Trang chủ » Diễn đàn Danh Y » Chuyện nghề » “Tâm hồn không tĩnh lặng”

“Tâm hồn không tĩnh lặng”

Tôi với chị biết nhau có lẽ là tình cờ nhưng cũng là cái duyên của hai chị em. Cái ngày hai chị em gặp nhau, tôi vẫn còn nhớ mãi. Hôm ấy, ngày thứ ba, không phải là ngày cho thuốc bệnh nhân điều trị. Tôi đang ngồi trong phòng làm việc thì có tiếng gõ cửa. Một phụ nữ bước vào, với giọng Quảng Ngãi nhẹ nhàng, chị nói: “Cho tôi gặp bác sĩ Trang”. Tôi mời chị ngồi, chị nói là có người quen giới thiệu vào gặp tôi để khám bệnh. Vẫn như những bệnh nhân khác, tôi khám và tư vấn, kê đơn cho chị. Cứ đều đặn, đến hẹn, chị khám lại, tôi với chị càng hiểu và thân nhau hơn. Tôi biết rằng chị tìm đến tôi qua đọc một bài báo tôi viết trên báo Sức khỏe&Đời sống, đồng thời chị cũng là tổng biên tập của một tờ báo lớn.

Bác sĩ – nghề được xã hội tôn vinh và trân trọng nhưng có lẽ bệnh nhân tặng bác sĩ sách thì không nhiều. Tôi có may mắn trong 10 năm công tác của mình đã được hai bệnh nhân tặng sách, đó là một cậu sinh viên bị bệnh hưng cảm sau khi đi du học ở Mỹ về, tặng tôi cuốn Những điều quyết định sự thành công khi tôi còn đang học bác sĩ nội trú và người thứ hai là chị khi tôi đã ra trường, công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, cuốn sách Tâm hồn không tĩnh lặng (An unquiet mind) của tác giả Kay Redfield Jamison. Một điều thú vị: tác giả của cuốn sách này là một giáo sư, tiến sĩ về tâm thần học của Mỹ, giảng dạy ở Trường đại học Johns Hopkins, bà được phong danh hiệu bác sĩ xuất sắc nhất Hoa Kỳ vì những cống hiến của mình, bà cũng chính là bệnh nhân của căn bệnh hưng trầm cảm. Tác giả ghi lại hồi ký của mình, một người bệnh tâm thần, bằng sự trải nghiệm của mình đã viết nên cuốn sách như một niềm cổ động lớn lao cho cả bệnh nhân và những người làm công tác trong ngành tâm thần như chúng tôi. Tôi nhớ hồi còn là sinh viên, có hôm được giảng về lâm sàng, các thầy có nói “Làm bác sĩ phải thấu hiểu nỗi đau và đau cái đau của người bệnh mới có thể cảm thông và hiểu người bệnh, mới có thể làm tốt được trách nhiệm của người thầy thuốc”. Và có lẽ tác giả Jamison đã làm được điều đó. Tác giả đã trải qua những cơn hưng cảm, trong cơn hưng cảm, mọi việc, mọi ý nghĩ đến rất nhanh, làm việc cảm thấy không biết mệt mỏi, có thể làm việc mà không ngủ, hết ngày này qua ngày khác, và khi có những cơn trầm cảm thì lại buồn chán, ủ rũ, muốn chết. Nhưng tác giả đã vượt qua tất cả, để trở thành một nhà khoa học với nhiều cống hiến trong sự nghiệp của mình.

Căn bệnh hưng trầm cảm, một căn bệnh đáng sợ giết chết hàng chục nghìn người trên thế giới mỗi năm, chủ yếu là những người trẻ tuổi, những người này hoàn toàn có thể sống tốt, đem lại lợi ích cho xã hội nếu họ được điều trị và có sự giúp đỡ của cộng đồng, rất nhiều người trong số họ đã thành đạt như tác giả Jamison.

Tôi cũng đã gặp nhiều em bệnh nhân mắc chứng hưng trầm cảm là những tài năng đoạt giải cao trong các cuộc thi như Đường lên đỉnh Olympia, có những em là thủ khoa các trường đại học, mong rằng các em đều có thể chế ngự được căn bệnh này để trở thành người có ích cho xã hội.

Tâm hồn không tĩnh lặng dày hơn 300 trang, là một cuốn sách viết về khoa học nhưng không khô khan, đầy cảm xúc. Vừa là một bệnh nhân, vừa là một bác sĩ công tác trong lĩnh vực tâm thần, tác giả đã tâm sự về những khổ sở của các cơn hưng cảm và trầm cảm, nhưng nhờ ý chí bản thân và sự giúp đỡ của đồng nghiệp, chị đã hiểu rằng căn bệnh này như một “con thú dữ”, nó vừa là kẻ thù, vừa là bạn đồng hành. Muốn thuần phục được nó thì phải nắm được nó, đó chính là sự hiểu về trạng thái tâm thần của mình để kiểm soát việc điều trị của mình cho tốt.

Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn sách ấy, vì nó vừa là một tác phẩm văn học, vừa là một cuốn tài liệu khoa học về bệnh tâm thần, công việc của tôi. Với tôi, cuốn sách thật hay và cảm ơn chị cũng là bệnh nhân của tôi, người đã tặng tôi một cuốn sách quý. Tôi cũng thầm cảm ơn Nhà xuất bản Thông tấn và dịch giả đã đem lại một cuốn sách hữu ích cho người làm công tác trong lĩnh vực tâm thần và những người bệnh tâm thần, một lĩnh vực còn nhiều sự mặc cảm của xã hội và có thể gặp những nguy hiểm từ những người bệnh khi họ không kiểm soát được hành vi của mình.

Chủ nhật, cuối tuần, trời mưa. Thấy tôi đăm chiêu suy nghĩ, con gái hỏi: “Mẹ nghĩ gì vậy?”. Tôi không trả lời và cháu lại hỏi: “Con chơi cho mẹ một bản nhạc nhé? Mẹ thích bản nhạc nào?”. “Con hãy cho mẹ nghe bản sonate Ánh trăng của Mozart nhé, mẹ thích nghe nó bây giờ!”. Có lẽ tôi muốn tâm hồn của mình tĩnh lặng trong lúc này. 

  BS. Yến Trang

Gửi thảo luận