Đây là kết quả nghiên cứu khảo sát quy trình khám, chữa bệnh tại khoa khám bệnh Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM) được báo cáo tại hội nghị khoa học ngày 17-10. Nghiên cứu này được nhóm tác giả khảo sát trên 1.128 bệnh nhân (từ 16 tuổi trở lên) đến khám bệnh tại bệnh viện từ tháng 4 đến tháng 10-2011, để làm cơ sở khoa học khách quan thực hiện cải tiến quy trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân được nhanh chóng, hiệu quả hơn.
14 giai đoạn
Kết quả nghiên cứu cho thấy để hoàn tất quy trình khám chữa bệnh, đa số bệnh nhân phải qua 14 giai đoạn: 1- lấy số thứ tự; 2- nộp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hoặc mua sổ khám bệnh; 3- đóng phí khám bệnh (đối với bệnh nhân khám dịch vụ hoặc BHYT trái tuyến); 4- đăng ký phòng khám tại quầy vi tính; 5- phòng khám bệnh; 6- đóng phí làm cận lâm sàng; 7- xét nghiệm; 8- chẩn đoán hình ảnh; 9- trở lại phòng khám bệnh, nhận đơn thuốc; 10- khám chuyên khoa khác; 11- duyệt toa thuốc; 12- đóng phí; 13- nhận lại thẻ BHYT; 14- lãnh thuốc hoặc mua thuốc.
100% bệnh nhân được khảo sát đều phải qua bốn giai đoạn là 1, 2, 4 và 5; gần 94% phải qua giai đoạn 13 và hơn 92% qua giai đoạn 14. Ngoài ra, còn có gần 43% bệnh nhân phải qua bảy giai đoạn, hơn 22% bệnh nhân trải qua chín giai đoạn, 17% bệnh nhân phải qua tám giai đoạn… Tổng thời gian thực tế của quy trình khám bệnh (từ bắt đầu đến kết thúc) tối thiểu mất hơn 142 phút và tối đa gần 352 phút. Giai đoạn bệnh nhân mất nhiều thời gian nhất là lấy số thứ tự, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, lãnh thuốc, đóng viện phí (phí tạm ứng, phí cận lâm sàng, đóng phí đồng chi trả BHYT). Khảo sát còn cho thấy bệnh nhân càng lớn tuổi thì thời gian khám bệnh càng dài vì đa số bệnh nhân lớn tuổi có bệnh mãn tính nên thời gian khám bệnh dài hơn.
Tuy nhiên, giai đoạn 5 gồm điều dưỡng nhận sổ khám bệnh của bệnh nhân, gọi bệnh nhân vào phòng, điều dưỡng lấy dấu hiệu sinh tồn, bác sĩ khám bệnh và ghi toa thuốc vào sổ khám bệnh, điều dưỡng đánh máy toa thuốc và in toa thuốc, đưa bác sĩ ký toa thuốc, đưa bệnh nhân toa thuốc và dặn dò bệnh nhân dao động trong khoảng 3,77-22,33 phút. Nghĩa là có những bệnh nhân giai đoạn này mất chưa đến 4 phút, như vậy thời gian bệnh nhân được tiếp xúc với bác sĩ còn ngắn hơn. Nguyên nhân dẫn đến thời gian khám bệnh của bác sĩ ít, theo các tác giả, là do tình trạng quá tải. Bệnh càng đông, thời gian khám càng ít (một bác sĩ mỗi ngày phải khám hàng trăm bệnh nhân) dẫn đến chất lượng điều trị không tăng, thậm chí sai sót có thể xảy ra nhiều hơn. Ngoài nguyên nhân quá tải, nhóm tác giả cho rằng chưa loại trừ thời gian khám tiếp xúc bác sĩ quá ngắn do bác sĩ khám qua loa dù phòng bệnh vắng, có thể do bác sĩ bận việc trong khoa, sắp phẫu thuật hoặc do thiếu nhiệt tình.
Giảm bớt các khâu chưa hợp lý
Nhóm tác giả nhận xét các giai đoạn chủ yếu của quy trình khám bệnh là 1, 2, 4, 5, 13 và 14. Vì vậy cần chú trọng tăng cường nhân sự, tăng thêm phòng khám, trang thiết bị, thêm chỗ ngồi chờ cho những giai đoạn này… Ngoài ra, có những giai đoạn nếu biết cách sắp xếp hợp lý thì có thể bỏ hẳn giai đoạn 2 và giai đoạn 13 hoặc nhập chung giai đoạn 3 vào giai đoạn 4 để giảm bớt thời gian chờ đợi, giảm bớt phiền hà cho bệnh nhân. Bác sĩ Lê Thanh Chiến – giám đốc Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương – cho biết nếu nhìn tổng thể thì lúc nào cũng thấy phòng khám đông đúc, nhưng không biết khâu nào mất thời gian nhiều nhất và có phù hợp không. Vì vậy, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra khâu nào chưa phù hợp để bệnh viện chấn chỉnh. Khi có kết quả nghiên cứu, bệnh viện đã thực hiện một số biện pháp cải tiến quy trình khám, chữa bệnh như phối hợp với tổng đài 1080 để bệnh nhân đăng ký khám bệnh qua điện thoại; áp dụng một số kỹ thuật mới trong chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, thăm dò chức năng để rút ngắn thời gian chờ lấy kết quả; tăng thêm nhân viên y tế để hạn chế ùn tắc bệnh nhân…
Theo bác sĩ Chiến, kết quả cải tiến bước đầu cho thấy số bệnh nhân thắc mắc, phàn nàn khi đi khám bệnh tại bệnh viện rất ít. Thời gian tới, bệnh viện tiếp tục cải tiến quy trình, cách thức quản lý để tăng chất lượng phục vụ, chất lượng dịch vụ cũng như chất lượng chuyên môn, như ứng dụng phát số khám bệnh tự động có bảng số điện tử; mở rộng và tăng số lượng bàn khám; bảo đảm nhân viên khoa khám bệnh làm việc đúng giờ; ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm kê đơn thuốc; sắp xếp các khâu lấy máu, chuyển mẫu, nhập chỉ định, chạy máy xét nghiệm… để rút ngắn tối đa thời gian trả kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân (Tuổi trẻ 18/10).
Nhiều thuốc y học cổ truyền không đạt chuẩn
Vụ Y dược cổ truyền Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi các sở y tế, thông báo qua kiểm nghiệm tại các bệnh viện phát hiện một tỉ lệ lớn thuốc y học cổ truyền không đạt tiêu chuẩn chất lượng, bị nhuộm màu độc hại… Theo đó bá tử nhân, tế tân, viễn chí, hòe hoa, phòng phong, uy linh tiên, tần giao, kim ngân hoa bị phát hiện có lẫn nhiều tạp chất. Các vị đảng sâm, hoàng cầm, khương hoạt, hà thủ ô đỏ, hoàng bá, đan sâm, ngưu tất, nhục thung dung sử dụng đúng nhưng hàm lượng hoạt chất thấp. Các vị dây đau xương, ý dĩ, thăng ma, hoàng kỳ, tang ký sinh bị lầm lẫn về loài. Ngoài ra, các vị như kim ngân hoa lại sử dụng không đúng bộ phận là kim ngân đằng, phục thần (sử dụng nhầm sang bạch linh), liên nhục (dùng sang nắp hạt sen).
Vụ Y dược cổ truyền cũng cho biết do bảo quản thuốc cổ truyền khó khăn, nhất là với những vị sau chế biến còn độ ẩm (ví dụ các vị được sao tẩm bằng mật ong) nên có hiện tượng mốc hỏng. Các vị thuốc có hàm lượng hoạt chất không đạt phải sử dụng với số lượng gấp 2-3 lần thông thường mới đảm bảo tác dụng điều trị. Trước đó, Bộ Y tế cho biết từng tổ chức một cuộc lấy mẫu kiểm tra đông dược sau khi nhập khẩu vào thị trường VN qua cửa khẩu Ái Điểm (Trung Quốc), phát hiện nhiều loại dược liệu quý như nhân sâm đã bị tách chiết 100% hoạt chất trước khi vào VN, dược liệu thực chất chỉ còn là rác, giá bán tại gốc chỉ… 2.500 đồng/củ nhân sâm (Tuổi trẻ 18/10).
50% bệnh nhân nhiễm cúm H5N1 tử vong
Ngày 17.10, Bộ Y tế cho biết, trong suốt năm 2011 không ghi nhận, cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện trở lại với 4 ca mắc được ghi nhận từ đầu năm đến nay. Vi rút cúm gia cầm vẫn có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong rất cao (hiện là 50% trong số ca nhiễm). Các trường hợp mắc và tử vong đều có tiếp xúc với gia cầm ốm chết, chưa ghi nhận ca bệnh lây từ người sang người. Cục Y tế dự phòng tiếp tục khuyến cáo dịch cúm có nguy cơ tăng mạnh vào mùa đông xuân và đặc biệt lo ngại nếu có dịch cúm trên gia cầm. Bộ Y tế cũng cho biết, số mắc sốt xuất huyết trên toàn quốc 9 tháng qua là 57.853 ca, trong đó 46 ca tử vong, số mắc và tử vong tăng 19% và 12% so với cùng kỳ 2011, tập trung chủ yếu tại khu vực phía nam (Thanh niên 18/10).
Báo động vệ sinh thực phẩm suất ăn công nhân
Ngày 17.10, Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Đồng Nai, đã có cuộc họp với khoảng 100 doanh nghiệp (DN) tại 7 KCN trên địa bàn Nhơn Trạch, nhằm giải quyết tình trạng mất vệ sinh của các bếp ăn tập thể, nâng cao chất lượng bữa ăn công nhân (CN).
Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP, trên địa bàn tỉnh có trên 19.200 cơ sở thực phẩm, trong đó có khoảng 6.800 cơ sở sản xuất thức ăn công nghiệp. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 30 KCN với 900 nhà máy, khoảng 500 bếp ăn tập thể, phục vụ suất ăn cho 350.000 CN mỗi ngày. Qua kiểm tra cho thấy, tình hình ngộ độc thực phẩm đang diễn ra phức tạp, ngoài tầm kiểm soát. Trong 10 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 215 ca nhập viện. "Tình trạng nhiễm độc thức ăn, mất vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn CN hiện nay rất đáng báo động. Kiểm tra 159 bếp ăn tập thể chỉ có 56 bếp đủ điều kiện vệ sinh, còn lại đa số trang thiết bị xuống cấp, điều kiện về con người không đảm bảo. Ngoài ra, nhằm giảm giá thành, nhiều cơ sở lựa chọn nguồn thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, bị biến chất, quá hạn sử dụng dẫn đến thức ăn bị nhiễm sinh hóa, vật lý", bà Trương Thị Thảo, Phó trưởng phòng Thông tin truyền thông Chi cục ATVSTP Đồng Nai cho biết. Bà Thảo nhìn nhận, tình trạng giết mổ lậu, sử dụng thịt thối, thịt kém chất lượng đưa vào các bếp ăn CN cũng là tác nhân chính đe dọa sức khỏe của người lao động.
Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Nai cho biết, thời gian tới Sở sẽ giới thiệu cho DN tiếp cận các mặt hàng thiết yếu, an toàn như gạo, đường, rau, thịt heo, gà… Ban Quản lý các KCN cũng đề nghị các DN hợp tác, lựa chọn nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng để nâng cao suất ăn, tái tạo sức lao động cho CN. Sở Công thương cũng đề nghị các DN trên địa bàn Đồng Nai tham gia chương trình đưa thực phẩm sạch vào các bếp ăn tập thể, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 10.2012 (Thanh niên 18/10).
Thuê chuyên cơ chở trang thiết bị tặng Bệnh viện Bạch Mai