Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Phòng và chữa bệnh » Ngăn ngừa bị mù vĩnh viễn

Ngăn ngừa bị mù vĩnh viễn

 Thế nào là đục thủy tinh thể?

Thể thuỷ tinh là một thấu kính trong suốt ở bên trong con mắt. Nó góp 1/3 vào năng lực hội tụ của nhãn cầu. Công suất hội tụ của thể thuỷ tinh được đảm bảo khi nó còn trong suốt, các mặt cong và độ dày còn nằm trong giới hạn sinh lý. Ngoài ra thể thuỷ tinh còn có chức năng lọc tia tử ngoại – tia có hại có trong phổ bức xạ của mặt trời. Khi các phân tử protein không hoà tan bị tích tụ trong thể thuỷ tinh cùng với tuổi tác thì tính trong suốt của nó không còn nữa. Các tia sáng khi đi qua vùng bị đục sẽ bị tán xạ mạnh gây giảm thị lực. Đục thể thuỷ tinh được coi là đáng kể khi nó làm giảm thị lực xuống còn < 3/10.

Bệnh của người già

Đục TTT là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi xong gặp nhiều nhất ở người cao tuổi (có tới 80% số người mắc bệnh ở độ tuổi trên 50). Người bệnh bị đục thủy tinh thể mắt mờ tăng dần, thường kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm và dẫn tới mù lòa. Tuy nhiên, nhiều người già khi thấy mắt mình có những biểu hiện như vậy, trở nên kém tinh nhanh lại tưởng là già thì mắt phải như vậy, chứ hoàn toàn không nghĩ có thể điều trị phục hồi được.

Có nhiều nguyên nhân gây đục TTT, thường gặp nhất là do lão hóa, do bệnh lý về mắt (cận thị nặng, viêm nhiễm, chấn thương, thoái hóa…), bệnh toàn thân ảnh hưởng lên mắt (đái tháo đường, tăng huyết áp…), do dùng thuốc như corticoid, thuốc chống rối loạn tâm thần hoặc bẩm sinh (liên quan đến các yếu tố bất thường từ bào thai).

Nhận biết sớm

Ở người cao tuổi sự lão hoá xảy ra ở tất cả mọi bộ phận trong cơ thể, đôi mắt của họ cũng không là ngoại lệ. Mắt bị lão hóa, TTT bị ảnh hưởng do sự lão hoá sớm nhất, đến tuổi 40 TTT bắt đầu cứng, độ đàn hồi giảm, khả năng điều tiết giảm. Khi đó bệnh nhân nhìn xa rõ nhưng nhìn gần mờ và thấy nhanh mỏi mắt.

Đục TTT dễ xảy ra từ tuổi 60 trở đi, gây ra hiện tượng đục mờ TTT. Sự đục mờ này ngăn không cho tia sáng lọt qua, kết quả là võng mạc không thu được hình ảnh và thị lực bệnh nhân suy giảm dẫn đến mù lòa.

TTT (nhân mắt) bị xơ cứng, không thể phồng lên để thực hiện chức năng điều tiết khi nhìn gần gọi là hiện tượng lão thị ở người già. Theo thời gian, TTT không còn trong suốt nữa, mà trở thành mờ đục gây nên hiện tượng đục TTT (còn gọi là cườm). Hiện tượng này xảy ra ở 50% người lớn tuổi, khi mới bị thì nhìn xa thấy mờ, về sau nhìn gần cũng mờ, giơ bàn tay ra trước mắt cũng chỉ thấy bóng.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có biểu hiện rõ rệt như vậy ngay từ ban đầu. Hơn nữa, bệnh này không gây đau nhức mắt khiến người bệnh càng chủ quan.Cũng có nhiều người chỉ thấy giảm thị lực đôi chút, chói mắt khi ra nắng khiến người bệnh chỉ đến khám khi bệnh đã nặng, rất khó chữa chạy. Nếu được phát hiện, điều trị sớm, 90% người bệnh được khôi phục lại thị lực.

Có tới 1/3 dân số Việt Nam chưa bao giờ đi kiểm tra mắt, kiểm tra thị lực. Đó cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ người bị mù lòa ở Việt Nam thuộc loại cao trong khu vực, trong đó mù lòa do đục TTT chiếm đến 70%.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả

Hiện nay, không thể phòng bệnh đục TTT một cách có hiệu quả. Điều quan trọng là phải đi kiểm tra mắt thường xuyên để phân biệt với những bệnh mù do nguyên nhân khác.

Đối với đục TTT ít, có thể cho bệnh nhân đeo kính, dùng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt khi làm việc. Nếu những biện pháp này không có tác dụng, chỉ có phẫu thuật lấy TTT đục và đặt kính thay thế thủy tinh thể là cách điều trị hiệu quả nhất.

Thông thường phẫu thuật được chỉ định khi thị lực dưới 5/10 (có chỉnh kính) hoặc gây giảm thị lực cản trở sinh hoạt hằng ngày, chẳng hạn như lái xe, đọc sách hoặc xem tivi.

Trong một số trường hợp, đục TTT chưa gây giảm thị lực nhiều nhưng cần phải phẫu thuật để tạo thuận lợi cho việc khám, điều trị các bệnh mắt khác như bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già hoặc bệnh võng mạc tiểu đường.

 Các loại thủy tinh thể nhân tạo.

Sau phẫu thuật đục TTT, bệnh nhân cần che mắt bảo vệ (băng che mắt, kính mát…) để tránh gió bụi, hạn chế tiếp xúc với máy tính, đọc báo, xem tivi… trong vòng 1 tuần; rửa tay trước khi chạm vào mắt và sử dụng thuốc theo quy định; rửa mi mắt bằng gạc để lấy đi chất dịch bám vào mắt; tuyệt đối không dụi tay lên mắt, nháy mắt mạnh nhằm tránh xảy ra đè áp mạnh gây chấn thương mắt; ăn thức ăn dễ tiêu, tránh táo bón, tránh dùng các chất kích thích; tái khám đúng theo lịch hẹn (thường là sau 1 tuần và 1 tháng sau khi phẫu thuật).

 
Khi có các dấu hiệu: giảm thị lực, đau kéo dài mặc dù đã dùng thuốc giảm đau; đỏ mắt tăng; chớp sáng hoặc nhiều đốm đen trước mắt; buồn nôn, nôn hoặc ho nhiều… bệnh nhân nên tái khám sớm. Thông thường, mắt hồi phục thị lực tối đa trong vòng 8 tuần. Không nên đi bơi, tắm biển, chơi những môn thể thao mạnh trong vòng 3 tháng.  

Gửi thảo luận