1. Vitamin trong thức ăn hay vitamin tổng hợp đều tốt
Xét về mặt cấu trúc hóa học và hoạt tính sinh học, cũng như tính năng tác dụng thì không có sự khác biệt giữa hai loại vitamin này. Hơn nữa, khác với vitamin có trong thức ăn, vitamin tổng hợp sẽ được cơ thể hấp thu 100% qua ruột. Đồng thời, vitamin tổng hợp hết sức an toàn, kể cả những thực phẩm dinh dưỡng gồm hỗn hợp sữa trộn lẫn vitamin dành cho trẻ. Nhưng thực ra, để có đủ vitamin cần thiết cho cơ thể, không cần phải dùng vitamin tổng hợp, mà chỉ cần hàng ngày ăn uống đủ các loại thức ăn giàu vitamin.
2. Nên thường xuyên bổ sung vitamin
Trong quá trình tiến hóa, đa số động vật và con người đã mất đi khả năng tự tổng hợp vitamin, trong khi vitamin vẫn rất cần thiết cho nhiều quá trình trao đổi chất và các phản ứng sinh hóa phức tạp của cơ thể bằng cách giúp các men hoạt động tốt hơn. Do đó, phải thường xuyên bổ sung vitamin cho cơ thể, thông thường nhất là qua đường ăn uống. Nếu không cung cấp đầy đủ vitamin, những men tham gia vào chu trình sống có thành phần vitamin sẽ không hoạt động được và có thể bệnh lý sẽ xuất hiện.
Ngay sau khi thiếu vitamin, sự trao đổi chất trở nên rối loạn, cơ thể bị suy yếu, như trong trường hợp thiếu vitamin B12 sau khi cắt đoạn dạ dày, viêm dây thần kinh; hoặc thiếu vitamin B1 gây suy tim… Nếu được bổ sung vitamin kịp thời, dù bằng đường tiêm hay uống, đều có thể mang lại kết quả khả quan.
3. Dùng vitamin thường xuyên không gây béo phì
Nhiều trường hợp khi cơ thể thiếu vitamin, người ta sẽ ăn nhiều hơn để bổ sung mức vitamin cần thiết và điều này làm tăng cân. Với cuộc sống phát triển ngày nay thì nguyên nhân chủ yếu gây thiếu vitamin là do thiếu vitamin trong khẩu phần ăn. Nguyên nhân vì chúng ta tiêu hao năng lượng do vận động ít hơn, lao động chân tay ít nên ăn ít hơn. Khẩu phần ăn hạn chế này không cung cấp đủ các loại vitamin và chất khoáng cho cơ thể. Thường là thiếu nhiều loại vitamin cùng một lúc, nên khi điều trị cần phối hợp nhiều loại vitamin. Nếu bổ sung đầy đủ vitamin sẽ giúp bình thường hóa quá trình trao đổi chất mà không hề làm tăng trọng lượng cơ thể.
4. Uống vitamin vào sau bữa ăn là tốt nhất
Khi hấp thu vào cơ thể, có 4 loại vitamin phải tan trong mỡ mới hấp thu được, đó là vitamin A, K, D, E. Còn lại là các vitamin tan trong nước. Vì thế, người ta khuyên nên uống các loại vitamin sau bữa ăn.
Có thể uống riêng từng loại vitamin hoặc uống chung một lúc đều được, bởi tất cả chúng đều được hấp thu trong ruột non mà không hề có sự tương tác lẫn nhau.
5. Vitamin không gây dị ứng
Do tham gia vào nhiều quá trình trao đổi chất của cơ thể nên vitamin không phải là chất xa lạ với cơ thể con người. Vitamin không làm hình thành kháng thể, tức là không thể kích thích những phản ứng dị ứng. Vấn đề chủ yếu là liều lượng. Vitamin trở nên nguy hiểm, có thể gây chết người khi tiêm truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp liều cao. Trong trường hợp này, người ta thường tưởng nhầm tác dụng phụ của việc dùng vitamin quá liều là dị ứng.
6. Với liều bình thường, ít có khả năng ngộ độc vitamin
Các vitamin tan trong nước khi thừa đều bài tiết ra ngoài cơ thể theo nước tiểu, như vậy không có sự đe dọa về tình trạng nhiễm độc vitamin. Còn các vitamin tan trong mỡ không thể đào thải qua thận mà lượng thừa đều được dự trữ trong mô mỡ của gan. Khả năng tích lũy của gan lớn nên có thể đủ dự trữ, chịu đựng trong một thời gian dài. Chỉ khi sự quá liều quá lớn, gấp tới hàng nghìn lần mới gây nguy hiểm; Trường hợp này thường xảy ra khi dùng vitamin dạng dầu. Vì thế không nên cho trẻ nhỏ uống vitamin D bằng thìa như khi cho uống dầu cá.
7. Bệnh lý mạn tính đường tiêu hóa ảnh hưởng đến việc hấp thu vitamin
Quá trình hấp thu vitamin thường diễn ra ở ruột non. Tình trạng bệnh lý mạn tính của dạ dày, ruột sẽ ảnh hưởng căn bản, trực tiếp đến sự hấp thu này. Bệnh lý của túi mật, gan cũng ảnh hưởng đến việc hấp thu các vitamin tan trong mỡ. Lúc này, thường phải uống liều cao các vitamin tan trong mỡ.
8. Hút thuốc lá làm tăng nhu cầu vitamin của cơ thể
Hút thuốc lá làm tăng nhu cầu vitamin của cơ thể bởi nó làm tăng quá trình khử oxy hóa trong quá trình chuyển hóa chất. Qua nghiên cứu, người ta thấy hàm lượng vitamin C và vitamin E trong máu những người hút thuốc lá thấp hơn 1,5 lần so với người không hút. Hàm lượng các vitamin khác cũng thấp hơn và nhu cầu vitamin của họ tất nhiên cũng cao hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là liều lượng vitamin cao sẽ chống được tác hại của thuốc lá.
Hơn nữa, người nghiện thuốc lá lại hay bị những bệnh đường tiêu hóa kèm theo, nên quá trình hấp thu vitamin còn bị rối loạn nhiều hơn.
9. Một số vitamin có thể làm chậm quá trình lão hóa
Hàng loạt nghiên cứu về tác dụng chống lão hóa của vitamin đã được thực hiện. Nhưng cho đến nay, chỉ mới có 3 loại vitamin được khẳng định và chứng minh đầy đủ là có tác dụng chống lão hóa hiệu quả trên người, đó là tiền vitamin A (beta-caroten), vitamin E và vitamin C.
Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu sinh khả dụng dạng bào chế đã xác định được công thức phối hợp tối ưu thành phần viên thuốc chống lão hóa gồm: 15mg beta-caroten, 400mg vitamin E, 500mg vitamin C và 50mcg selen. Nếu mỗi ngày, mỗi người uống một viên thuốc có hàm lượng đúng như trên mới thực sự có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa.
Tình trạng thiếu vitamin ảnh hưởng trước hết đến da, tóc và móng chân, móng tay. Để khắc phục, chúng ta phải thường xuyên uống bổ sung vitamin. Vitamin không thể làm con người trẻ ra, nhưng có thể làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể.