Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 5/11/2012

Điểm báo ngày 5/11/2012

Kiểu sinh đẻ dẫn đến phát triển không có tương lai
Mất cân bằng giới tính khi sinh dù đã liên tục được nhắc tới thời gian qua nhưng trước sự nghiêm trọng và phức tạp của tình trạng này, những người làm công tác dân số lại lên tiếng cảnh báo. Có ý kiến cáo buộc những bậc cha mẹ tiến hành lựa chọn giới tính khi sinh ngày hôm nay chính là đang đẩy con cái họ đối mặt với những khó khăn trong tương lai. (xem đầy đủ trên báo Phụ nữ Việt Nam). (Phụ nữ Việt Nam 5/11 (trang 1))

8.000 tỷ đồng phát triển y tế biển đảo
Dự kiến trong quý IV/2012, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ đề án phát triển y tế biển đảo từ nay đến năm 2020. Theo Đề án , hơn 8.000 nghìn tỷ đồng sẽ được đầu tư xây dựng mới hoặc hoàn thiện các trung tâm y tế, trạm y tế để đáp ứng nhu cầu dự phòng, cấp cứu, chữa bệnh tại chỗ cho người dân thuộc 151 quận, huyện, thị xã của 28 tỉnh, thành.(Hà Nội mới, Nông thôn Ngày nay 5/11 (trang 2))

Suýt mất mạng vì lang băm
Bệnh nhân N.V.K (63 tuổi, ở Hà Nội) vừa được các bác sĩ Viện Bỏng quốc gia cứu sống trong tình trạng suy kiệt, tính mạng bị đe dọa do khối u vùng cổ nhiễm trùng nặng.
Trước đó, ông K. được xác định có một khối u lành vùng cổ. Ông đi khám ở thầy lang gần nhà và được điều trị bằng đắp lá tại chỗ, uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Mặc dù ông K. đang điều trị bệnh tiểu đường type 2 giai đoạn nặng, phải tiêm insulin hằng ngày nhưng thầy lang lại chỉ định ông phải ăn chay (thực phẩm chứa nhiều tinh bột, người tiểu đường type 2 phải hạn chế).
Sau liệu trình này, ông K. bị suy kiệt, khối u viêm loét sâu nhiễm khuẩn, đau cứng hàm, chỉ húp được cháo, phải nhập viện điều trị. Đặc biệt, khối u đã thành ổ loét sâu tới 4 cm, rộng 4×8 cm, nguy cơ tổn thương vào động mạch cảnh. Các bác sĩ đã tiến hành làm sạch ổ loét và tạo hình phủ khuyết da vùng cổ cho ông K. (da ghép lấy từ vạt da vùng chẩm sau gáy của bệnh nhân).
Chiều 4.11, 3 ngày sau khi được phẫu thuật tạo hình, vùng da mới đã sống, thể trạng bệnh nhân dần hồi phục. (Thanh niên 5/11 (trang 2))

Đã có 43 cơ sở điều trị methadone trên toàn quốc
Theo Bộ Y tế, hiện nay cả nước đã có 43 cơ sở điều trị methadone với số bệnh nhân đang được điều trị là 9.572 người; 66.191 người được điều trị thuốc kháng vi rút ARV.
Lực lượng phòng chống HIV/AIDS về thay đổi hành vi và nguy cơ lây nhiễm đã tiếp cận 3.667.375 lượt người, trong đó có trên 1 triệu lượt người thuộc nhóm tiêm chích ma túy, 317.932 lượt người thuộc nhóm nữ bán dâm, tiếp viên nhà hàng, 82.065 lượt người nhiễm HIV. Hoạt động xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV ở trẻ dưới 18 tháng tuổi ngày càng được mở rộng, hiện có 47/63 tỉnh, thành phố thực hiện lấy mẫu chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ em để gửi về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thực hiện xét nghiệm. (Hà Nội mới  5/11 (trang 5))

Nhiễm khuẩn bệnh viện: Không thể thờ ơ!
Đến bệnh viện (BV) để chữa bệnh, nhưng không ít bệnh nhân lại bị nhiễm khuẩn (NK) BV khiến thời gian điều trị kéo dài, chi phí điều trị và nguy cơ tử vong cũng tăng cao. Tại Việt Nam, cứ 100 người nhập viện thì có từ 5-8 người bị NKBV.
Đi chữa bệnh, mắc thêm bệnh
Theo Bộ Y tế, NKBV là nhiễm trùng người bệnh mắc phải trong thời gian nằm viện mà nhiễm trùng đó không có triệu chứng lâm sàng hoặc đang ủ bệnh tại thời điểm nhập viện. NKBV thường do vi khuẩn gây nên và thường xuất hiện sau 48 giờ nhập viện.
Nhập viện phẫu thuật khối u sọ não nhưng vì NKBV bà Nguyễn Thị H., 54 tuổi ở Bắc Ninh đã phải tốn thêm gần 80 triệu tiền kháng sinh trong vòng chưa đầy 2 tuần nằm điều trị tại BV Việt – Đức. Trong khi đó, với một ca mổ như vậy, thông thường chi phí chỉ vào khoảng 5-10 triệu đồng. Bác sĩ Hoàng Giang, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BV Việt – Đức cho biết, tỷ lệ NKBV ở BV ngoại khoa như Việt – Đức vào khoảng 7-8%, nhưng đây là tỷ lệ "chấp nhận được" theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, với số lượng cả trăm bệnh nhân được phẫu thuật mỗi ngày nên số lượng bệnh nhân bị NK không nhỏ. Theo bác sĩ Hoàng Giang, NK sau mổ dẫn tới chi phí điều trị cao gấp từ 3-10 lần đợt điều trị thông thường. Ngoài ra, thời gian nằm viện cũng kéo dài hàng chục ngày, không những thế còn làm tăng nguy cơ tử vong của các bệnh nhân nặng. Nếu bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch lại phải đối mặt với nguy cơ kháng kháng sinh gấp nhiều lần do việc phải dùng kháng sinh liều cao.
Theo GS.TS Trần Quỵ, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, tỷ lệ NKBV chung ở Việt Nam từ 5% đến 8%. Đây là căn nguyên dẫn đến thời gian điều trị dài hơn, gia tăng tình trạng kháng kháng sinh, chi phí y tế tăng và tỷ lệ tử vong tăng. Có 4 nhóm bệnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất của NKBV là bệnh nhân thở máy dễ nhiễm khuẩn phổi, NK đường tiết niệu do vệ sinh ống xông không tốt, NK huyết do tiêm truyền và nhiễm trùng vết mổ do vô trùng không tốt. Tại các khoa chăm sóc đặc biệt hay hồi sức cấp cứu bệnh nhân cũng dễ bị NKBV do sức đề kháng yếu.
Nghiên cứu trên 477 bệnh nhân của BV Bạch Mai (Hà Nội) mới đây cho thấy, ở nhóm bệnh nhân NK phổi tại BV, số ngày nằm viện trung bình từ 18 đến 28 ngày, nhiều hơn nhóm bệnh nhân không mắc 13 ngày. Cùng với đó, tỷ lệ tử vong ở nhóm này cũng vọt lên 55,6%, trong khi ở nhóm không có NKBV chỉ trên 20%. Đặc biệt, chi phí điều trị trực tiếp ở nhóm bệnh nhân có NK phổi là 57-79 triệu đồng, cao 2- 3 lần so với nhóm BN không mắc.
Rửa tay, sao khó thế?
Ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định, càng lên tuyến trên tỷ lệ NKBV càng cao do bệnh nhân nặng hơn và người bệnh phải trải qua nhiều can thiệp xâm lấn vào cơ thể. NKBV tập trung cao ở khu vực cấp cứu và ngoại khoa. Vi khuẩn đến từ rất nhiều nguồn, có thể từ bản thân người bệnh, tác động từ môi trường, dụng cụ khám, chữa bệnh, phẫu thuật và từ tay cán bộ y tế. "Cán bộ y tế lười rửa tay chính là "cầu nối" của hàng trăm nghìn ca NKBV mỗi năm. Mặc dù sau nhiều can thiệp tích cực tỷ lệ tuân thủ rửa tay ở nhân viên y tế các BV hạng đặc biệt, hạng 1 đã tăng từ 10-15% lên 50-60%, tuy nhiên tại các BV tuyến dưới, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 20-30%" – ông Phạm Đức Mục nhấn mạnh.
GS Trần Quỵ cho rằng: "Nguyên tắc chống NKBV rất đơn giản là "rửa tay". Việc bác sĩ rửa tay sạch cũng đã giảm tới 40-50% trường hợp nhiễm khuẩn, vậy mà việc làm này chưa được áp dụng thường xuyên". Bác sĩ Hoàng Giang cũng thừa nhận, tại BV Việt – Đức cho dù nhắc nhở thường xuyên nhưng hiện cũng chỉ có khoảng 40-50% nhân viên y tế của BV Việt – Đức rửa tay đúng cách. "Có nhiều lý do khiến họ ngại rửa tay, nhưng cơ bản vì họ vẫn chưa "ngấm" tầm quan trọng của việc rửa tay đúng cách" – bác sĩ Giang nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này PGS.TS Lê Thị Anh Thư, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn (BV Chợ Rẫy) nhìn nhận, một trong những tồn tại của công tác chống NKBV là kiến thức, thái độ và thực hành của nhân viên y tế. Tuy nhiên, nhân viên y tế chỉ chú ý rửa tay ở những tình huống quan trọng khi nguy cơ lây nhiễm rõ ràng, còn bỏ qua việc rửa tay trong những tình huống nguy cơ không rõ ràng.
Trong khi đó, theo bác sĩ Giang, việc cán bộ y tế đi găng tay thăm, khám bệnh nhân tưởng như có thể làm giảm khả năng NKBV nhưng thực tế, găng tay chỉ giúp phòng lây bệnh cho chính nhân viên y tế đó chứ không tránh được việc lây chéo từ bệnh nhân này qua bệnh nhân khác. "Trong một buổi khám bệnh cho hàng chục, thậm chí hàng trăm bệnh nhân, liệu bác sĩ có thể thay đủ 100 đôi găng tay mỗi khi thăm, khám cho bệnh nhân mới hay không?", bác sĩ Giang đặt câu hỏi. (Hà Nội mới  5/11 (trang 5))

Xã nghèo ám ảnh ung thư
Bệnh ung thư đang trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân Phong Sơn (huyện Phong Điền, tỉnh TT- Huế). Nhiều đứa trẻ bỗng côi cút bơ vơ vì bố mẹ cùng mắc ung thư lìa đời. Cả trăm người chết vì ung thư tại xã nghèo vùng đồi núi này, nguyên nhân vẫn chưa được xác định.
Ám ảnh chết chóc
Hôm về Phong Sơn, con đường đất thuộc thôn Thanh Tân nhớp nháp bùn nhão sau mưa vẫn còn vương vãi nhiều vàng mã của một đám tang.
Chị Tuyết, nhà ở đầu thôn kể: Đó là tang của ông N.N vừa bỏ lại vợ con ra đi do ung thư. Ông N. đang khỏe mạnh thì phát bệnh và suy giảm sức khỏe rất nhanh. Đi khám ở tỉnh mới biết mắc ung thư gan giai đoạn cuối, bệnh viện cho về vài bữa thì mất.
“Trước ông N, rất nhiều người trong xã cũng chết vì ung thư. Căn bệnh đó giờ trở thành nỗi ám ảnh từ làng trên xóm dưới. Nhiều người nơm nớp, liệu nó có gọi đến tên mình không”, chị Tuyết lo lắng.
Trước khi thăm các xóm làng có nhiều người chết vì ung thư ở Phong Sơn, tôi tình cờ được xem cuốn “sổ tử” do địa phương lập lưu tên nhiều người ra đi vì ung thư, với đủ các thành phần, lứa tuổi, giới tính.
Họ mắc nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư máu, gan, phổi, vòm họng, dạ dày, vú, xương hàm, u não… Không cần mở sổ, ông Trần Ngọc Quang (cán bộ văn phòng UBND xã) vẫn “điểm danh” vanh vách nhiều trường hợp mất do ung thư thời gian gần đây: Chị T.T.N mất vì K máu, ông D.M.P chết do K gan, bà T.T.T cũng chết bởi K gan, chị T.T.D ung thư máu, ông N.V.V bị K vòm họng, chị T.T.T ung thư phổi…
Theo thống kê của UBND xã, tất cả các thôn trên địa bàn đều có người chết vì ung thư. Nhiều nhất là các thôn Cổ Bi 2, Tứ Chánh, Phe Tư, Hiền An, với từ 10 đến 20 người chết trong vài năm lại đây.
“Ngay cái xóm Bản nhỏ bé chỉ chưa đầy 20 nóc nhà thuộc thôn Phe Tư, có đến 4 người chết vì ung thư trong hai năm qua. Họ mất khi đang là lao động chính của gia đình, chưa già. Tháng rồi, trong xã cũng vừa có hai người chết vì căn bệnh hiểm này”, ông Trần Ngọc Quang nói.
Cũng tại thôn Phe Tư, có trường hợp cả cặp vợ chồng cùng mắc ung thư rồi chết, để lại sáu người con bơ vơ côi cút, hai con trong số đó bị dị tật bẩm sinh.
Cuộc sống khốn khó kể từ ngày bố mẹ không còn, bốn con lớn phải đi ở đợ kiếm bát cơm qua ngày, gia đình bỗng chốc ly tán. Hai đứa nhỏ dị tật thiếu chăm sóc của người thân, vất vưởng lay lắt một thời gian rồi cũng lần lượt chết yểu.
Trường hợp gia đình vợ chồng anh chị P.C, T.T.C (thôn Hiền An) khi nhắc đến cũng khiến nhiều người chạnh lòng. Trước ngày mắc ung thư gan, anh C. là lao động chính, chuyên lái máy cày thuê, kết hợp làm thêm mấy sào vườn, vài công ruộng để lo cái ăn cái mặc cho cả đàn con nhỏ và người vợ mắc tim mạch.
Thế rồi anh trở ốm, nằm liệt giường dăm bữa thì qua đời, để lại sáu mặt con. Đứa lớn mới 14 tuổi, cháu út còn chưa biết bò.
Từ hôm chồng mất, người vợ bệnh tật cố gắng gượng lê lết làm lụng những việc vừa sức để kiếm chút rau cháo nuôi các con nhỏ. Rồi chị cũng không còn sức để lo cho chúng…
Ngày chúng tôi ghé thăm, chỉ còn mỗi chị C. sống trong ngôi nhà xiêu vẹo, lơ lửng mấy tấm phên tre mục che chắn mưa gió. Những đứa nhỏ đã được chị mang gửi trung tâm xã hội hoặc nhà chùa nhờ nuôi dưỡng.
Tuy các con lớn – bé giờ mỗi đứa một phương, nhưng tất cả đều cố gắng học hành, thậm chí học rất giỏi. Sáu đứa con mồ côi cha với hơn 100 tờ giấy khen học tập từ xa gửi về nhà. Gia đình chị vừa được tặng danh hiệu gia đình hiếu học là vì thế.
“Từ ngày chồng chết, cũng nhờ có bà con lối xóm giúp mớ khoai, bao gạo; chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm luôn quan tâm giúp đỡ, an ủi; các cháu đều gắng học giỏi, nên tui cũng thấy đỡ tủi tấm thân góa bụa và vơi đi phần nào mất mát”, chị C. tâm sự.
Cũng tại thôn Hiền An – một trong những vùng xếp đầu xã về số người chết vì ung thư, nhớ hôm về thăm, chị cán bộ địa phương đưa thẳng chúng tôi đến mục kích một ngôi nhà xiêu vẹo khác, nằm hoang lạnh bên đường.
Căn nhà tuềnh toàng này từng là mái ấm của gia đình anh T.H.Đ và chị N.T.C. Hai vợ chồng đã chết từ ba năm trước do mắc bệnh ung thư phổi khi mới ngoài 40 tuổi.
Sáu đứa con mồ côi không nơi nương tự lần lượt bỏ nhà, rời làng tìm vào Nam kiếm sống. Cách đó không xa là nhà của anh Đ.D và chị H.T.X. Cặp vợ chồng trẻ này cũng vừa mất vì ung thư, bỏ lại bốn con nhỏ.
Chưa rõ nguyên nhân
Trưởng Trạm y tế xã Phong Sơn, bác sĩ Hoàng Du nói: “Đến giờ trạm y tế vẫn chưa rõ nguyên nhân nhiều người mắc, chết vì ung thư trên địa bàn là do đâu, chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào về vấn đề này. Tôi nghĩ, nguồn nước tự nhiên trên địa bàn không bảo đảm vệ sinh, thuốc bảo vệ thực vật dùng tràn lan và tồn dư chất độc chiến tranh còn sót lại có thể là nguyên nhân gây nguy hại sức khỏe cho dân lâu nay”.
Còn theo ông Trần Ngọc Quang, cán bộ văn phòng UBND xã, bệnh ung thư đã lần lượt lấy đi hơn 100 sinh mạng của dân Phong Sơn, đa số người mắc chỉ đến khi phát bệnh nặng mới chịu đi khám.
Hồi chiến tranh, Phong Sơn là vùng căn cứ địa cách mạng, máy bay Mỹ thường xuyên rải chất khai quang.
Ông Nguyễn Bá Nam, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết, gần đây dân địa phương phát hiện bốn thùng phuy đựng chất khai quang rất độc hại tại vùng khe Mạ, nơi cung cấp nước cho một nửa địa bàn Phong Sơn.
Theo ông Nam, mấy năm trước, Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh từng về kiểm tra phân tích nguồn nước.
“Cán bộ xã chúng tôi chỉ nghe nói nguồn nước tự nhiên trên địa bàn không bảo đảm vệ sinh mà thôi, chả có thông tin gì thêm. Dân thì vẫn cứ chết vì ung thư. Qua họp hành, chúng tôi thường xuyên kiến nghị cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, tìm nguyên nhân, nhưng mọi chuyện rơi vào im lặng”, ông Nam nói. (Tiền phong 5/11 (trang 10))

Năm 2050: Cả nước sẽ thừa 4,3 triệu nam giới
Mất cân bằng giới tính khi sinh đã xuất hiện ở nước ta vài năm trở lại đây và ngày càng trầm trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu tình trạng này, điều tiên quyết là phải thay đổi được quan niệm, chứ không phải là o ép, xử phạt hay cấm phá thai.
Càng giàu, càng thích con trai
Ngành dân số nước ta đặt mục tiêu đến năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 115 bé trai trên 100 bé gái. Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) Dương Quốc Trọng, mục tiêu này khó khả thi. Thực tế trong 5 năm trở lại đây, tỷ số này liên tục gia tăng. Lo ngại hơn, mức tăng mạnh lại đến từ những khu vực có đời sống kinh tế phát triển, gia đình khá giả, trình độ học vấn cao. Điều đó cho thấy không chỉ người nghèo, dân số ở các khu vực nông thôn còn nặng tâm lý “chuộng con trai” mà ngay cả ở thành thị, ở lớp người giàu cũng vẫn còn quan niệm thích và mong muốn con trai hơn.
Đáng chú ý, hiện nay ở nước ta xuất hiện xu hướng người dân lựa chọn giới tính thai nhi ngay từ lần sinh đầu tiên, trong khi trước đó thường ở các lần sinh sau họ mới chủ định chọn giới tính. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở khu vực đồng bằng sông Hồng, nhất là các thành thị và tập trung cao hơn ở nhóm công nhân viên chức nhà nước. Nguyên nhân được lý giải là do tâm lý muốn “ăn chắc” của các cặp vợ chồng, bởi nếu lần sinh đầu đã sinh được con trai thì không còn phải bận tâm, lo lắng đến giới tính con cái trong lần sinh sau, mọi áp lực vô hình từ quan niệm cổ hủ “trọng nam khinh nữ” được rũ bỏ. Hơn nữa, nhóm người giàu, dân số ở thành thị cũng có điều kiện hơn so với các vùng khác trong việc tìm kiếm, sử dụng các dịch vụ giúp lựa chọn giới tính khi sinh.
TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết, nếu không có sự can thiệp tích cực thì tỷ số giới tinh khi sinh có thể tăng lên khoảng 125/ 100 vào năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho đến năm 2050, tương ứng với việc chúng ta sẽ dư thừa khoảng 12% nam giới tuổi dưới 50 vào giữa thế kỷ này. Tính theo con số cụ thể, đến năm 2050, cả nước có thể sẽ dư thừa khoảng 2,3-4,3 triệu nam giới, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy từ tình trạng thừa nam, thiếu nữ gây ra.
Xử phạt nặng vẫn thất bại
Trước xu hướng trên, Pháp lệnh về dân số ở nước ta đã có nhiều điều chỉnh, trong đó nhấn mạnh việc lựa chọn giới tính thai nhi, dưới mọi hình thức, đều là việc làm trái pháp luật. Ngay cả một số biện pháp về công nghệ như sàng lọc biết sớm giới tính thai nhi, sàng lọc tinh trùng, được coi là hợp pháp tại Thái Lan thì ở nước ta cũng bị nghiêm cấm. Không những vậy, ngành dân số phối hợp với nhiều ban, ngành liên quan đã tổ chức hàng trăm đợt thanh, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở hành nghề vi phạm pháp lệnh dân số, cố ý thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi. Dù vậy, TS. Dương Quốc Trọng cho biết, thực tế những sai phạm này vẫn diễn ra và hầu hết không phát hiện, xử phạt được.
Cũng theo TS. Dương Quốc Trọng, Trung Quốc là một nước có quá trình phát triển dân số rất tương đồng với Việt Nam và trong những năm qua, đất nước này đã làm rất mạnh, thực hiện các biện pháp rất quyết liệt để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Cụ thể, họ coi hành vi lựa chọn giới tính thai nhi là một hành vi tội phạm, nặng nề giống như tội tham nhũng, tổ chức các đợt truy quét và xử phạt rất nặng. Vậy nhưng rốt cuộc, nước này vẫn thất bại, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn rất cao.
Chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, ông Guilmoto, chuyên gia hàng đầu thế giới về dân số của Quỹ dân số Liên hợp nhấn mạnh, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, việc thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi người là việc làm quan trọng hơn cả. Ông này dẫn chứng “tại nhiều nước phát triển, công nghệ của họ phát triển hơn Việt Nam nhiều lần, pháp luật cũng không nghiêm cấm chặt chẽ, vậy nhưng ở họ lại không xuất hiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Bởi thế, cái đầu, tư tưởng là quan trọng nhất”. Rõ ràng, chỉ khi nào bản thân mỗi người không còn nặng quan niệm “trọng nam, khinh nữ”, không còn tâm lý phải có con trai bằng mọi cách… thì tình trạng này mới được giải quyết dứt điểm.
Cần giáo dục giới tính ngay từ nhà trường
Phát biểu tại hội thảo quốc gia về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, do Bộ Y tế tổ chức ngày 3-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, sự gia tăng tỷ số giới tính ở nước ta, đặc biệt là 3 năm trở lại đây rất đáng lo ngại. Theo Phó Thủ tướng, tình trạng này sẽ không thể giảm được nhanh trong thời gian tới nhưng vẫn phải làm, phải truyền thông mạnh mẽ hơn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Y tế cần phối hợp với ngành Giáo dục nghiên cứu đưa vấn đề giới tính vào các chương trình chính thức để ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, các em có những nhìn nhận đúng đắn hơn về giới và bình đẳng giới. (An ninh Thủ đô 5/11 (trang 3))

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh: “Việt Nam sẽ làm được!”
Sự khẳng định này là ý chí chung của Hội thảo Quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) diễn ra tại Hà Nội ngày 3/11.
Phụ nữ sẽ bị “giành giật”
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Từ năm 2006 đến nay, tỉ số này luôn trong xu hướng tăng và tăng mạnh; có năm tăng tới 1 điểm phần trăm – tức là gấp 10 lần so với trước đây và theo điều tra biến động dân số 1/4/2012, tỉ số này đã cao tới mức nghiêm trọng: 112,3 trẻ trai/100 trẻ gái.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, nếu không có sự can thiệp tích cực nhằm giảm tốc độ gia tăng MCBGTKS thì tỉ số GTKS của nước ta có thể tiếp tục tăng lên khoảng 125 vào năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho đến năm 2050. Thứ trưởng nhấn mạnh: Tình trạng này sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về xã hội, an ninh và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và là tai họa đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc.
Điều đáng lo ngại là tình trạng MCBGTSKS của Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đã rơi vào tình trạng này và đang phải đối mặt với hệ lụy của nó. Hằng năm, các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc phải “nhập khẩu” cô dâu mà vẫn không đáp ứng được số nam giới đến tuổi trưởng thành có nhu cầu kết hôn. Phần lớn các phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài là cô dâu của các nước nói trên. Điều đó cho thấy, nếu tình trạng MCBGTKS không được khống chế, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề hơn nhiều so với các nước có tình trạng tương tự.
“Một số hậu quả có thể thấy trước được là việc gia tăng quy mô các hoạt động bắt cóc và buôn bán phụ nữ, buôn bán trẻ em gái. Phụ nữ sẽ bị “giành giật” và sẽ phải kết hôn sớm hơn” – TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nói.
Thách thức gay gắt
Từ thực trạng và thách thức nói trên, các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương, đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và các đại biểu quốc tế đều có chung một nhận định: Sự MCBGTKS ở Việt Nam có nguyên nhân cơ bản là do sự yêu thích con trai và có cơ hội tiếp cận để thực hiện nguyện vọng đó.
TS Christophe Guilmoto – chuyên gia quốc tế về MCBGTKS của UNFPA đánh giá: Dù MCBGTKS ở Việt Nam diễn ra muộn hơn nhưng so sánh với các nước láng giềng như: Nhật Bản, Thái Lan, Philippines thì tỉ số GTKS Việt Nam tăng trong khi các nước trên không tăng. TS Guilmoto cũng cho rằng tỉ lệ sinh ngày càng giảm, quy mô gia đình ngày càng nhỏ thì nhu cầu mong muốn có con trai càng mạnh mẽ. “Vấn đề đặt ra là có ít con song đứa con đó nhất định phải là con trai. Đây chính là “kẽ hở” cho công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi phát triển”.
Đồng quan điểm với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Khá – Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay: Nhiều người đã lợi dụng công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi, và sẽ loại bỏ nếu biết đó là thai nhi gái. Điều đáng nói ở đây là dù ở Việt Nam việc chẩn đoán giới tính thai nhi bị nghiêm cấm nhưng trên 90% số phụ nữ mang thai biết được giới tính của con mình trước khi sinh. “Nhiều người làm dịch vụ sẵn sàng “lách luật” như việc dùng “từ lóng”: “Thai nhi này giống mẹ”, “mạnh mẽ”, “dịu dàng” để thông báo về giới tính của thai nhi” – bà Khá nói.
Nói về sự khó khăn của việc giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, bà Châu Tuyết Ngọc – Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bạc Liêu cho biết, nhiều phụ nữ bị áp lực bởi mong muốn của chồng và gia đình chồng mong muốn có con trai. Nhiều người trong số họ chiều theo ý thích của gia đình nhà chồng, nếu ai sinh con gái đầu lòng thì thấy rất “hoang mang” và tìm cách sinh cho được con trai vào những lần sinh sau…
Biện pháp đồng bộ
Trước các ý kiến tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Động cơ phải có con trai đã tồn tại trong tâm lý của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng hàng nghìn năm nay. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, cơ hội tiếp cận nó ngày càng dễ dàng và thuận lợi của người dân; việc thực thi luật pháp trong việc lựa chọn giới tính thai nhi chưa nghiêm,… đã khiến tỉ số GTKS ngày càng tăng.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định việc giảm thiểu mất cân bằng GTKS là một quá trình phải được thực thi bằng nhiều biện pháp đồng bộ. Bà Trần Thanh Bình – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất giải pháp giáo dục gia đình về chức năng, trách nhiệm chung của cha mẹ vì lợi ích con cái, không phân biệt đối xử với con gái – con trai; truyền thông cho mọi đối tượng, trong đó tập trung vào những cặp vợ chồng trẻ, vợ chồng đã có 2 con một bề là con gái. Còn ông Lê Duy Sớm – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo TƯ cho rằng, để giảm thiểu được tình trạng MCBGTKS, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên, các nhà lãnh đạo cộng đồng cần làm gương chấp hành tốt trong gia đình mình, rồi dần thuyết phục, vận động người thân, dòng họ và mọi người dân trong cộng đồng làm theo.
Trong các nhóm giải pháp, TS Dương Quốc Trọng nhấn mạnh đến giải pháp tuyên truyền vận động, giáo dục chuyển đổi hành vi, đồng thời phải có chính sách ưu tiên nữ. Bên cạnh đó, việc tăng cường cam kết về mặt chính trị phải được đặt lên hàng đầu. TS Trọng cho rằng, một mình ngành Y tế, Dân số không thể đạt được sự thành công trong việc giảm thiểu MCBGTKS nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
TS Dương Quốc Trọng cũng cho hay, sau Hội thảo này Bộ Y tế sẽ xây dựng một báo cáo để trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội báo cáo về kết quả của Hội nghị quốc gia về MCBGTKS cùng các khuyến nghị. Trong đó có một khuyến nghị rất quan trọng mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đề xuất: Đó là cần xây dựng một Chỉ thị của Ban Bí thư về vấn đề này. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành Trung ương như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ LĐ, TB&XH, Bộ Giáo dục & Đào  tạo, Trung ương Đoàn TNCSHCM, Hội LHPNVN, Hội Nông dân… để cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan.(Gia đình & Xã hội 5/11 (trang 6))

Gửi thảo luận