Trang chủ » Diễn đàn Danh Y » Chuyện nghề » Dùng thuốc nội – Bắt đầu từ đâu?

Dùng thuốc nội – Bắt đầu từ đâu?

Phải tăng cường sản xuất thuốc nội đúng hướng

Đầu tiên, cần nghiên cứu sản xuất các dạng thuốc đáp ứng được yêu cầu sinh dược học tối ưu. Một ví dụ: Rất đông người cao tuổi hiện đang dùng nifedipin trong bệnh suy mạch vành, tăng huyết áp. Cần sản xuất được nifedipin phóng thích hoạt chất chậm bằng cấu trúc vi phân bằng thẩm thấu. Nếu không, người  dân vẫn phải dùng nifedipin có đặc tính này (adalat retard 20ng – hay adalat LA 30mg) của Hãng Bayer AG (Đức). Mỗi năm cả thế giới chỉ có khoảng vài chục phân tử mới phát minh. Ngay ở các nước có nền công nghiệp dược phẩm tiên tiến thì việc thay đổi dạng bào chế theo hướng này là cách để tăng khả năng cạnh tranh, tăng mức tiêu thụ thuốc, rất được chú ý. Ta cũng có một số kinh nghiệm, chẳng hạn khi sản xuất ra thuốc nội aspirin pH8, tan chậm, uống không gây cồn cào, thì  người bệnh chọn dùng mà không đòi hỏi loại của nước ngoài. Rất tiếc kinh nghiệm này chưa được chú ý phát huy trên diện rộng ưu tiên cho các thuốc có mức tiêu thụ cao. 
Nền dược phẩm nước ta chủ yếu  là công nghiệp bào chế, đa phần theo kỹ thuật “bào chế quy ước”: sản xuất thuốc gốc (generic), đánh giá chất lượng bằng chỉ tiêu về lý hóa. Cùng một hoạt chất, thuốc nội có đến 20-30 biệt dược trùng lặp (năm 2010 có 10.000 số đăng ký còn hiệu lực, song chỉ có 500 hoạt chất). Trong khi cùng một hoạt chất thuốc ngoại chỉ có 1 – 4 biệt dược (năm 2010 có 10.000 số đăng ký còn hiệu lực song chỉ có dưới 1.000 hoạt chất).Trước những năm 90 của thế kỷ 20, khi cả nước “thiếu thuốc”, bung sản xuất ra theo “thế mạnh bào chế” đã giúp cho các địa phương có thuốc dùng tại chỗ. Nay trong xu thế cạnh tranh dược phẩm khốc liệt trên phạm vi thế giới, nếu duy trì thế mạnh ấy chỉ ở mức này thì sẽ trở thành “thế yếu”. Sản xuất nhiều biệt dược trùng lặp khiến cho mỗi xí nghiệp phải sản xuất nhiều mặt hàng, song doanh số mỗi mặt hàng lại thấp, khó tập trung đầu tư kỹ thuật nâng cao chất lượng, tốn kém cả về chi phí sản xuất và thương mại.

 

Ngày trước, với mô hình bệnh tật chủ yếu là bệnh nhiễm khuẩn, thì chỉ cần sản xuất đủ các loại thuốc kháng sinh cổ điển… là có thể tăng tỷ lệ dùng thuốc nội lên khá dễ dàng! Ngày nay, với mô hình bệnh tật vừa là các bệnh nhiễm khuẩn vừa là bệnh không nhiễm khuẩn thì lại cần nhiều loại thuốc khác. Chẳng hạn: thuốc cho các nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn đa kháng (kháng sinh thế hệ mới nhất) thuốc kháng các chủng virut mới như cúm A/H5N1, SARS (zanamivir, oseltamivir), thuốc cho HIV/AIDS (các ARV-anti-Retrovirus), thuốc chữa viêm gan B, C mạn (interferon pegylat, lamivudin, adefovir), thuốc cho các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp (entanrecept, infliximat), thuốc kháng đông thế hệ mới (clopidogrel), thuốc cho suy  tim nặng thế hệ mới (nesiritid), thuốc ung thư thế hệ mới (rutiximat, eritus), hormon tăng trưởng (growth hormon-GH), yếu tố tăng trưởng gan (hepatocyt growth factor-HGF), thuốc kích thích miễn dịch chủ động (interferon – IFN), giúp miễn dịch thụ động (immunoglobulin-Ig). Đây là nhu cầu có thật của nhiều tầng lớp dân cư đang ngày càng lớn lên. Thực tế, ta cũng nhập một số thuốc này (chính thức, từng đợt theo yêu cầu của các bệnh viện, hay người bệnh có dùng dưới dạng quà biếu, ra nước ngoài chữa bệnh). Những thuốc này có giá cao hoặc rất cao. Chỉ cần nhập một số ít loại này cũng làm tăng đáng kể tỷ lệ doanh số thuốc ngoại, nếu nhập tất cả với số lượng thỏa mãn nhu cầu thì doanh số thuốc ngoại còn tăng cao hơn nữa! Phần lớn các thuốc này sản xuất bằng công nghệ tiên tiến  chủ yếu là công nghệ sinh học thế hệ mới (biến đổi, tái tổ hợp gen), được đánh giá là “công nghệ cứu cánh” của ngành dược tương lai. Ngành dược nước ta chưa có Viện nghiên cứu sản xuất dược phẩm theo công nghệ này. Nếu  không đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu này thì ngay bây giờ việc nâng cao tỷ lệ dùng thuốc nội đã khó, tương lai còn khó hơn.  Quanh ta, các nước thuộc nhóm đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan… đã sản xuất các thuốc này từ 5 – 7 năm nay, ngay các tỉnh của Trung Quốc cũng sản xuất được immunoglobulin (Ig) hepatocyt growth factor (IGF). Bây giờ, đặt vấn đề nghiên cứu sản xuất các thuốc này không còn sớm. Thập niên 70 – 80 của thế kỷ 20, phần lớn các thuốc này đã đi vào thị trường. Nếu  khởi động nghiên cứu ngay thì 10 năm sau mới có sản phẩm nghĩa là đã chậm hơn các nước tiên tiến gần 50 năm!

Nâng cao, chứng minh được chất lượng không thua kém của thuốc nội

Năm 1997 có 90 cơ sở sản xuất đáp ứng mới 20% nhu cầu; 2010 ta có 103 trong số 180 cơ sở sản xuất thuốc đạt yêu cầu GMP, đáp ứng tới 48,8% nhu cầu thuốc của cả nước. Con số này nói lên sự tăng trưởng khá nhanh về số lượng và chất lượng thuốc nội.

Theo quy ước ngành dược phẩm thế giới, các biệt dược đi từ cùng một hoạt chất chỉ được coi có giá trị chữa bệnh như nhau khi có tương đương sinh học (TĐSH). Bộ Y tế quy định bắt buộc phải thử TĐSH với nhiều loại thuốc. Song, đến năm 2010, cả nước mới có 76 loại được cấp giấy chứng nhận đạt TĐSH, một số ít thuốc khác còn sắp đang trong quá trình chờ thử. Cả nước mới chỉ có Viện Kiểm nghiệm dược phẩm TW (Hà Nội), Phân viện TP.HCM thử được TĐSH. Ngay cả các nơi  này cũng chưa hoàn hảo (thiếu máy móc, mẫu đối chiếu).

Các loại thuốc cổ điển, dùng từ lâu, Bộ Y tế không bắt buộc thử TĐSH học.Tuy nhiên ngày trước sản xuất chúng trong điều kiện khá thô sơ, tạo cho thầy thuốc, người bệnh “mối hoài nghi” về chất lượng! Nay ta sản xuất chúng trong cơ sở đạt GMP. Nếu chịu tốn một ít kinh phí theo dõi lâm sàng so sánh chúng với thuốc ngoại sẽ rất hữu ích. Kết quả so sánh sẽ  xóa bỏ “mối hoài nghi” này.

Trên lĩnh vực này, ta có nhiều nỗ lực nhưng cần nhiều nỗ lực hơn nữa mới đạt yêu cầu đề ra.

Đẩy mạnh việc dùng thuốc nội phải bắt đầu từ việc tăng cường thực lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.         

Gửi thảo luận