Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Dây xanh lông

Dây xanh lông

Mô tả: Dây leo, cành nhỏ; toàn cây có lông. Lá mọc so le, hình trứng thuôn, dài 3-9cm, rộng 1,3-6cm; gốc tròn, đầu tù và nhỏ hẹp, 3 gân chính nổi rõ, mép nguyên; cuống lá dài 0,3-1cm. Hoa rất nhỏ, màu vàng, tập họp thành chùm dài 2-5cm ở nách lá; chùm hoa mọc ở đầu cành thì dài hơn. Quả hạch tròn hơi dẹt, khi chín màu đen lam.
Bộ phận dùng: Rễ- Radix Cocculi Sarmentosi; ở Trung Quốc, người ta gọi là Kim toả chuỷ hay Mao mộc phòng kỷ. Rễ dài, hình trụ tròn, vỏ màu đen, cắt ngang ra thì thấy có tia thớ như nan hoa xe đạp. Thân cây cũng được dùng.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở vùng núi các tỉnh Hà Tây (Ba Vì), Ninh Bình (Chợ Gành). Quảng Ninh (Tiên Yên, Móng Cái) cho tới Lâm Đồng. Cũng phân bố ở Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản. Thu hái thân và rễ quanh năm, rễ mang về, rửa sạch, thái lát và phơi khô.
Thành phần hoá học: Cây chứa thunbergin và mufangchin.
Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính lạnh; có tác dụng thanh nhiệt lợi niệu, khư phong trừ thấp.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Rễ dùng chữa 1. Sưng hầu họng; 2. Thận viêm thuỷ thũng, sỏi niệu đạo, niệu đạo viêm nhiễm; 3. Đau dây thần kinh hông, chấn thương đau nhức. Liều dùng 12-20g, sắc uống, thường phối hợp với các vị thuốc khác. Còn dùng trị rắn độc cắn, nhọt độc, có thể dùng nấu nước uống trong và lấy rễ tươi giã đắp ngoài. Thân dùng làm thuốc lợi tiểu và làm giảm sưng đau chân.
Đơn thuốc:
1. Chữa phong thấp, khớp xương đau nhức, chân gối sưng phù, đau thần kinh hông, hay lao động đi đứng nhiều xuống máu sưng chân: Dây xanh lông 20g, Kê huyết đằng, Ngưu tất, Mộc thông, Tỳ giải, đều 12g; Đơn gối hạc, Thiên niên kiện, đều 8g; sắc uống.
2. Sỏi bàng quang, viêm thận cấp phù thũng, đái ra máu: Dây xanh lông, Huyết dụ, Mã đề, Mộc thông, Cỏ xước, rễ Cỏ tranh, mỗi vị 20g, sắc với bột Hoạt thạch 24g, chia làm 3 lần uống.

Gửi thảo luận