Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Dong

Dong

Mô tả: Cây thảo cao khoảng 1m, thân rễ hình củ. Lá thuôn hay thuôn mũi mác, dài 30-50cm, rộng 10-20cm, gốc nhọn, đầu có mỏ ngắn, hai mặt nhẵn; cuống lá dài, nhẵn; bẹ lá nhẵn hay có lông ít hay nhiều ở gốc. Cụm hoa hình đầu không cuống, mọc ở bẹ lá; lá bắc thuôn tù, màu tím nhạt hay thẫm. Hoa màu hồng hay màu tím, xếp 3 đôi trên từng bông riêng; lá bắc hình mũi mác, có lông; lá đài 3, hình dải; tràng hình ống ngắn hơn đài, các thuỳ hình trái xoan nhọn; nhị lép nhẵn, nhị lép vòng trong màu vàng nhạt; bầu có lông tơ màu vàng, 3 ô, mỗi ô có một noãn. Quả nang hình quả lê 3 cạnh, màu nâu sẫm, có 3 hạt.
Ra hoa tháng 5 đến tháng 8.
Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Phrynii Capitati.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở thung lũng ẩm trong rừng nhiều nơi thuộc Bắc Bộ và Trung bộ của nước ta.
Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chỉ huyết, lợi niệu.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ta thường dùng phiến lá gói bánh chưng. Rễ và lá được làm thuốc. Rễ dùng chữa 1. Sưng gan; 2. Bệnh lỵ; 3. Tiểu tiện đỏ đau. Lá dùng chữa 1. Xoang miệng bị lở loét; 2. Suy nhược. Dân gian dùng lá giã ra lấy nước uống trị say rượu.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), người ta dùng toàn cây chữa gan phù to, lỵ, đi đái đỏ đau, cảm mạo phát sốt, thổ huyết, ói ra máu, băng huyết, loét xoang miệng, mất tiếng, say rượu.

Gửi thảo luận