Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Hoàng manh

Hoàng manh

Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm, cao dưới 1m, thường là 0,30-0,60m, có lông, phân nhánh. Lá hình trái xoan đến trái xoan thuôn, dài 3-8cm, rộng 1,5-4cm, hơi có góc ở gốc, nhọn hoặc tù ở chóp, mép có răng thô; cuống lá dài 1-3cm; lá kèm hình dải, dài tới 8mm. Hoa thường ở nách lá, đơn độc hay tụ họp thành nhóm ít hoa, cuống hoa ngắn; đài nhỏ (tiểu đài) dạng lá bắc hẹp; đài hình chuông, có lông, dài tới 8mm; cánh hoa màu vàng nhạt, dài 7-9mm. Quả dẹt, có lông cứng, mỗi lá noãn khi chín có gai nhỏ, 2 cái ở lưng và một cái lớn hơn ở đỉnh.
Cây ra hoa hầu như quanh năm, chủ yếu vào hè, thu.
Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Malvastri Coromandeliani.
Nơi sống và thu hái: Cây có nguồn gốc từ Mỹ châu nhiệt đới, nay phổ biến ở tất cả các vùng nóng của thế giới. Thường gặp mọc dọc đường đi, ở ven đồi quanh làng. Thu hái toàn cây quanh năm, rửa sạch và dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Tính vị, tác dụng: Hoàng manh có vị ngọt và dịu, tính mát; có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, làm tan máu ứ và nhuận tràng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Được chỉ định dùng trị: 1. Viêm gan vàng da; 2. Viêm ruột; lỵ. 3. Thấp khớp, đau lưng; 4. Cảm lạnh, ho; 5. Viêm tiền liệt tuyến; 6. Nhiễm khuẩn trĩ nội. Dùng 30-60g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị chấn thương bầm giập, đinh nhọt và viêm mủ da; giã cây tươi đắp tại chỗ.
Ở Ấn Độ, cây được xem như làm dịu, tan sưng và trị ho. Lá dùng đắp đau sưng nóng và vết thương như là chất mát và xoa dịu. Hoa dùng như bổ phổi và làm ra mồ hôi.
Đơn thuốc:
1. Thấp khớp đau lưng: Rễ Hoàng manh 30g, nấu cháo với đuôi lợn.
2. Viêm tiền liệt tuyến: Rễ hoàng manh tươi 60g sắc uống.
3. Nhiễm trùng trĩ nội: Hoàng manh 30g, Hồng hoa 9g, ruột già lợn vừa đủ, nấu cháo ăn.
4. Bong gân: Giã lá tươi làm thành miếng đắp lên các khớp sưng đau.
5. Nhuận tràng: Cây tươi sắc nước hay hãm nước sôi uống.

Gửi thảo luận