Nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp, riêng với nghề y, đạo đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu, bởi vì bản chất của nghề y là chữa bệnh cứu người.
Lịch sử y học Việt Nam có rất nhiều danh y nổi tiếng về đạo đức nghề nghiệp và tài năng chữa bệnh, nhưng cũng có không ít những người trong ngành y tế có những biểu hiện sa sút về y đức. Chúng ta hãy đọc lại những lời giáo huấn của đại danh y Lê Hữu Trác (1720-1791) về y đức.
Trong cuốn sách đồ sộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 66 quyển, Lê Hữu Trác dành hẳn một chương (phần “Y huấn cách ngôn”) để nói về đạo đức của người thầy thuốc. Bậc đại danh y đã vạch trần, cảnh báo, phê phán một cách nghiêm khắc những biểu hiện thiếu y đức của thầy thuốc. Phải chăng ở thời ông, y đức cũng có những biểu hiện suy đồi? Ông nêu ra 8 tội người thầy thuốc cần tránh:
– Có bệnh xem xét đã rồi mới cho thuốc, vì ngại đêm mưa vất vả không chịu thăm mà đã cho phương, đó là tội lười.
– Có bệnh cần dùng thứ thuốc nào đó mới cứu được nhưng sợ con bệnh nghèo túng không trả được vốn nên chỉ cho thuốc rẻ tiền, đó là tội bủn xỉn.
– Khi thấy bệnh chết đã rõ, không bảo thực lại nói lơ mơ để làm tiền, đó là tội tham lam.
– Thấy bệnh dễ chữa nói dối là khó chữa, dọa người ta sợ để lấy nhiều tiền, đó là tội lừa dối.
– Thấy bệnh khó đáng lẽ nói thực rồi hết lòng cứu chữa nhưng lại sợ mang tiếng không biết thuốc, vả lại chưa chắc chắn đã thành công, không được hậu lời nên không chịu chữa đến nỗi người ta bó tay chịu chết, đó là tội bất nhân.
– Có trường hợp người bệnh ngày thường có bất bình với mình khi mắc bệnh phải nhờ đến mình liền nghĩ ra ý nghĩ oán thù không chịu chữa hết lòng, đó là tội hẹp hòi.
– Thấy kẻ mồ côi goá bụa, người hiền, con hiếm mà nghèo đói ốm đau cho là chữa mất công vô ích không chịu hết lòng, đó là tội thất đức.
– Lại như xét bệnh còn lơ mơ, sức học còn non đã cho thuốc chữa bệnh, đó là tội dốt nát.
Đồng thời, Lê Hữu Trác đưa ra 9 điều mà người thầy thuốc nên theo và kết luận: “Nghĩ thật sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là nghề bảo vệ sinh mạng con người (…). Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà làm liều lĩnh học nghề cao quí đó chăng”.
Và: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình không nên cầu lợi kể công”.
Điều đáng quí là ở đại danh y Lê Hữu Trác, lời nói luôn đi đôi với việc làm, vì vậy có sức thuyết phục mạnh mẽ. Lê Hữu Trác được nhân dân ngợi ca như một tấm gương thầy thuốc hết lòng thương yêu người bệnh, coi thường lợi danh.
Những lời di huấn của bậc đại danh y đến nay vẫn nóng hổi tính thời sự, khi ngày nay không ít bác sỹ, y tá, hộ lý vẫn vô cảm trước nỗi đau của người bệnh và tìm mọi cách “móc túi” người bệnh.