Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Dưa dại

Dưa dại

Mô tả: Cây leo sống nhiều năm, nhẵn hay gần như nhẵn. Lá rất đa dạng, hình mũi tên ở gốc, hơi nhọn mũi, có mũi nhọn ngắn đó đây trên mép lá; lá dài 9cm; cuống lá khoảng 1cm; tua cuốn dài, đơn. Hoa đực ở nách lá, gần như không cuống, thành ngù hay tán; hoa cái đơn độc. Quả đỏ, thuôn, dài 4-5cm, dày 20-25mm, gần như có góc. Hạt nhiều, gần hình cầu, ít dẹp, có bề mặt nhẵn, dài 6mm. Cây có nhiều dạng khác nhau.
Bộ phận dùng: Rễ củ và toàn cây – Radix et Herba Solenae Amplexicaulis.
Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Ấn Độ-Malaixia, mọc phổ biến ở nhiều nơi. Thu hái thân và lá vào mùa hè, đào rễ vào mùa thu, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.
Tính vị, tác dụng: Dưa dại có vị đắng, tính mát, có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, tiêu sưng. Rễ thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, tán kết ứ.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được dùng chữa 1. Đau họng, sưng yết hầu, viêm tuyến mang tai; 2. Viêm kết mạc cấp; 3. Viêm đường tiết niệu, viêm tinh hoàn; 4. Sốt thấp khớp; 5. Luput ban đỏ. Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài, trị viêm mủ da, eczema, bỏng, rắn cắn. Dùng cây, lá hay củ tươi giã đắp tại chỗ, hoặc phơi khô tán bột rắc.
Người ta dùng củ rễ Dưa dại thay vì Thiên hoa phấn. Củ và lá còn dùng làm thuốc, chữa ho, phù thũng, vàng da.
Ở Ấn Độ, dịch rễ phối hợp với nghệ và đường trong sữa nguội làm thuốc trị di tinh.
Đơn thuốc:
1. Đau họng, viêm đường tiết niệu, bỏng; Củ dưa dại rửa sạch, phơi khô nghiền thành bột, dùng 3-6g, ngày uống 2-3 lần. Hoặc thêm nước trộn, đắp ngoài, ngày 1-2 lần.
2. Rắn cắn, viêm mủ da, eczema: Củ dưa dại 15g sắc uống. Giã lá tươi đắp hoặc nấu nước rửa.
3. Đau bụng ỉa chảy: Rễ củ Dưa dại sắc hay tán bột uống, có thể nhai nuốt nước.

Gửi thảo luận