Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Phòng và chữa bệnh » Cách nhận biết các bệnh lý mạch máu nguy hiểm

Cách nhận biết các bệnh lý mạch máu nguy hiểm


Các bệnh lý về mạch máu có những dấu hiệu rất dễ nhận biết nhưng hay bị chúng ta bỏ qua. Khi bệnh không được điều trị kịp thời thường biến chứng rất nguy hiểm, đa phần gây ra các ca tai biến hoặc đột tử.

Bệnh lý mạch vành

Theo BS Đinh Đức Huy, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Tim Tâm Đức TP.HCM, có thể chia bệnh động mạch vành ra làm hai loại là bệnh mạch vành mạn tính và hội chứng mạch vành cấp.
Người ta phân chia mức độ nặng của cơn đau thắt ngực từ I tới IV. Ở độ I, bệnh nhân chỉ đau ngực khi hoạt động gắng sức mạnh như leo cầu thang cao, leo dốc, mang vác nặng. Độ II là cơn đau xuất hiện với mức gắng sức trung bình, độ III bệnh nhân có cơn đau khi gắng sức nhẹ (khi làm vệ sinh cá nhân, đánh răng là cơn đau cũng xuất hiện). Ở mức độ nặng nhất, ngay cả khi người bệnh nằm nghỉ, không hoạt động cũng có thể có cơn đau. Cơn đau thắt ngực điển hình của người bị bệnh động mạch vành mạn tính thường lan về phía cánh tay trái và lan lên cằm.
“Khi các mảng xơ vữa chiếm hơn 70% đường kính lòng động mạch vành thì gọi là mạch vành bị hẹp khít, khoảng 50-70% là hẹp trung bình, còn dưới 50% là hẹp nhẹ”, BS Huy nói.
Nguy hiểm và khó lường trước hơn cả là hội chứng động mạch vành cấp. Người bệnh có thể sẽ thấy xuất hiện những cơn đau ngực với mức độ đau thay đổi về tần suất và cường độ, mà thuật ngữ y khoa gọi là cơn đau thắt ngực không ổn định. Nặng hơn, trong hội chứng động mạch vành cấp, bệnh nhân có thể bị nhồi máu cơ tim cấp.
Có tới gần 50% bệnh nhân nhồi máu cơ tim bị đột tử trước khi đến bệnh viện, nguyên nhân thường do rối loạn nhịp thất. Có nhiều bệnh nhân ở dạng này lên cơn đau tim và tử vong bất ngờ ngay khi đang chơi tennis, bóng đá…
Những bệnh lý mạch vành hoàn toàn có thể được nhận biết để điều trị sớm. Bệnh nhân bị bệnh mạch vành đa số nằm trong nhóm có yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu, hoặc tiền sử gia đình có người bị bệnh mạch vành…
Để phát hiện bệnh lý mạch vành sớm, BS Huy khuyên những người trên 40 tuổi có các yếu tố nguy cơ như trên nên đi kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định cho làm xét nghiệm sinh hóa, chụp Xquang tim phổi, đo điện tâm đồ lúc nghỉ, siêu âm tim, các trắc nghiệm gắng sức để phát hiện bệnh sớm và tư vấn cho bệnh nhân chế độ sinh hoạt, điều trị phù hợp.
Bệnh nhân bị bệnh lý mạch vành trung bình ở độ tuổi trên 60. Tuy nhiên, hiện nay độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Ở nhóm bệnh nhân trẻ dưới 45 tuổi, các bác sĩ ghi nhận phần lớn họ đều hút thuốc lá nhiều.
Ngoài ra, chế độ sống, sinh hoạt không điều độ, quá căng thẳng cũng có thể có liên quan đến bệnh mạch vành.


Suy, giãn tĩnh mạch chi

Kể tới bệnh lý về mạch máu không thể bỏ qua bệnh mạch máu chi. PGS.TS.BS Cao Văn Thịnh, Trưởng khoa Lồng ngực – mạch máu, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM cho biết, bệnh nhân mắc bệnh mạch máu chi không điều trị kịp thời sẽ bị biến chứng làm da lở loét, tạo ra các huyết khối tĩnh mạch dẫn tới tử vong.
Các đối tượng thường bị bệnh mạch máu chi hay gặp ở phụ nữ, chủ yếu là người lớn tuổi, những người phải đứng, ngồi lâu như thợ dệt, thợ may, giáo viên, phụ nữ dùng thuốc ngừa thai và gặp cả ở đối tượng bị căng thẳng quá độ.
Bệnh mạch máu chi được chia ra thành suy tĩnh mạch mãn và giãn tĩnh mạch chi. Bệnh chia thành sáu cấp độ. Ở độ I – II biểu hiện của bệnh kín đáo, đôi khi đứng lâu người bệnh chỉ hơi bồn chồn chân. Ở độ III – IV, biểu hiện bệnh cũng tăng theo bằng các triệu chứng phù chân, tĩnh mạch ngoài nổi rõ. Từ độ IV – VI da bệnh nhân bị đổi màu, lở loét, nặng nhất sẽ tạo ra huyết khối tĩnh mạch gây ứ trệ máu về tim và tử vong.
BS Thịnh cảnh báo, người có dấu hiệu lâm sàng như nặng chân nên đi khám chuyên khoa để được xử trí kịp thời. Trước đây, người bị bệnh mạch máu chi được điều trị bằng phương pháp mổ hở nhưng nay đã có máy laser đốt tĩnh mạch, thời gian hồi phục nhanh, ít biến chứng hơn nhiều.
Hiện tại, Bệnh viện 115 đang tổ chức khám và tư vấn miễn phí bệnh lý mạch máu chi cho mọi người.


Bệnh lý mạch máu não

Theo BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, nặng nề nhất đối với bệnh lý mạch máu não là xuất huyết não gây đột quỵ
Trong não có rất nhiều mạch máu nhỏ, khả năng chịu áp lực kém. Đặc biệt trên nền một người bị cao huyết áp sẵn, bản thân mạch máu đã bị xơ vữa rất nhiều, khi huyết áp tăng cao, việc xuất huyết là khó tránh khỏi. Những nguyên nhân dễ làm con người bị xuất huyết não chính là rượu bia, chất kích thích và sự thay đổi thời tiết đột ngột. Ngoài ra, trong các ca bị xuất huyết não có nhiều bệnh nhân bị cao huyết áp nhưng không chịu uống thuốc đều đặn. Khi họ uống thuốc một thời gian, thấy huyết áp trở lại bình thường thì tự ý ngưng thuốc.
BS Thắng lưu ý, khi thấy người thân có các dấu hiệu của xuất huyết não như cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân, bỗng dưng không nói được, hoặc nói nhảm, mất thị lực (đặc biệt chỉ xuất hiện triệu chứng ở một bên mắt), đau đầu dữ dội, chóng mặt, cơ thể mất thăng bằng, không thể vận động theo ý muốn hãy đưa tới bệnh viện ngay trong vòng ba giờ đồng hồ.
Nếu chậm trễ cấp cứu, bệnh nhân xuất huyết não sẽ phải sống đời tàn phế hoặc tử vong.

Gửi thảo luận