Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Giềng giềng

Giềng giềng

Mô tả: Cây gỗ cao 8-10m, có thân vặn và cành không đều. Lá to, kép lông chim lẻ; lá chét 10-20cm, không giống nhau. Lá chét cuối hình thoi-mắt chim, các lá chét bên không cân, hình trái xoan hay trái xoan ngược, tù, mặt dưới có nhiều lông mềm, dày đặc. Hoa màu da cam sáng chói, cong, có lông mềm, xếp thành chuỳ dài. Quả thuôn, tù ở hai đầu, hơi có lông mềm màu trắng, có vân mạng, mép quả dày. Hạt màu đỏ, hình bầu dục rộng, nhẵn và phẳng.
Hoa tháng 6-10.
Bộ phận dùng: Nhựa, hạt và vỏ – Resina, Semen et Cortex Buleae.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Xri Lanka, các nước Ðông Dương đến Inđônêxia. Ở nước ta, cây mọc nhiều ở những chỗ trống vùng đồng bằng và trong các savan, trên đất sét cát ở độ cao tới 1500m, từ Quảng Trị đến Ðồng Nai. Có khi trồng vì cụm hoa đẹp.
Thành phần hoá học: Nhựa chích từ cây gồm gần phân nửa là gôm. Từ gôm cây đã tách được leucocynictin; còn có pyrocatechin, acid kinotannic và gôm. Lá và hoa đều chứa glucosid. Trong hạt có 3 alcaloid độc đối với giun đất; hạt chứa 18,97% một chất dầu màu vàng; hạt tươi chứa các men proteolytic và lipolytic. Hoa chứa 1,5% glucosid butrin 0,3% butein, 0,04% butin, 0,02% một glucosid và một heterosid.
Tính vị, tác dụng: Nhựa cây có màu đỏ, đông lại ngoài không khí, phồng lên trong nước lã và làm cho nước có màu đẹp. Nhựa này có vị se. Hạt có tính tẩy và trừ giun. Lá se, bổ. Hoa se, lợi tiểu, lọc máu và kích dục. Vỏ và hạt trị nọc độc.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Ấn Độ, hạt dùng thay thế santonin để trục giun. Gôm nhựa cây được dùng trị ỉa chảy và kiết lỵ. Vỏ cây và hạt dùng trị rắn độc.
Ở Campuchia, nhựa cây được dùng trị ỉa chảy của trẻ em và người lớn. Cũng dùng để băng bó các vết thương và vết loét bằng cách phối hợp với nhựa Dầu mè (Jatropha curcas) để tạo thành bột đắp lên vết thương và các mụn nhọt và viêm hạch. Người ta dùng lá Sa nhân (Amomum zerumbet) và giã ra với tỷ lệ 8 phần lá cây, 2 phần muối ăn và 1 phần nhựa Giềng giềng.

Gửi thảo luận