Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Gừng gió

Gừng gió

Mô tả: Cây thảo cao 1-1,30m, có bẹ. Thân rễ dạng củ, phân nhánh, mặt ngoài màu trắng, bên trong màu vàng vàng. Lá xếp sít nhau, hầu như không cuống, thuôn ngọn giáo, có mũi nhọn, thon ở gốc, màu lục sẫm ở trên, nhạt màu và có lông rải rác ở mặt dưới; bẹ lá nhẵn trừ ở chóp. Cán hoa dài 30-60cm bao phủ nhiều vẩy lợp bên nhau, có lông ở ngoài. Bông hình trứng, với những lá bắc to áp sát, hình mắt chim, màu lục, đường kính 25-30mm. Hoa vàng; tràng hoa có ống 2cm, với các thuỳ hình ngọn giáo; cánh môi có 3 thuỳ, thuỳ giữa lớn hơn, lõm, tù, các thuỳ bên nguyên, ngắn hơn đến 3 lần. Quả nang hình bầu dục, hạt đen, ít, có áo hạt trắng.
Bộ phận dùng: Thân rễ (củ) Rhizoma Zingiberis.
Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Ðông Dương và Ấn Độ, thường gặp dưới tán rừng ẩm. Có thể thu hái thân rễ quanh năm, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Thành phần hoá học: Thân rễ chứa tinh dầu Từ tinh dầu này, đã tách được zerumbone, một sesquiterpen keton đơn vòng, có tác dụng kháng khuẩn trên thực nghiệm đối với Micrococcus pyogenes var aureus và Mycobacterium tuberculosis.
Tính vị, tác dụng: Gừng gió có vị cay đắng, tính ấm, có tác dụng tán phong hàn, tán huyết ứ, kích thích, bổ và lọc máu.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị trúng gió, đau bụng, sưng tấy đau nhức, trâu bò bị dịch. Ngày dùng 20-30g dạng thuốc sắc; thường phối hợp với các vị thuốc khác. Ở Ấn Độ người ta cũng dùng như gừng. Ở Campuchia, thường dùng ngâm rượu (khoảng 160g trong 1 lít rượu) dùng uống ngày 2-3 ly để trị chứng khó chịu, chóng mặt có triệu chứng ngất, cả cho người mới sinh đẻ, trong vài tuần lễ đầu tiên sau khi sinh.
Ðơn thuốc:
1. Chữa trúng gió lạnh, bị ngất, chân tay giá lạnh. Gừng gió 20-30g, giã nhỏ, chế thêm rượu, vắt lấy nước cốt uống. Dùng bã chưng nóng xoa xát khắp mình.
2. Chữa bị thương ứ máu hay đơn độc sưng tấy: Gừng gió, Nghệ Vàng, Nghệ đen, mỗi vị 15g giã nhỏ, chế thêm một chén giấm, vắt lấy nước cốt uống, rồi lấy bã chưng nóng đắp vào chỗ đau.

Gửi thảo luận