Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Dây càng cua

Dây càng cua

Mô tả: Dây leo bằng thân quấn. Cành già màu nâu xám hoặc nâu đỏ, có những nốt lồi. Lá mọc đối, gần sít nhau, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới nhạt. Hoa màu vàng mọc thành xim hai, ngả ở nách lá. Quả gồm 2 đại đối diện nhau làm thành một đường thẳng. Hạt có mào lông trắng.
Ra hoa tháng 5-7, quả tháng 8-10.
Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Cryptolepis.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở rừng, ven rừng từ vùng thấp cho tới 1000m; gặp nhiều ở Hà Tây, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang. Thu hái dây, lá quanh năm, tuỳ lúc mà sử dụng, thường dùng tươi lấy nhựa; dây phơi khô cất dành.
Thành phần hoá học: Toàn cây có nhựa mủ như sữa; nhựa mủ này có các thành phần: nước 69,8%, chất tan trong nước 2,8%, tro 1,2%, nhựa và mỡ 16,4%; protein và chất sợi 0,4%, cao su 10,1%.
Tính vị, tác dụng: Dây có vị chát, hơi đắng, tính lạnh, có độc; có tác dụng tán ứ, giảm đau, giải độc, rút mủ, sát trùng. Rễ, quả phát tán, cầm chảy máu mũi, làm xuống sữa nhanh.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ta thường dùng lá tươi hãm lấy nhựa bôi chữa nhọt mủ. Dây lá sao vàng sắc đặc uống thường dùng chữa bệnh còi xương, mất sữa.
Ở Ấn Độ, dây cũng được dùng chữa còi xương của trẻ em.
Ở Trung Quốc, người ta dùng toàn cây trị đòn ngã xương, mụn ghẻ, mẩn ngứa, mụn nhọt sưng lở và cũng dùng thí nghiệm chữa ung thư vú; rễ và quả dùng trị chảy máu cam; nhựa cây dùng bôi chữa gai đâm vào thịt.

Gửi thảo luận