liệu, xăng, dầu, điện, chi phí vận tải… Tuy nhiên, trong khảo sát của Tổng cục Hải quan, với hơn 40 mặt hàng nguyên liệu dược thì chỉ có duy nhất một mặt hàng tăng giá (chiếm gần 2,5%) với mức tăng là 0,5%. Như vậy, việc tăng giá là do các doanh nghiệp cũng như nhà thuốc đã tự  "bắt tay" nhau tăng. Theo ý kiến từ nhiều bệnh nhân, việc giá thuốc không ngừng tăng lên trong lúc giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng đã khiến người bệnh phải "gánh" nặng hơn, nhất là đối với những bệnh nhân bị bệnh mãn tính phải điều trị suốt đời. Giá thuốc và các dịch vụ y tế tăng cũng khiến nhu cầu khám, chữa bệnh giảm xuống, nhất là những người nghèo, bởi ai cũng phải e dè với những chi phí khám, chữa bệnh quá cao.
Trong lúc giá thuốc liên tục tăng, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã tích cực vận động các doanh nghiệp dược, các nhà thuốc tham gia các chương trình bình ổn giá qua các cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam", "Thuốc Việt cho người Việt". Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, chất lượng các mặt hàng thuốc bình ổn  bảo đảm đạt các tiêu chuẩn đã đăng ký, giá bán bảo đảm thấp hơn giá thị trường ít nhất 5-10%. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã chú trọng phát triển, mở rộng mạng lưới các điểm bán thuốc bình ổn là các nhà thuốc đã đạt chuẩn "Thực hành nhà thuốc tốt – GPP" trên địa bàn dân cư, tăng số điểm bán thuốc bình ổn từ 1.023 lên 2.000 điểm và sau đó sẽ triển khai 100% nhà thuốc đạt chuẩn GPP tham gia. (Nhân dân 6/11 (trang Chuyên trang TPHCM))

Đình chỉ lưu hành thuốc Celetop 200 trị bệnh xương khớp
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có yêu cầu đình chỉ lưu hành trên toàn quốc thuốc viên nang Celetop 200 (Celecoxib 200mg) do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.
Thuốc Celetop 200 dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, điều trị gout và các bệnh xương khớp.
Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược Nguyễn Việt Hùng, thuốc Celetop 200 bị đình chỉ lưu hành có số đăng ký VN-6401-08 do Công ty Amtec Health Care Pvt. Ltd. (Ấn Độ) sản xuất.
Thuốc viên nang Celetop 200 bị đình chỉ lưu hành trên toàn quốc thuộc lô sản xuất: 11042; hạn dùng: 15.10.2014. Thuốc được Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhập khẩu.
Viện kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh đã lấy mẫu thuốc kiểm tra chất lượng tại chi nhánh Công ty Cổ phần dược phẩm Eco (Hà Nội) tại Thành phố Hồ Chí Minh và cho kết quả không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Thành phố Hồ Chí Minh gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng thuốc viên nang Celetop 200.
Sở y tế các tỉnh, thành phố cần thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng trên.
Bên cạnh đó, các đơn vị trên cần kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện việc thu hồi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. (Nông thôn Ngày nay, Nhân dân 6/11 (trang 5))

Phối hợp bảo đảm an ninh trật tự trong các bệnh viện
Bộ Y tế vừa nhận được công văn của Công an TP Hà Nội đề nghị tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) tại các bệnh viện trên địa bàn. Theo đó, Công an Hà Nội đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện phối hợp chặt chẽ, đồng thời thực hiện một số biện pháp, giải pháp để bảo đảm ANTT. Các bệnh viện, trung tâm y tế rà soát, đánh giá lại công tác bảo đảm ANTT, hạn chế các sơ hở để đối tượng xấu lợi dụng hoạt động phạm tội; phòng, chống tình trạng "cò mồi" khám bệnh, chữa bệnh… Ðồng thời củng cố lực lượng bảo vệ chuyên trách; sắp xếp các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nơi trông giữ xe đạp, xe máy. ( Sức khỏe & Đời sống, Nông thôn Ngày nay 6/11 (trang 5))

Xã hội hóa quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo
Bộ Y tế cho biết, Bộ đang nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cho phép hỗ trợ 30% kinh phí thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) còn lại cho người mới thoát nghèo, người cận nghèo ở các tỉnh miền núi khó khăn (ngân sách Trung ương đã hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ BHYT); cho phép sử dụng một phần nguồn hỗ trợ ngân sách của một số dự án đầu tư nước ngoài để hỗ trợ người cận nghèo ở một số tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT thấp. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2012, cả nước sẽ có 68% dân số có thẻ BHYT.
Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế các địa phương trình UBND, HĐND tỉnh bố trí ngân sách và huy động các nguồn xã hội hóa cho Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ một phần các trường hợp gặp khó khăn trong đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh theo BHYT hoặc các trường hợp bị bệnh nặng…(Sức khỏe & Đời sống (trang 2))

Gửi thảo luận