Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Sử dụng thuốc an toàn » Dùng thuốc chữa lao cần lưu ý gì?

Dùng thuốc chữa lao cần lưu ý gì?

Streptomycin

Thuốc ít hấp thu qua đường tiêu hóa, chủ yếu dùng tiêm bắp. Ưu điểm nổi bật của streptomycin là có tác dụng tốt trên trực khuẩn lao, nhất là vi khuẩn lao ở giai đoạn sinh sản nhanh. Ngoài ra, thuốc còn tác dụng cả trên trực khuẩn gây bệnh phong, dịch hạch và trực khuẩn đường ruột. Hiện nay chủ yếu dùng điều trị bệnh lao và phải phối hợp với một số thuốc khác.

Tác dụng phụ nguy hiểm nhất khi dùng streptomycin là sốc phản vệ. Nếu xử trí không kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Thứ đến, thuốc có thể gây viêm thận, suy thận, viêm gan cấp tính nhưng ít gặp hơn. Ngoài ra, cũng có thể gặp tổn thương tiền đình ở những người dùng thuốc dẫn đến chóng mặt, mất thăng bằng khó hồi phục, nhất là ở người cao tuổi. Những biểu hiện nhẹ hơn như tê môi, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, mẩn ngứa… cũng thường gặp khi bệnh nhân sử dụng streptomycin.

Isoniazid

Isoniazid hấp thu tốt qua đường uống, trực tràng và đường tiêm. Thuốc có tác dụng tốt với mọi dạng lao cả trong và ngoài phổi, cả thể cấp và thể mạn.

Tác dụng không mong muốn của isoniazid là viêm thần kinh ngoại biên, ở thể nhẹ, bệnh nhân sẽ có cảm giác tê buồn trên da, nếu nặng, bệnh nhân sẽ bị đau nhức. Ngoài ra, có thể gặp rối loạn tâm thần thể hưng cảm, tăng cơn động kinh, co giật, hay gặp ở người suy dinh dưỡng, nghiện rượu và người có tiền sử bệnh tâm thần. Để hạn chế tác dụng không mong muốn trên thần kinh, cần bổ sung vitamin B6 trong thời gian điều trị.

Tác dụng phụ gây viêm gan của thuốc thường xảy ra sau 4 – 8 tuần điều trị. Nguy cơ bị viêm gan tăng nếu sử dụng thuốc hỗn hợp isoniazid với rifampicin (rimactazid) do tác dụng cộng hưởng và người có tiền sử viêm gan, người cao tuổi. Sự tăng men gan thấy xuất hiện vài tuần sau khi bắt đầu điều trị lao khoảng 10 – 20% bệnh nhân dùng INH. Sự tăng men gan này thường ở mức vừa phải và không liên quan dấu hiệu hay triệu chứng bệnh gan. Ở nhiều bệnh nhân tăng men gan tiếp tục dùng INH vẫn chịu đựng được và có thể sau đó men gan lại trở về gần bình thường. Nếu có tăng men gan, ngưng dùng INH thì men gan trở về bình thường trong vòng 1 – 4 tuần. Tuy nhiên, vẫn có ít bệnh nhân khi dùng INH có thể suy gan cấp (có thể xảy ra khoảng 0,1 – 2% bệnh nhân).

Bệnh nhân lớn hơn 50 tuổi có nhiều nguy cơ bị viêm gan khi dùng INH, bệnh nhân trẻ em ít khi có tổn thương gan xảy ra. Bệnh nhân nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam. Khi điều trị, nên theo dõi kỹ để phát hiện viêm gan do INH để ngưng điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng nặng cho gan. Nguy cơ gây độc cho gan tăng lên ở người nghiện rượu khi dùng INH, đặc biệt khi dùng chung với rifampicin trong phác đồ chống lao thì dường như tác dụng gây độc cho gan có vẻ tăng lên.

Ngoài ra, isoniazid còn có thể gây rối loạn tâm thần, người bệnh bị lên cơn động kinh. Thuốc cũng có thể gây rối loạn máu như giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, giảm hồng cầu, tăng bạch cầu ưa acid, đau khớp, sốt, phát ban, sẩn ngứa, nhiều mụn trứng cá…

Do đó, thuốc không được sử dụng cho bệnh nhân động kinh, rối loạn tâm thần hưng cảm; bệnh nhân có bệnh lý gan, thận nặng hoặc các trường hợp mẫn cảm với thuốc.

Rifampicin

Rifamycin là kháng sinh tự nhiên được lấy từ môi trường nuôi cấy streptomyces mediterian, có hoạt tính kháng sinh yếu. Rifampicin là kháng sinh bán tổng hợp từ rifamycin B.

Rifampicin hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, khả năng hấp thu trên 90%. Rifampicin có tác dụng tốt với các chủng vi khuẩn mycobaccterium, đặc biệt là vi khuẩn lao (mycobaccterium tuberculosis) và vi khuẩn phong (mycobaccterium laprae). Một điều đáng chú ý là kháng thuốc của các vi khuẩn lao với rifampicin thường thấp hơn các vi khuẩn khác. Vì vậy, rifampicin được chỉ định riêng cho điều trị nhiễm khuẩn lao và các nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm đã kháng nhiều thuốc. Do đó, hiện nay, rifampicin chủ yếu dùng điều trị mọi dạng lao (phối hợp với các thuốc khác theo phác đồ); điều trị bệnh phong (phối hợp thuốc theo phác đồ);

Tuy nhiên, khi dùng thuốc kéo dài, có một số tác dụng không mong muốn như: buồn nôn, nôn; viêm gan (nhất là người có tiền sử bệnh gan, người nghiện rượu, cao tuổi hay khi phối hợp với các thuốc cũng độc với gan). Ngoài ra, có thể có các biểu hiện khác như đau đầu, mệt mỏi, ban da, thiếu máu, giảm tiểu cầu.

Vì vậy, thuốc không được dùng cho người suy gan nặng, rối loạn chuyển hóa porphyrin, mẫn cảm với thuốc. Thận trọng với người mang thai, nhất là 3 tháng cuối của thai kỳ vì dễ gây xuất huyết.

Thuốc có thể gây viêm gan, men gan tăng, tăng bilirubin do phân tử thuốc lớn làm tắc các ống mật nhỏ. Trường hợp nặng có thể dẫn đến hôn mê gan sau ít ngày điều trị.

Ngoài ra, thuốc nhóm rifampicin có thể gây viêm thận như hoại tử ống thận cấp hoặc suy thận cấp. Gây rối loạn hô hấp như khó thở, thở rít, rối loạn tiêu hóa: đau thượng vị, nôn, tiêu chảy… Ảnh hưởng tới hệ thần kinh như đau đầu, mất điều hòa, lẫn lộn, kém tập trung. Rối loạn máu như tan hồng cầu gây thiếu máu, giảm tiểu cầu gây xuất huyết. Gây dị ứng: từ nặng là sốc đến nhẹ là mẩn ngứa, phát ban, mày đay.

Pyrazinamid

Nhóm thuốc này có thể gây viêm gan, tăng men gan. Tăng acid uric dẫn đến cơn gút cấp, đau khớp. Ngoài ra, thuốc có thể gây ăn kém, buồn nôn, tiểu khó, sạm da…

Ethambutol

Phản ứng không mong muốn hay gặp của thuốc là viêm thần kinh thị giác, giảm thị lực, mù màu đỏ và xanh, nặng có thể gây mù vĩnh viễn. Tác dụng không mong muốn khác: rối loạn tiêu hóa, dị ứng, sốt, đau khớp, nhức đầu, chóng mặt. Hiếm gặp là cơn gút cấp do ethambutol làm giảm thải trừ acid uric.

Khi dùng thuốc điều trị bệnh lao, người bệnh cần hết sức tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng thuốc, thời gian uống thuốc. Nếu có những bất thường trong quá trình dùng thuốc, cần được khám bệnh và được hướng dẫn điều trị phù hợp, không nên tự động thay đổi liều thuốc hoặc tự bỏ thuốc.
 

Gửi thảo luận