Ngừng cấp đăng ký thuốc bổ phế chứa thạch xương bồ
Ngày 16-10, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cho biết đã có quyết định tạm ngừng cấp số đăng ký mới, đăng ký lại cho các chế phẩm thuốc ho bổ phế có chứa dược liệu thạch xương bồ.
Bên cạnh đó, Cục khuyến khích công ty đang lưu hành loại thuốc này nghiên cứu thay thế thạch xương bồ bằng một vị thuốc khác có tác dụng tương tự về y học cổ truyền trong thành phần không có thành phần beta-asaron.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, nguyên nhân là do độc tính của tinh dầu xương bồ thường tăng theo hàm lượng thành phần beta-asaron chứa trong đó. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy beta-asaron có khả năng gây ung thư và đột biến gan cũng như nhiều tác dụng bất lợi trên tim và gan. Mặt khác, độ an toàn và độc tính của xương bồ chưa được thử nghiệm trên lâm sàng.
Được biết, beta-asaron có trong tinh dầu tự nhiên của các cây thuộc chi xương bồ. Hiện nay, tại Việt Nam chi xương bồ gồm nhiều loài được sử dụng làm thuốc dưới dạng thân rễ phơi khô như thạch xương bồ và thủy xương bồ. (An ninh thủ đô (trang 2) 17/10)
Chất liệu vô giá từ ca “hiến gan cứu mẹ”
Tôi cầm tờ báo Tuổi Trẻ ra ngày chủ nhật có bài vedette “Chuyện người con hiến gan cứu mẹ” đưa cho học trò mình xem và hỏi: “Các em nghĩ gì về câu chuyện anh Diệp Hữu Lộc hiến gan cứu mẹ?”.
Có không ít em trả lời là chuyện bình thường. Hỏi tại sao là bình thường, các em bảo: hiến gan cứu người ngoài mới đáng nể chứ ở đây cứu mẹ mình thì có gì đáng nói.
Không đâu, nói nghe thì dễ lắm. Nhưng cứ thử vào Google gõ mấy cụm từ như “con hại cha mẹ”, “con kiện cha mẹ” đi mà xem. Cả chục triệu kết quả với vô vàn câu chuyện làm nhói lòng người. Nào là vì một miếng đất con đưa cha mẹ ra tòa. Nào là con cái khá giả nhưng đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão rồi bỏ đó mà đi mất dạng. Nào là đổ xăng đốt cha mẹ, đốt cả người thân vì thừa kế…
Từ ngàn xưa ông bà đã có câu “Nước mắt chảy xuôi”, ý bảo cha mẹ lo cho con thì nhiều chứ mong gì con lo ngược cho cha mẹ. Cái cảnh “cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày” chẳng phải chuyện hiếm.
Kể với các học trò như thế rồi tôi hỏi tiếp: Những em bảo rằng việc anh Diệp Hữu Lộc hiến gan cứu mẹ là bình thường, thì cho cô hỏi ở nhà có bao giờ các em quan tâm đến sức khỏe cha mẹ không? Có bao giờ tìm hiểu tiền nuôi mình ăn học hôm nay là do cha mẹ vất vả như thế nào? Có biết được thu nhập cha mẹ là bao nhiêu không? Có bao giờ tự giác rót một ly nước, mang một chiếc khăn lạnh đến cho cha mẹ khi đi làm về không? Nhiều em đã sượng sùng lắc đầu bảo không biết!
Tôi có một người bạn thân, đêm hôm khuya khoắt chị gọi điện giọng như reo, kể rằng: Sau bữa cơm tối, ông xã đi công tác nên chị với con trai đang học đại học ngồi chuyện trò tâm sự. Chị như muốn bay bổng khi nghe con trai kể lại kỷ niệm thời còn học lớp 9, lúc chuẩn bị cho đợt thi lớp 10, cứ mỗi sáng ba chở đi học đều cho con trai ăn một tô phở có quả trứng gà. Con hỏi vì sao ba không ăn thì được nghe là ba không đói. Nhưng bây giờ lớn rồi, con trai mới biết ba chỉ đủ tiền cho con ăn phở thôi. Và cậu con trai bây giờ là sinh viên đã tự trách mình sao hồi ấy vô tư đến thế.
Chị bạn tôi nói: “Khi nghe con nói được điều đó, mình thấy hạnh phúc là con đã thành nhân”. Vâng, làm cha mẹ không phải ai cũng biết giá trị “thành nhân” với “thành tài” hoàn toàn khác nhau. Không ít người cứ chăm bẳm mong con “thành tài”, mà quên mất rằng mục tiêu giáo dục con người là “thành nhân” lớn hơn “thành tài”. Trong xã hội, không ít người đã “thành tài”, đã là ông nọ bà kia, nhưng chưa hẳn đã “thành nhân”. Và đó là một bi kịch của xã hội.
Kể từ hôm chủ nhật đến nay, cứ cầm tờ báo trên tay là tôi tìm xem diễn biến của ca ghép gan như thế nào. Và sáng thứ ba khi đọc thấy bản tin “Ca ghép gan thành công hơn mong đợi”, cùng bức ảnh chụp hai mẹ con Diệp Hữu Lộc đã nhìn thấy nhau qua cánh cửa, hạnh phúc trong tôi như vỡ òa: một cái kết thật có hậu cho một tấm gương sống động của câu chuyện hiếu thảo ngày nay.
Cảm ơn Tuổi Trẻ, bởi “Chuyện người con hiến gan cứu mẹ” là chất liệu vô giá cho chúng tôi – còn hơn cả “nhị thập tứ hiếu” – khi giảng bài học về đạo làm người, đạo làm con cho học sinh, vốn đang ngả nghiêng trong xã hội có nhiều điều phức tạp. (Tuổi trẻ (trang 9) 17/10)
Nhân rộng mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam
Ngày 16-10, tại Hà Nội, Hội Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam tổ chức Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, nhiệm kỳ (2012-2017). Ðồng chí Nguyễn Xuân Phúc Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo đại hội.
Theo báo cáo của Hội Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, Hội đã kết nạp 130 hội viên tổ chức và hơn một nghìn hội viên cá nhân với mọi thành phần xã hội. Hội đã phối hợp, tổ chức các lớp đào tạo điều dưỡng viên sơ cấp, các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS cho 1.212 học viên tại 17 tỉnh, thành phố, Hội đã biên soạn một bộ tài liệu hoàn chỉnh với 12 bài giảng và cử cán bộ xuống địa phương phối hợp tổ chức và trực tiếp tham gia giảng dạy và tổ chức tặng quà cho trẻ em chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và các trẻ mồ côi…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những thành tích và đóng góp của Hội Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua và khẳng định: Hội là một thành viên quan trọng góp phần phòng, chống đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Ðể thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của quốc gia và các chương trình hành động phòng, chống HIV/AIDS của Bộ Y tế, nhiệm kỳ tới, Hội cần tiếp tục mở rộng mạng lưới từ trung ương đến địa phương và phát triển thêm hội viên tại các địa phương, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi và rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới để đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 38 người, Ban Thường vụ gồm 15 người. PGS, TS Trần Thị Trung Chiến tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam nhiệm kỳ 2012-2017. (Nhân dân (trang 1) 17/10)
Quảng Ninh: Toạ đàm về chính sách pháp luật phòng, chống mại dâm và HIV/AIDS
Ngày 16- 10, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các tổ chức Liên hợp quốc, các cơ quan phát triển quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Toạ đàm về chính sách pháp luật phòng, chống mại dâm và HIV/AIDS”.
Tham dự hội nghị có 150 đại biểu đến từ 10 tỉnh, thành phố trong nước, các bộ, ngành thành viên của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài trợ song phương và đa phương…
Hội nghị tập trung thảo luận về các nội dung: Phân tích, đánh giá rõ những mặt được, chưa được trong chính sách, pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm hiện nay; đề xuất các biện pháp để huy động các ngành, các cấp và toàn xã hội cùng vào cuộc, phối hợp giải quyết có hiệu quả những vấn đề đang đặt ra trong công tác phòng, chống mại dâm trước tình trạng lây nhiễm HIV đang gia tăng hiện nay. (Gia đình & xã hội (trang 3) 17/10)
Cơ hội miễn phí dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ
Từ ngày 17-22/10, hệ thống 10 phòng khám sản phụ khoa – KHHGĐ Marie Stopes International Việt Nam (MSIVN) tại 9 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ cung cấp miễn phí một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho khách hàng là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15 – 49 tuổi).
Đây là hoạt động chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 của tổ chức MSIVN. Hệ thống 10 phòng khám sản phụ khoa tại Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Cần Thơ sẽ miễn phí các dịch vụ SKSS/KHHGĐ.
Các dịch vụ cụ thể gồm: Khám phụ khoa; Sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung (VIA); Thuốc tránh thai hàng ngày; Tư vấn Sức khỏe sinh sản – Kế hoạch hóa gia đình. (Gia đình & xã hội (trang 6) 17/10)
Thái Nguyên: Đẩy mạnh truyền thông DS – KHHGĐ
Vừa qua, Chi cục DS – KHHGĐ Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động truyền thông trực tiếp về DS – KHHGĐ tại cơ sở”. Với đặc thù là tỉnh miền núi, công tác vận động của các cộng tác viên dân số cơ sở ở Thái Nguyên gặp không ít khó khăn bởi đường xá giao thông đi lại tại một số địa phương khó khăn, số hộ CTV quản lý khá đông… (Gia đình & xã hội (trang 6) 17/10)
Phát hiện mới của bộ y tế: Thuốc Đông y trộn… cát, xi măng
Thuốc chứa xi măng, cát, mùn đất, tẩm ướp “thuốc độc”, thuốc giả… là phát hiện mới nhất trong đợt kiểm nghiệm của Bộ Y tế về chất lượng thuốc Đông y ở chính các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước.
Vấn nạn thuốc giả
Trong đợt này, Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư lấy gần 400 mẫu dược liệu thì có tới 60% mẫu chưa đạt chất lượng. Trong đó, 20% số thuốc còn bị trộn rác như cát, xi măng, lẫn tạp chất, giả mạo, tẩm ướp hóa chất độc hại…
Thông tin này khiến nhiều bệnh nhân lo lắng, bởi xưa nay không ai nghĩ uống thuốc Đông y trong bệnh viện lại có thể có độc. Trong đó, các chuyên gia đầu ngành Đông y nhận định, nghiêm trọng nhất là nhiều vị thuốc trộn tạp chất, nhuộm màu và giả mạo như bạch linh, hoài sơn, thỏ ty tử, hồng hoa. Ngoài ra, còn một số thuốc “treo đầu dê bán thịt chó”, sử dụng không đúng bộ phận như: Kim ngân hoa (sử dụng kim ngân đằng), liên nhục (dùng nắp hạt sen), phục thần (dùng bạch linh).
Vì sao mà ngay cả bệnh viện cũng bị “nhầm lẫn” thuốc?
Bà Trần Thị Hồng Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho rằng, lý do là vì “kỹ nghệ” làm giả thuốc đông dược ngày càng cao. Nếu trước đây, để phát hiện bạch linh giả, người ta cho vào nước, nếu thuốc tan thì biết là đồ giả. Nhưng hiện tại, bạch linh giả được tẩm canxi cacbonat để không tan trong nước.
Thuốc thỏ ty tử không chỉ được trộn bột xi măng cho nặng mà còn nhuộm màu để không bị phát hiện. Còn thuốc hồng hoa cũng bị nhuộm màu công nghiệp cho đỏ đẹp và nặng hơn mà hiện Vụ vẫn chưa xác định ra đó là hóa chất gì.
Ngoài ra, một số thuốc khác bị làm giả như nhân hạt cao lương giả ý dĩ, rễ sim giả ô dược, củ mỡ giả hoài sơn… Cho dù đã phát hiện và ngăn cấm nhiều năm nhưng nhiều thuốc vẫn nhuộm “thuốc độc” gây ung thư RhodaminB cho đỏ đẹp và chống nấm mốc…
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cũng nêu ra hàng loạt thuốc giả như “long vải” giả long nhãn, củ sắn giả bạch linh, thanh thảo giả đông trùng hạ thảo. Điều này khiến người bệnh bị móc túi mà bệnh không khỏi… Ngoài ra, người chế biến còn xông lưu huỳnh hay formaldehyde để chống nấm mốc… Có nhiều loại thuốc khác kém chất lượng đã được tinh chế hết chất bổ, chỉ còn “bã” như các loại sâm, linh chi…
Khó quản lý?
Theo nhận định của ông Phạm Vũ Khánh – Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền, thuốc Đông y rất khó kiểm định vì “để trên bàn là thuốc nhưng dưới đất có thể là rác”. Dược liệu lại ở dạng tươi và sơ chế “không thể không mốc”. Nếu không thường xuyên được kiểm tra, phơi phóng, sấy khô thì chỉ vài ngày có thể ẩm mốc, làm “nhạt” hàm lượng hoạt chất, biến thuốc loại 1 xuống thành loại 3-4. Khi được hỏi về việc đánh giá thế nào về chất lượng của thị trường dược liệu hiện nay, ông Khánh cho biết, Vụ cũng không biết, vì Cục Dược quản lý nguồn gốc, xuất xứ của dược liệu.
Theo lương y Trung, việc thuốc bị nấm mốc, mối mọt là do không đủ độ khô, nếu được sao sấy ở nhiệt độ thích hợp và bảo quản kín thì không bao giờ bị nấm mốc. Ngoài ra, một số máy móc rút ngắn thời gian cho bác sĩ như: Máy sắc thuốc với nhiệt độ cao, máy nghiền thuốc… cũng đang phá hủy hàm lượng hoạt chất của thuốc dẫn đến việc hàm lượng không đúng như mô tả.
Khi hàm lượng hoạt chất thấp thì người bệnh uống thuốc không đủ liều lượng, không khỏi bệnh. Những kỹ năng phân biệt thuốc, bảo quản, chế biến thuốc đúng cách, không lương y nào lại không thuộc. Tuy nhiên, có thể vì lợi nhuận, người ta vẫn làm. Trong khi cơ quan quản lý còn lơ là…