Mô tả: Cây gỗ lớn, cao tới 25m, lúc nhỏ phụ sinh, có rễ khí sinh treo từ nhánh cao. Lá dày láng, dài 6-20cm, chóp thường tròn, gốc có ba gân; lá kèm có lông trắng lúc non; cuống lá 1,5-3,5cm. Quả dạng sung ở nách lá, không cuống, vàng có sọc đỏ, cỡ 1cm.
Mùa hoa quả tháng 5-6.
Bộ phận dùng: Rễ khí sinh và lá – Radix Adventiva et Folium Fici Microcarpae.
Nơi sống và thu hái: Loài của Ấn Độ, Lào, Campuchia, Xri Lanka, Malaixia, Inđônêxia, Ôxtrâylia. Ở nước ta cây thường gặp ở vùng có thủy triều, cũng gặp mọc dựa bờ rạch. Cây được trồng ở Hà Tây, Hà Nội, Ninh Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam-Ðà Nẵng, Sông Bé, Bà Rịa-Vũng Tàu. Thu hái rễ và lá quanh năm, rửa sạch và phơi khô.
Tính vị, tác dụng: Gừa có vị hơi đắng và se, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, kháng sinh, làm ra mồ hôi và lợi tiểu.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Rễ khí sinh dùng chữa cảm mạo, sốt cao, viêm amygdal, đau nhức khớp xương, đòn ngã tổn thương. Dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Lá dùng chữa cúm, viêm khí quản ho gà, sốt rét, viêm ruột cấp, lỵ. Ngày dùng 5-12g, dạng thuốc sắc.
Ðơn thuốc:
1. Dự phòng cúm: Lá Gừa, lá Bạch đàn, đều 30g, sắc uống.
2. Viêm ruột cấp, lỵ: Lá Gừa tươi 500g sắc nước, chia làm 2 lần uống trong ngày.
3. Viêm hạnh nhân: Rễ Gừa 180g, nấu với nước và một bát giấm, dùng súc miệng nhiều lần trong ngày.
4. Viêm khí quản mạn: Lá Gừa tươi 75g, vỏ quýt 18g sắc nước chia 3 lần uống sáng, trưa, chiều. Liên tục trong 10 ngày.
Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Gừa