Đình chỉ lưu hành lô thuốc trị viêm đau dây thần kinh
Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vừa có quyết định đình chỉ lưu hành trên toàn quốc thuốc viên nang vitamin B1 250 mg lô số: 0112, hạn dùng: 040415, số đăng ký: VD-14171-11. Thuốc do Công ty CP dược S.Pharm (tỉnh Sóc Trăng) sản xuất.
Mới đây, mẫu thuốc do Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM lấy tại quầy bán lẻ của công ty này đã phát hiện thuốc không đạt các yêu cầu về chất lượng như công bố. Lô thuốc bị đình chỉ lưu hành vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan. Vitamin B1 250 mg được chỉ định chữa viêm đau dây thần kinh, thiếu vitamin B1, cơ thể suy nhược. Cục Quản lý dược yêu cầu Công ty CP dược S.Pharm phối hợp với nhà phân phối tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn. (Nông thôn Ngày nay, Hà Nội mới, Thanh niên 5/10 (trang 2))
Tự uống thuốc, gần 20 học sinh bị ngộ độc
Chiều 4.10, bác sĩ Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Q.2 (TP.HCM), cho biết trưa cùng ngày bác sĩ cùng xe cấp cứu của bệnh viện khẩn cấp đến Trường THCS Bình An (Q.2), khi hay tin có gần 20 học sinh của trường tự uống tân dược có biểu hiện ngộ độc.
Được biết, một nữ học sinh lớp 8 của trường mua 3 vỉ thuốc trị ho (vỉ 10 viên) để uống. Nhưng khi vào lớp, gần 20 em cùng lớp chia nhau uống thuốc từ 1 – 3 viên mỗi em, có 4 em uống mỗi em đến 3 viên. Sau khi uống, các em có biểu hiện ngộ độc (run tay, buồn nôn, chóng mặt), sợ quá các em đã báo với thầy cô.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, phần lớn các em bị nhẹ, nên được xử trí, theo dõi tại trường; chỉ có 4 em uống mỗi em 3 viên có dấu hiệu nặng hơn nên được đưa về bệnh viện (sau khi xử trí, nằm khoảng gần 2 giờ các em khỏe và được đưa về lại trường). Điều đáng nói, cửa hiệu bán thuốc tây đã bán cho một học sinh mới lớp 8 đến 3 vỉ thuốc khi không có toa bác sĩ, dẫn đến hậu quả như trên. (Tiền phong, Lao đông, Thanh niên 5/10 (trang 2))
Tăng phí chạy thận, bệnh nhân kêu trời
Nhiều bệnh nhân đang chạy thận tại khoa thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) kêu khổ khi các khoản chi phí chạy thận tại đây tăng vọt từ ngày 10-9.
Dù bệnh nhân bị suy thận mãn đều có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng mức đồng chi trả với cơ quan bảo hiểm 20% khiến họ gặp nhiều khó khăn khi phải gắn với việc chạy thận suốt đời.
Tăng 6 lần
Ghi nhận của chúng tôi tại khoa thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 2-10 cho thấy các khoản thu áp dụng cho bệnh nhân đang chạy thận bằng công nghệ HDF-Online (thẩm tách siêu lọc máu) tại đây đã tăng chóng mặt. Trong 30 khoản chi phí khi chạy thận, chỉ có bốn khoản giữ nguyên giá cũ, hai khoản giảm là dịch lọc Bicar (từ 160.000 đồng xuống 140.000 đồng), màng lọc high-flux 1.8 (sử dụng một lần rồi bỏ) từ 519.225 đồng xuống 501.900 đồng. Còn tất cả các khoản khác trong danh mục đều tăng cao, trong đó loại tăng cao nhất lên đến 6 lần! (xem bảng).
Đối với bệnh nhân lọc máu định kỳ theo công nghệ bình thường thì mức thu cũng tăng cao. Dịch sát khuẩn máy tăng từ 5.000 đồng lên 15.000 đồng, bộ chích AVF tăng từ 5.951 đồng lên 12.075 đồng, dây truyền dịch và tiền thuê máy cũng tăng…
Với mức tăng trên, nhiều bệnh nhân cho biết trung bình mỗi tháng họ phải đóng thêm 800.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng chi phí điều trị. Như vậy, tính ra tổng chi phí cho một lần điều trị tăng 30-50%.
Không biết trụ được bao lâu?
Bà L. kể quê bà ở Bạc Liêu, từ khi bị mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối, bà phải chuyển lên TP.HCM sống với con để tiện việc chữa bệnh. Con bà làm công nhân, tiền lương ít ỏi nhưng mỗi tháng vẫn phải chắt chiu, dành dụm chút tiền cho mẹ chạy thận. Ngoài suy thận, bà L. còn bị suy tim nên chi phí điều trị rất tốn kém. Trước đây, mỗi tháng bà phải đóng tiền đồng chi trả với cơ quan bảo hiểm hơn 6 triệu đồng để chạy thận. Với mức thu mới, bà không biết con mình có thể kham nổi chi phí chữa bệnh cho mẹ được bao lâu…
Nhiều bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy đều cho rằng mức tăng viện phí như trên là quá cao. Bà N.T.K. (Bình Thuận) cho biết mới đây bà phải bán ngôi nhà ở quê để lấy tiền chạy thận cho con trai. Con trai bà năm nay 27 tuổi nhưng đã bị suy thận bảy năm.
Các khoản thu tăng vọt như:
Khoản chi | Mức thu cũ | Mức thu từ 10-9 | Tăng |
Dịch sát khuẩn máy | 5.000 đồng | 30.000 đồng | 6 lần |
Dịch lọc Acetat | 40.000 đồng | 160.000 đồng | 4 lần |
Màng lọc low-flux (tái sử dụng) |
50.000 đồng | 100.000 đồng | 2 lần |
Găng tay vô trùng | 3.500 đồng/đôi | 6.350 đồng/đôi | ~ 2 lần |
Tiền phòng (nằm 4 giờ) | 10.000 đồng | 30.000 đồng | 3 lần |
(Tuổi trẻ 5/10 (trang 8))
Xuất hiện muỗi truyền sốt xuất huyết kháng hóa chất
Ngày 4-10, cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế Nguyễn Văn Bình cho hay qua thực nghiệm sinh học tại miền Trung, miền Nam và Tây nguyên đã thấy xuất hiện muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có khả năng kháng cự với hóa chất diệt muỗi, đặc biệt là hóa chất có tên Deltamethrrin.
Theo ông Bình, biện pháp chống lại loại muỗi này hiện hành là pha hóa chất với nồng độ đậm đặc hơn.
Trước đó, tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm phòng chống sốt xuất huyết với đại diện các nước Campuchia, Việt Nam, Lào, Singapore, đại diện Campuchia cho hay tình trạng lăng quăng kháng hóa chất đã gia tăng đến mức trầm trọng tại nước này. Campuchia đã phải pha hóa chất diệt lăng quăng với nồng độ cao hơn 50 lần nồng độ cho phép của Tổ chức Y tế thế giới. Ông Bình cho biết Campuchia diệt lăng quăng bằng cách pha hóa chất đổ thẳng vào nước chứa lăng quăng, VN sẽ không sử dụng biện pháp này và chỉ diệt lăng quăng bằng các hình thức như đậy kín dụng cụ chứa nước, những dụng cụ chứa nước đã có lăng quăng sẽ phải đổ bỏ hoặc sử dụng để nuôi cá.
Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho hay chín tháng đầu năm 2012, cả nước có trên 55.700 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2011. Trong khoảng hai tháng trở lại đây, số mắc sốt xuất huyết trung bình mỗi tuần ở mức 2.200-2.500 ca mắc mới/tuần, cao hơn mức trung bình của các tháng trước đó. Tuy nhiên theo ông Bình, so với bình quân chung của năm năm gần đây, số mắc sốt xuất huyết năm 2012 vẫn thấp hơn 26%.
* Cũng theo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM, tính đến ngày 25-9 toàn thành phố có 7.935 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện (sáu ca tử vong), giảm 8,7% so với cùng kỳ 2011 (8.599 ca). Tuy số ca mắc trong tháng 9 có giảm so với tháng trước, nhưng TP bắt đầu mưa nhiều nên số ca mắc sốt xuất huyết giảm chỉ là tạm thời. (Phụ nữ, Tuổi trẻ 5/10 (trang 8))
Mới có 20% số người mắc bệnh Hemophilia được chẩn đoán
"Chung tay vì người bệnh máu khó đông – Hemophilia" là thông điệp được Hội Rối loạn đông máu di truyền Việt Nam đưa ra nhân Ngày Hemophilia thế giới vừa qua.
Hemophilia – hay còn gọi là rối loạn chảy máu – do gen di truyền rất nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Biểu hiện của bệnh là chảy máu khó cầm ở khắp các vị trí trên cơ thể. Chảy máu xuất hiện tự nhiên hoặc liên quan tới những sang chấn nhỏ trong cuộc sống. Vị trí chảy máu hay gặp nhất là cơ và khớp.
Nước ta ước có gần 6 nghìn người mắc bệnh Hemophilia, nhưng số người bệnh được chẩn đoán và quản lý mới chỉ chiếm 20%. Nguyên do là hiểu biết của cộng đồng, của bệnh nhân về bệnh còn hạn chế nên đa số bệnh nhân bị chẩn đoán muộn và chưa biết cách tự chăm sóc. Bên cạnh đó, chế phẩm máu điều trị cho bệnh nhân còn chưa được cung cấp đủ, dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân bị biến chứng tàn tật còn cao (chiếm hơn 60%).(Hà Nội mới, Gia đình & Xã hội 5/10 (trang 7))