Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Dâu rượu

Dâu rượu

Mô tả: Cây gỗ hay cây nhỡ; cành có lông tơ. Lá hình ngọn giáo thuôn dài, thon hẹp ở gốc, đầu nhọn hay có mũi nhiều hay ít, dài 13cm, rộng 4-5cm, nhẵn, nguyên, có khi có răng về phía đầu lá; mép lá hơi cuốn xuống phía dưới; cuống lá phẳng ở trên, có lông tơ xám, dài 2-10mm. Hoa khác gốc; bông đuôi sóc đực mảnh, mọc đứng hay thòng, hơi thưa hoa; bông đuôi sóc cái mọc đứng ít hay nhiều, dài 1-5cm. Quả hạch hơi dẹt, dài 10-15mm, khi chín màu đỏ, có 2 hàng lông, màu hung và nhiều núm nạc mọng nước. Hạch rất dày và rất cứng.
Hoa tháng 11-1, quả tháng 3-5.
Bộ phận dùng: Quả, hạt, vỏ thân, vỏ rễ – Fructus, Semen, Cortex et cortex Radicis Myricae.
Nơi sống và thu hái: Cây hình như phổ biến với nhiều thứ khác nhau ở Việt Nam, nhất là ở tỉnh Lâm Đồng (Núi Langbian) và ở tỉnh Quảng Bình. Còn phân bố ở Ấn Độ, Malaixia, Nam Trung Quốc, Nhật Bản. Người ta thu hái các bộ phận của cây quanh năm.
Tính vị, tác dụng: Quả có vị chua ngọt và thơm, có tác dụng bổ phổi và dịu đau dạ dày, làm lợi trung tiện.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả dâu rượu ăn được và dùng làm mát. Thứ Dâu rượu của Bắc Bộ Việt Nam mọc hoang trong rừng và được bán với tên Thanh mai; còn thứ Dâu rượu của núi Langbian thì quả nhỏ hơn và cũng ăn được. Ở Quảng Bình, người ta dùng quả tươi cho lên men chế rượu dâu dùng uống tốt thay các loại nước lên men; cũng có thể dùng quả khô để chế nước uống riêng. Trong y học, người ta thường dùng quả chữa rối loạn tiêu hoá, ỉa chảy và lỵ. Hạt được sử dụng chữa chứng ra mồ hôi liên tục ở chân; vỏ thân và vỏ rễ sắc uống dùng điều trị đụng giập, loét, các bệnh về da và ngộ độc arsenic.

Gửi thảo luận