Trang chủ » Tin tức » Điểm báo Ngày 21/10/2012

Điểm báo Ngày 21/10/2012

Đối phó bốn bệnh dịch

Đó là bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A và bệnh dại do bị chó dại cắn. Những bệnh này đều đang lây lan, số ca mắc tăng nhanh.

Dịch bệnh bùng phát và biến đổi

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thời gian qua, ngày 20-10, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến giữa các ngành y tế, GD&ĐT, NN&PTNT và 63 tỉnh nhằm bàn các biện pháp khống chế dịch bệnh và giảm tỷ lệ tử vong.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đang đối mặt nguy cơ làm tăng khả năng xuất hiện và bùng phát bệnh truyền nhiễm gây dịch khi một số chủng virus như cúm A/H5N1, Corona luôn tiềm ẩn sự biến đổi nguy hiểm; một số bệnh đã được khống chế, nhưng gần đây lại bị biến đổi, thậm chí kháng thuốc, như sốt rét.

Ngoài ra các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tả, viêm màng não mô cầu, rubella luôn có nguy cơ bùng phát. Bên cạnh đó các bệnh lây truyền từ vật sang người có xu hướng gia tăng, trong khi việc giải quyết mầm bệnh trên động vật nuôi còn nhiều bất cập.

Tích lũy từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 58.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 63 địa phương. Trong đó đã có 46 trường hợp tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết cũng có xu hướng gia tăng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc khu vực miền Nam và miền Trung. So với cùng kỳ năm 2011, số ca mắc tắc tăng 19% và tử vong tăng 12 %.

Với bệnh tay chân miệng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 110.000 ca, với 41 ca tử vong tại 15 tỉnh, thành phố. Riêng 2 tuần đầu tháng 10 ghi nhận thêm 6.000 người mắc và 1 ca tử vong. Đã có 4 trường hợp mắc cúm A, 2 trong số đó đã tử vong.

Đặc biệt tình hình chó dại cắn lây bệnh dại cho người đang bùng phát tại một số tỉnh phía Bắc.

Từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 74 ca tử vong do chó dại cắn tại 21 tỉnh, thành phố, mà dẫn đầu là tỉnh Sơn La 17 ca, Phú Thọ 12 ca, Yên Bái, Hà Giang có từ 8-9 ca tử vong. Riêng tỉnh Lai Châu, trong hai năm, số người bị cho dại cắn là 4.000 người trong đó có 5 trường hợp tử vong …

Báo cáo tại hội nghị, ngành y tế tỉnh Nghệ An cho biết trong 9 tháng đầu năm 2012, tỉnh này không có dịch lớn, chỉ xuất hiện một số dịch bệnh như dịch sốt xuất huyết denge, bệnh Tay- Chân- Miệng, tiêu chảy, quai bị.

Ngành y tế đã phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ công tác phòng chống dịch bệnh ở các tuyến nên đã nhanh chóng dập dịch, không để lây lan và điều trị bệnh có kết quả tốt.

Tại Quảng Ngãi, bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh, hiện ghi nhận 442 ca, không có tử vong, tăng hơn 53 ca so với cùng kỳ năm trước.

Hội chứng viêm da dày sừng bày tay bàn chân tại huyện Ba Tơ đến nay đã có 216 trường hợp, 13 trường hợp tử vong. Số ca mắc mới cao nhất là vào tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, ngành y tế chưa có cơ sở xác định quy luật rõ ràng về thời điểm mắc bệnh cao nhất, cũng như nguyên nhân gây bệnh.

Đầu tư cho y tế dự phòng: thiếu và chậm 

Hiện nay công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm còn gặp nhiều khó khăn do nhân lực thiếu cả về chất lượng và số lượng, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đạt yêu cầu.

Người dân chưa tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, chưa tự giác khai báo khi nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và đến cơ sở y tế để khám, phát hiện kịp thời.

Quy mô chăn nuôi nhỏ bé làm tăng nguy cơ lây truyền các bệnh từ vật sang người. Dịch bệnh đang nhiều nguy cơ, nhưng mức đầu tư cho y tế dự phòng còn chậm, làm giảm khả năng xử lý khi dịch bệnh bùng phát. Thậm chí nhiều địa phương chưa quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các bộ ngành ưu tiên phòng, chống 4 loại dịch có nguy cơ lớn nhất là: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, bệnh cúm và bệnh dại.

Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát, quản lý việc vận chuyển gia cầm ở các địa phương trong cả nước và ra vào biên giới nước ta phải được thắt chặt, tránh tình trạng lây lan, bùng phát dịch cúm ở người.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2013.

Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2013, tập trung vào mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra.

Trong đó, tập trung vào các dịch bệnh: tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, rubella, sốt rét, bệnh dại, các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng và một số bệnh lây truyền từ động vật sang người. (Tiền phong (trang 1) 21/10)

Đề xuất thành lập Ủy ban Quốc gia phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm

Ngày 20-10, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh năm 2012 và kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2013. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, UBND các tỉnh, thành phố tại 63 cầu truyền hình trên cả nước.

Theo thông tin của Bộ Y tế, hiện có 17 dịch bệnh mới nổi xuất hiện trên thế giới, trong đó tại Việt Nam đã lưu hành một số dịch bệnh mới. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 100 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 địa phương, trong đó có hơn 40 trường hợp tử vong (giảm 4 lần so với cùng kỳ năm trước). Bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng với hơn 51 nghìn ca mắc, trong đó 42 ca tử vong, tập trung tại miền Nam và miền Trung. Trong khi bệnh đậu mùa, dịch hạch, uốn ván sơ sinh là những bệnh đã được "xóa sổ" ở Việt Nam thì một số bệnh nhiễm trùng đã xuất hiện trở lại như tả, sởi, sốt xuất huyết, nhiễm liên cầu lợn, dại và bệnh tay chân miệng.

Nhằm tăng cường công tác phòng chống bệnh những tháng cuối năm 2012 và cả năm 2013, Bộ Y tế đề nghị thành lập Ủy ban Quốc gia phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi; giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để xảy ra dịch lớn. Các dịch bệnh cần tập trung giải quyết là tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, rubella, tả, sốt rét, bệnh dại, các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng và một số bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Trong 10 tháng đầu năm 2012, thành phố Hà Nội có hơn 3.500 ca bệnh tay chân miệng (không có tử vong), 587 ca sốt xuất huyết Dengue, 11 trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người, 5 ca mắc viêm màng não do não mô cầu. Thời gian tới, công tác phòng chống dịch bệnh đặc biệt chú trọng tới dịch sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh cúm (cúm mùa, cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, tiêu chảy cấp do tả); tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là nhóm thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo ngành y tế và ngành giáo dục đào tạo cần có đợt tổng kiểm tra về nguy cơ phòng chống bệnh dịch trên cả nước theo các tiêu chí cụ thể. Bộ NN&PTNT cần quan tâm tới kiểm soát cúm gia cầm và chó dại đang có nguy cơ bùng phát, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Bộ Y tế cần có hướng dẫn các địa phương để tổ chức tổng kết 25 năm tiêm chủng mở rộng; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đề cương tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh trong năm 2013. (Hà nội mới (trang 1) 21/10)

Kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám, chữa bệnh

Hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn đóng vai trò quan trọng trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu để xảy ra nhiễm khuẩn trong bệnh viện sẽ làm tăng chi phí điều trị và tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh. Có khoảng 50 loại nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) khác nhau có thể xảy ra, trong đó các loại nhiễm khuẩn thường gặp là: viêm phổi, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn tiết niệu…

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, tại bất cứ thời điểm nào cũng có khoảng 1,4 triệu người bệnh nội trú bị nhiễm khuẩn liên quan chăm sóc y tế. Môi trường bệnh viện có nhiều tác nhân lây bệnh, trong đó nhiễm khuẩn bệnh viện có thể là các bệnh theo đường máu như viêm gan B, C, HIV… hay các bệnh lây theo đường hô hấp như: lao, cúm A(H5N1), H1N1 và các bệnh lây theo đường tiếp xúc (da với da hoặc các dụng cụ có nhiễm khuẩn). Tại nước ta, theo GS,TS Trần Qụy, Chủ tịch Hội Kiểm soát NKBV Hà Nội, tỷ lệ NKBV hiện nay dao động từ 5 đến 8%, đã gây nhiều tác động xấu tới người bệnh như: phát sinh thêm bệnh mới, kéo dài thời gian điều trị, tăng tỷ lệ kháng kháng sinh… tỷ lệ biến chứng và nguy cơ tử vong cũng tăng lên. Bốn bệnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất của NKBV là: người bệnh thở máy dễ nhiễm khuẩn phổi (do dùng máy thở; nhiễm khuẩn đường tiết niệu (do vệ sinh ống xông không tốt); nhiễm khuẩn máu (do tiêm truyền) và nhiễm trùng vết mổ (do vô trùng không tốt). Nguyên nhân chính dẫn đến NKBV là tình trạng lạm dụng kháng sinh và ý thức dự phòng của cán bộ y tế và người bệnh chưa cao. Nguyên tắc chống NKBV rất đơn giản là rửa tay, nhưng việc thực hiện này cũng chưa được áp dụng thường xuyên.

Theo ThS Phạm Ðức Mục, Phó Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nguyên nhân của nhiễm khuẩn bệnh viện có yếu tố nội tại của mỗi người bệnh, vì rất nhiều người bệnh với nhiều loại mầm bệnh, các tác nhân gây bệnh khác nhau cùng tập trung một nơi để điều trị, cho nên bệnh viện là nơi mà có nhiều nguy cơ phát tán các vi sinh vật. Ngoài ra phải kể đến các yếu tố môi trường bệnh viện, trong đó có môi trường của buồng bệnh, không gian, không khí, chất thải cũng tạo ra các nguy cơ cho nhiễm trùng bệnh viện. Trong khi đó, tình trạng quá tải bệnh viện, nằm ghép hai, ba người bệnh một giường bệnh cũng làm cho tình trạng nhiễm khuẩn gia tăng. Ngoài ra, các dụng cụ y tế phục vụ truyền, nội soi sử dụng cho người bệnh không bảo đảm vô trùng là điều kiện mang theo vi sinh vật từ ngoài môi trường vào người bệnh nhân. Rồi các yếu tố khác có liên quan sự tuân thủ của các cán bộ y tế như vệ sinh bàn tay, mang găng, thực hiện vô khuẩn trong các quá trình chuyên môn cũng là nguyên nhân của nhiễm khuẩn bệnh viện… Như vậy, NKBV làm tăng chi phí thuốc và thời gian điều trị bệnh nhân trong bệnh viện; làm tăng các biến chứng cũng như tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh.

Kết quả điều tra của Cục Quản lý khám, chữa bệnh về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh năm 2012 tại 522 bệnh viện trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cho thấy, 60% số bệnh viện có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK); 44% số bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó có nhiều bệnh viện hạng II và có hơn 150 giường bệnh chỉ thành lập tổ KSNK; 22% số khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn chưa có trưởng khoa; 10% số trưởng khoa hoặc tổ trưởng KSNK chủ yếu là ở các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện có nghề nghiệp ít hoặc không liên quan chuyên khoa KSNK. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu rút ra được một số kết luận: Hệ thống tổ chức KSNK chưa hoàn thiện theo yêu cầu; đội ngũ cán bộ quản lý vừa thiếu, vừa chưa đủ năng lực; cơ sở hạ tầng và phương tiện thiết yếu phục vụ KSNK còn thiếu; nhiều nhiệm vụ chuyên môn trọng yếu về KSNK chưa được thực hiện…

Một nghiên cứu trên 477 người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai gần đây cho thấy, có 90 trường hợp mắc nhiễm khuẩn phổi (18,9%). Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, nhiễm khuẩn phổi gây hậu quả nặng nề: Số ngày nằm viện trung bình khoảng 18 đến 28 ngày, nhiều hơn nhóm người mắc bệnh khác 13 ngày; chi phí điều trị trực tiếp từ 57 đến 79 triệu đồng, cao hơn nhiều so với nhóm không mắc (khoảng 25 triệu đồng). Cũng theo nghiên cứu này, chất lượng công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ y tế của bệnh viện chỉ đạt 70% tổng số điểm theo yêu cầu. Nhiều thực hành phòng ngừa lan truyền nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được tuân thủ nghiêm. Tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay ở nhân viên y tế còn thấp (50 đến  60%); tỷ lệ nhân viên y tế sử dụng một đôi găng cho nhiều người còn cao (30%).

Theo TS Lê Thị Anh Thư, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), một trong những hạn chế của công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện là kiến thức, thái độ và thực hành của nhân viên y tế chưa được tốt. Chống nhiễm khuẩn chưa trở thành hoạt động thường quy của các cơ sở y tế, thiếu sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo và mới chỉ tập trung vào việc vệ sinh môi trường, không khí. Cho nên cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, nhất là đối với chất thải y tế, vệ sinh môi trường.

Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện được pháp quy hóa từ năm 1997, khi Bộ Y tế ban hành Quy chế KSNK. Ðể tăng cường hơn nữa hoạt động này, Bộ Y tế triển khai "Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh giai đoạn từ nay đến năm 2015". Mục tiêu chính của kế hoạch là tăng cường công tác KSNK trong các cơ sở khám, chữa bệnh thông qua các giải pháp tăng cường về tổ chức nguồn lực, nhận thức và chính sách, góp phần bảo đảm an toàn người bệnh, nhân viên y tế cộng đồng. (Nhân dân (trang 5) 21/10)

Trẻ nêm kín các bệnh viện nhi

Những ngày qua, hai bệnh viện nhi ở TP.HCM luôn trong tình trạng nêm kín bệnh nhi, trẻ nằm tràn ra cả các hành lang.

Trưa 20.10, Khoa Hô hấp, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 rất ngột ngạt; buồng bệnh, hành lang, các lối đi đều được thân nhân tận dụng trải chiếu, mắc võng để bệnh nhi nằm tạm. Trong buồng bệnh, trẻ phải nằm đôi, thậm chí nằm ghép 3 – 4 trẻ một giường. Không khí nóng bức, ngột ngạt khiến nhiều bé khóc, thét liên tục.

Chị Ngân (28 tuổi, ngụ Q.12) một tay quạt cho con nhỏ, một tay vuốt mồ hôi, nói: “Cũng khó khăn lắm mới kiếm được một chỗ ở hành lang cho con nằm. Từ ngày con nhập viện, đêm nào cũng gần như thức trắng”. Tại Khoa Tiêu hóa của BV Nhi đồng 1, các phòng bệnh cũng nêm kín trẻ, mỗi giường “gánh” từ 3 – 4 bệnh nhi. “Cháu tôi nằm cùng giường với 2 bé nữa, quá chật chội nên phải thay nhau – bé này nằm thì bé khác được bế ra ngoài đi vòng vòng”, bà Chi (45 tuổi, ngụ Q.11) đang chăm cháu bị tiêu chảy tại Khoa Tiêu hóa nói. Khoa Nhiễm của BV này mấy ngày qua cũng luôn quá tải, lúc nào cũng có khoảng 100 trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TCM) điều trị nội trú.

BV Nhi đồng 2 cũng trong tình trạng tương tự. Hành lang Khoa Hô hấp có hàng chục chiếc võng mắc san sát nhau để bệnh nhi nằm. Nhiều trẻ thiếp ngủ trên võng ngoài hành lang, còn các bà mẹ, ông bố thì mặt mũi bơ phờ vì mệt nhọc. Anh Tuấn (37 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) nói: “Vì 3 bé nằm cùng giường chật quá, nên tôi đưa con ra hành lang nằm cho thoáng. Bà xã mới mua chiếc võng hết 300.000 đồng”. Tại đây, tìm một chỗ ngoài hành lang cũng không phải dễ.

Trẻ đi khám cao kỷ lục

TS-BS Trương Quang Định – Phó giám đốc BV Nhi đồng 2 cho Thanh Niên biết: “Những ngày qua, có hôm BV tiếp nhận 7.000 bệnh nhi đến khám; trong đó có 2.000 trẻ cần phải nhập viện. Chiếm nhiều nhất là trẻ mắc bệnh hô hấp”.

Tương tự, BV Nhi đồng 1 có ngày cũng tiếp nhận lên đến 7.000 trẻ; trong đó có ngày Khoa Hô hấp tiếp nhận hơn 300 trẻ. Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 cũng cho biết, bình quân mỗi ngày khoa tiếp nhận lên đến 60 – 70 trẻ mắc TCM. Khoa Tiêu hóa – Gan mật BV Nhi đồng 2, mấy ngày qua trung bình có 200 trẻ nằm nội trú, trong khi khoa chỉ có 130 giường; mỗi ngày có từ 40 – 60 trẻ nhập khoa. Một bác sĩ của khoa này nhận định: “Có thể do tiết trời đang chuyển mùa, nên trẻ mắc bệnh nhiều”. (Thanh niên (trang 3) 21/10)

Bệnh viện thời tăng giá

Trong khi mọi thứ đều tăng giá; nhỏ như mớ rau con cá ở chợ, lớn đến những loại tầm cỡ quốc gia quốc tế như điện nước, xăng dầu tháng trước vừa tăng giá, tháng sau đã lại nhăm nhe. Vậy bệnh viện lấy đâu để trang trải những thứ cần thiết đó và lấy gì để nâng cấp bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…

Thời bao cấp, các bệnh viện nghèo nàn lụp xụp. 

Trang thiết bị chả có gì: 3 cái máy Xquang nửa sóng cũ gỉ, mấy chiếc kính hiển vi mốc meo, đếm hồng cầu bằng cái máy đếm bấm tay lọc cọc… Không phải chê bai đâu, nghĩ lại mà ứa nước mắt mà cảm thấy hào sảng. Không có phim để chụp, tôi và thầy Nguyễn Thản chiếu điện vừa phát hiện chẩn đoán bệnh vừa hướng dẫn sinh viên đến nỗi hỏng cả bóng phát tia do dầu trong bóng bẩn đến kỳ hạn không có để thay. 

Chắc hai thầy trò ăn tia nhiều lắm. Tôi mới ra trường mỗi tuần trực vài ba buổi, chỉ có suất bồi dưỡng ca ba là một bát mỳ sợi lõng bõng, lều bều vài lát thịt mỏng cùng một chút hành trị giá hai hào bạc. Phụ cấp mổ vá lỗ thủng ở dạ dày không bằng người sửa xe đạp vá lỗ thủng ở săm xe… Bệnh nhân không phải trả tiền chữa bệnh lại còn được ăn không mất tiền chế độ bệnh lý ngon hơn ở nhà. Mỗi bệnh viện có một bếp ăn là tiền thân của khoa dinh dưỡng. Tôi đã từng phải đi lấy cơm và chia cơm cho người bệnh… Nhưng rồi thời cuộc chuyển xoay, xã hội với lòng vị tha cũng phải đổi thay.

Một chiếc taxi đỗ xịch trước cửa khoa hồi sức cấp cứu. Người đàn ông đầu trọc mình trần, đẫm mồ hôi mặc chiếc quần ngắn, bế một người phụ nữ tay chân co quắp, rền rĩ xộc vào phòng. Vợ anh bị sốt, mời người đến truyền dịch, truyền xong còn mệt hơn. Tôi thăm khám và giải thích cặn kẽ: sốt cao 39,5 độ thế này phải xét nghiệm công thức máu, co quắp phải làm điện giải và phải chỉ định thuốc hạ sốt mặc dù đang nuôi con 4 tháng… Anh chồng: “Bác làm gì cứ làm miễn là chẩn đoán được bệnh và cấp cứu vợ cháu mệt lắm rồi”. 

Vậy mà chuẩn bị ăn cơm tối thì nhận được điện thoại: bệnh nhân hết sốt, đỡ mệt, xin ra, lúc thanh toán người chồng nói không làm gì mà hết nhiều tiền, không nhận lại tiền thừa, dọa đón vợ về xong sẽ quay lại cho người đập tan khoa. Tôi sang: “Bác coi các cháu như con, bác làm gì đều thông báo, các cháu chấp nhận và đều cần thiết, bây giờ vợ cháu đã đỡ, cháu về sao lại đe dọa như vậy?”. Vợ: “Cháu sẽ nói với chồng cháu”, còn anh chồng vẫn khăng khăng: “Cháu sẽ quay lại nói chuyện với bác”. Cháu Mai trực kế toán: “Bác ơi, cháu sợ lắm” – “Cháu yên tâm”. Tôi gọi bảo vệ nhắc: sẵn sàng gọi công an. Đồn công an phường cách bệnh viện chỉ vài trăm mét.

Non tiếng sau tôi gặp họ, anh chồng đã mặc thêm cái áo phông. Đại ca thấp đậm hai tay xăm trổ nhưng vẻ mặt hiền lành. Tùy tùng thì hơi khiếp, gầy nhom, đầu bù hất mái dài bên trái, mắt lác. Tôi cầm bệnh án và phiếu thanh toán chỉ rõ từng khoản. Đại ca chăm chú nghe, đôi lúc cười cười. Xong, họ kéo ra ngoài. Chút xíu sau, mỗi anh chồng quay lại vui vẻ nhận lại tiền đóng tạm ứng còn thừa, còn bắt tay: “Cảm ơn bác”. Đó chỉ là một vụ việc tôi thay giám đốc điều hành giải quyết từ khi có quyết định tăng giá viện phí. Có nghĩa là phần đông cộng đồng chấp nhận lẽ phải.

Thay giám đốc điều hành chỉ thời gian ngắn thôi mà cũng thấy mệt mỏi. Chuyên môn thì không ngán nhưng mấy chuyện vụn vặt cũng thấy não lòng. Một người câm điếc đi bán bút bi cũng trỏ gặp giám đốc. Một người đi xin tiền vì gia cảnh khốn khó cũng đập cửa phòng. Tôi đành bỏ tiền túi mà ủng hộ vậy. Có cháu gái dại dột cắt hai cổ tay để tự vẫn được bạn trai đưa vào viện không có tiền còn nói hỗn: chỉ vì tiền thôi. Tôi còn cho tiền để khâu. Có anh viết sách cũng có giấy giới thiệu đến bệnh viện để bán… Còn bao nhiêu thứ lằng nhằng khác nữa. Tôi kết luận: giám đốc khổ thật. May sao mọi rắc rối do tăng viện phí tôi chỉ mới phải giải quyết một vài vụ việc. (Sức khỏe đời sống (trang 2) 21/10)

Gửi thảo luận