Hà Nội: Điều trị ARV cho gần 5.000 bệnh nhân AIDS
Ông Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết, tính đến nay, toàn thành phố đã có 23 cơ sở điều trị ARV, trong đó 10 cơ sở ở các BV tuyến thành phố và 13 cơ sở nằm ở TTYT các quận, huyện.
Hiện, đã có 4.737 bệnh nhân AIDS đang được điều trị ARV, trong đó có 25 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã sinh con được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Cũng theo ông Tuấn, kinh phí điều trị ARV cho một bệnh nhân AIDS là 4 triệu đồng/tháng. Như vậy, ngành y tế mỗi năm tiêu tốn khoảng 20 tỷ đồng cho công tác điều trị bằng ARV.( Gia đình & xã hội (trang 7) 08/10)
Theo dõi phản ứng có hại của thuốc tránh thai
Ngày 7.10, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành công văn khuyến cáo về sử dụng thuốc có chứa drosporenone có trong một số thuốc tránh thai. Đây là khuyến cáo sau khi Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ cho biết, thuốc có chứa hoạt chất drosporenone có thể liên quan đến nguy cơ huyết khối (máu cục trong động mạch) cao hơn so với các thuốc tránh thai đường uống progestin khác. Cục yêu cầu các Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh và kinh doanh thuốc theo dõi xử trí các trường hợp phản ứng có hại khi dùng thuốc này và báo cáo về Cục.( Nông thôn ngày nay (trang 2), An ninh thủ đô (trang 2) 08/10)
25% người trưởng thành bị tăng huyết áp
Hội nghị khoa học về bệnh tim mạch được tổ chức trong hai ngày 7-8.10 tại Quảng Ninh với sự tham dự của 800 đại biểu trong nước và quốc tế.
GS-TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, cho biết tỷ lệ người bị tăng huyết áp tăng rõ rệt trong các thập kỷ qua: từ 1,5% người trưởng thành (từ 25 tuổi trở lên) vào những năm 1960, tăng lên 11% những năm 1970, 16,5% những năm 1990 và nay là 25%. Ước sẽ có khoảng 10-11 triệu người bị tăng huyết áp trong những năm tới nếu không có giải pháp kiểm soát, dự phòng hữu hiệu.
Tăng huyết áp cũng đang có xu hướng trẻ hóa, với những bệnh nhân lứa tuổi trẻ (trước 25 tuổi), thậm chí trẻ em, thường gắn với một số bệnh lý về chuyển hóa (thừa cân béo phì, một số bệnh lý về thận). Tăng huyết áp làm tăng nguy mắc bệnh mạch vành, đột quỵ.( Thanh niên (trang 2) 08/10)
Các BV Nhi ở Tp. Hồ Chí Minh: Mỗi ngày, hơn 10.000 lượt trẻ đến khám bệnh
Từ đầu tháng 9 đến nay, tại TPHCM, các bệnh viện nhi rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng khi bệnh hô hấp và bốn loại bệnh truyền nhiễm như viêm màng não, viêm não, sốt xuất huyết (SXH) và tay, chân, miệng (TCM) tăng bất thường…( Lao động (trang 2) 08/10)
Bình Định: Kiểm tra vụ sản phụ tử vong ở Trung tâm Y tế huyện Hoài An
Ngày 5.10, tin từ huyện Hoài Ân cho biết, cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra, làm rõ ca tử vong của sản phụ Phạm Thị Ngọc Lan (40 tuổi, ở thôn Ân Thường 2, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) khi đang được mổ sinh tại trung tâm y tế huyện này chiều 4.10.( Lao động (trang 2) 08/10)
Tp. Hồ Chí Minh: Đến năm 2020 trên 80% dân số tham gia BHYT
Thông tin từ UBND TPHCM ngày 7.10 cho biết, sau ba năm triển khai Luật BHYT, số người tham gia BHYT đến nay tăng 21,5% so với trước khi có luật.
Dù vậy, đến hết năm 2011, tại TPHCM chỉ mới có 63% dân số tham gia BHYT. Độ bao phủ của chính sách còn thấp, ngoài diện bắt buộc và cận nghèo (được UBND TP hỗ trợ mua thẻ), chỉ có người bệnh mới tự giác mua thẻ BHYT. Để thực hiện BHYT toàn dân trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012 – 2020, UBND TP yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể phải đặc biệt lưu ý đến đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo; hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và hộ gia đình làm kinh tế cá thể. Xác định mức sống trung bình để có phương án hỗ trợ người dân tham gia theo quy định.