Mô tả: Cây thảo mọc đứng, phân nhánh cao đến 1,5m, thân vuông ít lông. Lá có phiến tương đối to hình trái xoan cụt hay hình tim ở gốc, nhọn ở chóp, dài 2,5-11cm, rộng 1,5-6,5cm, mỏng, như không lông, khía tai bèo hay có răng to không đều; gân từ gốc 3, gần phụ 3 cặp; cuống mảnh, dài 1-1,5cm, Cụm hoa bông đứng hình trụ với nhiều vòng hoa sít nhau; đài dài 6-9mm, không lông, 5 răng, răng trên to hơn cả, tràng tía hay đỏ, môi trên chẻ hai, môi dưới 3 thuỳ, thuỳ giữa to, lõm, nhị 4. Quả bế nhỏ, bóng.
Mùa hoa 6-7 có quả tháng 10 – 11.
Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Agastaches. Ở Trung quốc, vị thuốc thường được gọi là Hoắc hương.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở vùng cao của nước ta, như ở Sapa và vùng núi Nghệ An. Người ta thường thu hái toàn cây, trước khi cây ra hoa, phơi hay sấy khô.
Thành phần hóa học: ở Nhật bản và Trung quốc, người ta đã tìn thấy trong cây có methylchavicol, anisaldehyd, p-methoxy-cinnamic aldehyd và d-limonen. Lá và thân chứa flavonoid. Rễ chứa acid – 3-O- acetyloleanolic, một hợp chất diterpen. Còn có acid rosmarinic.
Tính vị, tác dụng: Cây có tính năng như cây Quảng hoắc hương. Có vị cay se, tính ấm, mùi thơm hắc, có tác dụng khư phong giải độc, thanh thử hoá thấp, hoà trung chống nôn, tiêu thũng giảm đau.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa ngoại cảm phong nhiệt, phổi nhiệt, huyết áp cao, sưng đau họng, viên phế quản, viêm phổi, mụn nhọt, rắn độc cắn. Cũng dùng làm thuốc mạnh dạ dày, giúp tiêu hoá, chữa đau bụng đi ngoài.
Ở Trung quốc, rễ, hoa và hạt dùng chữa bệnh về mắt và xem như có tác dụng khử lọc. Lá được dùng làm thuốc trợ tiêu hoá và gây trung tiện để chữa bệnh khó tiêu, nôn mửa, đau bụng và đau dạ dày. Có nơi còn dùng toàn cây chữa cảm mạo phát nhiệt, phong thấp đau nhức xương, ngứa lở ngoài da.
Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Hoắc hương núi