Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 22/10/2012

Điểm báo ngày 22/10/2012

 Đào tạo nhân lực ngành y dược: Lo chất lượng bác sĩ tương lai

“Sinh viên trường CĐ, Trung cấp y vào thực tập ở bệnh viện rất nhiều nhưng điều tôi băn khoăn là học đến năm thứ 3 rồi nhưng đo thân nhiệt cho bệnh nhân cũng chưa đúng cách. Đo huyết áp thì 5, 7 lần không được. Tiêm thì chắc chắn là không dám để cho các cô cậu sinh viên thực hành trên bệnh nhân” – một bác sĩ Khoa Nhi bệnh viện Xanh Pôn nhận xét. Nhiều trường thu hút đầu vào với việc mở các ngành đào tạo y, dược

“Cùng ngành cũng phải nói thẳng”

Đấy là ý kiến của chính những người trong ngành phát biểu về thế hệ những y bác sĩ tương lai đang được đào tạo tại nhiều cơ sở giáo dục công lập hiện nay. “Không biết ở trường, sinh viên được dạy cái gì mà đi thực tập chúng tôi phải cầm tay chỉ việc tất cả, từ chuyên môn đến ý thức người thầy thuốc” – Bà N.M.Y, nguyên bác sĩ bệnh viện Đống Đa cho biết. Đây là  nhận xét của người trong ngành rút ra từ nhiều năm chứng kiến lượng sinh viên ngành y các trường CĐ, trung cấp được gửi đến thực tập tại các bệnh viện ở Hà Nội.

Điều này còn có thể thấy rõ qua đánh giá khách quan của người nhà, bệnh nhân. “Đã đến khám ở bệnh viện toàn là người có bệnh, vậy mà các cô cậu sinh viên thực tập cứ ngồi tràn lan hết các ghế chờ, không ai có ý định nhường chỗ cho bệnh nhân. Chưa kể là trong bệnh viện cần yên tĩnh thì các cô cậu này nói cười thoải mái, vui vẻ cứ như ngoài đường vậy” – chị Nguyễn Mai Hạnh, đưa con đến khám tại bệnh viện Xanh Pôn cho biết.

Thực tế cho thấy, ngành y dược hiện nay là một trong những ngành đào tạo hút đầu vào nhất không chỉ với các trường ĐH, CĐ mà cả và trung cấp, vốn là hệ đào tạo khó tuyển sinh nhất hiện nay. Ông Nguyễn Công Khẩn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết, ngoài hơn 20 trường ĐH đào tạo nhân lực y tế với các chuyên ngành bác sỹ, điều dưỡng, dược sỹ thì cả nước có 35 trường CĐ y, dược đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, dược sỹ…, 44 trường trung cấp và 16 viện, bệnh viện đào tạo sau ĐH. Hàng năm, số sinh viên y, dược đều tăng, năm 2011 tăng gấp 7 lần năm 2003 và gấp 2 lần năm 2007. Sự gia tăng mạnh chỉ tiêu tuyển sinh cùng sự “bùng nổ”các cơ sở đào tạo trong ngành này đang khiến cho nhiều người lo ngại về chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt này

Khó đảm bảo chất lượng

Điều dễ nhận thấy là điểm chuẩn trúng tuyển ngành bác sĩ đa khoa năm nay ở các trường ĐH công lập y dược luôn dẫn đầu trong các khối ngành đào tạo hiện nay. Trong đó, ĐH Y Hà Nội đưa ra điểm chuẩn năm nay 26 điểm, ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, khoa Y (ĐHQG TP.HCM) 24 điểm, ĐH Y dược Cần Thơ 23,5 điểm… Trái ngược với bức tranh công lập này là sự dễ dãi đến không ngờ của khối ngoài công lập, đào tạo nhóm ngành liên quan đến sức khỏe con người nhưng lại có điểm chuẩn trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn. ĐH Hồng Bàng, ngành điều dưỡng và kỹ thuật y học bậc ĐH có điểm chuẩn bằng điểm sàn khối B là 14 điểm. Ngành điều dưỡng, y tế cộng đồng ĐH Thăng Long cũng chỉ đưa ra điểm trúng tuyển khối A, A1 là 14 điểm. Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) ngành dược sĩ ĐH (khối A, B) và điều dưỡng (khối B) đều có điểm chuẩn trúng tuyển bằng sàn.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết, so với bất cứ ngành đào tạo nào hiện nay thì ngành khoa học sức khỏe cần có sự tuyển chọn đầu vào rất cẩn thận. Thực tế giảng dạy trong một trường, có thể nhận thấy giữa các ngành với điểm đầu vào khác nhau, năng lực của sinh viên đã có sự chênh lệch khá lớn. Có thể hiểu việc phải khắt khe với đầu vào ngành y, dược của các cơ sở đào tạo trong nước  là do những bất cập trong chương trình đào tạo. Với nhiều nước phát triển, để được hành nghề bác sĩ đa khoa, sinh viên phải được đào tạo theo một chương trình y khoa được kiểm định và công nhận bởi cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia, phải thi đỗ kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề. Còn để trở thành bác sĩ chuyên khoa, họ còn phải học thêm ít nhất 2 năm tại cơ sở đào tạo chuyên khoa. Trong khi đó, ở  Việt Nam, học sinh phổ thông thi đỗ ĐH Y, sau 6 năm học, có bằng bác sĩ đa khoa là có thể hành nghề. Trong khi chưa thể áp dụng cách thức siết chặt đầu ra, ông Nguyễn Hữu Tú cho rằng, để tránh lãng phí trong đào tạo và những hậu quả lâu dài đối với lĩnh vực đào tạo đặc biệt này thì việc thu hút đầu vào có đủ năng lực học tập là một yếu tố quan trọng.

Trong khi đó, theo đánh giá của ngành Y tế, tới năm 2020, dù lượng sinh viên ra trường gấp hai lần hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nhân lực y tế. Đây chính là lý do nở rộ các cơ sở, khoa ngành đào tạo nhân lực liên quan đến sức khỏe hiện nay. Vấn đề là chất lượng đào tạo của các cơ sở này khó có thể khẳng định khi chưa có đơn vị kiểm định độc lập. Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Khẩn cho biết, Bộ Y tế sẽ thành lập đơn vị kiểm định,  tổ chức kiểm định các chương trình giáo dục, hỗ trợ các trường để đạt được chuẩn, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp quốc gia, qua đó tiến hành xếp hạng các trường, để sinh viên trường y ra trường xứng đáng là thầy thuốc  (An ninh thủ đô (trang 6) 22/10).     

Hội nghị giao ban trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2012: Nhiều bệnh tiềm ẩn đại dịch

Ngày 20/10, tại Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2012 và kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2012. Tham dự Hội nghị có khoảng 5.500 đại biểu gồm lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố tại 63 cầu truyền hình trên cả nước. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì Hội nghị.

Nhiều dịch bệnh phức tạp

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dịch bệnh truyền nhiễm hiện diễn biến phức tạp. Tỷ lệ mắc, tử vong do các bệnh có thể dự phòng bằng vaccine đã giảm dần. Bên cạnh những bệnh đậu mùa, dịch hạch, uốn ván sơ  sinh đã sớm được Việt Nam loại trừ thì nhiều dịch bệnh lại bùng phát dữ dội trở lại như: Tả, sởi, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), bệnh dại, sốt rét, lao, nhiễm khuẩn liên cầu lợn… Ngoài ra, nhiều dịch bệnh biến đổi, thậm chí kháng thuốc như sốt rét đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng người dân. Đặc biệt, tình trạng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện tại Bình Phước và Đắk Nông.

Thứ trưởng Bộ Yế Nguyễn Thanh Long khuyến cáo, một số bệnh mới nổi có tỷ lệ tử vong cao tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đại dịch: Cúm A (H5N1), viêm đường hô hấp cấp tính nặng do chủng mới của virus corona. Bệnh TCM, SXH vẫn là mối nguy cơ lớn ở nước ta. Những dịch bệnh này đang có xu hướng gia tăng về số người mắc và phạm vi. Riêng TCM tuy tỉ lệ chết/mắc đã giảm 4 lần nhưng vẫn là mối nguy cơ lớn vì những người nhiễm bệnh vẫn có thể mắc trở lại.

Tính từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước ghi nhận 103.561 trường hợp mắc TCM tại 63 tỉnh, thành, trong đó có 41 trường hợp tử vong tại 15 tỉnh, thành phố. Có 51.256 trường hợp mắc SXH, tăng 20,5% so với cùng kỳ; tử vong tăng 10 trường hợp, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam (chiếm 86,2% số mắc và 85,4% số tử vong của cả nước). 10 tỉnh có số mắc nhiều nhất là: Bình Phước, Bình Dương, Long An, Khánh Hòa, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng.

Theo ông Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, địa phương đang đứng đầu cả nước về số ca mắc TCM và SXH: 9 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh có 4.345 ca mắc SXH (tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2011), trong đó, các huyện có số ca mắc cao: Chợ Mới – 849 ca, Tân Châu 644 ca, Long Xuyên 640 ca, Châu Phú 478 ca… Riêng bệnh TCM có tới 10 ca tử vong, vì hầu hết do virus có độc lực cao.

Tại tỉnh Khánh Hòa, bệnh SXH cũng có xu hướng tăng nhanh, 9 tháng đầu năm 2012 ghi nhận 2.056 ca tại 130/137 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị; phát hiện 4 ổ dịch cúm gia cầm, trong đó có 9 mẫu dương tính với virus cúm A (H5N1)…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện nhiều loại bệnh dịch là do sự gia tăng giao lưu giữa các khu vực trong nước và quốc tế làm tăng tính cảm nhiễm của người dân đối với bệnh dịch. Bên cạnh đó, thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm của một bộ phận lớn dân cư còn rất hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh dịch mới có điều kiện phát sinh.

Đầu tư cho y tế dự phòng còn thấp

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung đề cập đến những hạn chế trong việc phối hợp kiềm chế dịch bệnh, cũng như những bất cập trong cơ chế thực hiện đối với công tác y tế dự phòng. Nhiều địa phương cho rằng, công tác phòng chống dịch bệnh hiện còn gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân lực trong hệ thống y tế dự phòng còn thiếu cả về chất lượng và số lượng; cơ sở hạ tầng trang thiết bị còn thiếu, đặc biệt là trang thiết bị phục vụ cho xét nghiệm, chẩn đoán. Kinh phí đầu tư cho mảng y tế dự phòng còn nghèo nàn…

Trong thời gian tới, nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, ngành y tế đã đặt ra nhiều giải pháp; trong đó, tập trung phòng chống các dịch bệnh: TCM, SXH, cúm A, rubella, tả, sốt rét, các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng và một số bệnh lây truyền từ động vật sang người. Bộ Y tế cũng đề  nghị Quốc hội, Chính phủ tăng kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh và cho thành lập Ủy ban Phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và bệnh mới phát hiện.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nỗ lực của ngành y tế trong công tác phòng ngừa, kiềm chế sự bùng phát của những dịch bệnh nguy hiểm. Để làm tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương cần tập trung giám sát trọng điểm 4 loại bệnh truyền nhiễm: TCM, SXH, cúm A(H5N1) và bệnh dại. Tỉnh nào có nguy cơ xuất hiện nhiều nhất cần tập trung vào phòng, chống bệnh đó nhưng không coi trọng xử lý bệnh này mà bỏ qua các dịch bệnh khác. Đồng thời, tích cực chủ động phê duyệt kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất và huy động tối đa nguồn ngân sách để công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức tổng kiểm tra công tác vệ sinh và phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn các địa phương tổ chức tổng kết 25 năm tiêm chủng mở rộng; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đề cương tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh trong năm 2013; tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh đến người dân.

Cùng với bệnh TCM, SXH, dịch cúm gia cầm cũng đang diễn biến phức tạp. Năm 2012, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 26 địa phương làm gần 149.000 con gia cầm mắc bệnh, 47.000 con chết. Hiện có 5 địa phương xảy ra dịch cúm gia cầm là: Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Hòa Bình, Tuyên Quang và Thái Bình.

Cả nước đã có 4 trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) và 2 trong số đó tử vong do tiếp xúc với gia cầm bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân. Đáng lưu ý, tình hình chó dại cắn lây bệnh dại cho người đang bùng phát tại một số tỉnh phía Bắc. Từ đầu năm, cả nước ghi nhận 74 ca tử vong do chó dại cắn tại 21 tỉnh, thành. Đứng đầu là Sơn La 17 ca, Phú Thọ 12 ca, Yên Bái, Hà Giang có từ 8-9 ca tử vong (Gia đình & Xã hội (trang 7) 22/10).

Sơn La tăng chất lượng khám chữa bệnh

Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án 1816, người dân Sơn La, nhất là những người ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đã có điều kiện được tiếp cận với các dịch vụ y tế tiên tiến ngay tại địa phương mà không phải chuyển tuyến như trước đây. Ngành Y tế Sơn La đã đón nhận 27 lượt cán bộ từ 5 bv tuyến Trung ương luân phiên hỗ trợ BVĐK tỉnh, BV Lao và bệnh phổi, BV Y học cổ truyền. Các lĩnh vực chuyên ngành được triển khai gồm: Truyền nhiễm, ký sinh trùng, hóa sinh, phục hồi chức năng, y học cổ truyền… Cán bộ luân phiên tuyến Trung ương đã chuyển giao 51 kỹ thuật, chuyên môn tiên tiến theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” và đưa các dịch vụ kỹ thuật cao đến với người dân… (Gia đình & Xã hội (trang 7) 22/10).

Các bệnh lạ đang đe dọa con người

            Hiện nay, nhiều dịch bệnh mới xuất hiện đang diễn biến phức tạp. Tác nhân gây các bệnh này là vi khuẩn hoặc virus, trong đó bệnh do virus ngày càng tăng, độc lực cao và diễn biến phức tạp hơn trước đây. Việt Nam lại là một trong những nước ghi nhận số loại bệnh mới nổi nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trong khu vực.

Xuất hiện nhiều bệnh nguy hiểm

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, trong 10 năm qua, thế giới ghi nhận hàng loạt vụ dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, với số mắc và tử vong tăng cao, trong đó tập trung nhiều ở khu vực Châu Á, Châu Phi. Tại ViệtNam, sự gia tăng của một số bệnh truyền nhiễm mới và tái nổi đang là vấn đề y tế công cộng nóng bỏng. Theo TS Nguyễn Trần Hiển, trong 10 năm qua, một số dịch bệnh như uốn ván sơ sinh, bại liệt, bạch hầu, sởi… có xu hướng giảm, nhưng lại có dịch bệnh tái nổi, mới nổi như tả, sốt xuất huyết, dại, rubella, tay chân miệng. Đặc biệt có một số bệnh mới phát triển như: SARS, tiêu chảy tán huyết do E.coli, hội chứng suy giảm miễn dịch không phải do nhiễm HIV/AIDS, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân… với tần suất ngày càng dày hơn. Đáng quan tâm là phần lớn các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi đều đã và đang hiện diện ở ViệtNam.

TS Nguyễn Trần Hiển dẫn chứng một số bệnh tiêu biểu. Với bệnh tả, trước năm 2006, các ca mắc ghi nhận tản phát, dưới 500 ca, không thành vụ dịch lớn, thậm chí có năm không ghi nhận ca nào. Tuy nhiên, đến năm 2007, con số này lại tăng vọt lên hơn 1.900 ca (gấp gần 4 lần). Từ đó đến năm 2010, một vụ dịch tả lớn đã xảy ra tại khu vực miền Bắc, với 4 đợt dịch và số mắc lên tới hàng trăm ngàn ca tại 22 tỉnh, thành. Có những thời điểm, số bệnh nhân ghi nhận lên tới 150-200 ca một ngày. Hay dịch sốt xuất huyết cũng diễn biến phức tạp. Nếu như trước đây, thường 6 năm mới xuất hiện một năm đỉnh dịch thì gần đây, khoảng cách này đã rút ngắn xuống còn 4 năm. Các ca mắc cũng ghi nhận rải rác quanh năm chứ không chỉ tập trung chủ yếu trong các tháng cao điểm 7-9 như trước.

PGS.TS Phan Trọng Lân, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) dẫn chứng thêm: Từ đầu năm 2012 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận thêm 2 loại bệnh chưa rõ nguyên nhân là hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở Quảng Ngãi (còn gọi là "bệnh lạ") và hội chứng suy giảm miễn dịch không phải do lây nhiễm HIV/AIDS. Gần đây, dư luận cũng không khỏi hoang mang lo lắng khi Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do nhiễm "amip ăn não người", dù trước đó loại bệnh này chưa từng xuất hiện tại nước ta.

Động vật là trung gian truyền bệnh

GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho rằng, trong số các bệnh mới nổi, một số bệnh gây dịch nguy hiểm do virus mới có độc lực mạnh, tỉ lệ tử vong cao và hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây như H5N1, SARS là đáng lo ngại nhất. Còn 5 loại bệnh truyền nhiễm gồm bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết do virus Dengue, tả, cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 thì cần được quan tâm đặc biệt. Nguyên nhân xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi có rất nhiều và đan xen nhau, tuy nhiên, có thể kể ra một số lý do chính như quá trình tăng dân số và đô thị hóa; tình trạng buôn bán động vật tự do, không kiểm soát được; thực trạng cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường chưa tốt; sản xuất nông nghiệp và sử dụng đất chưa khoa học; chăn nuôi gia súc chủ yếu vẫn là manh mún; khí hậu có nhiều biến đổi…

Các chuyên gia dịch tễ nhấn mạnh, phần lớn bệnh mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật, đặc biệt động vật là nguồn truyền bệnh của hơn 70% các bệnh mới nổi. Thậm chí, có những loại bệnh bình thường chỉ lưu hành ở động vật nhưng do biến đổi của khí hậu, môi trường, virus dần thích nghi nên dễ dàng truyền bệnh sang người như: cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, SARS… Bởi thế, điều mà giới chuyên môn lo ngại là với quy trình quản lý vật nuôi, kiểm dịch động vật, giết mổ và tiêu thụ thịt động vật như hiện nay, thêm nữa sự nhận thức chưa đầy đủ về các bệnh truyền từ động vật sang người của người dân thì nguy cơ lây những dịch bệnh truyền nhiễm cho người luôn rất lớn.

Trước thực tế trên, các chuyên gia về vệ sinh dịch tễ cho rằng, để phòng chống bệnh mới nổi, hoạt động phòng chống dịch có vai trò rất quan trọng và thực tế đã chứng minh, ở đâu có sự chủ động của chính quyền địa phương thì ở đó công tác phòng chống dịch mới có hiệu quả. Đồng thời, việc giáo dục sức khỏe, truyền thông nguy cơ cho cộng đồng, nâng cao chất lượng của hệ thống giám sát chủ động bệnh truyền nhiễm tại tất cả tuyến y tế sẽ góp phần tăng tính chủ động trong phòng dịch bệnh nói chung, dịch bệnh mới nổi nói riêng… Minh bạch và chia sẻ thông tin kịp thời, hướng tới xây dựng một hệ thống giám sát chủ động các yếu tố nguy cơ dịch bệnh… cũng sẽ giúp mọi người có thể chủ động phòng tránh, đối phó với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (Hà Nội mới (trang 5) 22/10).

Ngày hội hiến máu vì những bệnh nhân bị ung thư

Ngày 21-10, Ngày hội hiến máu mang tên "Sống để yêu thương 2012" với chủ đề "Như hoa hướng dương" vì những bệnh nhân ung thư máu đã được tổ chức tại quận Hà Đông, Hà Nội.

Ban tổ chức cho biết, ngày hội dự kiến sẽ thu hút được 2.000 người tham dự và tiếp nhận được 800 đơn vị máu, trở thành ngày hội hiến máu có quy mô lớn nhất tại khu vực Hà Đông.

Chương trình "Sống để yêu thương" năm 2012 lấy chủ đề "Như hoa hướng dương" – là tên của cuốn tự truyện viết về những ngày tháng chiến đấu với căn bệnh ung thư máu của cô gái trẻ Hoàng Diệu Thuần. Vì vậy, ban tổ chức ngày hội mong muốn mọi người cùng hiến máu nhân đạo để sẻ chia với Thuần, những bệnh nhân ung thư máu và tất cả những bệnh nhân đang cần máu. Ngày hội sẽ là nơi kết nối, kêu gọi cộng đồng cùng chia sẻ với những nỗi đau, mất mát của người bệnh ung thư máu, động viên họ vượt lên số phận bằng chính hành động nhân ái từ trái tim – hiến máu cứu người (Hà Nội mới (trang 7), Nhân dân (trang 3), Gia đình & Xã hội (trang 4) 22/10).

Khám bệnh từ thiện cho 500 phụ nữ nghèo

Ngày 21-10, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh phối hợp Bệnh viện phụ sản Từ Dũ tổ chức chương trình khám, tầm soát ung thư, tư vấn và phát thuốc miễn phí cho 500 phụ nữ nghèo của 22 xã thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Chương trình nhằm giúp đỡ phụ nữ vùng sâu, vùng xa được khám, phát hiện bệnh sớm nếu có, đồng thời tuyên truyền kiến thức cơ bản về phòng chống tiền ung thư.

Nhân dịp này, Văn phòng Thường trú Báo Nhân Dân tại Bình Dương và các nhà hảo tâm trao 10 triệu đồng hỗ trợ các phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn (Nhân dân (trang 3) 22/10).

Đình chỉ cơ sở bán thuốc Đông y trộn thuốc tây

Ngày 21/10, thông tin từ Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, từ phản ánh của người dân trên địa bàn huyện Hòa Vang về việc hiệu thuốc Phước Lợi Đường (xã Hòa Phước) bán thuốc bổ tỳ giúp trẻ em hay ăn và tăng cân có trộn thuốc  tây, Sở đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu thuốc gửi cho Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, thuốc bổ tỳ của cơ sở Phước Lợi Đường có chứa các chất tân dược Cyproheptadin và Dexamethason (Nông thôn & Ngày nay (trang 2) 22/10).

Gửi thảo luận