Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi cho biết: Qua kiểm tra 15 hộ sản xuất giá ở huyện Mộ Ðức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và Bình Sơn đã phát hiện ba cơ sở sản xuất sử dụng hóa chất nguồn gốc Trung Quốc gồm cơ sở sản xuất của ông Tùng, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, phát hiện 40 ống thuốc chưa sử dụng (mỗi ống thuốc có dung tích 2ml); cơ sở của ông Phạm Hiền, xã Tịnh Hòa và cơ sở của ông Nguyễn Bình, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, thu giữ hơn 300 ống hóa chất (hơn 200 ống đã qua sử dụng).
Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi gửi mẫu hóa chất nêu trên đến Trung tâm kiểm định thuốc phía bắc (Hà Nội) kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm. (Nhân dân 12/10- trang 5, Thanh niên 12/10- trang 5, Lao động 12/10- trang 7)
Liên hoan Tuyên truyền viên dân số khu vực phía nam
Liên hoan Tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía nam do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu trong hai ngày 10 và 11-10, với sự tham gia của 100 cán bộ, tuyên truyền viên dân số đến từ 20 tỉnh, thành phố trong khu vực. Các đơn vị tranh tài qua phần thi tự giới thiệu, diễn các tiểu phẩm về tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về công tác dân số… Kết quả, giải nhất: đội Bình Dương; giải nhì: đội Bạc Liêu và đội TP Hồ Chí Minh; giải ba: đội Tiền Giang, Cần Thơ và Ðồng Nai. (Nhân dân 12/10- trang 5)
2.600 tỉ đồng phát triển bệnh viện vệ tinh
Trong hội thảo trực tuyến "Phê duyệt đề án bệnh viện (BV) vệ tinh khu vực phía Nam" được tổ chức ngày 11-10, bảy BV tại TP.HCM đã báo cáo kế hoạch thực hiện đề án BV vệ tinh.
Các BV gồm Chợ Rẫy, Từ Dũ, Nhân Dân Gia Định, Chấn thương chỉnh hình, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Ung bướu.
Theo đó, BV vệ tinh là mô hình BV ở tuyến dưới do các BV có thương hiệu và uy tín ở tuyến trên xây dựng và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, nhân lực nhằm giảm tải cho những BV đang quá tải.
100 vệ tinh
Theo báo cáo của các BV tại hội thảo, khi triển khai các đơn vị vệ tinh ở địa phương sẽ xem xét kỹ các tiêu chí để quyết định có triển khai hay không. Các tiêu chí đó nhấn mạnh vào những yếu tố như: vị trí địa lý thuận lợi, mật độ dân cư đông, các BV tỉnh có chuyên khoa liên quan đến tình trạng quá tải của BV hạt nhân, có cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối và đặc biệt là có sự cam kết và quyết tâm thực hiện đề án của lãnh đạo địa phương đó. BV ở địa phương nào cam kết thực hiện BV vệ tinh thì UBND tỉnh đó đồng thời phải cam kết với Bộ Y tế để thực hiện một cách tốt nhất. Khi các tiêu chí này phù hợp, các BV hạt nhân mới nên triển khai BV vệ tinh ở đó để tránh tình trạng triển khai xong hoạt động èo uột vì không có đủ các yếu tố thuận lợi.
Theo đề án BV vệ tinh giai đoạn 2012-2020 của Bộ Y tế thì nguồn kinh phí thực hiện dự kiến là 2.600 tỉ đồng, trong đó 2.000 tỉ đồng dành cho xây dựng 100 vệ tinh và 600 tỉ đồng là kinh phí đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Nguồn từ đề án 1816 (đề án giảm tải BV tuyến trên), đề án BV vệ tinh, kinh phí đối ứng của địa phương và các nguồn hợp pháp khác.
Đề án của các BV đều được chia làm hai giai đoạn thực hiện: giai đoạn 1 sẽ tập trung xây dựng, thành lập các khoa và BV vệ tinh. Trong giai đoạn này các BV hạt nhân sẽ tập trung tư vấn, huấn luyện nhân sự và chuyển giao công nghệ cho các đơn vị vệ tinh của mình. Giai đoạn 2 các BV hạt nhân sẽ tập trung củng cố, duy trì hoạt động và nâng cao năng lực của các đơn vị vệ tinh.
Nên tập trung vào các ngành đang quá tải
Theo góp ý của lãnh đạo Bộ Y tế cho đề án của các BV, không nên triển khai quá nhiều các đơn vị vệ tinh vì sẽ gặp khó khăn khi không đáp ứng được nhân lực và vật lực. Khi triển khai các BV vệ tinh, các BV hạt nhân nên tập trung vào các chuyên ngành đang thường xuyên quá tải: ung bướu, sản khoa, nhi khoa, tim mạch và chấn thương chỉnh hình. Vấn đề về mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, bộ cũng lưu ý các BV nên lựa chọn, tư vấn kỹ để đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí.
Các BV cũng đã bày tỏ mong muốn Bộ Y tế nên xây dựng những chính sách, khung pháp lý và cơ chế hoạt động thống nhất cho các đơn vị vệ tinh để đề án được thực hiện tốt hơn, tránh sự chồng chéo trong chỉ đạo giữa bộ và sở.
Nguồn nhân lực: quyết định sự thành công
Một vấn đề mà các BV đều gặp khó khăn trong quá trình thực hiện đề án là nhân lực. PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực để triển khai đề án. TP.HCM mặc dù đã có lợi thế là có riêng trường đào tạo cán bộ y tế (Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) nhưng vẫn rất khó khăn để đáp ứng được nhu cầu về nhân lực cho các đơn vị vệ tinh.
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết mục tiêu đề án BV vệ tinh của BV Ung bướu là ở giai đoạn 1 sẽ đào tạo 60 bác sĩ thực hành ung thư cơ bản và nâng cao, 30 bác sĩ phẫu thuật cơ bản, nâng cao, 40 bác sĩ xạ trị, hóa trị và lực lượng đội ngũ điều dưỡng, y tá… Để đào tạo được đội ngũ nhân lực này, theo bác sĩ Dũng, là cả một vấn đề lớn, rất khó khăn chứ không hề đơn giản.
Tại hội thảo, một số ý kiến bày tỏ lo ngại nếu không đào tạo nhân lực và chuyển giao được kỹ thuật cho các đơn vị vệ tinh thì sau một thời gian đi vào hoạt động đơn vị đó sẽ không thể hoạt động được độc lập, phụ thuộc vào BV hạt nhân. Khi đó BV vệ tinh không những không làm được nhiệm vụ giảm tải mà còn trở thành gánh nặng cho BV hạt nhân. Vì vậy, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực tốt là cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công của đề án.
BV Chợ Rẫy: dự kiến sẽ thực hiện đề án trong năm năm (2012-2017) với phạm vi thực hiện ở BV đa khoa của sáu tỉnh lân cận: Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương, Sóc Trăng, Long An, Khánh Hòa. Và tiếp tục mô hình đơn vị vệ tinh tại sáu BV trong TP.HCM: 7A, Điều dưỡng và phục hồi chức năng, Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng, Đa khoa Phổ Quang 1, Tân Sơn Nhất, Ngoại thần kinh quốc tế để hỗ trợ, giảm tải cho BV Chợ Rẫy. Tổng kinh phí dự kiến cho đề án là 120 tỉ đồng. BV Từ Dũ: dự kiến sẽ thực hiện đề án trong bảy năm (2013-2020) với tám địa điểm: BV Phụ sản Tiền Giang, BV Đa khoa Cần Thơ, BV Lê Lợi (Bà Rịa – Vũng Tàu), BV Đa khoa Tây Ninh, BV Đa khoa Lâm Đồng, BV Ngọc Hồi (Kon Tum), BV Đa khoa Bình Định, BV Đa khoa Ninh Thuận, với kinh phí dự kiến là 201 tỉ đồng. BV Nhân Dân Gia Định: sẽ thực hiện trong bốn năm (2012-2016) với hai đơn vị vệ tinh tại BV Đa khoa Lâm Đồng và Trung tâm y tế liên doanh Việt – Nga, kinh phí dự trù là 28,3 tỉ đồng. BV Chấn thương chỉnh hình: dự kiến sẽ xây dựng các đơn vị vệ tinh của mình tại các tỉnh thành: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, chưa xây dựng được kinh phí dự trù. BV Ung bướu: sẽ thực hiện đề án trong vòng tám năm (2012-2020) tại năm đơn vị: BV Đa khoa Bình Định, BV Đa khoa Khánh Hòa, BV Đa khoa Đồng Nai, BV Ung bướu Cần thơ, BV Đa khoa Kiên Giang, với tổng kinh phí dự trù là 300 tỉ đồng. BV Nhi Đồng 1: sẽ thực hiện trong bốn năm (2013-2017) tại bốn đơn vị: BV Đa khoa Long An, BV Đa khoa Tiền Giang, BV Nhi Đồng Cần Thơ, BV Sản nhi Cà Mau, với kinh phí dự kiến hơn 41 tỉ đồng. BV Nhi Đồng 2: sẽ thực hiện đề án trong vòng tám năm (2012-2020) với kinh phí dự trù hơn 500 tỉ đồng tại BV Nhi Đồng Đồng Nai, BV Đa khoa Bà Rịa – Vũng Tàu, BV Sản nhi Đà Nẵng và một số BV ở Tây nguyên. |
(Tuổi trẻ 12/10- trang 3, Lao động 12/10- trang 7, Thanh niên 12/10- trang 2)
Bệnh viện Tây Đô không đủ cơ sở pháp lý để hoạt động
Sáng 11.10, phát biểu tại cuộc họp báo định kỳ quý 3/2012 của UBND TP.Cần Thơ, BS CK2 Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cho biết Bệnh viện (BV) đa khoa Tây Đô (ảnh) là cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập do Bộ Y tế cấp phép hoạt động, Sở Y tế Cần Thơ chỉ theo dõi chuyên môn khám chữa bệnh.
Từ khi Ban điều hành xảy ra tranh chấp (từ giữa năm 2010 đến nay – PV), BV Tây Đô sử dụng mộc vuông (thay vì là mộc tròn) nên không đủ cơ sở pháp lý trong khám chữa bệnh. Trước tình hình này, Sở Y tế Cần Thơ đã nhiều lần gửi công văn kiến nghị Bộ Y tế xem xét BV Tây Đô có còn đủ điều kiện hoạt động hay không, nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa trả lời. Do BV không đủ cơ sở pháp lý hoạt động nên đến thời điểm này, các BS tại BV Tây Đô vẫn chưa được Sở Y tế Cần Thơ cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định mới. (Thanh niên 12/10- trang 2)
Ngộ độc cá nóc, 2 người chết
Chiều 11-10, Bệnh viện đa khoa An Phước (TP.Phan Thiết, Bình Thuận) đã tiếp nhận bệnh nhân Phê Văn Ốt (36 tuổi), Bùi Văn Hòa (26 tuổi) và Tô Trung Kiên (23 tuổi), cùng ngụ P.Đông Hải (TP.Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận) vào cấp cứu do ngộ độc cá nóc. Theo lời kể của vợ anh Ốt, vào lúc 10 cùng ngày, khi đến tọa độ cách bờ biển Phan Thiết chừng 40 hải lý, thì cả tàu cá (tỉnh Ninh Thuận) làm cá nóc để ăn trưa. Ăn xong chừng nửa tiếng, có nhiều người trên tàu nôn ói, chóng mặt. Chủ ghe phát hiện bị ngộ độc cá nóc nên cho tàu chạy vào Phan Thiết cấp cứu, nhưng khi vào gần đến nơi thì anh Phạm Văn Hoàng (21 tuổi) và Trần Văn Mạnh (20 tuổi) đã tử vong. Ngay chiều qua, chủ tàu đã đưa 2 thi thể xấu số về quê an táng, riêng 3 bệnh nhân sau khi được cấp cứu đã ổn định sức khỏe. (Thanh niên 12/10- trang 2)
24 người đi tẩy độc dioxin trở về Đà Nẵng
Trưa 11-10, sau gần một tháng điều trị tại Bệnh viện 103 (Hà Nội), 24 người có nồng độ dioxin trong máu cao đã được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng đưa trở về nhà. Theo bà Nguyễn Thị Hiền – chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng, sức khỏe của 24 người này được đánh giá tốt sau quá trình điều trị. Ông P.V.N. (trú Q.Hải Châu), một người đi tẩy độc lần này cho biết: “Sau một tháng chữa trị, tôi thấy phấn chấn, dễ chịu. Trước đó lúc nào người cũng u uất”. Bà Hiền cũng thông tin thêm sau khi đoàn trở về, một tuần sau sẽ có thêm một đoàn gần 10 người có nồng độ dioxin trong máu cao sẽ tiếp tục ra Hà Nội để tẩy độc.
Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng, hiện trên địa bàn có 5.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 1.400 trẻ em, việc vận động xây dựng trung tâm tẩy độc ở Đà Nẵng là rất cần thiết. Hội đang xin chủ trương từ cơ quan cấp trên để thực hiện dự án này. (Tuổi trẻ 12/10- trang 12, Lao động 12/10- trang 7, Nông thôn ngày nay 12/10- trang 14)
Hơn 3,5 tỷ đồng ủng hộ Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng
Sáng 11/9, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng tổ chức Lễ tiếp nhận tài trợ của các đơn vị, nhà hảo tâm ủng hộ bệnh viện với tổng số tiền tài trợ trên 3,548 tỷ đồng, gồm tiền mặt, xe cứu thương, giường y tế, ghế chờ bệnh nhân, tivi, tủ lạnh… Em Phan Thiên Phúc (13 tuổi) ở TP HCM) tặng 1 tấn gạo và dụng cụ cho bếp ăn từ thiện của bệnh viện, tiền mua gạo được Phúc lấy từ khoản dành dụm, tiết kiệm. Ông Trịnh Lương Trần, GĐ Bệnh viện cho biết: Bệnh viện khởi công từ tháng 3-2009 và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến cuối tháng 10 này sẽ mở cửa đón những bệnh nhân đầu tiên đến khám và điều trị. Đây là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam khám chữa miễn phí cho bệnh nhân nghèo. (Tiền phong 12/10- trang 6)
Xử lý cò mồi bệnh viện K
Ngày 11-10, tổ công tác 142 CATP phát hiện, xử phạt hành chính đối với Nguyễn Thị Toàn (SN 1966, trú tại C9, An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ) và Nguyễn Thị Huệ (SN 1966, ở Tập thể lắp ghép Nghĩa Dũng, Ba Đình); Trịnh Tuyết Ngọc (SN 1973, ở An Dương, Tây Hồ) và Nguyễn Thị Lan (SN 1966, ở phố Ngà Chung, quận Hoàn Kiếm) về hành vi gây mất trật tự công cộng (cò mồi) tại bệnh viện K. (An ninh Thủ đô 12/10- trang 2)
Chữa bệnh câm điếc bằng cách… véo tai, bẻ lưỡi
TP – Ngày 11-10, Phòng Y tế huyện Phù Cát cho biết, đã phối hợp cùng UBND xã Cát Tân lập biên bản về việc ông Dương Tôn Bảo (1963, ở xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, Long An) không đăng ký tạm trú theo quy định và hành nghề chữa bệnh trái phép.
Do quen biết từ trước nên ngày 5-10, ông Bảo đến tá túc nhà ông Nguyễn Nhờ (1942, thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân) để chữa bệnh dù không có chứng chỉ ngành y cũng như giấy phép hành nghề chữa bệnh.
Tại đây, ông Bảo quảng bá mình chữa được “bá bệnh” nên người dân địa phương kéo đến chữa bệnh rất đông.
Với bệnh điếc, ông chữa bằng cách thọc 2 ngón tay vào hai lỗ tai bệnh nhân kéo lên, ấn xuống 3 lần, nắm 2 vành tai xách lên, kéo xuống 2 lần, sau đó dùng hai lòng bàn tay vỗ mạnh vào 2 tai, người bệnh khỏi và nghe được như người bình thường (?!).
Còn với người câm, ông dùng tay bẻ lưỡi họ qua trái, qua phải mỗi bên 3 lần là bệnh nhân sẽ nói được (?!).
Ông “thầy lang” này khẳng định, cả người bị câm điếc bẩm sinh cũng đều khỏi bệnh nếu được ông chữa trị bằng cách đó mà không cần phải thuốc men gì khác.
Tuy nói vậy nhưng ông Bảo không chỉ ra cụ thể bệnh nhân nào được ông chữa khỏi. Đoàn kiểm tra trực tiếp tìm gặp một số người bị câm điếc được ông Bảo chữa trị bằng cách “véo tai”, “bẻ lưỡi” và xác định chưa có trường hợp nào khỏi bệnh. (Tiền phong 12/10- trang 10)
189 ca ghép tế bào gốc tại Việt Nam
Đó là con số được báo cáo tại hội nghị thành lập 10 năm ngân hàng tế bào gốc trực thuộc Bệnh viện Truyền máu – huyết học TP.HCM sáng 11-10.
Trong 189 ca ghép tế bào gốc tạo máu trên cả nước có 74 ca dị ghép và 115 ca tự ghép. Riêng tại Bệnh viện Truyền máu – huyết học TP.HCM, từ năm 1995 đến nay đã ghép tế bào gốc tạo máu được 114 ca, trong đó 53 ca dị ghép và 61 ca tự ghép.
Cả nước có năm trung tâm thực hiện ghép tế bào gốc: Bệnh viện Quân y 108, Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Truyền máu – huyết học T.Ư, Bệnh viện T.Ư Huế và Bệnh viện Truyền máu – huyết học TP.HCM.