Ngày 19-10, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Cả nước đã thành lập 9.157 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2012, các đoàn đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 121.197 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó đã phát hiện 26.576 cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và đã xử phạt 5.941 cơ sở, với tổng số tiền là hơn hai tỷ đồng. Các sai phạm chủ yếu là: vi phạm về điều kiện vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cơ sở (chiếm từ 15% đến 22 %); vi phạm về nhãn mác (chiếm từ 7% đến 15%); vi phạm do chưa khám sức khoẻ, tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực cho người trực tiếp tham gia sản xuất (chiếm từ 17% đến 24%) …
Điểm đáng chú ý, có đến 76,23% tổng số vi phạm được phát hiện tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không bị các cơ quan chức xử phạt và chủ yếu tập trung ở tuyến huyện, tuyến xã.( Nhân dân (trang 5) 20/10)
Sản xuất và sử dụng nguồn lương thực, thực phẩm tại địa phương
Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) ngày 19-10 cho biết, Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển năm 2012 (từ ngày 16 đến 23-10) có chủ đề: Tăng cường sản xuất và sử dụng nguồn lương thực, thực phẩm tại địa phương góp phần đảm bảo an ninh dinh dưỡng cho mọi gia đình. Theo đó các hoạt động tập trung vào: Khuyến khích người dân biết lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và phù hợp với điều kiện kinh tế; tạo nguồn lương thực, thực phẩm tại gia đình và địa phương trên cơ sở giữ gìn vệ sinh môi trường; biết cách chế biến và thực hành vệ sinh đúng để thức ăn không trở thành nguồn lây bệnh và không bị hao hụt chất dinh dưỡng. Phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để đưa kỹ thuật nông nghiệp và kiến thức về dinh dưỡng hợp lý tới mọi gia đình, nhất là các gia đình ở những vùng khó khăn, vùng hay có thiên tai xảy ra.
Bên cạnh đó các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, duy trì và tăng cường các biện pháp phòng, chống suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì.( Nhân dân (trang 5), Sức khoẻ và đời sống (trang 12) 20/10)
Phát hiện 14 cơ sở dùng hoá chất độc hại ủ giá
Ngày 19.10, ông Nguyễn Văn Dũng, Chi cục phó Chi cục Nông lâm thủy sản tỉnh Bến Tre, cho biết qua kiểm tra 14 cơ sở sản xuất giá đỗ trong tỉnh, đoàn kiểm tra bắt quả tang 8 cơ sở sử dụng hóa chất không rõ nhãn hiệu, xuất xứ, trên bao bì chỉ có chữ Trung Quốc; tất cả các cơ sở kiểm tra đều sử dụng Natri Sulfit (Na2SO3) làm chất tẩy trắng.
Chi cục đã gửi mẫu phân tích và chờ kết quả. Ông Dũng cho biết thêm: loại hóa chất này giá rất rẻ, các cơ sở sản xuất không phải mua mà được người bỏ đậu đem tới; đậu xanh tại nhiều cơ sở cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Nhiều chủ cơ sở phân trần: không sử dụng những hóa chất đó thì không bán được giá do “ai ai cũng xài”.
Đoàn kiểm tra liên ngành đang rất lúng túng vì không biết áp dụng khung hình phạt nào cho những chủ cơ sở vi phạm này. (Thanh niên (trang 2) 20/10)
Giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên
Khái niệm tuyến đôi khi vô tình làm tăng thêm tình trạng quá tải ở một số bệnh viện. Để giảm tải, cần mở rộng khái niệm này trong bảo hiểm y tế…
Các bệnh viện (BV) nhận đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm ban đầu cần chủ động hơn trong việc tham vấn về điều trị ở những cơ sở y tế khác khi không có chuyên khoa hay kỹ thuật thích hợp với bệnh tình của bệnh nhân. Tuy nhiên, khái niệm tuyến đã vô tình đóng khung cả việc tham vấn lẫn viết giấy chuyển viện vào một số ít BV “chủ lực” tuyến trên… (xem thêm tại trang 12)( Thanh niên (trang 12) 20/10)
Khám sàng lọc bệnh nhân tim
Trong hai ngày 18 và 19.10, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt (Lâm Đồng) phối hợp với Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ Sài Gòn khám sàng lọc miễn phí cho 1.200 bệnh nhân nghèo mắc bệnh tim.
Có hơn 70 bệnh nhân được chỉ định mổ. Tổng chi phí khám sàng lọc trên 300 triệu đồng.
Dịp này, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ 800 suất ăn cho bệnh nhân đến từ các huyện trong tỉnh. (Thanh niên (trang 18) 20/10)
Vụ Pháp chế – Bộ Y tế kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Ngày 18/10, tại Hà Nội, Vụ Pháp chế – Bộ Y tế tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập (1997-2012) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Tới dự buổi lễ có PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế và hơn 300 đại biểu khách mời.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những đóng góp của Vụ Pháp chế trong 15 năm qua. Với sự nỗ lực vươn lên của tập thể cán bộ, công chức, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Vụ Pháp chế đã có những bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong các lĩnh vực quản lý nhà nước bằng pháp luật, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe và thi đua khen thưởng. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong giai đoạn tiếp theo, sau khi Vụ Pháp chế được tách thành 2 vụ (Vụ Pháp chế và Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng), các cán bộ cần nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được để thành các nhiệm vụ mà lãnh đạo Bộ Y tế giao.( Sức khoẻ và đời sống (trang 2) 20/10)
Xây dựng và phát triển hệ thống cảnh báo sớm phòng chống dịch bệnh
Theo đánh giá của Bộ Y tế, ở thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh trong cả nước vẫn đang có những diễn biến phức tạp trên nhiều phương diện, nhiều dịch bệnh tay – chân – miệng, Rubella, cúm A, dịch sốt xuất huyết… vẫn đang tồn tại và có nguy cơ bùng phát tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh. Do đó tới đây, ngành y tế sẽ tăng cường công tác dự phòng, xây dựng và phát triển hệ thống cảnh báo sớm nhằm ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh lớn bùng phát; đồng thời đề nghị các địa phương đẩy mạnh, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh. (Sức khoẻ và đời sống (trang 2) 20/10)
BV Bạch Mai tiếp nhận hàng viện trợ trị giá hơn 20 tỷ đồng
BV Bạch Mai vừa đón nhận hàng viện trợ trị giá hơn 20 tỷ đồng do GS. Carl Edwin Bartecchi, BV St. Anthony (Hoa Kỳ) và nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp. Lô hàng bao gồm 42,844 tấn thiết bị y tế hỗ trợ bệnh viện, bao gồm giường bệnh nhân, máy thở, máy siêu âm… và nhiều thiết bị có giá trị khác trị giá 1 triệu USD, tương đương với khoảng hơn 20 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi đón nhận, TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai đã cảm ơn sự đóng góp của GS. Carl Edwin Bartecchi và các cộng sự của ông. BV Bạch Mai là BVĐK hoàn chỉnh hạng đặc biệt hàng đầu của Việt Nam, nơi thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân nặng. Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận điều trị 1 triệu bệnh nhân ngoại trú và trên 100.000 bệnh nhân nội trú. ( Sức khoẻ và đời sống (trang 2) 20/10)
Phát hiện gà thối, thịt lợn tai xanh đem đi tiêu thụ
Ngày 19/10, lực lượng chức năng huyện Đông Hòa (Phú Yên) đã tiêu hủy 16 con lợn bị nhiễm bệnh, trong đó có 10 con được phát hiện tại lò mổ của bà Trần Thị Mỹ Dung ở thôn Phú Hòa, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa. Trước đó, ngày 18/10, lực lượng chức năng nhận được tin báo của người dân phản ánh bà Dung thu mua lợn bệnh ở vùng dịch tai xanh về mổ đem đi tiêu thụ nên đã đến kiểm tra.
Cùng ngày, Trạm Thú y huyện Trảng Bom (Đồng Nai) phối hợp với quản lý thị trường tiêu hủy 500kg gà thối, mất vệ sinh. Trước đó, đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở giết mổ gà do ông Nguyễn Ngọc Hòa (ở ấp 3, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) làm chủ có gần 500kg thịt gà chết đã tím tái, bốc mùi hôi thối, được làm sạch, đựng trong các thùng xốp, ướp đá chờ đem đi tiêu thụ. (Sức khoẻ và đời sống (trang 2) 20/10)
Quy định của Chính phủ về giá dịch vụ y tế: Điều chỉnh theo lộ trình
Ngày 19/10, Nghị định 85/2012/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ y tế của các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) công lập do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã được công bố. Theo đó, giá dịch vụ KCB được xem xét điều chỉnh trong 3 trường hợp: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ KCB; Nhà nước thay đổi về cơ chế, chính sách tiền lương và khi có biến động giá của các yếu tố đầu vào.( Sức khoẻ và đời sống (trang 3) 20/10)
Quảng cáo thực phẩm chức năng chữa bệnh ung thư, HIV/AIDS: Hiểm hoạ khôn lường cho người bệnh
“Việc các doanh nghiệp (DN) gian dối trong quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) chữa bách bệnh, trong đó có các bệnh hiểm nghèo như ung thư, HIV/AIDS… đã khiến người bệnh tin dùng, bỏ qua “thời gian vàng” trong điều trị. Việc quảng cáo gian dối như vậy là một tội ác với người bệnh” – đó là bức xúc được TS. Nguyễn Thanh Phong – Phó Cục trưởng Cục ATVSTP – Bộ Y tế bày tỏ trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống liên quan đến công tác quảng cáo TPCN…( Sức khoẻ và đời sống (trang 3) 20/10)
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Cấp cứu bệnh nhi bị dị ứng thuốc paracetamol toàn thân
Đó là trường hợp cháu Trần Văn Bách (7 tuổi, Thanh Đồng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). 10h sáng ngày 15/10, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng lở loét toàn thân. Sau khi vào Khoa Lây nhiễm, cháu đã được các bác sĩ chẩn đoán bị hội chứng Steves – Johnson (dị ứng thuốc).
BS. Nguyễn Văn Sơn – Trưởng khoa Lây nhiễm – Bệnh viện Sản Nhi cho biết: Cháu bị sốt cách đây 12 ngày, người nhà cho uống thuốc paracetamol nhưng không hạ sốt, sau đó cháu có hiện tượng bị nổi những nốt phồng rộp. Người nhà đã đưa cháu đến điều trị tại BVĐK huyện trong 10 ngày nhưng không khỏi, sau đó được chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Lúc nhập viện, cháu có hiện tượng tổn thương da toàn thân, miệng và bộ phận sinh dục lở loét nặng, bong vảy, chảy nước, sốt 38,5oC, ăn uống khó khăn, ngứa, đau, có phỏng nước (giống như bỏng vôi). Bước đầu, khoa đã thực hiện công tác hồi sức chống độc, bồi phụ nước điện giải, kháng sinh, thuốc giải độc… đặc biệt là việc vệ sinh da cho bệnh nhi khoa phải kết hợp với y bác sĩ của Khoa Ngoại để làm vệ sinh cho cháu. Đến thời điểm này, cháu đã dần hồi phục sức khỏe, ăn được ít cháo và sữa.
Đồng thời, BS. Sơn khuyến cáo các bậc phụ huynh, sau khi cho con em mình uống thuốc, nếu có biểu hiện lạ, khác thường như: nổi ban đỏ, ngứa, phù…, không được chủ quan, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế đúng chuyên khoa để được cấp cứu, chăm sóc kịp thời. Nếu lâu ngày, bệnh càng nặng sẽ dẫn đến hiện tượng mệt mỏi, đau khớp, hôn mê, loạn nhịp tim, viêm màng cơ tim, nhiễm khuẩn huyết và có thể dẫn đến tử vong. (Sức khoẻ và đời sống (trang 4) 20/10)
BV Bạch Mai: Khám sàng lọc miễn phí bệnh COPD và hen phế quản
Nhân ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu, ngày 10/11/2012, tại BV Bạch Mai sẽ tổ chức khám bệnh miễn phí cho những người có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen phế quản. Theo PGS.TS. Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, đối tượng có nguy cơ mắc COPD và hen phế quản có ít nhất một trong các yếu tố sau: hút thuốc lá, thuốc lào trên 10 năm; trực tiếp đun bếp (than, củi, rơm, rạ) trên 30 năm; tiếp xúc với bụi, hoá chất nghề nghiệp; khó thở nặng dần theo thời gian; ho liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm; thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng; bản thân hoặc gia đình có người mắc bệnh dị ứng, viêm mũi dị ứng hoặc mắc hen phế quản …( Sức khoẻ và đời sống (trang 12) 20/10)
Hơn 27% trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi
Ngày 19-10, TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết năm nay, Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển (từ ngày 16 đến 23 – 10) có chủ đề “Tăng cường sản xuất và sử dụng nguồn lương thực-thực phẩm tại địa phương góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng cho mọi gia đình”.
TS Lâm cho biết thêm, theo kết quả điều tra về dinh dưỡng mới được công bố, Việt Nam hiện có 17,5% số trẻ em bị duy dinh dưỡng, trong đó suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm còn 16,8% nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng dạng thấp còi vẫn ở mức cao, với 27,5%.(Tiền phong (trang 6) 20/10)
Ca bít tiểu nhĩ qua da đầu tiên bằng dụng cụ thế hệ mới
Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch (TTTM) Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội vừa can thiệp thành công ca bít tiểu nhĩ qua da cho một bệnh nhân (BN) cao tuổi bị loạn nhịp tim bằng dụng cụ mới do chính bác sĩ Việt Nam tham gia thiết kế. Đây là lần đầu tiên dụng cụ thế hệ mới được đưa ra ứng dụng và cũng là lần đầu tiên kỹ thuật bít tiểu nhĩ được thực hiện ở nước ta.( Sức khoẻ và đời sống (trang 4) 20/10)
BV Nhi Đồng 1 – Tp. Hồ Chí Minh: Cứu sống bé trai xuất huyết tiêu hoá nặng
Ngày 18/10, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (HSTC – CĐ) BV Nhi Đồng 1 cho biết, các bác sĩ của khoa đã cứu sống và điều trị thành công cho bé trai D.H.K.N., 14 tháng tuổi ở Trà Vinh, bị xuất huyết tiêu hóa nặng do loét tá tràng D1 trên bệnh cảnh sốc nhiễm khuẩn – nhiễm khuẩn huyết. Cháu N. được BVĐK Trà Vinh chuyển đến BV Nhi Đồng 1 trong tình trạng hôn mê sâu, gồng duỗi 2 chân, sốt cao liên tục 390C, trụy mạch kéo dài, tay chân lạnh tím, gan to 2cm dưới hạ sườn phải, đặc biệt bệnh nhi xuất hiện tình trạng xuất huyết tiêu hóa trên ồ ạt, tình trạng sức khỏe rất nguy kịch. Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy Hct (dung tích hồng cầu) giảm rất nhanh từ 32% xuống chỉ còn 14%.