Sự kiện khoa học mang tính đột phá này vừa được trình bày trên tạp chí Science của Mỹ.
Mặc dù phương pháp tạo noãn từ tế bào gốc còn lâu mới được áp dụng đối với con người, ít nhất nó cho phép vượt qua một thách thức lớn trong y học sinh sản.
Các nhà khoa học Trường đại học Kyoto (Nhật), dưới sự dẫn dắt của giáo sư tiến sĩ Katsuhiko Hayashi, đã từng thành công trong việc dùng tế bào gốc để tạo ra tinh trùng lành mạnh hồi năm ngoái. Năm nay, họ tiếp tục dùng kỹ thuật phức tạp đó để tạo ra noãn ở chuột trong phòng thí nghiệm (Ảnh).
Ban đầu họ trích ra hai loại tế bào gốc từ những bộ phận khác nhau của chuột. Sau đó, họ điều chỉnh một vài gen trong tế bào gốc để tạo ra những tế bào rất giống tế bào sản sinh ra tinh trùng ở chuột đực hoặc noãn ở chuột cái.
Họ tái lập một buồng trứng, cấy ghép vào một con chuột cái. Các tế bào gốc đã bị biến đổi trong buồng trứng phát triển thành noãn hoàn chỉnh. Họ lấy noãn này đem thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm rồi tái ghép vào buồng trứng của con chuột cái.
Những con chuột con sinh ra rất khỏe mạnh. Đặc biệt, khi trưởng thành, những con chuột này tiếp tục sinh ra những con chuột con khác hoàn toàn khỏe mạnh.
Giáo sư tiến sĩ Katsuhiko Hayashi nhấn mạnh: “Thí nghiệm của chúng tôi là nền tảng vững chắc để nghiên cứu và sản xuất noãn trong ống nghiệm không chỉ ở chuột mà ở các loài vật có vú khác, kể cả con người”.
Ông cho biết thêm: “Kết quả thí nghiệm giúp chúng tôi hiểu rõ hơn cơ chế tạo noãn và làm sáng tỏ nguyên nhân của bệnh hiếm muộn. Chúng tôi sẽ tiếp tục thí nghiệm với khỉ và sau đó với người”.
Bình luận về thí nghiệm nói trên, bà Carinne Cotinot, chuyên viên về noãn ở Học viện Quốc gia Nghiên cứu Nông nghiệp (INRA) Pháp, nhận xét: “Nếu công trình khoa học này là bước tiến đáng kể về quá trình tạo noãn thì vẫn còn lâu mới có thể áp dụng cho con người”.