Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 19/12/2012

Điểm báo ngày 19/12/2012


Mỗi tháng có 1.000 người nhiễm HIV


Sáng 18.12, tại TP.Huế, Diễn đàn xã hội dân sự hợp tác phòng chống AIDS (VCSPA) tổ chức buổi gặp mặt thường niên năm 2012.
Tham dự diễn đàn, ngoài đại diện một số bộ, ngành T.Ư, tổ chức phi chính phủ, có trên 300 người là thành viên của VCSPA, các tổ chức dựa vào cộng đồng, các tổ chức của người có HIV… ở 33 tỉnh, TP trong cả nước.

Tại diễn đàn, dẫn báo cáo của Liên Hiệp Quốc, đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết đến cuối năm 2011, có trên 34 triệu người có HIV đang sống trên toàn cầu. Dịch HIV/AIDS hiện đã trong “tình trạng khẩn cấp”, với sự lan nhanh và rộng, trong đó 70% diễn ra ở các nước nghèo. Riêng Việt Nam, dù đã có nhiều kết quả khả quan, nhưng hiện mỗi tháng vẫn có khoảng 1.000 người nhiễm mới. (Thanh niên (trang 5) 19/12)

Cơ sở y tế tư nhân hết hạn khám chữa bệnh: Bệnh nhân vẫn được thanh toán BHYT

Đến ngày 31/12 tới, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tư nhân trên toàn quốc bắt buộc phải có giấy phép hành nghề mới theo quy định tại Nghị định 87/CP của Chính phủ. Hiện phần lớn các cơ sở KCB chưa được cấp giấy phép, cho dù các phòng khám này đều đã làm xong hồ sơ và gửi tới các cơ quan chức năng. Nhiều bệnh nhân diện bảo hiểm y tế (BHYT) đang khám, điều trị tại các BV, cơ sở KCB tư hết hạn giấy phép hành nghề lo ngại sẽ không được thanh toán BHYT. Trả lời vấn đề này bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết về nguyên tắc, cơ sở KCB phải ký hợp đồng với BHXH thì mới có cơ sở để thanh toán BHYT. Vụ BHYT sẽ báo cáo ngay với lãnh đạo Bộ Y tế để chỉ đạo xem xét, giải quyết sớm những vướng mắc đang diễn ra.

Tuy nhiên bà Song Hương cũng khẳng định, về nguyên tắc, bệnh nhân đang điều trị mà thẻ BHYT hết hạn hoặc trong trường hợp cơ sở y tế có vướng mắc gì thì người bệnh vẫn được thanh toán BHYT hết đợt điều trị.(Tiền phong (trang 6) 19/12)

Tỷ lệ dân số mắc viêm gan B cao

Ngày 18/12, tại hội thảo quốc gia về phòng chống viêm gan virus tổ chức tại Hà Nội, TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, tỷ lệ người bị viêm gan B và C ở nước ta khá cao. Số mắc viêm gan virus hằng năm trung bình 8.000 – 10.000 ca, trong đó khoảng 12-17% thai phụ nhiễm virus viêm gan B.

Theo kết quả một số nghiên cứu, tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B của một số địa phương khoảng 10-25% dân số, trong đó tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở người khoẻ chiếm khoảng 8-25%.( Nông thôn ngày nay (trang 2), An ninh thủ đô (trang 7) 19/12)

Quảng Ngãi: Tìm giải pháp giảm tai biến sản khoa

Ngày 18.12, Sở Y tế Quảng Ngãi hội thảo chuyên đề “Tai biến sản khoa ở Quảng Ngãi – thực trạng và giải pháp”.

Tại hội thảo, đề cập đến các vụ tai biến sản khoa tại Quảng Ngãi trong thời gian qua, ông Hoàng Trọng Quang – Phó Giám đốc BV Đa khoa Quảng Ngãi – thừa nhận, thời điểm xảy ra tai biến sản khoa, hầu hết đều thiếu nhân lực (một kíp trực chỉ có 2 bác sĩ và 4 nữ hộ sinh). Ngoài nguyên nhân khách quan tai biến sản khoa hiếm gặp, tỉ lệ tử vong cao, thì đội ngũ y – bác sĩ khoa Sản cũng như trang thiết bị còn thiếu và yếu. Các chuyên gia đầu ngành sản khoa cho rằng, để giảm thấp nhất tỉ lệ tử vong, BV đa khoa tỉnh và các bệnh viện tuyến huyện cần tuân thủ đúng phác đồ của các bệnh viện tuyến trung ương, tuân thủ quy trình tiếp nhận, theo dõi bệnh nhân. Theo ông Nguyễn Duy Khê – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em – Bộ Y tế, nếu Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi có đầy đủ trang thiết bị và trình độ của bác sĩ khoa Sản khám, chẩn đoán tốt thì sẽ hạn chế được tử vong. 8 tháng qua, ở tỉnh Quảng Ngãi xảy ra 19 vụ tai biến sản khoa, trong đó có 6 vụ gây tử vong cho 7 trẻ sơ sinh và 3 bà mẹ.( Lao động (trang 3),Nông thôn ngày nay (trang 14), Tuổi trẻ (trang 12), Gia đình và xã hội (trang 7) 19/12) 

Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang: Làm chủ kỹ thuật can thiệp tim mạch

Sáng 18-12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ tổng kết chương trình chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Thạc sĩ – bác sĩ Huỳnh Trung Cang – phó trưởng khoa nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang – cho biết trong quá trình chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ đã thực hiện 534 lượt thủ thuật can thiệp tim mạch. Trong đó chụp động mạch vành 315 trường hợp, cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn 20 trường hợp, can thiệp động mạch vành 190 trường hợp… Tỉ lệ thành công đạt tới 99%, chỉ có một trường hợp thất bại ở bệnh nhân đã 87 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp.

Theo bác sĩ Huỳnh Trung Cang, số bệnh nhân nam chiếm tới 2/3 tổng số bệnh nhân tim mạch được can thiệp thủ thuật. Đáng lo ngại là có tới 58,2% số bệnh nhân tim mạch có tiền căn hút thuốc lá, 98% bị huyết áp, 83,6% rối loạn lipid máu, 32,8% đái tháo đường và 0,55% có tiền căn gia đình.

PGS-TS Võ Thành Nhân – trưởng khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết trong thời gian tới sẽ chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp ở động mạch chậu, động mạch đùi để điều trị trong những trường hợp tăng huyết áp. Về lâu dài những thủ thuật nào thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì đơn vị can thiệp tim mạch của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang đều có thể thực hiện được.(Tuổi trẻ (trang 12) 19/12)

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị: Phát huy hiệu quả đề án 1816

Nhờ được sự hỗ trợ chuyên môn của tuyến trên theo Đề án 1816, nhiều cơ sở  y tế tại Quảng Trị đã phát huy hết khả năng của mình, mang lại tín hiệu tích cực trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân …(Gia đình và xã hội (phụ trang III) 19/12)

Phát hiện ca “thai trong thai” hiếm gặp

Các bác sĩ khoa ung bướu Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã phẫu thuật thành công một trường hợp "thai trong thai" cực hiếm ở bé trai 10 tuổi. Bé trai này nhập viện do đau bụng vùng hạ sườn trái. Theo lời người nhà, bé đã đau âm ỉ một tháng nay nhưng mọi người tưởng bé đau bụng bón nên không chú ý. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện có một khối u hình dạng giống một thai nhi thu nhỏ nằm ở hông trái của bé. Bé được nhập viện và chụp tiếp CT scan bụng, kết quả có một khối u kích thước 14x13x12 cm gồm mô đặc, mô mỡ, mô xương kèm với hộp sọ, cột sống và xương sườn chiếm gần hết hạ sườn bên trái của bé. Dựa vào kết quả chẩn đoán hình ảnh và khám lâm sàng, các bác sĩ kết luận đây là trường hợp thai trong thai hiếm gặp.

Khi mổ ra thấy khối u chính là một thai nhi nặng khoảng 1,4kg. ThS.BS Vũ Trường Nhân, phẫu thuật viên chính trong êkíp mổ, cho biết tình trạng “thai trong thai” là khi em bé mới sinh đã có một bào thai khác hoàn chỉnh nằm trong người. Đây thực chất là những cặp song sinh cùng trứng nhưng vì một nguyên nhân nào đó mà trong quá trình phát triển của phôi thai xảy ra tình trạng phôi này trùm lên phôi kia khiến phôi nằm trong phôi. Do vậy, khi sinh ra em bé đã có sẵn một bào thai nằm trong bụng. Y khoa gọi là hiện tượng song sinh phát triển không hoàn chỉnh, rất hiếm với tỉ lệ gặp là một trên nửa triệu ca. Để đủ điều kiện gọi là thai trong thai thì bào thai được lấy ra trong bụng em bé phải có những bộ phận tay, chân, bộ phận sinh dục… và nhất thiết phải có cột sống. Các trường hợp khác cũng giống thai trong thai nhưng không có cột sống thì không gọi là thai trong thai mà chỉ là bướu quái dạng thai (tỉ lệ gặp nhiều hơn).

BS Nhân cho biết để phòng tránh các dị dạng thai nhi nói chung, trong thời kỳ thai nghén, đặc biệt là ba tháng đầu, các bà mẹ nên cẩn trọng, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, tia phóng xạ và chỉ dùng thuốc được bác sĩ kê đơn cho sản phụ, không tự ý uống thuốc không rõ loại dù là thuốc bổ, tân dược hay thảo dược. Sản phụ cũng nên theo dõi thai định kỳ và nên tiêm phòng các loại bệnh truyền nhiễm như cúm, Rubella, thủy đậu trước khi mang thai. Khi siêu âm phát hiện thai nhi có gì bất thường nên được các bác sĩ tiền sản tại bệnh viện nhi tư vấn để có quyết định chính xác về tình trạng của thai nhi sau này.(Tuổi trẻ (trang 12) 19/12)

Cứu sống một cháu bé … “đã chết”

“Cũng may gia đình quyết tâm đưa cháu lên “tuyến trên” nên thằng cu này mới được ngồi đây cho các bác bế” – đó là lời trần tình của bà Nguyễn Thị Trâm, bà nội của bé Hoàng Tuấn Minh (11 tháng tuổi, ảnh), trú tại thôn Lạc Thị, xã Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội.

Ngấp nghé tử thần

Với bà Trâm, có lẽ sẽ không bao giờ quên được cái ngày 18-9. Đó là ngày mà bà chắc như đinh đóng cột rằng, thần chết sẽ cướp đi đứa cháu đích tôn của bà. Ngồi với chúng tôi, bà hồi tưởng dù đã 3 tháng trôi qua, nhưng mỗi khi nghĩ đến bà vẫn run bắn cả người: “Lúc đó, gia đình chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa cháu “ra đồng”. Huyệt đã đào sẵn, quan tài cũng đã để ngay trước cửa. Thế nhưng, cũng nhờ bố thằng cu (tức anh Hoàng Tuấn Trường) xót con, cứ nhất quyết không rút máy thở. Nó bảo: “Các ông các bà cứ để cháu được sống thêm phút nào hay phút ấy”. Đến lúc bình oxy sắp hết, bố nó cứ nhất quyết bắt mọi người đi mua thêm bình khác chứ không chịu để thằng bé “đi”. Lúc mọi người thay quần áo cho cháu, chúng tôi mới phát hiện dưới cổ chân vẫn còn một chiếc kim truyền dịch mắc lại. Rút kim thì thấy máu tươi ri rỉ chảy ra. Máu còn chảy thì thằng bé chưa thể chết được. Nghĩ vậy nên mọi người quyết định mang cháu đến Viện Nhi, Trung ương cấp cứu…”.

Chị Lục Hoài Thương, mẹ bé Minh thì thuật lại câu chuyện như sau: Sáng 17-9  Minh sốt tới 38 độ C. Thấy cháu quấy và có biểu hiện khó thở, gia đình bèn đưa cháu tới Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì gần nhà để khám. Tại đây, thấy cháu có vẻ nặng nên các bác sỹ yêu cầu chuyển lên Bệnh viện Saint Paul cấp cứu. Tới bệnh viện cháu được các bác sỹ khám với chẩn đoán ban đầu là viêm phế quản. Tuy nhiên cho tới đầu giờ chiều cùng ngày, sau khi có các kết quả xét nghiệm, các bác sỹ tại đây nhận định: bé Minh bị viêm cơ tim cấp. Lúc này, bệnh của cháu có chiều hướng xấu đi rất nhanh, các bác sỹ liên tục tiêm cho cháu các loại thuốc. Thế nhưng mọi cố gắng đều vô vọng khi toàn thân bé Minh căng mọng, bụng trướng căng và không thể đi tiểu được cho dù đã sử dụng tới 3 lần thuốc lợi tiểu. Nhịp tim của bé cũng không ổn định, lúc lên tới hơn 200 nhịp/phút và cũng đã có lúc ngừng đập. Chị Thương rùng mình: “Đến 4h chiều thì bác sỹ gặp riêng vợ chồng em và cho biết, bệnh tình của cháu rất nặng, khó có thể qua khỏi. Gia đình nên xác định tư tưởng… Lúc đó em thực sự hoảng sợ”.

Đêm 17-9 là một đêm dài  với cả gia đình chị Thương. Suốt đêm hôm đó, bé Minh luôn trong tình trạng có thể “ra đi” bất cứ lúc nào. Tới 8h sáng 18-9, khi thấy các bác sỹ ở đây đã thực sự bó tay, gia đình chị Thương đã đề nghị với bệnh viện Saint Paul cho cháu được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tuy nhiên các bác sỹ lại từ chối với lý do, cháu quá yếu.

Chết hụt

1 tuần nằm tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương, bé Minh dần hồi phục. Cũng với chẩn đoán viêm cơ tim do virus, sau khi đã thoát khỏi tử thần, bé Minh được chuyển tới Khoa Tim mạch và gần 2 tháng sau bé chính thức xuất viện. Trao đổi với chúng tôi về ca cấp cứu hy hữu này, bác sỹ, Tiến sỹ Tạ Anh Tuấn – Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Lúc tiếp nhận bé Minh tôi cũng xác định rõ với gia đình là khả năng sinh tồn của cháu chỉ còn chưa tới 1%. Tuy nhiên chúng tôi cũng sẽ cố hết sức. Qua hỏi bệnh sử của cháu bé cùng với kinh nghiệm, Khoa Hồi sức cấp cứu quyết định tiến hành lọc máu cho cháu bé. Đây là biện pháp mà theo quan điểm của chúng tôi từ khi tiến hành điều trị bệnh chân tay miệng và một số ca viêm cơ tim khác thì nó sẽ giúp cho cơ thể của cháu cải thiện khả năng trao đổi dịch và đào thải các độc tố. Cho tới ngày 19-9, bệnh tình của cháu vẫn rất xấu. Tai, mũi, miệng… liên tục xuất huyết. Thế nhưng có một tín hiệu khả quan là bé Minh đã đi tiểu được, cơ thể bớt phù nề. Tới ngày 21-9 thì đã có tia hy vọng khi bé đã có thể thoát ly máy, tự thở và có thể uống được sữa”.

Trả lời câu hỏi: Tại sao trong khi vẫn còn biện pháp để cứu bé Minh thay vì trả về gia đình mà Bệnh viện Saint Paul lại không tiến hành? Bác sỹ Tuấn nhận định: “Cách điều trị của Bệnh viện Saint Paul và Bệnh viện Nhi Trung ương cơ bản là giống nhau. Chỉ khác ở chỗ sau khi áp dụng tất cả các biện pháp thì Bệnh viện Nhi Trung ương áp dụng thêm cách lọc máu. Đây chính là mấu chốt cơ bản để cứu sống cháu bé. Tuy nhiên Bệnh viện Saint Paul là tuyến dưới, họ thực hiện điều trị căn bệnh theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Mà đối với viêm cơ tim thì phác đồ hiện nay không có việc lọc máu”. 


“Thực ra, đây là một ca rất khó, cá nhân tôi cũng cho rằng cháu bé sống được là một sự thần kỳ. Có lẽ đây cũng là một kinh nghiệm quý báu cho các bác sỹ khi có một ca bệnh tương tự” – bác sỹ Tuấn cho biết.(An ninh thủ đô (trang 8) 19/12)

Gửi thảo luận