Tôi nằm ở bên trái lồng ngực, nặng khoảng 250g, nhưng tùy người, vì thế nếu muốn biết đích xác vóc dáng của tôi trong cơ thể, bạn hãy nắm bàn tay trái lại. Nắm tay bạn to cỡ nào thì thân hình mỹ miều của tôi bằng dường ấy. Tôi tuy nhỏ con nhưng có hai hệ thống binh tướng xuyên suốt khắp cơ thể gia chủ.
Hệ thống máu từ các cơ quan “vùng sâu vùng xa” trở về tim gọi là tĩnh mạch. Máu trong tĩnh mạch sậm màu do phần lớn chỉ chứa khí CO2 phải lên phổi để trao đổi, lấy oxy. Nhờ chứa nhiều dưỡng khí nên máu tươi thắm hơn. Có máu đẹp từ hình thức đến nội dung, tôi bơm vào động mạch để nuôi dưỡng các tế bào. Đó là vòng tuần hoàn khắp cơ thể. Mạch máu dẻo dai, sức đàn hồi tốt, tế bào được “tắm” trong oxy và dưỡng chất sẽ căng mịn, hồng hào, tạo nên sức lực phi thường cho gia chủ. Thế nhưng dù trẻ khỏe, siêng năng lao động cỡ nào thì tôi cũng dễ dàng bị đánh gục bởi thù trong, giặc ngoài.
Giặc ngoài là sự suy yếu, lão hóa theo thời gian. Còn thù trong lại do chủ nhân tự nguyện “cõng về”. Kẻ thù đầu tiên là việc chủ nhân ăn theo kiểu “lâu lâu mới ăn một lần, ăn cho đã”. Khổ nỗi, lâu lâu mới ăn gà quay mật ong, lâu lâu mới ăn heo sữa quay, lâu lâu mới ăn bún bò giò heo, rồi bánh kem bơ sữa tươi… no nê nên tôi phải tăng ca thêm 30% công suất. Năng lượng thừa buộc anh gan phải chuyển thành mỡ để dành. Để dành mãi không xài nên cơ thể lại mau thừa cân, mau tăng cholesterol… Tốc độ tăng cholesterol, và lắng đọng trên thành động mạch làm cho “binh tướng” của tôi mất đi độ dẻo dai.
Khi máu phải chuyên chở thêm cholesterol, chúng sẽ nặng nề và chậm dần, lúc này, kẻ thù thứ ba xuất hiện. Đó là sự vướng mắc cholesterol vào thành mạch máu, mạch máu không được cung cấp oxy sẽ dần bị xơ vữa, càng nhiều cholesterol lắng đọng càng làm cho mảng xơ vữa to béo và gây nên chứng bệnh cao huyết áp, nguyên nhân của tình trạng đột quỵ do tai biến mạch máu não. Do đó, người ta thường gọi cao huyết áp là tên sát nhân thầm lặng. Đối với tim thì khi các mảng xơ vữa này chiếm 60 – 70% động mạch nuôi tim (động mạch vành) sẽ làm cho tôi “thân sơ thất sở” vì thiếu máu nuôi chính bản thân mình. Lúc này, cần cho chủ nhân biết tình hình nguy kịch của mình bằng cơn đau thắt ngực.
Khoa học kỹ thuật tiến bộ sản xuất ra hàng loạt công nghệ điện tử nhằm giúp con người có thêm thức ăn, thời gian vui chơi giải trí… nhưng cũng làm cho con người ít đi lại hơn. Thực tế cho thấy, khi nằm nướng trên giường, xem phim ảnh đến tận khuya, chơi game, chat… lại làm cho binh tướng của tôi khó hoạt động hiệu quả. Lượng máu trở về tim chậm chạp, các cánh cửa (van tĩnh mạch) dễ bị hư hỏng do áp lực đè lên mỗi ngày. Một số binh lính “vùng xa” của tôi (chi dưới, hậu môn…) bị “béo phì” chỉ vì lượng máu ứ. Máu chậm vận chuyển đồng nghĩa với sự đói kém của tế bào khiến chúng dễ bị hoại tử, thành tĩnh mạch bị viêm và mất trương lực dẫn đến bệnh suy dãn tĩnh mạch, biểu hiện bằng các triệu chứng: chuột rút về đêm, đau nhức chi dưới, chân bị nổi mạch máu to bằng cây đũa, và nguy hiểm nhất là hình thành cục máu đông… Cục máu đông âm thầm lặng lẽ trôi trong các mạch máu, khi gặp những bạn bè đồng loại chúng sẽ thêm vây cánh và to ra. Nếu không được uống các loại thuốc chống đông máu, có thể gây tắc động mạch phổi và dẫn đến đột tử.
Mặc dù nắm trong tay vận mệnh con người, nhưng sức khỏe của tôi lại tùy thuộc vào lối sống, cách ăn uống, vui buồn của các bạn.
Phòng bệnh tim mạch
Ngoài các yếu tố không thể giảm như tuổi tác, di truyền, ô nhiễm môi trường, còn lại có thể phòng bệnh tim mạch từ xa bằng cách:
– Có chế độ ăn uống không dư thừa năng lượng.
– Tránh căng thẳng trong công việc, trong gia đình.
– Cần vận động 40 phút mỗi ngày theo phương châm: “thà đổ mồ hôi trên… thao trường để không bị đứt mạch máu… trên đường”.
BS Đào Hữu Trung (Viện Tim Tâm Đức TP.HCM)