Mấy ngày vừa qua, thời tiết tại Hà Nội chuyển lạnh đột ngột khiến số trẻ bị viêm phổi vào khoa Nhi – BV Bạch Mai tăng cao.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, trẻ nhỏ vốn dĩ có sức khỏe yếu nên khi thời tiết thay đổi đột ngột, rét đậm như mấy ngày qua khiến trẻ không thích nghi kịp, rất dễ bị ốm, đặc biệt là viêm phổi. Bình thường mỗi ngày khoa tiếp nhận đến 300 ca vào điều trị, thậm chí buổi tối cũng có đến 100 trẻ vào khám, trong đó nhiều trẻ bị lên cơn hen cấp hoặc mắc các bệnh đường hô hấp khác. Bên cạnh đó, số trẻ bị tiêu chảy do rotavirus cũng tăng lên đáng kể trong mấy ngày gần đây.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khi trẻ có dấu hiệu bị ốm, các bậc phụ huynh cần lưu ý 3 dấu hiệu quan trọng là việc bú, ngủ và cách thở của bé. Cụ thể, nếu thấy bé bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú, thở nhanh, nhìn thấy rõ 2 cánh mũi phập phồng… thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc kháng sinh cho con uống bởi có thể làm bệnh diễn tiến nặng hơn. Đồng thời, giữ nhà cửa thông thoáng khí, cho trẻ ăn uống đầy đủ chất để tăng sức đề kháng, chú ý vệ sinh bàn tay, làm sạch mũi, khô mũi, uống đủ nước.(An ninh thủ đô (trang 7) 04/01)
Bệnh viện Xanh Pôn xây dựng nhà điều trị nội khoa
Ngày 3-1, UBND TP Hà Nội, Sở Y tế TP đã khởi công gói thầu số 3 xây dựng nhà điều trị nội khoa và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ của BV Xanh Pôn.
Ông Hoàng Gia Thắng, Giám đốc Ban quản lý dự án Sở Y tế, đại diện chủ đầu tư cho biết, do được xây dựng từ hàng trăm năm nay nên hiện nhiều khối nhà của BV Xanh Pôn đã xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, việc UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Nhà điều trị Nội khoa BV Xanh Pôn là hết sức cần thiết để nhân dân Thủ đô được thụ hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn. Nhà điều trị nội khoa của BV Xanh Pôn được xây mới có quy mô 4 tầng và 1 tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng 6.357m2, giữ lại nguyên trạng phần đầu hồi khu nhà có cây Thập tự trên đỉnh mái và bảo tồn kiến trúc cũ. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trong 1 năm và đầu năm 2014 sẽ có thể bắt đầu phục vụ người bệnh.
TS. Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, BV Xanh Pôn là BV duy nhất của thành phố có đến 3 chuyên khoa đầu ngành gồm nhi khoa, ngoại khoa, cận lâm sàng. Sau khi cải tạo, xây mới nhà nội khoa của BV sẽ không nâng số giường bệnh của BV mà mục đích chính là nâng cao chất lượng điều trị, góp phần giúp BV hoàn thành sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ nâng cao sức khỏe nhân dân Thủ đô.(An ninh thủ đô (trang 7) 04/01)
3 trẻ nhập viện sau khi tiêm phòng là do phản ứng thuốc
Ngày 3-1, cuộc họp giữa Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Bình Định, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Pasteur Nha Trang đã có kết luận chính thức về vụ 3 trẻ cấp cứu sau tiêm vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem.
Theo đó, nguyên nhân 3 trẻ cấp cứu là do phản ứng thuốc. Tuy nhiên, những trường hợp trên chỉ là tai biến nhẹ thường gặp sau khi tiêm các loại vắc-xin này.
Cuối tháng 12-2012, 3 trẻ sơ sinh khoảng 2 tháng tuổi trên địa bàn TP Quy Nhơn phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh sau khi tiêm vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem, vì có các triệu chứng biểu hiện của phản ứng thuốc như sốt cao, tím tái, co giật… Trong đó, một bé có triệu chứng ngưng thở.(Tiền phong (trang 6) 04/01)
Thầy thuốc trẻ vì cộng đồng
Mỗi năm, các thầy thuốc trẻ từ khắp mọi miền Tổ quốc đã lăn lộn, lên đường đến những vùng sâu, vùng xa khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho hơn 1 triệu lượt người dân.
Về dự Đại hội Thầy thuốc trẻ toàn quốc, những lương y trẻ mang trong mình nhiệt huyết muốn sẻ chia, giúp đỡ người nghèo nhiều hơn nữa.(Tiền phong (trang 15) 04/01)
Trời rét đậm, số người nhập viện tăng đột biến
Thời tiết rét đậm kéo dài khiến những người có sức đề kháng yếu dễ đổ bệnh. Một tuần qua, số lượng người đến khám và điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tăng đột biến.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hơn 70 phòng khám tiếp đón bệnh nhi… những ngày gần đây lại rơi vào tình trạng quá tải, bởi số trẻ em mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tay, chân, miệng gia tăng đột biến trong điều kiện thời tiết giá lạnh. Một tuần qua, Khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận hơn 13 nghìn bệnh nhi, tăng đột biến so ngày thường. Sáng nào cũng vậy, đến khu vực phòng khám vào khoảng 9 giờ sáng, đã thấy rất đông các vị phụ huynh đưa con đứng đợi đến lượt khám. Ðến hơn 11 giờ trưa, số lượng bệnh nhi vào viện thăm khám, điều trị càng đông khiến không khí trong bệnh viện càng trở nên ngột ngạt.
Tại Khoa Hô hấp, mấy ngày gần đây có hơn 100 cháu/ngày tới thăm khám và điều trị, phần lớn là trẻ em ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận như Hưng Yên, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Ðịnh… Phần lớn các em đều bị viêm họng, viêm phế quản, một số trường hợp bị viêm phổi. Phó trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi, bác sĩ Bùi Minh Hiền, cho biết, thời tiết chuyển lạnh, trẻ dưới một tuổi do đề kháng yếu, rất dễ mắc bệnh về đường hô hấp. Nếu không điều trị kịp, bệnh chuyển sang viêm phế quản, viêm phổi… rất nguy hiểm.
Tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm do thời tiết chuyển mùa, khiến nguy cơ mắc tiêu chảy ở trẻ em tăng cao. Tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Xanh Pôn, nhiều trẻ bị mắc tiêu chảy cấp nhập viện để điều trị.
Các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi khuyến cáo, để phòng tránh các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa cho trẻ nhỏ, các gia đình nên cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng; cho trẻ tiêm phòng đủ, giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh để trẻ hít phải khói thuốc lá; tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng các bài thuốc dân gian. Khi thấy trẻ có các triệu chứng như: bỏ bú, bú kém, không ăn uống được, ngủ li bì, sốt cao, co giật, khó thở… gia đình cần đưa ngay đến bệnh viện để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Trong những ngày qua, Bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn, Viện E… cũng tiếp nhận khá nhiều người bệnh lớn tuổi mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, thoái hóa khớp. Bác sĩ Nguyễn Mai Hồng – Khoa Xương khớp Bệnh viện Bạch Mai cho biết, lượng người bệnh lớn tuổi đến khám trong những ngày qua tăng đột ngột so trước đó. Theo bác sĩ cho biết, vào mùa lạnh, các mạch máu tuần hoàn kém; dấu hiệu nhận biết là đau khớp gối, sưng nề, vận động khớp gối khó khăn, nhất là các vận động gập duỗi cẳng chân, bước lên cầu thang…
Trưởng Khoa Khám bệnh, Viện Lão khoa Trung ương Thạc sĩ Nguyễn Trung Anh cho biết, trong hai tuần nay, Viện Lão khoa tiếp nhận từ 300 đến 400 lượt người bệnh tới thăm khám và điều trị; tăng 20 đến 30% so trước đó. Các bệnh người già hay mắc phải trong mùa này là bệnh về xương khớp, huyết áp, tai biến mạch máu não, cúm…; số trường hợp bệnh nặng tăng 5% so ngày thường. Nhiều cụ bị yếu tay chân, ngã, đột quỵ, tai biến mạch máu não. Bác sĩ Trung Anh cho biết, vào những ngày trời lạnh, người lớn tuổi nên hạn chế đi ra ngoài trời vào ban đêm và buổi sáng sớm vì dễ bị viêm phổi hoặc đột quỵ. Luôn giữ ấm đầu, cổ, ngực và bàn chân trong những ngày thời tiết chuyển lạnh.( Nhân dân (trang Hà Nội), Gia đình và xã hội (trang 7) 04/01)
Cần Thơ: Bệnh đau mắt đỏ lan nhanh
Bác sĩ Mai Hoàng Trí, trưởng phòng khám mắt Bệnh viện Mắt – Răng Hàm Mặt Cần Thơ, cho biết hiện nay bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) đang lây lan nhanh trong cộng đồng. Số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện bắt đầu tăng từ tháng 11-2012 đến nay với gần 4.800 người.
Còn bác sĩ Lê Hoàng Sơ – giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ – nói thời tiết chuyển mùa lạnh như hiện nay khiến trẻ dễ có nguy cơ mắc các bệnh do virút gây bệnh ở mắt, mũi, họng. Bác sĩ Trí cảnh báo dù bệnh đau mắt đỏ dễ điều trị nhưng nếu không điều trị và vệ sinh đúng cách, rất có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng mắt, gây loét giác mạc rất nguy hiểm. Tốt nhất nên sử dụng vật dụng cá nhân riêng và đi khám tại bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị.(Tuổi trẻ (trang 12) 04/01)
Phục hồi chức năng cho người khiếm thị
Ông Đỗ Như Hơn, giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương, thông tin bệnh viện này vừa thành lập đơn vị phục hồi chức năng dành cho người khiếm thị đầu tiên ở miền Bắc.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Hiền – phó trưởng khoa khúc xạ Bệnh viện Mắt trung ương, khoảng 25% học sinh được coi là khiếm thị đang học tại trường phổ thông đặc biệt dành cho người khiếm thị hoàn toàn có thể học tập, sinh hoạt cùng học sinh sáng mắt nếu được sàng lọc và có dụng cụ trợ thị. TS Hiền cho hay tại VN hiện có khoảng 2 triệu người khiếm thị.( Tuổi trẻ (trang 12) 04/01)