Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Dầu đồng

Dầu đồng

Mô tả: Cây gỗ lớn; nhánh non màu tía, có lông mềm hay lông tơ. Lá dạng tim ở gốc, hình trái xoan, nhọn mũi, tù ở đầu, có kích thước lớn, dài 20-50cm, rộng 18-34cm, có lông tơ khi non, nhẵn khi già, mép lượn sóng, dai, có gân thứ cấp cách quãng. Hoa xếp 6-8 cái màu đỏ tía thành chùm. Ống dài gần hình cầu, dài 2-5cm, nhẵn có 5 lườn ngắn ở đầu; cánh 12-13cm, rộng 3cm ở đầu. Quả có lông mềm, hình cầu hay hình trứng nhọn mũi.
Mùa hoa tháng 12-1, mùa quả tháng 9-5.
Bộ phận dùng: Nhựa dầu, rễ – Oleoresina et Radix Dipterocarpi.
Nơi sống và thu hái: Cây phổ biến ở miền Nam Việt Nam và ở Campuchia, Lào, Thái Lan, Mianma. Ở nước ta, thường gặp Dầu đồng trong các rừng thưa cây họ Dầu (rừng khộp) và thường tạo thành các quần thụ gần như thuần loại, ở độ cao 200-800m so với mặt biển. Người ta thường trích cây lấy nhựa; rễ thu hái quanh năm.
Thành phần hoá học: Cây cho nhựa dầu màu xám nâu và tinh dầu.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Gỗ được dùng trong xây dựng thông thường, đóng đồ dùng gia đình, làm nông cụ, làm cầu. Nhựa dầu dùng để trát thuyền, đánh bóng đồ gỗ, thắp sáng và pha sơn. Ở Ấn Độ, nhựa dầu dùng trị loét. Nhựa chiết từ cây non bị chặt, cũng như gân lá được dùng ở Campuchia trị bệnh ngoài da. Rễ dùng trị bệnh về gan.

Gửi thảo luận