Lương y Kỳ Bá Linh – chủ một cửa hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông cho biết, nhiều dược liệu được nhập về từ Trung Quốc, sau đó, các thương nhân ở phía Bắc pha chế “công đoạn hai” bằng nhiều cách: từ trộn phẩm màu, phun hóa chất làm giả nguyên liệu.
Lương y Linh cho biết: “Ngay từ công đoạn trồng, người trồng đã phun hóa chất cho hồng hoa, hoặc trong bạch linh người ta trộn thêm các loại bột như bột gạo. Với những dược liệu này, người sử dụng sẽ dễ phát hiện khi bỏ vào nước, phẩm màu và bột có thể hòa ra nước. Nhưng cũng có nhiều loại làm giả rất khó phát hiện. Ví dụ như thỏ ty tử (hạt của dây tơ hồng), giá hiện nay của dược liệu này là 100.000đ/kg. Người chế biến thường trộn thêm các loại hạt hoặc bột vào, bào chế thành dạng bánh gọi là “thỏ ty bánh”. Khi pha trộn, người ta sẽ tẩm thêm một số hóa chất để dược liệu tươi và đẹp. Dược liệu dễ làm giả nhất là hoài sơn (củ mài) được thay thế bằng củ khoai mì. Củ đương quy có tác dụng bổ máu, sinh huyết, thông huyết… được thay thế bằng gốc cây đu đủ. Đỗ trọng (vỏ cây đỗ trọng) được thay thế bằng vỏ cây sung…”.
Kinh doanh Đông dược tại TP.HCM tập trung ở Q.5 và Q.6, với hơn 540 đơn vị, chủ yếu là kinh doanh cá thể, hoạt động tự phát, đủ các dạng bào chế (dung dịch thuốc, cao thuốc, rượu thuốc, hoàn cứng, hoàn mềm…); thường không đủ diện tích kho bảo quản hoặc không đạt điều kiện bảo quản, tiêu chuẩn vệ sinh.
Theo các báo cáo của Thanh tra Sở Y tế TP.HCM về hành nghề y dược tư nhân, trong năm 2011, tỷ lệ cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân bị vi phạm là 16%. Các vi phạm chủ yếu vẫn là chứng chỉ hành nghề hết hạn, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề hết hạn, sổ sách cập nhật không đầy đủ; không đảm bảo điều kiện vệ sinh; thuốc, nhãn sản phẩm không số đăng ký, hết hạn dùng, bảo quản thuốc không đúng kỹ thuật…