Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Giáng hương ấn

Giáng hương ấn

Mô tả: Cây gỗ lớn, cao 10-13m, nhánh sà. Lá dài 20-25cm, mang 5-9 lá chét mỏng hình trái xoan, dài 4,5-10cm, rộng 2,5-5cm, không lông. Chùm hoa ở nách lá có nhánh hay không; đài có lông, cánh cờ rộng 9mm. Quả dẹp, rộng 5cm, vòi nhuỵ ở ngang hột, chứa 3 hạt.
Bộ phận dùng: Nhựa – Resina Pterocarpi Indici.
Nơi sống và thu hái: Cây của miền Nam Ðông Dương, bán đảo Malaixia, Java, Sumatra, mọc hoang ở rừng các tỉnh phía Nam.
Thành phần hoá học: Nhựa chích từ cây có màu đỏ, sẽ đông cứng sau vài giờ, không mùi, không vị, rất chát, thường được gọi là Kino. Nhựa kino chứa một tanin riêng biệt là acid kino-tannic và một chất màu đỏ. Nếu chưng cất khô, nó cho chất pyrocatechin và acid protocatechinic.
Tính vị, tác dụng: Nhựa của cây có tác dụng như chất chát và làm săn da.
Vỏ quả gây nôn.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Dùng uống trong trường hợp ỉa chảy mạn tính, xuất huyết, bạch đới, lậu và dùng trám răng. Ở Malaixia, dùng chữa đau dạ dày, tim hồi hộp, thấp khớp, bạch đới, thường dùng phối hợp với những vị thuốc khác có mùi thơm để tăng hiệu lực. Ở Campuchia, nhựa cây dùng chế thuốc trị sốt rét, làm thuốc lợi tiểu và chống lỵ và còn dùng để trám răng.

Gửi thảo luận