Ngày 16/10/2012 tại thành phố HCM, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc Unicef đã tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em”. Tới dự buổi hội thảo có PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế; Ông Jesper Moller, Trưởng Đại diện Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc Unicef; đại điện các Vụ, Cục liên quan; đại biểu các Bộ, ban, ngành đoàn thể và các đại biểu đại diện cho các tỉnh đã tới tham dự hội nghị.
Tại buổi hội thảo đại diện các tỉnh An Giang; Đồng Tháp; Lào Cai; Điện Biên; Kon Tum đã trình bày tham luận về những khó khăn và tồn tại chính của tỉnh trong các lĩnh vực về: Sức khỏe và bà mẹ trẻ em; nước sạch vệ sinh môi trường; dinh dưỡng như tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) của trẻ em dưới 5 tuổi còn cao do chất lượng chăm sóc sức khỏe – dinh dưỡng cho phụ nữ trước và trong khi mang thai còn nhiều hạn chế; Tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi còn phổ biến; Kiến thức, thái độ và hành vi chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em của người dân trong cộng đồng còn nhiều hạn chế do: trình độ dân trí còn hạn chế, tập quán nuôi dưỡng trẻ, thiếu thời gian chăm sóc trẻ, sự gia tăng về quảng bá và tiếp thị các sản phẩm dinh dưỡng thay thế sữa mẹ….Sự hạn chế của hệ thống y tế địa phương trong việc giám sát và thực hiện các luật pháp và chính sách về y tế của Chính phủ, tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, kiểm soát dịch bệnh lưu hành, nhiễm trùng hô hấp cấp, cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn; Tỷ lệ đuối nước ở trẻ em cao và dịch bệnh trong mùa lũ tại địa phương; Tỷ lệ nhiễm HIV và mắc AIDS cao; Thiếu nước sạch cho hộ gia đình, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân kém…
Bên cạnh đó các tỉnh cũng trình bày các can thiệp dự kiến trong các lĩnh vực Sức khỏe và bà mẹ trẻ em; lĩnh vực nước sạch vệ sinh môi trường; lĩnh vực dinh dưỡng như:
Lĩnh vực sức khỏe và bà mẹ trẻ em: Củng cố hệ thống thông tin y tế của tỉnh nhằm đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho việc xây dựng kế hoạch chung và các hoạt động chăm sóc bà mẹ, trẻ em. Đầu tư trang thiết bị, đào tạo nguồn lực trong lĩnh vực sản khoa, nhi khoa để tăng cường triển khai cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em tại tuyến cơ sở. Xây dựng, thực hiện chi phí hiệu quả trong can thiệp làm mẹ an toàn tại các cộng đồng dân tộc thiểu số và ở những vùng xa xôi khó khăn của tỉnh. Nâng cao năng lực lập kế hoạch và tổ chức giám sát hỗ trợ triển khai hoạt động chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em cho tuyến tỉnh, huyện để hỗ trợ cho tuyến dưới. Duy trì và mở rộng mô hình hoạt động của cô đỡ thôn, bản tại các vùng sâu, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống…
Lĩnh vực dinh dưỡng: Triển khai cấp viên sắt cho bà mẹ có thai. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về “nuôi dưỡng trẻ nhỏ” cho y tế thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Triển khai điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng có biến chứng tại các bệnh viện trên toàn tỉnh. Tổ chức khám thai và tăng cường công tác tuyên truyền nuôi con bằng sữa mẹ cho các xã vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát…
Lĩnh vực nước sạch vệ sinh môi trường: Thí điểm mở rộng mô hình Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ (CLTS) kết hợp tiếp thị vệ sinh ra toàn bộ các xã, thôn của huyện. Thí điểm hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và vận động người dân vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để xây dựng nhà vệ sinh hộ gia đình. Lồng ghép triển khai mô hình CLTS vào chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2013-2015…
Tiếp nối chương trình là hai bài phát biểu của các cô đỡ thôn bản tỉnh Kon Tum và cô đỡ thôn bản tỉnh Điện Biên các cô cho biết dù công việc còn nhiều khó khăn, số tiền hỗ trợ không đủ trang trải chi phí nhưng vẫn muốn tiếp tục làm vì thấy rất vui do giúp đỡ được nhiều bà mẹ và có nguyện vọng muốn tiếp tục đi học thêm kiến thức chuyên môn về cô đỡ để hiểu sâu về các tai biến sản khoa, các ca cấp cứu hơn.
Kết thúc buổi hội nghị PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thông qua việc lựa chọn các vùng bị thiệt thòi và các biện pháp chính sách ở cấp trung ương, chương trình Sống còn và Phát triển của Trẻ em sẽ hạn chế được tình trạng bất bình đẳng mà trẻ em thiệt thòi phải chịu khi tiếp cận với các dịch vụ y tế và dinh dưỡng. Chính quyền địa phương và các gia đình sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận với thông tin liên quan đến phát triển của trẻ em cũng như cách sống trong một môi trường lành mạnh và an toàn. Hoạt động mở mang kiến thức tạo ra thông tin mới về sống còn của trẻ em giúp cải thiện các cơ chế hiện hành và xây dựng chính sách, chương trình và luật mới…