THƯƠNG HÀN
* Kinh trị thương hàn về mùa đông, mồ hôi không ra được, uống thuốc giải biểu mà mồ hôi vẫn không vã ra.
– Gừng và Hành cả rễ, Đậu sị, hai vị lượng bằng nhau, giã nhỏ, nặn thành bánh đặt lên rốn. Lấy lụa buộc chặt cho ra mồ hôi thì thôi.
– Hạt Cải giã nhỏ, đặt lên rốn, lấy đồ nóng chườm ngoài áo cho ra mồ hôi.
TRÚNG HÀN
– Hành củ giã nát, sao nóng, lấy vải gói lại, đem chườm lên rốn, nguội thì đổi cái khác.
TRÚNG THỬ
* Kinh trị trúng thử, trước cảm vào tâm kinh, ngã nhào bất tỉnh nhân sự.
– Không cho uống nước lạnh, không cho nằm dưới đất ướt, cho uống nước nóng hoặc nước đái trẻ con rồi lấy vải xanh nhúng nước nóng mà đắp vào rốn cho ấm, tỉnh lại rồi mới cho uống thuốc.
* Kinh trị người đang đi đường cảm nắng bỗng ngã nhào xuống.
– Dìu nạn nhân vào nơi mát, lấy đất nóng giữa đường đắp xung quanh rốn thành cái chậu. Kêu mọi người đái vào, hồi lâu ấm được là tỉnh ngay.
* Kinh trị trúng nắng độc ngất
– Tỏi củ to một vốc, đất nóng giữa đường một vốc, giã nhừ, hòa với một chén nước mới, múc cho uống. Nếu cấm khẩu thì cậy răng mà đổ, lại lấy đất nóng giữa đường, nặn đắp xung quanh rốn, cho trẻ đái vào làm cho khí ấm thấu tới bụng, giây lát tỉnh ngay.
CHỨNG TÁO
* Kinh trị đại tiện, táo bón
– Hành trắng cả cọng và rễ ba tép, Gừng sống một củ bằng ngón tay, Đậu sị 21 hạt, muối một nhúm, giã chung cho nát, làm thành bánh, hơ lửa nóng, chườm lên rốn, nguội thì lại hơ lại và chườm nữa.
PHẠM PHÒNG
* Trị phạm phòng đau bụng dưới, teo hòn dái, ra mồ hôi lạnh, tay chân giá lạnh, nếu không trị thì nguy.
– Hành trắng giã nát, xào nóng, đem chườm vào rốn; Hành tăm 20 củ giã nát, nấu với rượu cho uống.
*Trị thương hàn phạm phòng đau bụng, giá lạnh.
– Hạt Cải nghiền nhỏ, hòa với nước, đắp ở rốn.
* Kinh trị thương hàn mới khỏi, lại phạm phòng gần chết
– Muối trắng sao qua đêm để lên trên rốn, lấy lá Ngải cứu cứu 9 mồi cho đi lỏng là khỏi.
CỔ TRƯỚNG
*Kinh trị đau bụng quằn quại.
– Tóc người bệnh 30 sợi, đốt qua, tán bột, hòa với nước mà uống, lại dùng hạt Cải tán nhỏ, trộn với nước như bùn, buộc vào giữa rốn, ra mồ hôi như tắm là lành.
THUỶ THŨNG
* Kinh trị mình mặt bị thuỷ thũng, nằm ngồi không yên.
– Rượu, Ốc bươu, hột Mã đề, Tỏi củ to, lượng bằng nhau, giã nát, đắp lên rốn, buộc chặt, nước sẽ theo tiểu tiện mà ra.
– Củ Tỏi, Ốc bươu, hột Xa tiền, các vị lượng bằng nhau, giã nát, trộn thành cao, dán giữa rốn, nước theo tiểu tiện mà xuống, vài ngày là khỏi.
HOẮC LOẠN
* Kinh trị hoắc loạn quá nặng, chân tay lạnh giá, đã chết ngất nhưng trong tim còn ấm.
– Muối bỏ vào rốn cho đầy, lấy Ngải nhung đặt lên mà cứu, cứu đến sống lại thì thôi, không kể số mồi.
* Kinh trị hoặc loạn vọp bẻ, trong bụng buồn phiền khó chịu.
– Tỏi một lạng, muối một lạng, hai vị cho vào giã, nặn thành bánh, đắp trên rốn, đặt Ngải cứu lên mà đốt 7 mồi là lành. Lại lấy củ Tỏi cắt một bên, đem xát giữa rốn cho nóng lên là an toàn.
CƯỚC KHÍ
* Kinh trị cước khí ủng tắc, đại tiểu tiện không thông
– Ốc bươu 3 con, muối ăn một nhúm, cùng giã nát, đặt lên rốn dày 1 tấc 3 phân, dùng khăn buộc chặt thì thông.
ĐỒI SÁN
* Kinh trị một hòn dái trệ xuống, gân rút đau muốn chết.
– Đổ muối vào giữa lỗ rốn dày nửa tấc, lấy Ngải cứu đặt lên trên lớp muối mà đốt cho được nhiều mồi, để cho khí thấu vào là lành.
ĐỔ MỒ HÔI
* Kinh trị chứng tự hãn và đạo hãn
– Ngũ bội tử tán nhỏ, hòa với nước miếng, đắp vào lỗ rốn, băng chặt lại một đêm là khỏi.
* Kinh trị chứng tự hãn mãi không thôi
– Hà thủ ô tán nhỏ, hòa với nước miếng, đặt vào lỗ rốn là lành ngay.
QUYẾT CHỨNG
* Kinh trị các chứng thoát dương, chân tay giá lạnh, bất tỉnh nhân sự, hoặc ruột non đau quặn, đổ mồ hôi, suyễn thở.
– Muối sao nóng, đem chườm lên rốn thì khỏi.
CỐ LÃNH
* Kinh trị âm chứng ngọc hành rụt lại, đái không thông.
– Gà mái béo một con, dùng dao mổ nhanh trên lưng rồi banh rộng ra, để nguyên, đem áp lên rốn, cho người đạp lên trên con gà, hồi lâu nóng thấu vào tiểu tiện được thì khỏi.
– Hạt cải 7 đồng cân, Can khương 3 đồng cân, tán nhỏ, trộn với nước, nặn thành bánh, đem đắp vào rốn, tay giữ chặt lại, rắc lên ít muối rồi dùng cái âu đồng có đựng than hồng chườm lên vài lần cho đổ mồ hôi. Lại nắm ngọc hành người bệnh kéo ngược lên rốn, đầu ngọc hành chấm tới chỗ nào thì cứu tại chỗ đó 7 mồi.
NĂM CHỨNG ĐẢN
* Truyền trị đau mới khỏi, da vàng bụng trướng to, tiểu tiện không thông.
– Lá Hẹ giã nát cùng với bã rượu và muối trộn đều, đặt vào rốn, buộc chặt lại là khỏi.
BỆNH TAI
* Truyền trị tai đau như dùi đâm
– Lá Bạch đầu ông thấm nước, giã nát, đem dán giữa rốn thì khỏi. Khi bụng dưới nghe sôi thì phải lấy thuốc ra ngay, chớ để lâu mà sinh lở rốn.
KIẾT LỴ
* Kinh trị chứng cấm khẩu lỵ
– Tỏi giã nát, dịt vào giữa hai lòng bàn chân và lỗ rốn, rất công hiệu.
TIÊU CHẢY
* Kinh trị sau khi thổ tả, thoát dương nguy cấp, chân tay giá lạnh, bất tỉnh nhân sự.
– Hành hương giã nát, xào nóng, chườm vào lỗ rốn, dùng 21 tép Hành khác giã nát, hòa với rượu cho uống thì hồi dương.
* Kinh trị chứng nhiệt tả đại tiện mãi không thôi.
– Lá Vông nấu sôi, xông vào lỗ đít, lúc nước ấm thì rửa tay chân; Tỏi giã nát, dịt hai lòng bàn chân và giữa lỗ rốn.
LÂM CHỨNG
* Truyền trị đàn bà bí đái.
– Cọng rau Muống một nắm to, giã nát, dịt vào rốn là đái sẽ thông.
BÍ TIỂU TIỆN
* Kinh trị bí tiểu tiện 7, 8 ngày, khí sông lên thành thũng trướng, rất nguy cấp.
– Tía tô lượng nhiều, cho vào nồi to, đổ nước vào nấu sôi rồi ngồi lên trên mà xông, nguội thì thêm nước sôi vào, xông với thời gian dài. Dùng muối sao nóng, bọc vải chườm trên rốn và các chỗ sưng phù, đái được ngay, phù sẽ xẹp.
* Kinh trị chứng bí tiểu tiện trướng bụng, chậm thuốc sẽ chết.
– Gừng sống 5 đồng cân thái nhỏ, bấc một nắm. Dùng nước mới múc sắc cho uống. Hành một cân giã nhỏ, xào nóng, bọc làm hai gói, thay đổi mà chườm trên rốn, hơi nóng thấu vào là đái thông ngay.
– Muối một nhúm bỏ vào rốn, dùng lá Ngải khô vò nát để lên trên mà cứu, đến khi đái thông thì thôi hoặc dùng củ Hành thái mỏng để lên rốn rồi để Ngải lên mà cứu.
– Ốc bươu một con, muối nửa đồng cân, giã nát, dịt vào rốn dầy một tấc ba phân, đái sẽ thông.
* Kinh trị đái không thông.
– Dành dành 14 quả, Tỏi một (loại Tỏi to chỉ có một củ cái, không có nhiều tép), muối một ít, giã nát các vị trên cùng muối, đem dịt rốn và bìu dái, một hồi lâu là đái thông.
* Truyền trị nam phụ lão ấu đái không thông.
– Khế chua 7 quả, mỗi quả chỉ cắt lấy gần cuống một miếng, đổ vào một bát nước, sắc còn nửa bát, uống nóng. Lại dùng một quả giã nát, dịt vào lỗ đái; Tỏi một củ giã nát, dịt vào lỗ rốn là đái sẽ thông.
BÍ ĐẠI TIỆN
* Kinh trị đại tiện bí kết, đến nỗi hôn mê bất tỉnh nhân sự
– Ốc bươu to 2,3 con dùng cả vỏ, muối một chén con, giã nát, đắp vào rốn dầy 1 tấc ba phân, dùng vải buộc chặt lại là khỏi.
BÍ ĐẠI TIỂU TIỆN
* Kinh trị đại tiện không thông, uống các thuốc mà không công hiệu.
– Hành trắng giã nát hoà với giấm thanh dịt vào lỗ rốn. Dùng Ngải cứu đốt 7 mồi là thông.
– Ba đậu, Hoàng liên đều 5 đồng, tán nhỏ, nhào với nước làm bánh, Hành và muối giã nhỏ vào lỗ rốn rồi đặt bánh thuốc lên trên, để Ngải cứu lâu năm lên mà cứu 27 mồi là thông ngay.
– Phân thỏ một nắm để vào rốn, nhỏ nước lạnh vào hồi lâu khí thấu sẽ thông.
BỆNH NGƯỜI GIÀ
* Kinh trị người già bí đại, tiểu tiện
– Gừng một lát, Hành 3 củ, muối một nhúm, Đậu sị một nắm, giã nát, vắt làm bánh tròn, đặt vào lỗ rốn, hồi lâu là thông.
ĐỘNG THAI
* Kinh trị có thai đã 6,7 tháng, đau bụng tiểu tiện gắt, đại tiện bí và bệnh thời khí phát sốt, uống phương này có thể bảo hộ được thai.
– Đất lòng bếp hai đồng cân tán nhỏ, uống với nước đun sôi để nguội và hoà đất lòng bếp ra làm bùn, đắp vào lỗ rốn.
* Truyền trị đàn bà có thai bị thương hàn, vì sợ sẩy thai mà không dám uống thuốc.
– Đất lòng bếp một hòn to, nghiền nhỏ, hòa với nước lạnh mà uống, lại đắp vào lỗ rốn, dày 2, 3 tấc là yên.
– Bùn đáy giếng, đất lòng bếp, Thanh đại, tán nhỏ, dịt vào lỗ rốn dày hai tấc, khô lại thay.
* Kinh trị có thai ngộ phải nhiệt độc
– Phân dê giã nát, dịt vào lỗ rốn để an thai, đồng thời tuỳ chứng mà dùng thuốc thì bảo vệ được thai.
* Kinh trị có thai tiểu tiện không thông, dưới rốn tích bế, bụng trướng đầy.
– Cây Mã đề giã vắt lấy nước cốt, hòa bột Hoạt thạch vào mà uống, lấy bã đắp chung quanh rốn, nóng lại thay là khỏi.
* Truyền trị có thai đại tiểu tiện không thông
– Ốc bươu giã nát hoà với muối và cám, nướng nóng, dịt trên rốn, nguội lại thay, vài lần là thông.
THAI SẢN
* Kinh trị con chết trong bụng hoặc đẻ ngang đẻ ngược, sản phụ muốn kiệt hơi.
– Đất lòng bếp tán nhỏ, mỗi lần uống ba đồng, hòa với nước cho nóng và xát vào lỗ rốn thì đầu đứa con sẽ đội lên mà ra.
* Kinh trị sót nhau không xuống.
– Đất lòng bếp hòa với giấm như bùn, đắp vào lỗ rốn là xuống ngay.
SẢN HẬU
* Kinh trị sau khi sanh máu hôi không ra hết, công vào trong sinh đau bụng.
– Ngải cứu khô một vốc, giã nát, sao với giấm cho nóng, dịt lên lỗ rốn, đái được thì khỏi.
THỔ TẢ
* Kinh trị trẻ con tả lỵ
– Tỏi giã nát, đem đắp vào hai lòng bàn chân và rốn thì khỏi.
KIẾT LỴ
*Truyền trị trẻ em bị chứng xích bạch lỵ, đau bụng mót rặn
– Rau Rừa nước một đồng, Tía tô 1 đồng, Bạc hà một đồng, lá Thuốc cứu 7 đọt, Gừng 3 lát, Xương bồ 3 lát (kiêng sắt), giã nát, xào chín, đem buộc vào rốn, ngày thay 3 lần.
* Kinh trị đi lỵ ra máu tươi và lỵ không ăn uống được
– Ốc bươu giã nát đắp lên rốn thì khỏi.
PHONG CHÚM MIỆNG
* Kinh nghiệm chữa phong chúm miệng
– Lá Ngải cứu đốt cháy, nhét vào rốn, lấy vải buộc kỹ là khỏi, hoặc Tỏi một củ cắt lát đặt trên rốn rồi lấy Ngải cứu mà cứu, khi hơi Ngải lên đến miệng thì khỏi.
SƯNG RỐN
* Kinh trị trẻ con sưng rốn
– Kinh giới nấu lấy nước rửa; Hành củ nướng nóng, thái mỏng, đắp lên rốn.
– Quế tâm nướng nóng đem chườm vào rốn, ngày làm 4 – 5 lần thì khỏi.
KHÔNG ĐÁI
* Kinh trị chứng không đi đái
– Muối rắc lên rốn; lá Ngải cứu hơ nóng đặt lên trên muối, cứu 4 – 5 mồi là khỏi.
KHÓC ĐÊM
* Phương trị trẻ con khóc đêm
– Hạt Bìm bìm đen một đồng, tán nhỏ, hoà với nước bôi ở rốn.
ĐƠN ĐỘC
* Hồ lậu đơn, đơn mọc từ rốn trước.
– Đất lòng bếp lâu năm càng tốt, tán nhỏ, lấy nước nhà dột hoặc nước mới múc hoặc lòng trắng Trứng gà hoặc Dầu mè trộn với bùn đắp vào rốn, khô thì đắp nữa.
BÍ ĐẠI TIỂU TIỆN
* Kinh trị trẻ con bí đại tiểu tiện trướng bụng gần chết.
– Hành cả rễ và lá một cây, Gừng sống một củ, Đậu sị 20 hạt, muối ăn một muỗng cà phê, giã nát, nặn thành bánh, hơ nóng, dán lên giữa rốn, lấy lụa trắng buộc lại hồi lâu thì thông, lại đổi bánh khác rất hay.
– Đậu đen một vốc, Ốc bươu 19 con, Hành một nắm, giã nát, nặn thành bánh, hơ nóng, làm như trên.
LỞ RỐN
* Kinh trị trẻ con lở rốn không khỏi
– Tàng ong đốt ra tro, tán nhỏ rắc vào.
– Dễ nhũi, Cam thảo lượng bằng nhau cùng nước tán nhỏ, rắc vào thì khô.
– Cóc một con, đốt ra tro, tán nhỏ rắc vào cũng hay.
– Đất lòng bếp, tán nhỏ, rắc vào hoặc dùng đất vách phía đông cũng hay.
– Cây Ké đầu ngựa đốt ra tro, nghiền nát rắc vào.
– Kén tằm đốt tồn tính, tán nhỏ, rắc vào thì khỏi.
– Tàng ong đốt ra tro, bụi trên xà nhà, hai thức nghiền đều rắc vào.
– Rau Sam đốt ra tro, nghiền nhỏ, rắc vào rất hay.
– Đậu xị một vốc, muối 5 đồng cho vào ít nước giã như bùn, nặn thành miếng bánh, để lên mảnh ngói nướng nóng đem chườm, nguội lại nướng lại chườm là khỏi.
* Kinh trị trẻ con sưng rốn
– Vỏ quế một miếng, cạo bỏ bì khô, nướng nóng đem chườm lên rốn
ĐINH ĐỘC
* Kinh trị đinh độc mọc ở rốn, nguy cấp
– Lá Mướp, cành và rễ lá Hẹ, lượng bằng nhau, giã nát, vắt lấy nước hòa với rượu nóng mà uống, bã cặp vào nách, đinh mọc ở tay trái thì cặp nách trái, ở chân phải thì cặp ở háng bên phải, nếu ở bụng thì đắp vào lỗ rốn, dùng lụa quấn chặt lại, đợi cho những tia đỏ ở dưới thịt đều trắng ra hết thì đinh đọc tan.
NĂM CHÚNG TUYỆT
* Phép chữa chết đuối đã kinh nghiệm.
– Cởi áo và thắt lưng, dùng Ngải đốt giữa lỗ rốn 3 mồi, lại cho hai người lấy ống tre thổi hơi vào hai lỗ tai là sống.
– Bồ kết 3 đồng, muối một lạng, Quế một đồng, Hoàng lực một lạng, tán nhỏ, mỗi lần dùng 1 đồng nhét vào trong ống tre, thổi vào trong lỗ đít, cho nước chảy ra và dùng muối đắp vào lỗ rốn, để Ngải lên trên cứu 3 mồi là sống.
– Lấy muối rang đặt vào rốn, đặt nằm trên giường, chân sau giơ cao lên, đợi nước chảy ra, chớ dốc ngược ra nước là tuyệt khí thì nguy.
– Lá Lấu và vỏ cây Vông giã nát, hoà với nước mới múc, đắp lên trên đỉnh đầu và khắp mình, trên rốn, lúc lâu dùng muối đắp lên rốn, lấy Ngải cứu 3 mồi là sống.
(1): Hội y học cổ truyền Tp Hồ Chí Minh tái bản lần II – 1994.
(2): Thái Hư theo “Gia đình Trung Y Dược”.
Cái rốn trong trị liệu của Danh y Tuệ Tĩnh
BS. Nguyễn Hồng Trung