Người nhiễm HIV/AIDS, ung thư, lao: Nguy cơ khó tiếp cận thuốc
Theo kết quả vòng đàm phán thứ 15 giữa 11 nước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Việt Nam, với đại diện thương mại Hoa Kỳ về Hiệp định Tự do thương mại (FTA), thì cộng đồng bệnh nhân ở Việt Nam, đặc biệt là người sống với HIV/AIDS, các bệnh nhân ung thư, lao, viêm gan B, C… ở Việt Nam sẽ không có khả năng tiếp cận với thuốc điều trị.
Có thể khẳng định ngay rằng trong những năm qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn với số người nhiễm mới giảm hằng năm, số người được điều trị bằng thuốc kháng Retrovirus (ARV) ngày một tăng. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, việc huy động viện trợ quốc tế để có được thuốc ARV điều trị cho những người bệnh là một nỗ lực lớn của Nhà nước và đã giải quyết tới 90% nhu cầu về thuốc cho những người cần điều trị.
Tuy nhiên, với việc Việt Nam trở thành một nước có thu nhập trung bình, nguồn viện trợ bởi nước ngoài trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục bị cắt giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đáp ứng nhu cầu thuốc ARV cho người sống với HIV/AIDS. Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam lại đang cùng với một số nước đàm phán với đại diện thương mại Hoa Kỳ về Hiệp định Tự do thương mại (FTA) trong các vòng hội đàm đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến cho cộng đồng bệnh nhân ở Việt Nam, đặc biệt là người sống với HIV/AIDS, các bệnh nhân ung thư, lao, viêm gan B, C… khó có khả năng tiếp cận thuốc điều trị của mình.
Sự lo lắng này là có cơ sở, bởi lẽ Việt Nam hiện nay đang được các tổ chức quốc tế bảo trợ và chưa tham gia hiệp ước về sở hữu trí tuệ về vấn đề này nên vẫn đang nhận được thuốc gốc giá rẻ và có chất lượng cao (hay còn gọi là thuốc generic) để điều trị cho các bệnh nhân mắc phải những căn bệnh nêu trên. Thế nhưng tại vòng đàm phán thứ 15 của 11 nước đối tác FTA, điều đáng lo rằng những điều khoản về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong dự thảo hiệp định sẽ khiến giá thuốc generic trong nước tăng mạnh, vượt quá khả năng chi trả của người bệnh.
Theo thông tin từ Mạng lưới quốc gia người có HIV ở Việt Nam (VNP+), mức giá thuốc rẻ nhất áp dụng trong điều trị cho người sống với HIV/AIDS ở Việt Nam hiện nay là khoảng 100USD/người/năm. Tuy nhiên, thuốc được cấp bản quyền, có bằng sáng chế, hay còn gọi là thuốc chính hãng có giá dao động từ 1.067 đến 2.040USD/người/năm. Đây sẽ là một gánh nặng không chỉ cho người bệnh mà còn là gánh nặng rất lớn cho ngân sách nhà nước với số trường hợp nhiễm HIV hiện đang còn sống lên tới 204.019 người tính đến hết ngày 30.6.2012.
Theo VNP+ , Việt Nam cần đấu tranh đến cùng để đưa ra khỏi dự thảo hiệp định các điều khoản bất lợi liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ… nhằm đảm bảo tính khả thi trong việc tiếp cận thuốc và điều trị của người bệnh nói chung và người sống với HIV/AIDS nói riêng.
Vòng đàm phán TPP thứ 16 sẽ diễn ra tại Singapore từ ngày 4 đến 13.3.2013 và cũng là năm mà 11 nước thành viên quyết tâm sẽ thông qua và ký kết thành công Hiệp định Tự do thương mại FTA. Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà các bên tham gia FTA sẽ được thụ hưởng, trong đó có cả quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên cũng cần cân nhắc tới lợi ích của các nhóm yếu thế như người sống với HIV/AIDS, bệnh nhân lao, ung thư, viêm gan B, C… (Lao động (trang 2) 7/1)
Hai Bộ trưởng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm
Lần đầu tiên, người đứng đầu Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đích thân thị sát hàng hóa, thực phẩm Tết. Địa điểm kiểm tra được giữ đến phút chót, bất ngờ để đảm bảo không có hiện tượng “đánh động” đến các chủ kinh doanh.
Tại chợ Đồng Xuân, hai Bộ trưởng đã kiểm kiểm tra khu vực hàng khô, bánh kẹo và phụ gia thực phẩm. Đoàn đã lấy nhiều mẫu thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ có chất cấm và hàm lượng vi sinh cao để test nhanh tại chỗ gồm: Ớt bột, tôm khô, măng khô, thực phẩm khô, bánh kẹo, bánh đa nem, hạt điều, hải sản.
Kết quả test nhanh với 3 mẫu tương ớt, bánh đa nem, hạt điều màu đều không phát hiện thực phẩm nào có chứa hóa chất phụ gia, phẩm màu độc hại.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc kiểm tra này tập trung vào những mẫu đang có vấn đề nghi ngờ, cái nào không đạt chuẩn sẽ công bố để người tiêu dùng biết, không sử dụng, còn đạt chuẩn cũng công bố rộng rãi để người dân có thể yên tâm sử dụng. Sau đợt kiểm tra này, hai Bộ vẫn sẽ tiếp tục có sự phối hợp để kiểm soát tình trạng an toàn thực phẩm. Theo đó, thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của hai bộ sẽ tiếp tục đi lấy mẫu ngẫu nhiên các mặt hàng thực phẩm để tiếp tục kiểm tra.
Đoàn kiểm tra cũng dừng chân ngẫu nhiên tại một cửa hàng giò chả ở Hàng Bông lấy mẫu giò test nhanh và cho kết quả âm tính với phẩm màu, hàn the.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, trước nguy cơ thịt nhiễm vi sinh (các mẫu đã lấy xét nghiệm trước đó có tới 20% mẫu có vi sinh độc hại) và tới 90% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát, Bộ đã ra chỉ thị gửi tới tất cả các địa phương, gia tăng kiểm soát, tập trung sản phẩm cón nguy cơ, đặc biệt rau, hoa quả, thịt, cá.
Bà Tiến cho biết, dịp Tết Nguyên đán là dịp nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về VSATTP đã lập 8 đoàn thanh tra về thực phẩm tại 24 tỉnh thành trên toàn quốc. Việc kiểm tra sẽ tập trung vào các mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo…
Đối tượng thanh kiểm tra là tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, các cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã tiến hành thanh tra, kiểm tra.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, việc kiểm tra thực phẩm sẽ được ráo riết thực hiện nhằm kịp thời phát hiện thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo để người dân có cái Tết an toàn, phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm. (Gia đình & xã hội (trang 2), Nông thôn ngày nay (trang 6) 7/1)