Dấu hiệu thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp, cột sống là sự hóa già tất yếu của quy luật lão hóa, không nên coi đó là bệnh lý thực sự. Thoái hóa thường thấy ở cột sống thắt lưng, cột sống cổ, khớp gối, khớp háng, ngón tay…
Người bệnh thường cảm thấy đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi. Đau thường đối xứng hai bên tại vị trí của khớp hoặc đoạn cột sống thoái hóa. Có thể đau lan khi có chèn ép rễ và dây thần kinh. Đau diễn biến thành từng đợt, có thể đau âm ỉ, liên tục tăng dần. Đau không kèm các biểu hiện nóng, đỏ, sốt…
Hạn chế vận động: các động tác của khớp và cột sống bị hạn chế một phần. Khi có hạn chế nhiều thì thường do các phản ứng co cơ kèm theo. Có thể không làm được hoặc làm các động tác khó khăn: quay cổ, cúi sát đất, ngồi xổm.
Biến dạng: do gai xương hoặc thoát vị màng hoạt dịch. Thường biến dạng không nhiều.
Các dấu hiệu khác: teo cơ do ít vận động, tràn dịch khớp, tiếng lạo xạo khi vận động ít có giá trị.
Chụp Xquang thấy có 3 dấu hiệu cơ bản: hẹp khe khớp (khe hẹp không đều, không bao giờ có dính khớp); đặc xương dưới sụn; mọc gai xương: ở rìa ngoài thân đốt sống, phần tiếp giáp xương sụn và màng hoạt dịch.
Đó là những dấu hiệu điển hình của thoái hóa khớp. Rất nhiều người cao tuổi, trên phim Xquang có dấu hiệu của thoái hóa nhưng không hề có biểu hiện trên lâm sàng và cũng không ảnh hưởng gì tới sinh hoạt và lao động. Một số rất ít, mức độ thoái hóa nặng có thể có các dấu hiệu như đau, hạn chế vận động nhưng thường sẽ khỏi sau khi được nghỉ ngơi hợp lý, dùng thuốc đúng cách.
Thoái hóa khớp có nguy hiểm không?
Người ta nhận thấy đa số người cao tuổi trên phim Xquang đều có hình ảnh của thoái hóa khớp. Nhưng trong số họ chỉ có rất ít người là có biểu hiện trên lâm sàng như: đau, hạn chế vận động, biến dạng khớp.
Người ta chia thoái hóa khớp làm 2 loại: nguyên phát và thứ phát. Thoái hóa khớp nguyên phát là những thoái hóa gặp ở người già cùng với sự lão hóa của tế bào sinh học trong cơ thể. Mức độ thường nhẹ. Thoái hóa khớp thứ phát thường gặp ở người trẻ (có thể dưới 40 tuổi). Thông thường đi cùng hoặc xuất hiện sau một quá trình bệnh lý mạn tính tại khớp: viêm khớp mạn, chấn thương, dị tật bẩm sinh. Loại thoái hóa này mức độ thường nặng hơn. Ở các khớp ngoại vi: gây đau, hạn chế vận động của khớp. Ở cột sống: ngoài đau, hạn chế vận động còn chèn ép rễ, dây thần kinh.
Điều trị bằng cách nào?
Như trên đã trình bày, thoái hóa khớp, cột sống không hẳn là bệnh lý mà là hậu quả của sự già hóa cơ thể. Hiện nay chưa có thuốc để “cải lão hoàn đồng”, cũng như chưa có thuốc nào ngăn chặn được sự hóa già của tổ chức sụn.
Hiện nay, việc điều trị thoái hóa khớp được tiến hành theo từng bước: (theo giai đoạn bệnh):
Khi bệnh nhân mới đau ít: Cần hạn chế vận động, cần nghỉ ngơi, có các bài tập thể dục hợp lý, tránh một số hiểu lầm như đau khớp gối do thoái hóa lại cố đi bộ càng nhiều, kết cục là bệnh nhân càng thấy đau tăng. Giảm cân nếu bệnh nhân có béo phì. Có thể sử dụng các phương pháp điều trị vật lý như xoa bóp, chạy điện, tắm nước khoáng, các bài tập làm căng sức mạnh cơ.
Trường hợp bệnh nhân đau nhiều: Khi các phương pháp trên không hiệu quả thì dùng các thuốc giảm đau như paracetamol, các thuốc chống viêm không steroid (mobic, voltaren…), thuốc có chondroitin, glucosamin uống; bôi tại chỗ các thuốc dạng gel (voltaren emugel, profenid gel…). Hiện nay có một số thuốc tiêm nội khớp như cortison, acid hyalorunic dùng để tiêm khớp gối cũng cho kết quả khả quan, tuy nhiên phải có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa và tiêm tại cơ sở chuyên khoa uy tín để tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.
Trường hợp thoái hóa khớp ở mức độ nặng, có hủy khớp, biến dạng khớp và không đáp ứng với điều trị nội khoa, cần phẫu thuật can thiệp. Các phẫu thuật có thể là nội soi khớp lấy bỏ các tổ chức thoái hóa, dị vật; hoặc là phẫu thuật chỉnh sửa khớp và thay khớp nhân tạo (khớp háng, khớp gối…). Cần kết hợp phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau phẫu thuật.