Tập trung phòng, chống bệnh tay, chân, miệng trong trường học
Theo báo cáo của Bộ Y tế đến hết tháng 9, cả nước có hơn 103 nghìn trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng (TCM), trong đó 41 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc tăng 81,5%, riêng tháng 9 cũng có số ca mắc cao nhất từ đầu năm đến nay. Các chuyên gia y tế lo ngại dịch TCM tăng mạnh đúng vào thời điểm bắt đầu năm học mới, các trường học dễ trở thành điểm nóng về nguy cơ bùng phát dịch.
Tại Hà Nội, tính đến hết tháng 9- 2012, ghi nhận 3.444 trường hợp mắc bệnh TCM tại 29 quận, huyện và không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, riêng tuần cuối tháng 9 đã ghi nhận được 124 trường hợp mắc bệnh. Hiện nay bệnh TCM đang có xu hướng tăng ở các huyện thuộc khu vực ngoại thành. Ðặc biệt, tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi mắc bệnh TCM trên địa bàn thành phố chiếm khoảng 96% tổng số ca mắc. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội TS Nguyễn Nhật Cảm cho biết: Trước diễn biến phức tạp của bệnh TCM, đồng thời chủ động trong công tác phòng, chống dịch, ngành y tế Hà Nội đã thực hiện kiểm tra, giám sát, lấy mẫu tại 17 bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành, 40 bệnh viện do thành phố quản lý, các trạm y tế trên địa bàn trong việc theo dõi, phát hiện, điều trị bệnh TCM. Thành phố cũng đã thành lập năm đội cơ động phòng, chống bệnh TCM trực thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng; tại mỗi quận, huyện thành lập từ một đến hai đội cơ động. Các đội cơ động được trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, cơ số thuốc thiết yếu nhằm hỗ trợ các địa phương khi có ổ dịch và thực hiện chế độ trực 24/24 giờ.
Do bệnh TCM chủ yếu ở trẻ dưới năm tuổi, nên nguy cơ lây bệnh trong các trường mầm non là rất cao, cho nên hai ngành y tế Hà Nội, giáo dục và đào tạo phối hợp tập huấn cho 100% số cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, cán bộ y tế trong các trường mầm non công lập, dân lập về các biện pháp phòng, chống bệnh TCM. Cán bộ các trường được trang bị kiến thức về phát hiện các dấu hiệu của bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường… Qua đó, các trường đã chủ động phối hợp các đơn vị y tế trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh TCM; cũng như thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, lau chùi sàn nhà, vật dụng bằng hóa chất… Ðến thời điểm này, nhiều trường đã đầu tư các thiết bị vệ sinh, cung cấp xà-phòng đầy đủ cho giáo viên, học sinh sử dụng hằng ngày.
Tại TP Hồ Chí Minh có 757 trường mầm non với hơn 302 nghìn học sinh. Chín tháng đầu năm, thành phố có gần 8.000 ca bệnh, trong đó có sáu trường hợp đã chết và mỗi tuần có thêm gần 400 ca mới. Số ca mắc tập trung nhiều ở các quận, huyện vùng ven, có đông người tạm trú, vệ sinh môi trường không bảo đảm. Giữa tháng 9 vừa qua, cơ sở ba Trường mầm non 15, quận 11, TP Hồ Chí Minh đã phải đóng cửa do bệnh TCM. Cơ sở này có hơn 170 học sinh nhưng đã có tám trẻ mắc bệnh TCM. Ðến nay, gần 80 trường học trên địa bàn thành phố có học sinh mắc TCM.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ðắc Thọ cho biết, tháng 9 và 10 là đỉnh thời gian dịch lần hai của năm. Ðây cũng là thời điểm học sinh bắt đầu đi học. Với một địa phương đông dân như TP Hồ Chí Minh, nguy cơ xảy ra dịch rất lớn nếu công tác phòng, chống dịch không được thực hiện nghiêm túc. Trong đó trường học là nơi tập trung đông trẻ, khi có trẻ mắc bệnh TCM, bệnh sẽ có nguy cơ lây lan nhanh hơn ngoài cộng đồng. Theo quy định, lớp học có hai trẻ mắc bệnh từ bảy đến 14 ngày sẽ phải đóng cửa lớp học đó, vì vậy các trường học cần thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống bệnh. Nhưng theo bác sĩ Phạm Thành Long, Phòng Công tác học sinh – sinh viên (Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh) thì một trong những khó khăn hiện nay, ngoài việc phụ huynh chưa có nhận thức đúng về cách phòng, chống bệnh TCM và lực lượng làm công tác phòng, chống dịch của các trường gặp khó khăn, thì nguồn kinh phí để thực hiện khử khuẩn, trường lớp, vệ sinh cho cá nhân học sinh còn hạn chế.
Ðể thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học, trong đó có bệnh TCM, ngay đầu năm học 2012-2013, Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu phòng giáo dục các quận, huyện phối hợp ngành y tế tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh cho nhân viên y tế, cán bộ, giáo viên của trường. Các đơn vị thực hiện khử khuẩn vệ sinh trường lớp và tuyên truyền tới phụ huynh và học sinh về cách phòng bệnh. Liên sở giáo dục và y tế của thành phố đã thống nhất yêu cầu các trường thực hiện tốt tầm soát phát hiện trẻ bệnh và truyền thông để phụ huynh cho trẻ ở nhà khi mắc bệnh; hướng dẫn cho trẻ rửa tay đúng cách và xây dựng thói quen rửa tay cho học sinh; thực hiện khử khuẩn định kỳ đồ dùng, môi trường chung quanh. Khi học sinh có biểu hiện mắc bệnh, phụ huynh cần cho con nghỉ học, tránh bệnh có thể lây sang trẻ khác.
Các chuyên gia y tế lo ngại dịch bệnh TCM tăng mạnh đúng vào thời điểm bắt đầu năm học mới, các trường nhanh chóng trở thành điểm nóng về nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng. Chính vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, cơ sở chăm sóc trẻ và cả chính quyền cơ sở. Trong đó, những gia đình có trẻ em trong độ tuổi dễ mắc bệnh TCM cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp trong việc chăm sóc và vệ sinh cho trẻ, thực hiện rửa tay bằng xà-phòng trước khi chăm sóc trẻ, thực hiện "ăn chín, uống sôi", giữ đồ chơi của trẻ sạch… (Nhân dân 6/10- trang 5)
Khánh thành Trung tâm Truyền máu huyết học đạt chuẩn quốc tế
Ngày 5-10, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), Bộ Y tế tổ chức khánh thành Trung tâm Truyền máu huyết học khu vực Đông Nam Bộ.
Sau hai năm xây dựng, Trung tâm Truyền máu huyết học khu vực Đông Nam Bộ có quy mô sáu tầng với diện tích sử dụng hơn 3.000m2, đạt các tiêu chuẩn của quốc tế đã được đưa và sử dụng. Tổng vốn đầu tư của công trình là 140 tỷ đồng, trong đó 89 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị.
Với công suất hoạt động 70 nghìn đơn vị máu mỗi năm, Trung tâm Truyền máu huyết học khu vực Đông Nam Bộ bảo đảm nguồn máu và các sản phẩm sản xuất từ máu cung cấp cho 38 bệnh viện trong khu vực dùng cấp cứu, điều trị, dự phòng thảm họa…
Thiếu máu trong cấp cứu và điều trị luôn là khó khăn lớn mà ngành y tế đang phải đối mặt. Để góp phần giải quyết vấn đề này, Trung tâm Truyền máu huyết học khu vực Đông Nam Bộ được xây dựng theo Chương trình an toàn truyền máu quốc gia. Trung tâm này cùng với các Trung tâm truyền máu: khu vực đồng bằng Sông Hồng; duyên hải miền trung; đồng bằng sông Cửu Long; Bệnh viện Truyền máu huyết học TP Hồ Chí Minh là năm Trung tâm truyền máu của cả nước đạt chuẩn quốc tế. (Nhân dân 6/10- trang 5)
Giám sát chặt chẽ các trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới xác nhận phát hiện hai trường hợp nhiễm coronavirus dẫn đến nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng, kèm theo có suy thận. Liên quan đến loại vi-rút mới này, PGS, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết: Coronavirus là một họ vi-rút lớn, được chia làm ba giống khác nhau theo phân loại sinh học.
Mặc dù có nhiều chủng coronavirus, cho đến nay người ta chỉ phát hiện được năm chủng coronavirus gây bệnh ở người, trong đó ba chủng gây bệnh cảm lạnh và hai chủng gây bệnh hô hấp cấp tính nặng, bao gồm SARS corrnavirus năm 2003 và coronavirus năm 2012. Ở người, coronavirus chủ yếu xâm nhập vào tế bào biểu mô đường hô hấp và gây bệnh đường hô hấp. 30% số người bị cảm lạnh là do coronavirus. Triệu chứng cảm lạnh bao gồm chảy nước mũi, đau họng, ho, nhức đầu, sốt, ớn lạnh… Nhiều trường hợp nhiễm trùng không có triệu chứng rõ ràng nhưng vẫn có khả năng truyền vi-rút qua ho, hắt hơi. Phần lớn bệnh nhẹ và tự khỏi. Miễn dịch sau mắc bệnh thường ngắn, do đó thường bị mắc lại và nhiễm các típ vi-rút khác.
Chỉ có hai chủng coronavirus được phát hiện năm 2003 (SARS coronavirus) và mới đây tháng 9-2012 (khác nhau hoàn toàn về mặt di truyền học), gây hội chứng nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng gây tử vong cao. Hai trường hợp nhiễm coronavirus năm nay bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng (sốt cao, ho, khó thở), kèm theo có suy thận, không có liên quan về mặt dịch tễ học. Chưa có bằng chứng bệnh lây truyền từ người sang người của chủng vi-rút mới này.
Tuy mới có hai trường hợp và chưa có bằng chứng bệnh lây truyền từ người sang người của chủng vi-rút mới này, nhưng PGS, TS Nguyễn Trần Hiển khuyến cáo cần tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng ở các bệnh viện, nhất là các chùm ca bệnh nặng bất thường, lấy bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời nhằm phát hiện được chủng vi-rút mới này. Người dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính bao gồm: hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh hô hấp cấp tính; tránh đưa tay lên mũi và miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà-phòng hoặc sát trùng bằng cồn; làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc; lau chùi thường xuyên bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chất tẩy rửa thông thường. Khi bị hội chứng nhiễm trùng hô hấp cấp tính cần đeo khẩu trang nhằm hạn chế lây truyền ra những người chung quanh; khi có biểu hiện sốt cao, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để khám, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời… (Nhân dân 6/10- trang 8+5)
Thi tìm hiểu về cây thuốc nam
Nhằm mục đích nâng cao chất lượng công tác tư vấn, khám, điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc, kết hợp giữa y học cổ truyền (YHCT) với y học hiện đại trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, từ ngày 8 đến 11-10, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội thi "Tìm hiểu về cây thuốc nam và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc".
Hội thi được tổ chức theo tuyến trung tâm y tế quận, huyện (22 đơn vị dự thi) và tuyến bệnh viện, trung tâm chuyên khoa (21 đơn vị), với 5 phần thi gồm nhận biết cây thuốc nam, tìm hiểu cây thuốc nam đã qua bào chế, nhận biết huyệt vị và tuyên truyền cây thuốc nam dưới dạng sân khấu hóa. Mỗi tuyến dự thi sẽ chọn 5 đội xuất sắc cùng hai bệnh viện YHCT thành phố dự thi chung kết cấp thành phố. (Hà Nội mới 6/10- trang 5)
30% số người bị cảm lạnh do coronavirus
Ngày 5-10, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, loại virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính có suy thận mới được phát hiện hồi tháng 9 vừa qua là một trong năm chủng virus coronavirus gây bệnh trên người.
Trong số đó có ba chủng gây bệnh cảm lạnh và hai chủng gây bệnh hô hấp cấp tính nặng, bao gồm SARS coronavirus năm 2003 và coronavirus năm 2012.
Ở người, coronavirus chủ yếu xâm nhập vào tế bào biểu mô đường hô hấp và gây bệnh đường hô hấp. 30% số người bị cảm lạnh là do coronavirus. Triệu chứng cảm lạnh bao gồm chảy nước mũi, đau họng, ho, nhức đầu, sốt, ớn lạnh…
Nhiều trường hợp nhiễm trùng không có triệu chứng rõ ràng nhưng vẫn có khả năng truyền virus qua ho, hắt hơi. Cũng theo TS. Hiển, hầu hết người nhiễm đều bị bệnh nhẹ và tự khỏi. Miễn dịch sau mắc bệnh thường ngắn, do đó thường bị mắc lại và nhiễm các típ virus khác. (Tiền phong 6/10- trang 6)
Vụ chuyển viện 100m giá 1,2 triệu đồng: Nằm viện trên 6 tiếng, thu phí một ngày
Sau khi Tiền Phong ngày 25-9 có bài “Chuyển viện 100m phải trả hơn 1,2 triệu đồng” phản ánh về việc bệnh nhân Hồ Thị Tám, được Bệnh viện FV chuyển qua Viện Tim Tâm Đức, nằm sát bên cạnh với khoảng cách chỉ 100m nhưng nơi đây thu của gia đình bệnh nhân hơn 1,2 triệu đồng, Bệnh viện FV đã có công văn gửi báo Tiền Phong phản hồi bài báo.
Theo Bệnh viện FV, việc thu phí cao dựa vào các trang thiết bị y tế được sử dụng cho từng bệnh nhân mà không dựa vào quãng đường đi.
“Trong trường hợp của bà Tám, xe cấp cứu của bệnh viện là loại xe hiện đại nhất TPHCM kèm theo 2 bác sĩ cấp cứu và một điều dưỡng đi theo”- công văn cho biết.
Về việc thu viện phí khi bà Tám chỉ điều trị 12 tiếng, nhưng tính tiền 1 ngày với giá 4,2 triệu đồng, đại diện Bệnh viện FV cho biết, do FV là bệnh viện tư được đầu tư hiện đại và tự trang trải bằng nguồn kinh phí từ viện phí nên chính sách viện phí được tính thu một ngày phí với tất cả bệnh nhân nằm trên 6 tiếng đồng hồ. (Tiền phong 6/10- trang 10)
Lật tẩy trò chữa vô sinh nguy hiểm ở Nam Ðịnh
“Hai vợ chồng cứ yên tâm, gặp anh là đúng cửa rồi. Không dám khẳng định 100% là thành công nhưng đảm bảo chỉ cần anh “bơm một phát” sẽ thông ống dẫn trứng được cho vợ em, tiêm vài ống thuốc nội tiết kết hợp với thuốc Bắc của anh thì chỉ sau 1 tháng là có kết quả. Chú muốn con trai hay con gái anh giải quyết luôn cho vợ chồng chú”. Đó là những lời của “thầy lang tự phong” Vũ Chí Công ở thôn Lộng Đồng, xóm Bờ Máng, xã Lộc An (Nam Định) ba hoa khi có người tìm đến chữa vô sinh ở nhà y.
Thông tắc vòi trứng như thông… cống!
Sau khi báo Sức khỏe&Đời sống nhận được đơn thư phản ánh của những trường hợp đã khám chữa vô sinh tại nhà "thầy lang tự phong” Vũ Chí Công không mang lại kết quả dù đã bỏ ra hàng chục triệu đồng tiền thuốc, những gia đình này rất phẫn nộ khi biết mình bị lừa nhưng cũng đành nín lặng vì chẳng biết kêu ai! Nhận thấy sự bất thường trong cách khám chữa vô sinh tại nhà ông Công, nhóm phóng viên điều tra của báo SK&ĐS quyết định thực hiện kế hoạch xâm nhập để tìm hiểu. Mặc dù đã đọc rất tỉ mỉ về cách thức chữa vô sinh của ông Công và có được những thông tin liên quan đến cá nhân thầy lang Công song khi trực tiếp đối diện với thầy lang này thì thực sự “choáng” với cách thức mà ông này đã làm với những cặp vợ chồng đến khám ở đây.
Không giống bất kỳ "thầy lang vườn” nào mà nhóm điều tra của báo SK&ĐS đã từng tiếp cận và phanh phui trước đó, thầy lang Công ăn mặc rất “hầm hố” với quần túi hộp, áo phông đen, cổ đeo chuỗi dây bạc to, tóc cắt cua… Đặc biệt tài ăn nói thì dẻo quẹo. Cuộc đối mặt bắt đầu từ những câu hỏi của ông Công về gia cảnh, tình hình của chúng tôi (PV trong vai hai vợ chồng). Ngay khi biết chúng tôi tìm đến với mong muốn chữa vô sinh (mặc dù cả hai gia đình chúng tôi đều có gia đình con cái đầy đủ và khỏe mạnh bình thường), ông Công yêu cầu đưa tay để thầy bắt mạch và đoán bệnh.
Ngồi khoanh chân trên ghế, thầy bắt mạch tay phải cho PV báo SK&ĐS. Không đến 3 giây, ông Công phán một câu xanh rờn: “Chị bị tắc vòi trứng rồi”. Cô PV đóng vai người vợ giật bắn người khi nghe thầy Công nói vậy song cũng kịp trấn tĩnh với một câu “thế hả thầy”. Tôi ngồi cạnh chêm vào luôn: “Nhưng hai vợ chồng em đi khám ở Viện C thì kết luận là ống dẫn trứng bình thường mà?”. Thầy Công nói luôn: “Ý tôi muốn nói là vòi trứng chị nhà bị hẹp”. Rồi thầy Công tuôn ra một tràng dài giải thích về nguyên nhân vòi trứng bị hẹp dẫn đến việc “vợ tôi” khó có khả năng có thai. Đến lượt tôi được thầy bắt mạch, cũng chỉ mất vài giây thầy chốt luôn một câu khiến tôi choáng váng: Tinh trùng loãng quá! Tôi nói: “Em cũng vừa đi khám, làm xét nghiệm, bác sĩ bảo tinh trùng của em đậm đặc mà”. Ông Công lắc đầu nói luôn: “Anh chưa hiểu ý tôi, tôi nói là tinh trùng của anh di chuyển với tốc độ chậm lắm. Khi gặp môi trường âm đạo “rất lạnh” của chị nhà thì chúng chết hết, vậy thì làm sao mà đóng ổ được”. Tôi vờ gật gù.
Chúng tôi hỏi về cách thức để chữa "hẹp vòi trứng" của ông Công ra sao và không quên nói "vợ tôi" cơ địa rất dễ bị dị ứng đồng thời hiện tại đang bị viêm âm đạo, liệu thầy có giải quyết được không? Ông Công quả quyết việc đó chỉ là chuyện nhỏ! và giải thích: “Việc viêm nhiễm chỉ ảnh hưởng đến môi trường âm đạo làm âm đạo ngứa, đầu cổ tử cung bị xơ. Nếu mình không xử lý được nó sẽ ăn lên ống dẫn trứng gây ra tắc vòi trứng. Anh sẽ dùng kháng sinh thông và bơm luôn cho em! Khi anh bơm kháng sinh vào một phát nó sẽ tách 2 loang vòi trứng ra và căng lên (dùng loại ống bơm 20ml bơm vào buồng tử cung 2 – 3 lần). Khi rút bơm ra ống dẫn trứng từ từ xẹp xuống và như vậy được tráng một lớp kháng sinh…”. “Anh chỉ bơm một lần đảm bảo em sẽ không bao giờ bị viêm nữa”. Vấn đề của vợ chồng em là ở chỗ môi trường âm đạo của vợ em “lạnh quá”, anh chỉ cần xử lý khiến nó “ấm” lên, đảm bảo vợ chồng em sẽ có con”.
Ngoài ra, ông Công cũng yêu cầu vợ chồng tôi đi “soi” trứng rồi báo kết quả lại để “thầy” lên lịch “sinh hoạt” cho vợ chồng. Lịch trình chữa bệnh của thầy Công sẽ diễn ra như sau: Tùy vào cơ địa mỗi người, “thầy” sẽ bốc thuốc và tiêm thuốc khác nhau. Cứ mỗi tháng những cặp đến chữa vô sinh sẽ được ông Công cho dùng 10 ấm thuốc Bắc, 30 viên vitamin 3B, 2 gói bột màu (ghi cho chồng uống, không có tên thuốc), 30 viên sắt, 30 viên vitamin E, 10 ống progerterol 25mg. Tổng hết 4,5 triệu đồng. Ngoài ra, còn được tiêm một số ống thuốc nội tiết mà theo ông Công có tác dụng tăng hormon sinh dục nữ… Điều đáng nói, tất cả việc thăm khám, bốc thuốc, tiêm thuốc, thông tắc ống dẫn trứng đều một tay Công làm. Khi tôi tỏ ra lo ngại về tính an toàn khi tiêm thuốc tại nhà, Công nói: “Chú không hiểu về chuyên môn, ở đây toàn là thuốc bổ, thuốc dưỡng thì sốc thuốc làm sao được. Mà tính mạng người bệnh, tôi làm nghề tôi phải lo hơn chú chứ?”.
Tuy nhiên, khi thấy cách thức Công chữa thông tắc vòi trứng và tiêm thuốc ngay tại căn buồng xập xệ, tối tăm, ẩm thấp gần khu vệ sinh ở nhà khiến chúng tôi sởn gai ốc. Hỏi về giá cả, Công nói: Có 3 gói để lựa chọn đã bao gồm cả việc bắt mạch, thuốc uống, thuốc tiêm, và thông tắc vòi trứng. Gói 6,5triệu đồng/tháng điều trị; gói 5,5triệu/tháng và gói 4,5triệu/tháng. Theo Công thì gói 6,5triệu đồng/tháng là “mạnh nhất” và khuyên vợ chồng tôi dùng. Công không quên khoe: “Tôi đã làm thành công nhiều cặp lắm rồi. Từ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, thậm chí người từ Nha Trang, Đà Lạt cũng bay tới tìm tôi. Từ tháng 1 đến giờ có 18 ca ở Sơn Tây, riêng huyện Phúc Thọ (Hà Nội) rất nhiều trường hợp, không nhớ rõ hết”.
Trò lừa bịp, nguy cơ tử vong cao
Chúng tôi đã trực tiếp liên hệ, trao đổi về chuyên môn với TS. Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương về thủ thuật “bơm hơi thông tắc ống dẫn trứng” trong sản khoa, được biết: Từ lâu thủ thuật “bơm hơi thông tắc vòi trứng” đã bị cấm thực hiện do nguy cơ gây quá khích buồng trứng, gây viêm, thậm chí còn gây tắc vòi trứng. Trước đây, việc dùng thủ thuật dù được cho phép cũng phải do các bác sĩ được đào tạo chuyên khoa thực hiện.
Tuy nhiên, y học cũng đã ghi nhận những trường hợp bệnh nhân bị tử vong khi thực hiện thủ thuật này. Việc một thầy lang – tự phong, thực hiện thủ thuật này đã vi phạm nghiêm trọng về nghiệp vụ chuyên môn, rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. "Riêng với việc bắt mạch mà kết luận được là bị hẹp vòi trứng, chỉ là trò bịp!" – TS. Quyết nhấn mạnh. Về chuyên môn, để biết được người bệnh có bị hẹp vòi trứng, ống dẫn trứng hay không phải được chụp chiếu bằng các thiết bị máy móc hiện đại, tại các bệnh viện chuyên khoa. TS. Vũ Bá Quyết cũng bày tỏ lo ngại: “Nếu không kịp thời ngăn chặn hành vi khám bệnh như trên thì thực sự là một mối nguy hại chết người đối với những cặp vợ chồng đến khám ở đây”.
Trước việc hành nghề có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm Luật khám bệnh, chữa bệnh đã diễn ra trong thời gian dài của ông Vũ Chí Công, chúng tôi tìm đến cơ quan chức năng quản lý trên địa bàn xã Lộc An và Sở Y tế Nam Định và thấy rằng, tất cả đều “chưa nắm được thông tin này”. Trưởng công an xã Lộc An cũng phải rất vất vả mới xác minh được thân nhân của ông Vũ Chí Công do hồ sơ nhân khẩu chưa kịp cập nhật, mặc dù nhà của Công đối diện với UBND xã. (?) Ông trưởng công an xã Lộc An còn trao đổi thêm rằng: Do không tin ông Công có khả năng chữa được bệnh vô sinh nên đã nhiều lần nhắc những người đến khám ở đây phải cẩn thận kẻo bị lừa (?!).
Khi trao đổi thông tin với ông Lê Huy Ngọc, Chánh Thanh tra Sở Y tế Nam Định, ông này cũng không nắm được hoạt động khám chữa bệnh của ông Công và hứa sẽ tổ chức kiểm tra trong thời gian gần nhất. Qua bài viết, đề nghị Sở Y tế Nam Định cần nhanh chóng vào cuộc thanh, kiểm tra trường hợp ông Công ngang nhiên tổ chức khám, chữa bệnh khi chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. (Sức khỏe & Đời sống 6/10- trang 7)
Báo động ngộ độc thuốc ở trẻ!
Trong vòng hơn một tháng qua, các bệnh viện (BV) tại TP.HCM đã tiếp nhận gần chục ca liên quan đến ngộ độc thuốc. Mới đây nhất, đã có hơn hai chục em học sinh đã phải nhập viện cấp cứu chỉ vì ngộ độc… thuốc ho.
Nhập viện vì tự uống thuốc ho kê toa
Ngày 4/10, BV Quận 2 đã tiếp nhận một lúc 20 học sinh bị ngộ độc thuốc phải vào cấp cứu. BS. Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2 cho biết, học sinh này nhập viện lúc 10 giờ sáng sau khi uống thuốc trị ho recotus, đều là các học sinh của trường THCS Bình An đóng trên địa bàn quận. Khai thác bệnh sử cho thấy, ban đầu nữ sinh Nguyễn Hà Minh Th., lớp 8/4, bị ho nên đến hiệu thuốc M.T ngay góc ngã tư Trần Não và Lương Định Của, quận 2 để mua thuốc giảm ho về tự uống. Hiệu thuốc này đã bán 3 vỉ thuốc recotus, mỗi vỉ 10 viên nang. Ban đầu chỉ có Th. và 5 bạn khác cùng lớp uống (để “phòng” lây ho từ Th. – PV).
Theo lời kể của các học sinh, do một bạn uống xong cảm thấy “sảng khoái” nên nhiều học sinh ở lớp 8/2 và 8/4 cũng lấy mỗi người một viên cùng uống. Hậu quả là sau hơn một tiết học, 20 học sinh có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, xây xẩm, nhiều em run tay chân và tim đập nhanh. Nhà trường đã phải tức tốc gọi điện tới BV Quận 2 và được các BS cấp cứu, cho nhập viện để điều trị. Sau một ngày cấp cứu tích cực, các học sinh đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.
Trước đó, vào giữa tháng 8 vừa qua, Khoa Nội tổng hợp BV Nhi đồng 2 đã nhận 2 bé nhập viện vì ngộ độc thuốc an thần. Bé N.T.T., 40 tháng tuổi, nhập viện vì ngộ độc carbamazepine. Được biết, ở nhà ông nội em đang được điều trị bằng thuốc này, do vô tình làm rơi 1 viên carbamazepine, em T. nhặt được và cho luôn vào miệng. Bé T. được đưa đến bệnh viện với các biểu hiện: nôn ói, quấy khóc nhiều, ngồi không vững. Một bệnh nhi khác là bé P.U.N., 33 tháng tuổi, nhập viện vì ngộ độc phenobarbital. Theo lời kể của người nhà, mẹ bé đang điều trị động kinh với loại thuốc này và bé thấy có bịch thuốc để trên giường nên tự lấy uống.
“Hầu hết các loại thuốc đều có chỉ dẫn cảnh báo “Ðể xa tầm tay của trẻ em” nhưng hình như các bậc phụ huynh không để ý đến điều này. Nếu cứ vô tâm như vậy thì làm sao tránh khỏi việc các em bị ngộ độc được” – DS. Thành, một chủ nhà thuốc ở quận 7 cho biết. |
Khoảng 3 giờ sau, bé ngủ li bì, người nhà lay gọi không được liền đưa đến Bệnh viện Lâm Đồng với tình trạng hôn mê sâu, sau đó được đưa đến BV Nhi đồng 2. Kết quả xét nghiệm mẫu máu và nước tiểu của bé N. đều dương tính với barbiturate. Gần thời điểm trên, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cấp cứu 2 ca. Một bệnh nhi 11 tuổi, ngụ tại Q.3, TP.HCM bị sốc phản vệ do dị ứng thuốc cefadroxil; và một bệnh nhi gái 6,5 tháng tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, ngộ độc thuốc clozapyl (clozapine) và intasprol (sodium valproate) 500mg dành cho người mắc bệnh tâm thần.
Lỗi của người lớn và… hiệu thuốc
“Hầu hết trẻ nhập viện vì lỗi bất cẩn, vô tâm của người lớn. Thuốc điều trị ở nhà không có chỗ lưu trữ cẩn thận lại để trong tầm với của trẻ. Còn hiệu thuốc nhiều nơi bán tùy tiện thuốc kê đơn và không có tư vấn sử dụng thuốc, nhất là với trẻ em”, một BS cấp cứu tại BV Nhi đồng ái ngại cho biết. Theo BS. Trần Văn Khanh, như trong trường hợp cấp cứu vừa qua tại BV, recotus là thuốc trị ho phải được chỉ định và kê toa của BS mới được dùng, bởi nó có nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, lơ mơ, gây ảo áp và suy hô hấp nếu dùng quá liều.
Còn theo bác sĩ Lê Thị Thùy Linh, Khoa Nội tổng hợp, BV Nhi đồng 2, carbamazepine là thuốc an thần được chuyển hóa ở gan sau khi uống tạo thành carbamazepine 10, 11 epoxid có thể gây độc trên hệ thần kinh. Khi dùng quá liều có biểu hiện buồn nôn, nôn, ngủ gà, rối loạn thần kinh cơ, rối loạn tim mạch… Trong khi đó, barbiturate cũng là một loại thuốc an thần có tác dụng chậm sau 3 – 6 giờ uống.
Với liều trên 30 – 40mg/kg, có thể xuất hiện các biểu hiện ngộ độc hay quá liều như buồn ngủ, lừ đừ, hôn mê, thở chậm, thở yếu dần, giảm nhiệt độ cơ thể, hạ huyết áp… BS. Trịnh Hữu Tùng, Trưởng phòng KHTH BV Nhi đồng 2 khuyến cáo, khi thấy trẻ có triệu chứng hay nghi ngờ bị ngộ độc thuốc, các bậc phụ huynh cần cho trẻ vào ngay BV để các BS xử trí kịp thời. Để cấp cứu ngộ độc có hiệu quả, điều hết sức quan trọng là nhận biết kịp thời chất độc hoặc thuốc mà bệnh nhân đã dùng.
Trẻ em nói chung rất tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh nhưng lại không hề nhận thức được sự nguy hiểm. Để tránh những tai nạn đáng tiếc tương tự xảy ra với con em mình, theo các BS, điều quan trọng nhất là các bậc cha mẹ phải thật cẩn trọng trong việc cất trữ thuốc, cần đựng thuốc trong các lọ có nắp đậy kín, vặn chặt, tốt nhất là có tủ y tế đóng vừa tầm tay người lớn hay tủ khóa với mọi loại thuốc. Ngay cả các loại thuốc dùng cho trẻ em cũng phải thận trọng và phải có chỉ dẫn rõ ràng của BS để tránh quá liều và những phản ứng có hại không mong muốn của thuốc. (Sức khỏe & Đời sống 6/10- trang 14)
Cắt khối u hơn 11kg trong ổ bụng
Ngày 5-10, Bệnh viện Đa khoa Bình Phước phẫu thuật thành công ca cắt bỏ khối u khổng lồ trong ổ bụng cho bệnh nhân Hoàng Thị Tý (50 tuổi, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) sau hơn hai năm "đeo" trong người.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trịnh, trưởng khoa ngoại tổng quát Bệnh viện Đa khoa Bình Phước, cho biết bệnh nhân nhập viện ngày 3-10 trong tình trạng tức bụng, khó ăn, đi vệ sinh khó khăn. Sau khi thực hiện siêu âm, xét nghiệm, chụp X-quang… các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mang hai khối u nang buồng trứng trái. Do tình trạng bệnh có dấu hiệu trở nặng, khối u đã chèn qua thận, dạ dày nên phải nhanh chóng cắt bỏ. Sau hai giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã bóc tách khối u trái (dài khoảng 40cm, rộng 30cm, nặng 10kg) và khối u phải (dài 10cm, rộng 10cm, nặng hơn 1kg) ra khỏi cơ thể bệnh nhân.