BS Trần Anh Tuấn, Giám đốc bệnh viện Mắt TPHCM, cho biết: “Tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang là một trong những vấn đề nóng hiện nay. Khảo sát gần đây cho thấy tỷ lệ mắc tật khúc xạ học đường tại TPHCM chiếm đến 30%, trong khi đó tại các miền quê tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 15%. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trẻ mắc tật khúc xạ ngày một nhiều do chơi đùa ít, đọc sách, chơi game nhiều… không gian hạn chế của môi trường sống tại thành phố khiến tầm nhìn của các em bị giới hạn.”
Trên thế giới, công nghệ phẫu thuật tật khúc xạ không gây biến chứng Relex Smile đã xuất hiện ở nhiều quốc gia. Sự thành công gần như tuyệt đối của phương pháp này tạo động lực thúc đẩy nhiều bệnh nhân mắt tại Việt Nam tìm đến các nước như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… chữa trị khiến chuyên khoa Mắt trong nước đứng trước nguy cơ tụt hậu. Trước tình hình trên, bằng nguồn vốn xã hội hóa, bệnh viện Mắt TPHCM đã đầu tư 1 triệu USD để trang bị công nghệ hiện đại này.
BS Trần Hải Yến, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết: “Từ tháng 11 năm 2011 bệnh viện đã bắt đầu thực hiện phẫu thuật mắt bằng phương pháp tiên tiến Relex Smile – dùng hoàn toàn laser femtosecond để chỉnh tật khúc xạ chỉ trong một bước bắn laser. Đã có khoảng 40 bệnh nhân trong và ngoài nước thực hiện phẫu thuật bằng phương pháp mới này”.
Cũng theo BS Yến, phẫu thuật Smile chỉ mở một đường cắt vòng cung 30 đến 40 độ thay vì 300 độ như phẫu thuật Lasik. Vết cắt nhỏ cho phép chỉnh khúc xạ với độ chính xác cao, tránh được biến chứng đồng thời giảm thiểu tình trạng khô mắt sau phẫu thuật, chất lượng thị giác sau mổ tốt hơn, tỷ lệ tái cận ít xảy ra.
Tuy nhiên, chi phí phẫu thuật đang là vật cản lớn khiến người bệnh khó tiếp xúc với công nghệ hiện đại này. Nếu những ca phẫu thuật truyền thống chỉ tốn khoảng 9 đến 10 triệu đồng cho một mắt thì phẫu thuật Smile bệnh nhân phải chi trả lên đến 35 triệu đồng.