Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 5/1/2013

Điểm báo ngày 5/1/2013


10 thành tựu tiêu biểu ngành y tế năm 2012

(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/QĐ-BYT ngày 04/01/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế  về việc công bố 10 thành tựu tiêu biểu của ngành y tế năm 2012).

1. Ngành y tế đã tiến hành kiểm soát tốt các dịch bệnh mới nổi, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tay chân miệng hơn 4 lần so năm 2011. Đặc biệt đã phát hiện ra căn nguyên và khống chế thành công bệnh “lạ” viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi.

2. Đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật hiện đại trong y học tại Việt Nam như: ghép tủy đồng loại, ghép gan, tim, thận, kỹ thuật chẩn đoán di truyền…  đem lại hy vọng mới cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

3. Lần đầu tiên sau 18 năm, đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp y tế công lập; liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC, theo đó điều chỉnh 470/3000 giá dịch vụ y tế. Nghị định tạo một nền tảng để cải tiến, đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực y tế, từng bước chuyển dần đầu tư ngân sách của nhà nước cho cơ sở cung ứng dịch vụ sang cho người được hưởng thụ dịch vụ.

4. Tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong bối cảnh Việt Nam là một trong 04 nước có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới, đây là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần giảm tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người dân Việt Nam, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

5. Tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 và xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020. Đây là chủ trương, chính sách quan trọng mang tính ưu việt và nhân văn của Đảng và Nhà nước ta.

6. Tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế. Nghị định ra đời cơ bản đã giải quyết được những vấn đề chồng chéo nhiệm vụ trong quản lý nhà nước giữa các bộ ngành và bổ sung đầy đủ chức năng, nhiệm vụ ưu tiên của ngành y tế.

7. Lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị của Tổ chức Y tế giới khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 tại Việt Nam, được Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là Hội nghị thành công và ấn tượng nhất. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của 350 đại biểu đến từ 35/37 quốc gia, trong đó có 22 Bộ trưởng. Hội nghị đã thông qua được 09 Nghị quyết về các vấn đề y tế trọng tâm của Khu vực Tây Thái Bình Dương.

8. Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 730/QĐ-TTg ngày 19/6/2012 về việc lấy ngày 02/7 hàng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân và Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 26/11/2012 về việc triển khai phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, nhằm huy động toàn xã hội tham gia giải quyết những vấn đề vệ sinh liên quan đến sức khỏe, tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vệ sinh yêu nước từ 02/7/1958.

9. Hoàn thành Đề án giảm quá tải bệnh viện trình Chính phủ và bước đầu thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Đã và đang đưa vào sử dụng 1350 giường bệnh mới thuộc các chuyên khoa ung bướu, tim mạch, nội tiết tại tuyến Trung ương, từng bước góp phần giảm tải bệnh viện.

10. Đã triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng thuốc hiệu quả, giảm chi phí trong khám chữa bệnh, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam. (Sức khỏe và Đời sống 5/1- trang 3, Hà Nội mới 5/1- trang 5)
 
Ðại hội Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ II

Sáng 4-1, tại Trường đại học Y Hà Nội, khai mạc Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2012 – 2015. Tới dự, có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Ðắc Vinh; đại diện các bộ, ban, ngành T.Ư, địa phương cùng 289 đại biểu thầy thuốc trẻ ưu tú trong cả nước.

Sau ba năm thành lập, đến nay, mạng lưới Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ; 59 tỉnh, thành phố có tổ chức Hội, câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ, trong đó, có 22 tỉnh, thành phố thành lập Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cấp tỉnh. Nhiệm kỳ 2009 – 2012, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam có nhiều đóng góp thiết thực, quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Với khẩu hiệu hành động Thầy thuốc trẻ Việt Nam rèn đức, luyện tài, vì sức khỏe cộng đồng, trong nhiệm kỳ 2012 – 2015, Hội đưa ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục triển khai ba cuộc vận động: Thầy thuốc trẻ học tập, rèn luyện, nâng cao y đức; Thầy thuốc trẻ sáng tạo trong nghiên cứu khoa học; Thầy thuốc trẻ vì sức khoẻ cộng đồng. Quyết tâm  xây dựng Hội vững mạnh, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thầy thuốc trẻ; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của thầy thuốc trẻ; đồng thời cổ vũ lực lượng thầy thuốc trẻ xây hoài bão, thi đua rèn đức, luyện tài, lập thân, lập nghiệp; cống hiến tài năng và sức trẻ trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Phát biểu ý kiến tại Ðại hội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhiệt liệt biểu dương thành tích của các cấp bộ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đạt được trong nhiệm kỳ qua. Phó Chủ tịch nước cho rằng, Hội không chỉ là môi trường để lực lượng thầy thuốc trẻ cả nước rèn luyện, học tập và cống hiến mà còn là nơi định hướng, cuốn hút các thầy thuốc trẻ đến với những giá trị mang tính nhân văn của truyền thống dân tộc. Trong nhiệm kỳ 2012 – 2015, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động đã đề ra, chủ động triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Ðảng và Nhà nước, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời làm tốt công tác đưa cán bộ trẻ về làm việc tại những nơi còn gặp nhiều khó khăn trong cả nước. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mong muốn, đội ngũ thầy thuốc trẻ trong cả nước tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn và y đức; chủ động và sáng tạo  nghiên cứu khoa học; đóng góp vào sự phát triển của nền y học nước nhà.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tuyên dương và trao biểu trưng tặng mười thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2012; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tuyến trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng bốn thầy thuốc trẻ có thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ 2009 – 2012.

Ðại hội thông qua Nghị quyết và ra mắt Hội đồng Tư vấn Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; công bố Thư của Ðại hội gửi lực lượng thầy thuốc trẻ Việt Nam; ra mắt BCH T.Ư Hội khóa II gồm 98 ủy viên. Anh Tăng Chí Thượng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam khóa I, Giám đốc Bệnh viện Nhi Ðồng I (TP Hồ Chí Minh) được Ðại hội hiệp thương giữ chức Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam khóa II. (Nhân dân 5/1- trang 1+3, Hà Nội mới 5/1- trang 2, Tuổi trẻ 5/1- trang 2, Tiền phong 5/1- trang 7)
 
2 bộ trưởng đi kiểm tra thực phẩm

Hôm nay 5-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cùng kiểm tra an toàn thực phẩm tại Hà Nội.

Theo lịch trình, hai bộ trưởng sẽ tới một nhà máy sản xuất thực phẩm để kiểm tra toàn bộ quy trình sản xuất, đồng thời sẽ tới kiểm tra thực phẩm tại chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội.

Theo Bộ Y tế, đây là hoạt động nằm trong tháng cao điểm về vệ sinh thực phẩm, bên cạnh tám đoàn kiểm tra liên ngành tại 24 địa phương kéo sài một tháng trước Tết Nguyên đán.

Theo thống kê của Bộ Y tế, 11 tháng của năm 2012 có 164 vụ ngộ độc và 33 người tử vong do ngộ độc thực phẩm, so với năm 2011 tăng cả về số vụ, số người mắc, số tử vong. (Tuổi trẻ 5/1- trang 2)
 
Bác sĩ tử vong do biến chứng bệnh thủy đậu

Ngày 4.1, thông tin từ Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết tại BV này có một bác sĩ tử vong do biến chứng của bệnh thủy đậu, là ông N.V.T (51 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp).

Được biết, ông T. và vợ đều hành nghề y. Một bác sĩ cho rằng, có thể vì làm nghề y nên ông T. chủ quan với bệnh tật của mình; ngoài ra ông T. còn có bệnh tiểu đường, cao huyết áp đi kèm.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, bệnh thủy đậu ở người lớn nếu xảy ra biến chứng sẽ rất nguy hiểm. Biến chứng của bệnh thường là viêm phổi nặng và viêm não. (Thanh niên 5/1- trang 13, Tiền phong 5/1- trang 6)
 
Rét 10 độ C, trẻ viêm phổi ồ ạt nhập viện

Thời tiết đột ngột trở lạnh và trẻ em nhập viện cũng đột ngột tăng mạnh. Bệnh chủ yếu: Viêm phổi.

Theo khảo sát của phóng viên tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai…, số trẻ nhập viện đã tăng đột biến trong vài ngày gần đây, khi miền Bắc liên tiếp đón những trận gió lạnh, rét tăng cường, nhiệt độ ở mức trên dưới 10 độ C.

Đường vào BV nhi T.Ư sáng 4.1 tắc nghẽn vì nhiều taxi, xe máy đưa trẻ vào viện khám. Dù đã gần 11h, khuôn viên của BV vẫn chật kín người. Tại hành lang khoa Khám bệnh, bệnh nhân và người nhà vẫn đứng, ngồi la liệt để chờ được khám, khiến không khí nơi đây càng trở nên ngột ngạt. Theo bác sĩ Cấn Phú Nhuận – Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi T.Ư – gần một tuần nay, các phòng khám luôn quá tải vì quá đông bệnh nhân. Đa số trẻ tới khám vì mắc các bệnh về viêm đường hô hấp. Đặc biệt, nguy cơ mắc tiêu chảy ở trẻ em cũng tăng cao khi thời tiết chuyển mùa.

Cùng chung thực trạng trên, số trẻ bị viêm phổi vào khoa Nhi – BV Bạch Mai cũng tăng đột ngột. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi – cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 300 ca vào điều trị, thậm chí buổi tối cũng có đến 100 trẻ vào khám, trong đó nhiều trẻ bị lên cơn hen cấp hoặc mắc các bệnh đường hô hấp khác. Đặc biệt, trong số bệnh nhân đến khám thì đến hơn 1/3 bệnh nhi mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Trong đó, rất nhiều ca viêm phổi nặng phải nhập viện.

“Số bệnh nhi viêm phổi tăng lên rõ rệt, gấp đôi ngày thường. Đó mới chỉ tính số bệnh nhân vào viện, chưa kể số bệnh nhi viêm phổi mức độ nhẹ điều trị ở nhà. Tiếp đến phải kể đến số trẻ nhỏ mắc viêm tiểu phế quản, trẻ lớn viêm mũi. Ngoài ra, trẻ mắc bệnh lý về tiêu hóa, tiêu chảy do virút Rota cũng tăng lên” – bác sĩ Cấn Phú Nhuận cho hay.

Theo các bác sĩ, khi trẻ có dấu hiệu bị ốm, các bậc phụ huynh cần lưu ý 3 dấu hiệu quan trọng là việc ăn, bú, ngủ và cách thở của bé. Cụ thể, nếu thấy bé ăn ít, khóc khi ăn, thở nhanh, nhìn thấy rõ 2 cánh mũi phập phồng… thì cha mẹ cần đưa đi khám ngay vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Tuyệt đối không được tự mua thuốc kháng sinh cho con uống, bởi có thể làm bệnh nặng hơn.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, trời rét, cần nhất là phải giữ ấm cho trẻ. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tuy nhiên cần lưu ý phòng tắm đóng kín, tránh gió lùa. Nhà cửa cũng phải giữ thông thoáng, sạch sẽ. Ngoài ra, cần đảm bảo cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nước uống nên pha thêm nước nóng để tan giá, tránh nguy cơ viêm họng, nhất là sau khi bé ngủ dậy buổi sáng. (Lao động 5/1- trang 4)
 
Tử vong vì tắc ruột

Gần đây, rất nhiều người đã phải cấp cứu phẫu thuật vì tắc ruột do bổ sung chất xơ không đúng cách. Đây là loại cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở người già và trẻ nhỏ, có thể gây mất nước và điện giải do nôn, hạ huyết áp, trụy mạch sớm, tính mạng bị đe dọa.

Đủ loại tắc ruột

Trong vòng chưa đến 1 tháng, Bệnh viện 354 đã phải cấp cứu cho hai trường hợp bị tắc ruột do ăn chất xơ. Đó là trường hợp anh Thái Minh T, 45 tuổi (quận Đống Đa, HN). Chỉ vì nuốt 6 miếng cam để chữa hóc xương cá, anh đã phải cấp cứu vì khối xơ tắc tại ruột non. Tương tự, ông Nguyễn Văn K (78 tuổi ở Hà Nội) có thói quen ăn nhiều chất xơ để tốt cho tiêu hóa. Hôm đó, sau khi ăn măng khô, ông bị đau bụng, nôn, bí trung đại tiện… đi cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán tắc ruột phải mổ khẩn cấp.

Bệnh viện 108 mới  đây cũng mổ cho trường hợp bà Nguyễn Thị G, 82 tuổi (Hạ Hải, tỉnh Phú Thọ) bị tắc ruột do ăn măng vịt và quả ngão. Anh Phạm Văn L, 40 tuổi (Hà Nội) vào viện trong tình trạng nôn mửa, bụng đau quặn không thể đại tiện. Bệnh nhân được chẩn đoán tắc ruột và khi phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra rất nhiều múi và xơ mít chưa được nhai nát.

Theo TS Nguyễn Ngọc Bích – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai – bệnh lý này mấy năm gần đây có xu hướng tăng. Từ năm 1999 đến nay, khoa đã tiếp nhận và xử lý cho hơn 100 trường hợp tuổi từ 17-82 bị tắc ruột. Hầu hết người bệnh vào viện trong tình trạng chướng bụng, đau bụng, nôn, bí trung đại tiện, quai ruột nổi hằn như rắn bò, sờ thấy khối, hơi sốt, mạch và huyết áp nhanh… Đa phần bệnh nhân có từ 2-5 khối bã thức ăn.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi T.Ư, trong vòng 5 năm cũng có tới hơn 100 ca nhập viện do dị vật là thức ăn. Trong đó các dị vật chủ yếu là hồng xiêm, sung, hồng ngâm, cam, ổi, ngô rang, dâu da xoan, mít, tóc, sợi len, quần áo rách…

BS Trương Thanh Tùng – khoa Ngoại chung, BV 354 – cho biết, tắc ruột do đọng bã thức ăn là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp, chiếm gần 20% các cấp cứu bụng.

PGS-TS Triều Triều Dương – Chủ nhiệm khoa Ngoại nhân dân, BV T.Ư Quân đội 108 – lưu ý, thời điểm ăn, loại thực phẩm và thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân mang tính nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn”. U bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng xiêm, hồng ngâm, sung, ổi và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng, cam, bưởi, quýt, mít, ngô… Đặc biệt lưu ý nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều pectin và nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.

Khó chẩn đoán, dễ tử vong

Theo TS Dương, tắc ruột do bã thức ăn còn gọi u bã thức ăn đường tiêu hóa, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng xu hướng tăng nhiều ở trẻ em tuổi học đường và bệnh nhân cao tuổi. Vì triệu chứng lâm sàng thường không đặc hiệu, bệnh diễn biến tăng dần nên việc chẩn đoán còn gặp nhiều khó khăn, thầy thuốc quan tâm thăm khám và phân tích tỉ mỉ bệnh sử, tiền sử bệnh sẽ tránh bỏ sót tổn thương. Đặc điểm trẻ nhỏ và người già nếu không được xử lý phẫu thuật kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng nặng như vỡ – thủng, hoại tử ruột, viêm phúc mạc… và xuất huyết.
BS Tùng thì cho biết, phần lớn các trường hợp dấu hiệu tắc ruột không điển hình, lúc tắc hoàn toàn, có lúc lại không. Do vậy bệnh nhân thường đến viện muộn (sau 24-72 giờ), với biến chứng nặng, cục bã thức ăn đã nút chặt lòng ruột.

Để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, nói chung và đặc biệt đối với trẻ nhỏ, không cho trẻ nuốt kẹo caosu. Thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ. Khi ăn phải nhai kỹ, không ăn quá nhanh hoặc nuốt chửng, thức ăn không quá nhiều rau quả có tanin và hàm lượng chất xơ cao, nhất là những người có tiền sử bệnh lý răng miệng, bệnh đường tiêu hoá hay đã phẫu thuật dạ dày, ruột…

(Lao động 5/1- trang 4)
 
Kỹ thuật mới điều trị ung thư lưỡi

Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy ung thư lưỡi chiếm khoảng 30% trong các ung thư vùng miệng, kỹ thuật mới ứng dụng giúp bệnh nhân có cơ hội tái tạo lưỡi.
Mất lưỡi vì chủ quan

Phát hiện ở lưỡi nổi lên một lớp sừng nhưng bệnh nhân Nguyễn Văn T. 44 tuổi ở Đồng Nai chủ quan không nghĩ đây là dấu hiệu bệnh lý.

Đến khi vết loét lan rộng hai bên rìa lưỡi, gây đau kèm theo khó khăn khi nói chuyện, anh T. mới đến BV Ung bướu TPHCM thăm khám và phát hiện mình bị ung thư lưỡi giai đoạn cuối.

Giải pháp tốt nhất được bác sĩ chỉ định đối với tình trạng bệnh là phải cắt bỏ một phần lưỡi bị ung thư xâm lấn.

Các đây vài tháng, anh Trần Đình H., 51 tuổi ở TPHCM thấy lưỡi xuất hiện một vết loét. Khám tại một phòng khám tư về tai mũi họng thì bác sĩ chẩn đoán anh “bị nhiệt miệng” nên cho thuốc về uống.

Sau hai tháng vết “nhiệt miệng” không những không lành mà còn lan rộng ra đầu lưỡi, nhưng do không có cảm giác đau nhiều nên anh H. vẫn ngại đến bệnh viện.

Đến khi vết loét chảy máu lan ra hết đầu lưỡi, anh H. mới đến Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Chợ Rẫy để khám thì phát hiện ra bị ung thư lưỡi giai đoạn 3 buộc phải cắt một phần đầu lưỡi.

Bác sĩ ở khoa Tai mũi họng cho biết nguyên nhân gây nên ung thư lưỡi của anh H có thể do uống rượu và hút thuốc lá nhiều.

Theo TS-BS Trần Phan Chung Thủy- Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Chợ Rẫy căn bệnh này ngày càng gia tăng nhưng hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đều phát hiện khi đã muộn buộc phải cắt một phần lưỡi hoặc cắt toàn bộ.

Bác sĩ Thủy cho biết, tỷ lệ mắc ung thư lưỡi khoảng 3/100 nghìn dân. Mỗi năm có khoảng trên 20 nghìn người mắc căn bệnh này, chiếm từ 10-15% ca mắc trong các bệnh ung thư. Đa số người mắc thường từ 40-60 tuổi.

Cơ hội tái tạo lưỡi sau phẫu thuật

Đã có 7 bệnh nhân bị ung thư lưỡi sàn miệng các giai đoạn 3 và 4 được các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Chợ Rẫy dùng phương pháp sử dụng vạt cơ dưới móng để tái tạo lại cho lưỡi vốn đã bị cắt đi một phần.

Đây được xem là thành công lớn khi giúp bệnh nhân giữ được chức năng của lưỡi và tính thẩm mỹ.

Bác sĩ Trần Phan Chung Thủy cho biết, trong số 7 bệnh nhân bị ung thư lưỡi điều trị thời gian qua đều là bệnh nhân nhập viện trong tình trạng muộn buộc phải cắt u lưỡi, làm ảnh hưởng đến chức năng nuốt và nói của bệnh nhân.

Bác sĩ Thủy cho biết, ung thư lưỡi đang gia tăng nhưng hầu hết bệnh nhân phát hiện khi đã muộn. Để biết có ung thư lưỡi hay không người bệnh nên đến khám các bác sĩ tai mũi họng ngay khi phát hiện ở lưỡi có những vết loét lâu ngày, màu trắng, đỏ ở hai bên lưỡi hoặc khi thấy ngứa, chảy máu lưỡi, đau tai, đau rát lưỡi lúc ăn uống.


“Việc tạo hình lại lưỡi vì vậy cũng không dễ dàng. Lâu nay, đối với bệnh nhân bị cắt lưỡi thường dùng phương pháp vạt da cơ và vạt tự do để tạo hình. Tuy nhiên, hiệu quả không như mong muốn. Vì vậy, nghiên cứu phương pháp sử dụng vạt da cơ dưới móng để tái tạo lại những u vùng đầu cổ bị cắt mang lại hiệu quả cao hơn và thẩm mỹ hơn”- bác sĩ Thủy cho biết.

Để trả lại chức năng cho lưỡi, các bác sĩ đã vạt lấy cơ dưới móng, sau đó tạo hình lưỡi bị cắt. Trong 7 bệnh nhân điều trị ung thư lưỡi và được tái tạo lưỡi đều được xạ trị và tái khám định kỳ, kết quả cho thấy không có trường hợp nào gây hoại tử vạt và tái phát sau mổ. Chức năng nói và nuốt sau tạo hình lưỡi không bị ảnh hưởng nhiều.

Theo bác sĩ Thủy, với cách làm này có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp ung thư đầu cổ do phương pháp vạt này có ưu điểm là dễ làm, khả năng lành cao, giữ được chức năng của lưỡi và có tính thẩm mỹ. (Tiền phong 5/1- trang 15)
 
Gia tăng người nhập viện

Trời rét đậm khiến nhiều bệnh viện tăng vọt số lượng bệnh nhân viêm đường hô hấp, tim mạch, nhồi máu cơ tim.

Theo BS Nguyễn Trung Anh – Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện Lão khoa T.Ư, mấy ngày lạnh, nhiều người già đã nhập viện vì các bệnh đường hô hấp, huyết áp, tim mạch. Nhiều bệnh nhân bị đột quỵ do đi tập thể dục buổi sáng, tắm nơi không kín gió hoặc nửa đêm dậy đi vệ sinh mà không mặc ấm. Có ca bị méo miệng, hôn mê hoặc nói không rõ tiếng.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, số ca tai biến trong một tuần gần đây tăng gần gấp đôi, nhiều bệnh nhân trên 60 tuổi. Ngoài ra các khoa tim mạch, thần kinh đều quá tải. Bác sĩ Trung Anh cho biết, khi trời lạnh, các mạch máu co lại dễ bị tắc nên dẫn đến đột quỵ. Ngoài ra, nên tránh ra ngoài mà không mặc đủ ấm, khiến cơ thể mất nhiệt, huyết áp cao đột ngột dễ khiến người già dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Bệnh viện Nhi T.Ư vẫn đón khoảng 2.000-3.000 trẻ mỗi ngày, tuy nhiên, có đến 1/3 bệnh nhân bị viêm đường hô hấp cấp do trời lạnh. Nhiều bệnh nhân chỉ 2-3 tháng tuổi cũng được người nhà trùm chăn kín mít đưa đi khám. Còn các bệnh nhân bị bệnh mãn tính thì lại vắng vì trời lạnh, người nhà trì hoãn đưa đi khám hoặc tái khám. Hiện khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi T.Ư) có tới 160 bệnh nhi viêm phổi nặng, khoa bị quá tải phải nằm ghép.

Theo BS Cấn Phú Nhuận – Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện Nhi T.Ư, trời lạnh khiến trẻ em dễ mắc các bệnh hô hấp, tiêu chảy, viêm màng não. Bệnh nhân nhẹ thì chỉ ho, nghẹt mũi, chảy mũi, viêm amidan. Còn bệnh nặng thì có thể dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi cấp với chuyển biến bệnh khá nhanh và nguy hiểm. Vì thế, cha mẹ nếu thấy con bị sốt cao, thở gấp, quấy khóc, bỏ bú thì cần đưa đến bệnh viện để được khám và điều trị.

Tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), lượng bệnh nhân tăng lên gấp rưỡi (khoảng 300 em/ngày). PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa cho biết, trẻ gặp lạnh rất dễ bị viêm họng, vì thế, quan trọng nhất là giữ ấm cho trẻ, không đưa trẻ ra ngoài trời lạnh. Tuy nhiên, trong nhà cần phải thông thoáng, không nên đóng kín cửa khiến virus gây bệnh hô hấp càng dễ phát tác. Đặc biệt không dùng than củi để sưởi trong phòng kín sẽ dễ khiến trẻ bị bệnh, nhất là trẻ có tiền sử hen suyễn. Ngoài ra, có thể xảy ra những tai nạn đáng tiếc khi khí CO2 quá đậm đặc, gây cháy nổ…

Còn bác sĩ Trung Anh cho biết, người già không nên tập thể dục ngoài trời khi thời tiết lạnh. Nếu đi ra ngoài cần giữ ấm, không dùng nước lạnh, uống nước ấm và tăng cường dinh dưỡng. (Nông thôn ngày nay 5/1- trang 11)
 
Bé trai suýt mù vì kim tiêm chọc vào mắt

Ngày 4-1, bác sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng Khoa Chấn thương – Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, khoa vừa tiếp nhận bệnh nhi Trần Văn C. (6 tuổi, ở Quảng Bình) được chuyển đến điều trị do gặp một tai nạn khá hy hữu. Lúc nhập viện, mắt trái của cháu bé bị đau buốt trong, không thể mở được vì mủ ken đặc, ngoài ra còn liên tục bị sốt cao. Người nhà bệnh nhi cho biết, trước đó gần 1 tuần, trong lúc lấy kim tiêm chữa bệnh của ông ngoại để đùa nghịch, không may bé C. bị kim tiêm chọc thẳng vào mắt. Sau gần 4 ngày điều trị tại một BV ở tỉnh Quảng Bình, tình trạng mắt trái của C. không đỡ, còn bị chảy mủ, chảy máu, sốt cao nên được chuyển ra BV Mắt Trung ương. Theo bác sĩ Quốc Anh, bệnh nhi bị chấn thương xuyên vùng mắt và sẽ phải phẫu thuật. (An ninh thủ đô 5/1- trang 2)
 
Biểu diễn kiếm bị thủng thực quản

BSCKII. Phạm Văn Đông, Trưởng Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân L.P.C (sinh năm 1994 ngụ tại Vĩnh Long) phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu do thủng thực quản, áp-xe trung thất rất nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân là do C. biểu diễn kiếm trong đám cưới và đã bị chính thanh kiếm đó đâm thủng thực quản. Theo BS. Phạm Văn Đông, vết thủng thực quản của bệnh nhân rộng đến 2cm. Ngoài ra, trung thất của bệnh nhân ứ đọng đến 400ml dịch từ đường tiêu hóa tràn lên, chứa nhiều axít và vi khuẩn, nhiễm khuẩn toàn thân. Các bác sĩ đã tiến hành khâu chỗ thủng ở thực quản, bơm rửa sạch dịch ở trung thất cho bệnh nhân. Đồng thời, bệnh nhân được mở dạ dày để nuôi ăn. Hiện bệnh nhân đã tỉnh nhưng vẫn chưa thể tự thở được và đang được chăm sóc đặc biệt.

BS. Đông cho biết, đây không phải là lần đầu bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân thủng thực quản do nuốt kiếm. Tai nạn nguy hiểm ở chỗ rất dễ gây nhiễm khuẩn dẫn đến tử vong nếu như cấp cứu không kịp thời. Ngoài ra, nếu vết thương lành tốt vẫn có thể gây sẹo hẹp thực quản hoặc tái nhiễm khuẩn. Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, khi biểu diễn xiếc phải hết sức cẩn trọng và nên tập luyện kỹ càng, thuần thục trước khi hành nghề. (Sức khỏe & Đời sống 5/1- trang 5)

 

Gửi thảo luận