May mắn sống sót
Anh Lương Tiến Giang, bố của bé Nghĩa cho biết, ngày 4/10, bé được một hàng xóm cho ăn thạch. Khi đang nhai thì bé ho sặc sụa, toàn thân tím tái, lịm dần đi. Gia đình đã vội đưa bé cấp cứu ở BVĐK Bắc Giang, cách nhà khoảng 400m trong tình trạng ngưng thở.
Sau khi được các bác sỹ tại đây cấp cứu, bé Nghĩa đã được chuyển lên BV Tai – Mũi- Họng TƯ nội soi, gắp các viên thạch nhưng bé vẫn rơi vào tình trạng tím tái, ngưng thở. Chiều cùng ngày, bé được chuyển sang Khoa Nhi, BV Bạch Mai.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, lúc chuyển tới cấp cứu, độ bão hòa ôxy máu của bé Nghĩa đo được chỉ còn khoảng 30-40% (trong khi người bình thường là 95%). Viên thạch đã bị nhai nhỏ, các mảnh vụn đã đi vào phổi, phế quản. Các bác sĩ phải bóp ống thở ngoài lồng ngực. Rất may mắn, sau 15 phút tim bé Nghĩa đã đập trở lại.
Khi thấy người bé hồng hào hơn, các bác sỹ mới thực hiện các thao tác hút dị vật. Hơn 1 ngày sau khi tiếp nhận, với hơn 20 lần hút cách nhau 1 – 2 giờ/lần, mỗi lần vài mảnh, toàn bộ các mảnh thạch mới được hút ra khỏi cơ thể bé. Hiện bé đã khỏe mạnh bình thường.
“Hóc thạch rất nguy hiểm vì thạch trơn, dễ nát thành các viên nhỏ nên khó gắp được hết dị vật ra khỏi đường thở. Để cứu sống bé Nghĩa, các bác sỹ đã phải luân chuyển liên tục giữa xông cung cấp ôxy và hút dị vật. Nếu cứ cố gắng hút hết dị vật trẻ sẽ bị thiếu ôxy trầm trọng, có nguy cơ tử vong. Những ca như thế, chỉ có 2- 3 phút để cứu em bé, nhưng hầu như là không có khả năng, vì cần thời gian di chuyển từ nhà đến viện. Hơn nữa, gắp dị vật là thạch cực kỳ khó khăn. Đây là trường hợp rất may mắn vì đã được phát hiện sớm và nhanh chóng được cấp cứu kịp thời, đúng cách”, PGS.TS Dũng nói.
Đau lòng nhất là một bé trai 3 tuổi ở quận Hà Đông (Hà Nội) được đưa vào Viện Quân y 103 trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở, đồng tử giãn…. do hóc thạch. Bé đã tử vong dù được các bác sỹ hết lòng cứu chữa. Hay như trường hợp bé P.V.H (1 tuổi ở Long Biên, Hà Nội), ngồi ăn thạch một mình, bị nghẹn dẫn tới khó thở, người tím tái. Dù được phát hiện kịp thời và được gia đình đưa đi cấp cứu ở bệnh viện gần nhà nhưng các bác sĩ đã không thể giữ lại mạng sống cho bé.
“Cha mẹ cần sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất và dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn, trẻ sẽ dễ thở hơn. Sau đó đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để được xử trí cấp cứu, rồi chuyển đến bệnh viện chuyên khoa can thiệp”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay. |
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trẻ có thể bị nguy hiểm tới tính mạng khi bị hóc bất cứ dị vật nào. Đối với các trường hợp hóc dị vật như hạt lạc, hạt đỗ… các bác sĩ chỉ cần nội soi và gắp dị vật và ít khi bị chèn vào khí quản. Hay sặc cháo, bột và các thức ăn lỏng chỉ cần hút là dị vật có thể thoát ra ngoài. Song với những ca hóc thạch, khả năng cứu sống rất khó do thạch vào khí quản sẽ bị bít đường thở và rất khó để chọc, hút dị vật, nhất là khi thạch bị nhai nát thành nhiều miếng nhỏ.
Theo bác sỹ Hoàng Đình Ngọc, Phó Giám đốc BV Tai – Mũi – Họng TƯ, phần lớn những ca hóc thạch đều có thể tử vong. Bình thường, với những ca hóc dị vật thời gian để cấp cứu là vô cùng cấp bách, chỉ trong vòng 5 – 10 phút. Việc cứu sống những đứa trẻ hóc thạch là hy hữu bởi gắp dị vật thạch cực kỳ khó khăn. Miếng thạch mềm nên khi dùng dụng cụ gắp ra rất dễ gây vỡ vụn thành nhiều miếng. Khi đó, những mảnh vụn này lại tiếp tục rơi sâu xuống đường thở thì lại càng nguy hiểm. Bệnh nhân có thể tử vong ngay lập tức.