Theo phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhiễm khuẩn đường tiết niệu là bệnh hay gặp ở trẻ (đứng thứ 3 sau viêm đường hô hấp và tiêu hóa). Đặc biệt hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, chiếm đến gần 57%, do cơ chế đề kháng miễn dịch của bé chưa đầy đủ.
Trẻ gái dễ mắc hơn bé trai do cấu tạo sinh lý niệu đạo ngắn, lỗ tiểu lại gần với hậu môn. Ở bé trai, có một số do có dị dạng ở đường tiểu, nhất là hẹp bao quy đầu làm cho nước tiểu thường xuyên bị ứ lại gây viêm đường tiết niệu ngược dòng.
Khi thấy trẻ sốt kéo dài không rõ nguyên nhân cha mẹ nên nghĩ đến viêm đường tiết niệu. Ảnh minh họa: P.N.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất khác nhau theo từng lứa tuổi, từng thể bệnh. Với trẻ dưới 2 tuổi, biểu hiện bệnh đôi khi chỉ là sốt, đôi khi sốt rất cao, kém ăn… Trẻ càng nhỏ càng sốt cao. Bệnh có thể diễn biến nặng khi vi trùng đường tiết niệu vào trong máu gây nhiễm trùng máu. Ở lứa tuổi này, sau khi khám, loại bỏ hết các bệnh nếu không thấy nhiễm trùng ở đâu thì phải làm thêm các xét nghiệm khác, đặc biệt là xét nghiệm nước tiểu.
Bệnh chỉ bắt đầu có triệu chứng ở đường tiết niệu như: đái buốt, đái rắt… khi trẻ ở độ tuổi từ 2 đến 6. Trẻ có thể chưa nói được chính xác biểu hiện bệnh mà chỉ kêu đái đau. Trẻ có biểu hiện sốt nhưng ít hơn, nhiều trẻ không sốt. Bệnh tiến triển không nặng, dễ chữa nhưng cha mẹ thường dễ bỏ qua.
Với trẻ trong tuổi học đường (bao gồm tuổi dậy thì, tiền dậy thì), bệnh bắt đầu có triệu chứng gần giống người lớn: đái buốt, đái rắt rất rõ ràng, ngồi một tý lại đứng lên đi tiểu, có thể đái đục không trong. Ở lứa tuổi này, trẻ thường không sốt.
Nguyên nhân gây ra bệnh chủ yếu là vi khuẩn, thường gặp nhất là E.coli, một vi khuẩn điển hình nhất ở trong ruột. Khi vệ sinh không tốt thì dẫn đến lây lan vi khuẩn từ hậu môn sang đường sinh dục, gây viêm đường tiết niệu.
Một số trẻ không mặc quần hoặc mặc quần thủng đít, hay lăn lê trên mặt đất cũng rất dễ mắc. Đặc biệt là hiện nay, nhiều bà mẹ đóng bỉm con nhưng không biết cách có thể khiến bé mắc bệnh, nhất là mỗi khi cả phân và nước tiểu lẫn lộn với nhau tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Theo các bác sĩ, ủ tã cho con quá lâu sẽ khiến da của trẻ bị ẩm ướt trong một thời gian dài, thiếu sự lưu thông không khí. Hơi nóng, ấm không thoát được ra ngoài là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển.
Vì thế, cha mẹ cần lưu ý thay bỉm thường xuyên 4 tiếng một lần, tối đa là 6 tiếng và nên thay ngay sau khi bé đi ngoài. Cho bé để da trần 20 phút trước khi tiếp tục thay tã mới. Khi vệ sinh cho con thì nên thực hiện từ trước ra sau, tránh đưa vi khuẩn từ hậu môn sang.
Khác với người lớn, bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ có thể tái đi tái lại. Sự tái phát nhiều lần này chính là nguyên nhân dẫn đến những tổn thương thận không hồi phục, suy thận sau này. Vì thế, khi thấy trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân, hay sờ vào dương vật, kêu đái đau… cha mẹ cần đưa con đi khám sớm để được điều trị kịp thời. Khoảng 10-15% những trường hợp sốt không rõ nguyên nhân là mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu, phó giáo sư Dũng khuyến cáo.